Sony cần làm gì để giành lại vị thế trên bản đồ công nghệ?

Hải Minh  | 10/08/2012 0:00 AM

Tương lai của Sony sẽ ra sao?

SmartWatch, thiết bị thông minh mới nhất của Sony đang phải gặp cảnh chê nhiều hơn khen từ phía người dùng. Trong khi cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ, một sản phẩm khác lại được Sony cho ra mắt - chiếc máy ảnh compact RX100. Không đồng cảnh ngộ với SmartWatch, RX100 lại dường như tạo ra một "trường đối lập" về quan điểm của những người đã lỡ miệng "chê" chiếc SmartWatch.

Nó ngay lập tức trở thành câu trả lời hoàn hảo cho lý do tại sao có nhiều người dùng say mê các sản phẩm của nhà sản xuất Nhật Bản đến vậy. Theo tâm lý, với một công ty có khả năng cho ra đời một thiết bị đẳng cấp như RX100, đa số người dùng đều mong đợi mọi sản phẩm của họ đều xuất sắc như thế. Vì vậy, nếu có thể đem lại chất lượng cao như chiếc máy ảnh mới nhất cho mọi mặt hàng của mình, Sony hoàn toàn có thể đoạt lại ngôi vương trên thị trường thiết bị số.
 
Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề mà Sony đang gặp phải. Không ít lần người dùng đỏ mắt với những nguyên mẫu TV "hướng tới tương lai" mà hãng giới thiệu, để rồi thất vọng tràn trề với một chiếc Bravia nhàm chán sử dụng công nghệ của "thời hiện tại" có giá ngất ngưởng được bán ra sau đó. Với nhóm tablet là hình ảnh đối lập giữa sự xuất sắc của dòng S với những tệ hại mà dòng P mang lại. 

Gần nhất, chỉ vài tuần sau thảm kịch mang tên SmartWatch, RX100 xuất hiện ngoạn mục và hoàn toàn có thể trở thành thiết bị quan trọng nhất trong năm, với sự đảm bảo từ thiết kế vô song của nó. Đặt RX100 cạnh một thiết bị đẳng cấp khác, bạn sẽ thấy Sony có thể toả sáng đến mức nào. Canon S100 là một máy ảnh chất lượng cao, nhưng RX100 nhanh chóng cho thấy sự vượt trội tuyệt đối của nó về mọi mặt.
 
 
Cùng nhìn sâu vào chiếc RX100, và đọc lại bài đánh giá đã từng được GenK đưa lên một thời gian trước. Đừng vội quan tâm tới chất lượng ảnh chụp. Hãy chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhất: Từ nút xoay, nút bấm, grip, cho tới cả nút nguồn, tất cả tạo nên một thiết kế đồng nhất tới mức như được tiêu chuẩn hoá. Mỗi nút điều khiển đều thể hiện đẳng cấp không cần bàn cãi của Sony. Sự mượt mà khi điều chỉnh ống kính. Sự êm ái khi vận hành vòng xoay chọn chế độ chụp. Hay chất liệu nhôm sang trọng và quyến rũ.
 
sony-can-lam-gi-de-gianh-lai-vi-the-tren-ban-do-cong-nghe
 
Không chỉ có thế, phần mềm của RX100 cũng được đánh giá rất cao nhờ khả năng vận hành nhanh, giao tiếp trực quan và hữu ích. Một lần nữa, trái ngược hoàn toàn với những gì SmartWatch mang lại.
 
Sự phong phú, vốn là thế mạnh của Sony, dường như chỉ tồn tại trên các chủng loại sản phẩm. Điều này liên quan tới chính sách “silos” (không có sự trao đổi giữa các nhân viên, các bộ phận) mà các phòng ban trong công ty đang thực hiện. Howard Stringer, cựu CEO của Sony nhận thức rõ tầm quan trọng của việc loại bỏ thứ văn hoá này, đồng thời tìm lại điều mà trong vài thập kỷ qua người khổng lồ của Nhật Bản đã đánh mất : Sự tập trung vào một trọng điểm. Apple đã vươn lên mạnh mẽ và đoạt đi chiếc vương miện đầy hào quang của Sony cũng nhờ họ hơn hẳn ở điểm này.
 
Không khó để nhận thấy Apple làm được điều này với một định hướng thiết kế rõ ràng xuyên suốt các sản phẩm của họ, từ iPhone cho tới iMac. Trái lại, phần lớn các thiết bị của Sony khiến người dùng có cảm giác như chúng được sản xuất bởi các công ty khác nhau. Từ một góc độ nào đó, một bộ phận sản phẩm của họ, từ TV, loa, điện thoại, máy ảnh, hay các chủng loại khác dường như đều được nhào nặn từ đôi tay của những kỹ sư có vấn đề về thị lực. 

Không hướng tới cái chung, thiếu nhất quán, tất cả đều hiển hiện rõ ràng trên những thiết kế của Sony. Kaz Hirai, người kế nhiệm Stringer, dường như không thể khắc phục vấn đề này, khi năng lực của một cá nhân tỏ ra quá bé nhỏ trước sự trì trệ của cả một công ty lớn.
 
sony-can-lam-gi-de-gianh-lai-vi-the-tren-ban-do-cong-nghe
 
 
Nhưng họ cần phải làm được điều đó. Một nhà sản xuất lớn như Sony không nên, và không thể thất thường, thiếu ổn định như thế, bởi những thiệt hại từ các sản phẩm thất bại như SmartWatch gây ra thường lớn hơn nhiều lợi ích công ty nhận được từ những thành công như RX100.
 
Sony cần tập hợp những người thông minh nhất vào một phòng ban. Những nhân viên chịu trách nhiệm về SmartWatch cần học hỏi nhiều hơn nữa từ những bộ não đã tạo ra RX100. Bộ phận sản xuất cần mở rộng và đẩy mạnh việc trao đổi, thảo luận. Quá trình thiết kế cần được hợp nhất, để những nỗ lực cho ra đời thiết bị tốt nhất sẽ được áp dụng cho mọi sản phẩm.
 
Phương thức kinh doanh và sản xuất hiện tại không còn phù hợp và cần được thay đổi. Nếu không, Sony – một thần thoại về phần cứng – sẽ chỉ còn được nhớ tới sự suy tàn thay vì những đột phá xuất sắc họ từng tạo ra. Sẽ còn hổ thẹn hơn nữa nếu chỉ còn được nhắc tới như một công ty có phong cách văn hoá riêng, thay vì những sản phẩm khiến cả thế giới thay đổi. 

Có thể khá nhàm nếu lấy Walkman làm dẫn chứng, nhưng rõ ràng với thiết bị này, Sony không chỉ thay đổi cách chúng ta sống mà còn khơi mầm tình yêu công nghệ trong mỗi người. Sony là hiện thân của cái đẹp, để tạo ra những điều diệu kỳ bạn có thể mua từ các cửa hàng, để biến một khung cảnh bình thường trở nên lung linh. Mọi thứ đang rối tung với Sony, nhưng chỉ vì họ không tự nhìn lại và lắng nghe chính bản thân mình mà thôi.
 
Tham khảo Gizmodo.
Xem thêm:

Sony