Sôi động thị trường tai nghe Beats By Dre nhái tại Việt Nam

Vi Dũng  | 14/07/2012 0:00 AM

Với giá thành, mẫu mã cũng như chất lượng đa dạng, hẳn sẽ là một lựa chọn không tồi cho các bạn trẻ muốn tìm cho mình một mẫu tai nghe với vẻ ngoài trẻ trung, bắt mắt và không quá quan tâm tới chất lượng âm thanh.

Chỉ sau vài năm ra mắt, Beats By Dr. Dre, thương hiệu tai nghe cũng như thiết bị âm thanh đã trở nên quá nổi tiếng với giới trẻ toàn cầu nhờ vào kiểu dáng trẻ trung đầy màu sắc cũng như tên tuổi của những nghệ sĩ đã và đang rất được mến mộ trong làng âm nhạc thế giới. Có lẽ cũng là một điều tất yếu khi chỉ sau một thời gian ngắn chiếm lĩnh thị trường, những sản phẩm làm nhái thương hiệu nổi tiếng này đã bắt đầu xuất hiện ở khắp các thị trường lớn và nhỏ. Sự tấn công của những sản phẩm nhái cũng như số lượng của các trang web bán các sản phẩm “fake” này bùng nổ tới mức đã có thời kỳ trang web chính thức của Beats Electronic, chủ sở hữu thương hiệu tai nghe này đã phải làm hẳn một danh sách các trang web bán Beats fake, từ đó bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ chính bản thân mình.
 
Tuy nhiên, vì lý do giá thành của sản phẩm chính hãng quá “chát”, mà lý do chủ yếu là tiền thương hiệu và chi phí sản xuất cao, nên rất nhiều người tiêu dùng đã và đang chuyển sang chọn những sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng để sử dụng, mặc dù chất lượng cũng như kiểu dáng của những mẫu tai nghe fake này chưa chắc đã được bằng hàng thật (chủ yếu cho giá thành rẻ hơn rất nhiều so với hàng xịn).
 
 
Đó là kết luận chung, còn tại Việt Nam, thị trường mua bán tai nghe Beats By Dre nhái cũng không kém phần sôi động, với đa dạng mẫu mã, chủng loại cũng như giá cả. Cụ thể ra sao, hãy cùng GenK thâm nhập vào thị trường những chiếc tai nghe nhái Beats By Dr. Dre.
 
Đa dạng mẫu mã
 
Sau cả tiếng đồng hồ dạo quanh khắp các trang web, các forum chuyên mua bán tại Việt Nam hay thậm chí là cả các page của các cửa hàng trên Facebook có bán mặt hàng này, cảm nhận đầu tiên mà GenK có được là thị trường Beats nhái quá rộng lớn với… bạt ngàn các sản phẩm đủ mẫu mã, màu sắc và giá cả theo chất lượng. Người tiêu dùng có thể tùy chọn cho mình chiếc tai nghe “dỏm” được copy lại “y xì đúc” những mẫu tai nghe từ in-ear như Beats Tour, Power Beats, portable-size như Solo HD hay là cả Full-size Beats Studio với đủ các màu sắc. Cá biệt, GenK nhận thấy có cả những mẫu Solo HD với những màu sắc (hồng nhạt, vàng) mà ngay cả Solo HD thật cũng… không có!
 
Có cả hồng lẫn vàng (!)
 
Đó là về lựa chọn. Giá thành cũng như ngoại hình, kiểu dáng của những mẫu tai nghe này chỉ có thể được miêu tả bởi câu thành ngữ “Thượng vàng, hạ cám”. Ví dụ, chỉ riêng mẫu in-ear Beats Tour đã có tới… 3 mức giá khác nhau: 50, 150 và 300 nghìn Đồng. Tương tự, những chiếc tai nghe portable Solo HD ‘fake’ cũng có nhiều mức giá: 120, 300 và mẫu “nhái” cao cấp nhất có giá lên tới hơn 1 triệu Đồng.
 
 
Bằng mắt thường và qua những bức ảnh chụp trên mạng internet, rất dễ để phân biệt những mẫu nhái giá rẻ: Chất lượng nhựa và sơn không mịn và bóng như hàng xịn. Dây cáp chất lượng thấp, và logo Beats trên sản phẩm không tinh xảo. Tuy nhiên, mọi nhược điểm này trên những chiếc tai nghe nhái được cộng đồng quen gọi là “fake loại 1” đều biến mất. Dường như rất khó để phân biệt những chiếc tai nghe được làm giả một cách tinh xảo với một chiếc Beats By Dre thật.
 
Để nắm rõ hơn thị trường Beats By Dre nhái ở Việt Nam hiện tại, GenK đã tìm đến anh Tr., chủ một cửa hàng tai nghe ở số 12 phố H.M, và cũng là một trong số những người đầu tiên đưa sản phẩm Beats nhái về Việt Nam. Tại đây chúng tôi đã có dịp “tận tay” thử nghiệm những mẫu Beats Studio nhái với chất lượng từ thấp đến cao. Anh Tr. cho biết, những chiếc Beats nhái đầu tiên được đưa về Việt Nam vào khoảng năm 2009, với những mẫu tai nghe copy thô kệch và không đầy đủ “phụ kiện” như hàng chính hãng. Sau này, những mẫu tai nghe như iBeats hay Beats Studio được làm nhái một cách quá tinh xảo, tới mức khó có thể nhận ra sự khác biệt nếu đặt chúng cạnh những sản phẩm chính hãng. Sản phẩm đầu tiên mà anh Tr. giới thiệu là chiếc tai nghe Beats Studio phiên bản Ferrari, được anh bán với giá 1,5 triệu Đồng.
 
 
Quả đúng như dự đoán, thật quá khó để có thể tìm ra sự khác biệt nào trên chiếc tai nghe này, từ miếng da bọc earpad đến cả công tắc amplifier tích hợp bên trong tai nghe. Về phần âm thanh, anh cho biết: “Âm thanh của mẫu fake này đạt được khoảng 95% so với hàng thật”.Chưa dừng lại ở đó, hộp đựng của mẫu tai nghe này còn sở hữu đầy đủ phụ kiện (bao da, jack chuyển, dây nối dài) cũng như sách hướng dẫn sử dụng như hàng thật.
 
 
Lý giải cho việc có quá nhiều chủng loại mẫu mã tai nghe Beats nhái cùng một model, anh Tr. cho biết, những mẫu tai nghe fake “loại 2 loại 3” thường chỉ được gia công tại các xưởng nhỏ tại Trung Quốc và có giá trị không quá 200 nghìn Đồng khi về tới Việt Nam. Còn mẫu tai nghe chúng tôi vừa được thử nghiệm lại là một phạm trù hoàn toàn khác, nó quá giống với hàng thật. Một giả thiết được đưa ra, đó là không loại trừ khả năng ngay bên trong nội bộ Beats Electronics đã tồn tại gián điệp công nghiệp ăn cắp công nghệ sản xuất cũng như nguyên liệu để các xưởng gia công lớn tại Trung Quốc làm nhái với chất lượng lên tới mức tinh xảo. Đó cũng là lý do mẫu tai nghe Beats Studio copy này chỉ có giá vào khoảng 1,5 triệu Đồng, thay vì cái giá 300 USD (hơn 6 triệu Đồng) được niêm yết trên trang chủ của Beats.
 
Beats Studio loại 3 nhỏ hơn nhiều so với hàng thật
 
 
Một số mẫu Beats nhái có mặt trên thị trường
 
Nhìn chung, có thể chia những mẫu tai nghe nhái Beats By Dr. Dre làm 3 loại:
 
Loại 1 là những mẫu copy tỉ lệ 1:1 và có nền tảng phần cứng không khác nhiều những mẫu Beats thật, ví dụ như chất liệu, chất lượng âm thanh cũng như trọng lượng. Những mẫu copy này thường có giá khá cao, khoảng từ 350 ngàn cho một chiếc Beats Tour, gần 1 triệu Đồng cho mẫu Solo HD đến 1,3 triệu Đồng cho mẫu Beats Studio full-size. Chất âm của chúng có thể gói là gần như tương đồng với tai nghe "xịn" do sử dụng cùng công nghệ sản xuất.
 
Loại 2 là những mẫu copy giống như loại 1, tuy nhiên mức độ tinh xảo không được bằng khi vẫn còn một số lỗi nhận biết để phân biệt giữa hàng thật với hàng giả như lớp sơn logo trên cầu nối earcup dễ bị cạo bong. Những chiếc tai nghe nhái thuộc loại này thường có giá bán dao động từ 200 đến 800 nghìn Đồng tùy loại cũng như tùy nơi bán.
 
Và cuối cùng là loại 3, đây là những chiếc tai nghe "mang hình dáng" Beats, nhưng rất dễ để phân biệt chúng với hàng thật do việc chế tác cẩu thả và chất liệu sản xuất rẻ tiền, cũng như không tôn trọng kích thước vốn có của hàng thật. Những mẫu tai nghe này có chất lượng âm thanh không hơn "hàng chợ" là mấy. Giá cả tùy vào mẫu mã như Beats Tour có giá từ 30 đến 50.000đ, Beats Solo HD có giá vào khoảng 150 nghìn Đồng. Những mẫu copy rẻ tiền này thậm chí còn có những phiên bản màu sắc mà hàng thật không hề có!
 
Tạm kết
 
iBeats copy.
 
Với giá thành, mẫu mã cũng như chất lượng đa dạng, hẳn sẽ là một lựa chọn không tồi cho các bạn trẻ muốn tìm cho mình một mẫu tai nghe với vẻ ngoài trẻ trung, bắt mắt và không quá quan tâm tới chất lượng âm thanh (mặc dù những mẫu nhái cao cấp có chất âm không tồi một chút nào). Tuy nhiên để tránh “tiền mất tật mang”, thì lời khuyên được đưa ra là các bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin, cũng như chọn mua sản phẩm từ những cửa hàng có uy tín, được cư dân mạng ủng hộ.
Xem thêm:

tai nghe