Đổ lỗi cho game gây ra khủng bố, giải đấu Counter-Strike sẽ không được lên TV

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/07/2016 06:18 PM

Các quan chức tại Đức đã coi game giống như một trong những lý do dẫn tới vụ khủng bố thương tâm vừa xảy ra

Ngay sau thảm kịch khủng bố xảy ra ở Munich, Đức, khiến cho ít nhất 6 người thương vong, giải đấu CS:GO ELeague đã bị ngừng phát sóng trên truyền hình tại quốc gia này. Theo ESPN, kênh truyền hình MAXX của đài ProSieben, vốn đã có kế hoạch phát sóng giải đấu CS:GO kể trên vào hai ngày thứ 6 và thứ 7 tuần này, thế nhưng họ đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch truyền hình.


NiKo, game thủ đang thi đấu cho team MouseSports

NiKo, game thủ đang thi đấu cho team MouseSports

Freaks 4U, một đơn vị marketing liên quan tới khâu tổ chức giải đấu cho biết: "Ngày hôm nay ELeague đã bị hủy bỏ kế hoạch phát sóng. Đây là một điều rất buồn đối với chúng tôi vì cơ hội giúp những người chưa biết nhiều về eSports có thể biết tới sự tuyệt vời của bộ môn thể thao điện tử đã bị tước bỏ. Chúng tôi cũng xin được cảm ơn những khán giả đã ủng hộ chúng tôi trong suốt thời gian qua."

Theo hãng tin Reuters, các quan chức Bavaria cho biết, kẻ khủng bố tại Munich là một kẻ chơi Counter-Strike: Source. Và rất có nhiều khả năng chính việc đây là một tựa game bắn súng có nội dung tương đối bạo lực, chỉ dành cho những game thủ trên 18 tuổi, nên các quan chức tại Đức, vốn là một đất nước rất mạnh tay trong việc kiểm soát game, đã coi game giống như một trong những lý do dẫn tới vụ khủng bố thương tâm vừa xảy ra.

Từ trước tới nay, bạo lực trong game luôn là một trong số những vấn đề cực kỳ nóng và tốn không ít giấy mực của báo giới nói chung, các bậc phụ huynh cũng như chính những game thủ chúng ta nói riêng. Dĩ nhiên, cộng đồng game thủ luôn đóng vai trò quan trọng giữa những tranh cãi không hồi kết xoay quanh những tựa game sở hữu những hình ảnh mang tính bạo lực.


Hiện trường vụ xả súng thương tâm tại Munich

Hiện trường vụ xả súng thương tâm tại Munich

Câu chuyện bạo lực trong game, phim ảnh, truyện tranh,… hoàn toàn chẳng phải là điều gì quá mới mẻ để đem ra bàn bạc. Chỉ tính riêng ở thị trường Việt Nam, kể từ khi những tựa game online đầu tiên đặt chân đến dải đất hình chữ S, chủ đề bạo lực trong game đã được đem ra và biến thành chủ đề từ thảo luận đến… tranh cãi. Dĩ nhiên là mỗi người một ý kiến, và họ đều bảo vệ cho ý kiến của mình, cũng như tựa game mình yêu thích.