Sony đang lạc lối trên thị trường game?

Hải Minh  | 22/08/2012 0:00 AM

Sony nên rút lui khỏi thị trường game?

Sony từng được gọi với cái tên "công ty thành công nhất thế giới trong thị trường game", tuy nhiên dường như thời thế đã khiến danh xưng của họ phải thay đổi.
 
Cách đây chưa lâu, GenK đã gửi tới bạn đọc một bài viết từ Gizmodo, về những khó khăn mà Sony đang mắc phải, nguyên do của nó và những hành động cần thiết của hãng để vượt qua tình trạng này từ góc nhìn của cây bút Sam Biddle. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc quan điểm của Don Reisenger, với những trăn trở về một lĩnh vực kinh doanh cụ thể của Sony – thị trường game.
 
Sony đã từng được coi là công ty thành công nhất trên thế giới trong thị trường game. Sản phẩm Play Station đầu tiên của họ đã vượt qua vô số nghi ngờ về khả năng thành công để có những bước đại nhảy vọt. Và như chúng ta đều biết, thế hệ Play Station thứ 2 đã trở thành một thế lực khổng lồ trong thị trường này.
 
sony-dang-lac-loi-tren-thi-truong-game
 
Nhưng, tất cả đều thay đổi với PS3. Không chỉ không có sự độc đáo như Nintendo Wii – đối thủ đã nhanh chóng bắt kịp nó sau đó -, những gì PS3 đem lại cho người dùng là quá khiêm tốn so với mức giá đắt đỏ của nó. Microsoft Xbox 360, đối thủ cạnh tranh còn lại, tuy chưa đạt tới độ phổ biến như Wii, lại có những lợi thế nhất định từ hệ thống game trực tuyến đầy sức mạnh.
 
Những vấn đề với Sony cũng xuất hiện từ đó. Doanh số PS3 không được như mong đợi, trong khi tính năng trực tuyến không cạnh tranh nổi với những đối thủ trực tiếp.
 
Tình hình đã có những chuyển biến sau khi Sony giảm giá bán PS3 cũng như thực hiện một vài thay đổi trên giao diện máy. Cho đến thời điểm hiện tại, nỗ lực của Sony tỏ ra không uổng phí khi  PS3 đã đạt tới thành công ở một mức độ nào đó, dù vẫn cách khá xa Nintendo Wii hay Xbox 360.
 
Câu chuyện với PSP cũng khá tương tự, dù hấp dẫn được một số game thủ, mức độ thành công của nó vẫn có chênh lệch khi so sánh với các thiết bị dòng DS của Nintendo. Sự xuất hiện của PSP Vita sau đó chỉ cho thấy Sony đã chậm chân thế nào trong cuộc chiến với Nintendo.
 
sony-dang-lac-loi-tren-thi-truong-game
 
Vì thế, không có gì lạ khi Sony tỏ ra yếu thế khi đối đầu với Nintendo. Điều khó hiểu là quyết định tham gia vào thị trường máy chơi game cầm tay đang ở buổi xế chiều của hãng, do sự xâm lấn và thành công mạnh mẽ của smartphone cũng như các máy tính bảng. Càng khó lý giải hơn là điều gì đã khiến Sony mất nhiều thời gian như thế chỉ để có thể cạnh tranh phần nào với Nintendo ở mảng game di động hay với Microsoft về game trực tuyến trên thị trường console.
 
Từ những điều tôi vừa đề cập, bạn cũng có thể đặt ra một câu hỏi như tôi về Sony trong vài năm trở lại đây: liệu họ có còn thực sự biết cách kinh doanh game?
 
Có vẻ như, Sony không nhận thấy chính những thiết bị chơi game cầm tay là một nguyên nhân dẫn tới sự sa sút của họ.
 
Trong vài năm qua, các thiết bị iOS và Android đã đảm bảo được phần doanh thu áp đảo trên thị trường game di động. Vì thế, những gì Sony đạt được chỉ là những mẩu vụn trên chiếc bánh này. Nếu nhớ lại rằng, điều đó xảy ra trước khi hãng cho ra đời PS Vita, thật khó để hình dung tại sao Sony lại lãng phí quá nhiều tiền bạc cho việc nghiên cứu và phát triển phần cứng đến như vậy? Lẽ ra, số tiền này cần được sử dụng hiệu quả hơn cho những mục tiêu khác.
 
Không rõ đến thời điểm nào Sony mới nhận ra rằng, họ nên rút khỏi thị trường máy chơi game cầm tay?
 
Rõ ràng là hiện tại, Sony chưa thể ngay lập tức thực hiện điều này. Tuy vậy, đáng ngạc nhiên là họ không có bất kỳ nỗ lực nào trong việc phát triển hệ thống game trực tuyến như Xbox Live. Chắc chắn Sony hiểu được tương lai của ngành giải trí này sẽ thuộc về các nội dung online và kỹ thuật số. Vậy thì vì lẽ gì họ không tập trung đầu tư theo xu hướng này? Hiển nhiên, đó sẽ là một bước chuyển thông minh.
 
Theo đó mà nói, Sony dường như không có bước tiến nào thực sự thông minh trong suốt quãng thời gian qua trên mảng game. Từ thực tế này, câu hỏi mà chúng ta cùng đặt ra càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.
 
Đầu tư chế tạo các máy chơi game hay các thiết bị cầm tay cao cấp không phải là quyết định tồi, nhưng để thành công thì còn cần nhiều hơn thế, và Sony, cho tới thời điểm này, chưa làm được điều đó.
 
Tham khảo Slashgear.
Xem thêm:

Sony