Xuất hiện trên thị trường từ tháng 10 năm 2007, hai năm trở lại đây, trào lưu chơi máy nghe nhạc Sansa Clip/Clip+ bắt đầu trở nên sôi động tại Việt Nam. Hình thức nhỏ gọn, không cầu kì, điểm nhấn ở chất âm cực tốt trong tầm giá, Sansa đã chinh phục được một lượng lớn người dùng Việt Nam.
Hội những người mê Sansa Clip/Clip+
Biết đến Sansa Clip nhờ những kết quả tìm kiếm trên Google, Duy Mạnh (Đại học Ngoại thương) nhờ được họ hàng tại nước ngoài mua qua Amazon.com rồi gửi về: “
Cầm chiếc máy nghe nhạc nhỏ xíu trong tay, thiết kế khá đơn giản, chất liệu cũng không có gì đặc biệt thậm chí còn khá… rẻ tiền, mà đúng là nó rẻ thật. Nhưng mình thực sự bất ngờ về khả năng chơi nhạc của máy”.
Giống như Mạnh, rất nhiều người yêu công nghệ trong nước cũng đang sở hữu một trong những phiên bản của dòng máy nghe này.
Tại vozForums, diễn đàn công nghệ rất có uy tín tại Việt Nam, chủ đề “
Hội những người phát cuồng vì Sansa Clip/Clip+/Fuze/Fuze+” có tới hàng trăm ngàn lượt xem cùng hơn 2500 bài bình luận. Số lượng thành viên của hội chơi cũng lên tới cả trăm thành viên.
Thành viên joongnam92 – người lập ra chủ đề nói trên chia sẻ: “Mình biết đến Sansa Clip đến giờ đã là 2 năm rưỡi, sau khi tìm hiểu và thấy máy được đánh giá cao trên head-fi, thế là mình chiến thôi. Chiếc Clip đầu tiên của mình là nhờ ông anh ship trên ebay về, tới nay mua đi bán lại cũng ngót 7-8 chiếc Clip/Clip+ rồi”.
Trao đổi chúng tôi, đại diện kinh doanh của cửa hàng Xuân Vũ Media (Hà Nội) cho biết thêm: “Đúng là trong khoảng 2 năm trở lại đây dòng máy nghe nhạc Sansa Clip rất được người dùng quan tâm, thương hiệu này tuy xuất hiện muộn ở Việt Nam nhưng lại có tầm ảnh hưởng tương đối mạnh và tốt đến một bộ phân người dùng”.
Giá mềm, âm thanh tốt… quá đủ để lấy lòng người dùng Việt
Dòng máy nghe nhạc thương hiệu Sansa được phát triển bởi SanDisk – hãng sản xuất lớn trong lĩnh vực thiết bị lưu trữ. Phiên bản Sansa Clip được ra mắt từ tháng 10 năm 2007 nhằm cạnh tranh với iPod Shuffle thế hệ 2.
Tham khảo trên thị trường, Sansa Clip chủ yếu được nhập về Việt Nam thông qua đường xách tay với xuất xứ từ Mỹ. Máy có giá thành dao động từ 1.150.000đ ~ 1.250.000đ cho phiên bản 4GB; 1.250.000đ ~ 1.350.000đ cho phiên bản 8GB với nhiều màu sắc lựa chọn như đen, trắng, xanh, đỏ và tím. Các đối thủ khác cùng tầm giá như iPod Shuffle Gen 5 2GB đối với hàng xách tay có giá 1.150.000đ, giá chính hãng lên tới 1.499.000đ, Sony Walkman B162F dung lượng 2GB được Sony Việt Nam niêm yết với giá 1.190.000đ.
Sansa Clip (phải) đặt cạnh phiên bản Clip+ (trái), nằm gọn trong lòng bàn tay.
Với bộ nhớ từ 1 - 8 Gigabyte, Clip nổi bật trong việc hỗ trợ nhiều định dạng nhạc khác nhau, đặc biệt là khả năng nghe nhạc lossless (định dạng FLAC). Chính khả năng nghe nhạc Lossless (điều mà không nhiều dòng máy làm được lúc bấy giờ) đã giúp Sansa Clip hòa nhập vào “cuộc cách mạng phim, nhạc HD” diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam cách đây vài năm, từ đó gây được sự chú ý lớn trên thị trường. Bên cạnh đó, theo đánh giá từ số đông người dùng và các website có uy tín như head-fi, anythingbutipod… chất âm mà chiếc máy này thể hiện thực sự ấn tượng. “Đối với mình, máy nghe nhạc hiện nay chỉ có iPod và Clip là đáng giá. Về khoản âm thanh, Clip khó có thể so sánh với iPod về khoản mượt và rộng của âm, âm trường. Nhưng so với tầm tiền có lẽ không cần bàn nhiều” – một thành viên trong hội chơi Sansa tại vozForums từng chia sẻ.
Thân máy nhỏ gọn, bên cạnh cáp nối gọn nhẹ cơ bản.
So sánh với sản phẩm cạnh tranh iPod Shuffle, Sansa Clip có thêm mốt số lợi thế khác như copy nhạc dễ dàng, có màn hình hiển thị, hỗ trợ thẻ nhớ ngoài. Thành viên garnet – vozForums chia sẻ: “Mình thích Clip ngay từ cái tên, khiến mình liên tưởng đến cái kẹp – có thể dễ dàng kẹp vào quần khi đi đường, tập thể thao. Đặc biệt sử dụng lại rất dễ dàng, chỉ cần kéo – thả bài hát vào máy, không cần sync phức tạp qua iTunes.”. “So với các sản phẩm khác cùng tầm giá, Sansa Clip có lẽ không có đối thủ rồi”, anh cho biết thêm.
Một điểm cộng nữa dành cho Sansa Clip/Clip+, người dùng có thể tùy ý thay đổi firmware của máy một cách dễ dàng. Nổi bật trong đó là các firmware Rockbox, hỗ trợ cải tiến thêm khá nhiều chức năng dành cho máy, đồng thời nâng cao khả năng chơi nhạc, chỉnh hiệu ứng. Chính nhờ điều này mà rất nhiều người đã chọn Sansa thay vì các thương hiệu còn lại.
Khác với các thiết bị điện tử khác, việc cảm thụ chất lượng máy nghe nhạc nói riêng hay các thiết bị về âm thanh nói chung không phụ thuộc nhiều vào thông số nhà sản xuất cung cấp. Có những người cảm thấy thích thú với Sony, có người lại thấy phù hợp với Creative. Tuy nhiên với một sản phẩm cân bằng tốt giá thành và chất lượng, đồng thời liên tục nằm trong top những sản phẩm máy nghe nhạc tốt nhất qua nhiều năm, Sansa có lẽ là lựa chọn không tồi.
Sansa Clip+ bên cạnh dòng tai nghe Yuin PK.
“Rất nhiều chiếc máy chơi nhạc xuất sắc, nhưng rất ít thứ biết hát vào tai bạn” - một câu nói khá nổi tiếng trên diễn đàn SL4x, cũng giống như các thiết bị Siemens SL4x, Sansa chiếm được cảm tình của phần đông người dùng Việt Nam nhờ giá thành cực kì hợp lý, chất lượng tốt.
Tuy nhiên Sansa Clip không phải không có những nhược điểm. Chức năng nghe nhạc lossless, radio không thực sự hữu ích, khá khó khăn để tạo playlist, đồng thời tai nghe đi kèm cho chất lượng kém. Nếu muốn thực sự nghe nhạc, bạn phải bỏ thêm tiền để mua những tai nghe có thương hiệu lớn như Sennheiser, Koss... Ngoài ra, việc máy không được phân phối chính hãng ở Việt Nam cũng gây ít nhiều khó khăn cho người dùng trong việc tìm mua.