Rộ tin đồn dự án máy chơi game OUYA chỉ là trò bịp

Vi Dũng  | 23/07/2012 08:00 AM

Vậy thực hư ra sao? Liệu OUYA có phụ lòng tin của gamer?

Tại thời điểm viết bài, thì dự án chiếc máy console mở OUYA đã “gom” được 5,3 triệu USD, nghĩa là gấp hơn 5 lần so với mục tiêu ban đầu là 950 nghìn USD của những người chủ dự án. Con số đó phần nào có thể thể hiện được sức nóng cũng như sự quan tâm của cộng đồng game thủ tới chiếc máy chạy HĐH Android 4.0 này, trong bối cảnh bản đồ game thế giới đã và đang bị chi phối bởi 3 cái tên khổng lồ: Microsoft, Sony và Nintendo.
 
 
Tuy nhiên, nếu nhận xét một cách thực tế và có phần hơi cực đoan, thì tất cả những gì giới hâm mộ công nghệ có được cho đến thời điểm hiện tại là vài ba bức hình render mẫu sản phẩm dự kiến ra mắt, cộng thêm một đoạn video ngắn giới thiệu của Julie Uhrman, chủ dự án OUYA. Tất cả những điều này khiến một vài người liên tưởng đến một dự án hết sức thành công khác trên Kickstarter, chiếc đồng hồ thông minh mang tên Pebble. Cũng chỉ với một vài tấm hình được render 3D và Photoshop, dự án Pebble đã quyên góp được con số khổng lồ: 10,2 triệu USD. Vậy giữa OUYA và Pebble Smartwatch, tồn tại điểm gì chung?
 
Khó khăn chung
 
Rất đơn giản, cả 2 dự án này rõ ràng là không thể được hoàn thành chỉ với một đội ngũ làm việc trong… garage ở Silicon Valley. Phải công nhận một điều, rằng cả Pebble và OUYA đều là những concept cực kỳ ấn tượng, và việc chế tạo những thiết bị mẫu hoàn toàn có thể làm được ở bất kỳ xưởng cơ khí hay điện tử nào. Tuy nhiên, một khi dự án đi vào giai đoạn sản xuất hàng loạt để đáp ứng nhu cầu của ít nhất là hơn 40 nghìn người đã bỏ tiền ủng hộ cho dự án, thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác. Đó sẽ là một công đoạn hết sức phức tạp, từ việc đi tìm, đàm phán giá cả và ký hợp đồng với nhà cung cấp linh kiện, chế tác thiết bị, cũng như xưởng lắp ráp những linh kiện trở thành chiếc máy hoàn chỉnh.
 
 
Ngay cả những người chủ dự án Pebble cũng đã thừa nhận điều này: “Phần khó khăn nhất sẽ là công đoạn sản xuất hàng loạt. Sẽ có những vấn đề cực kỳ phức tạp xuất hiện, và chúng tôi sẽ phải giải quyết chúng”. Đó là lời của Eric Migicovsky trong một cuộc phỏng vấn với trang tin công nghệ Wired. “Sẽ có cả tá vấn đề. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một dự án sản xuất hàng loạt. Và tôi xin cam đoan rằng, chắc chắn sẽ có vấn đề nảy sinh”. Một vài người bi quan nghĩ rằng, câu nói này là đòn chí mạng đánh vào khoản tiền mà họ bỏ ra để ủng hộ chủ dự án, “úp mở” rằng khoản tiền của họ sẽ “một đi không trở lại”, nghĩa là họ sẽ không được sở hữu thiết bị mơ ước.
 
Liệu có tăng giá thành sản xuất?
 
Chuyện này không phải là chưa từng xảy ra. Quay lại năm 2010, khi Fusion Garage, một nhà sản xuất đến từ Singapore đã thông báo với toàn thế giới về mẫu máy tính bảng giá… cực rẻ của họ với cái tên Crunchpad, hứa hẹn sẽ là đối thủ của iPad vào thời điểm đó. Tuy nhiên “đời không như là mơ”, vì thế nên mỗi khi bạn nghĩ về cái giá 99 USD (khoảng 2 triệu Đồng) của chiếc máy OUYA, thì hãy nhớ lại việc chiếc máy tính bảng Crunchpad được quảng cáo với giá 199 USD. Sau khi được chính thức thương mại hóa, chiếc máy tính bảng đến từ xứ sở Hải Sư đã biến thành thiết bị có tên JooJoo và được bán ra với giá… 500 USD, với cấu hình và kiểu dáng không khác chút gì so với mẫu concept ban đầu.
 
 
Vì thế, một số người đã tỏ rõ sự lo ngại, rằng một khi được chính thức bán ra, cái giá của một chiếc máy OUYA sẽ không còn là 99 USD nữa, và khoản đóng góp 95 USD của họ cho dự án sẽ chỉ đem lại một lời cảm ơn nồng nhiệt từ đội ngũ thực hiện dự án, thay vì được sở hữu một chiếc console thực sự.
 
Và, nếu bạn chẳng may có dự định kiện những nhà phát triển trên Kickstarter vì đã không giữ đúng lời hứa ban đầu, thì câu nói của chính Kickstarter sẽ là gáo nước lạnh làm bạn “tỉnh lại”: “Bạn sẽ không bao giờ phải suy nghĩ lại về khoản đầu tư của mình, cũng như không bao giờ phải lo lắng liệu rằng mình có được sở hữu thiết bị hay không”.
 
Phần trách nhiệm của Kickstarter
 
Trong số 21 dự án được ủng hộ về mặt tài chính nhiều nhất trong mảng “thiết kế công nghệ” của Kickstarter, chỉ có duy nhất 4 dự án đang được triển khai và đã bán thiết bị cho người sử dụng. Chuyển sang 12 dự án được ủng hộ nhiều nhất trong mảng công nghệ, cũng chỉ có 4 dự án đang được tiến hành thương mại hóa. Đúng, điều này có nghĩa là vẫn còn rất nhiều dự án đang trong giai đoạn “pre-order”, và giới hâm mộ công nghệ đã và đang bơm tiền cho những “dự án treo” như vậy.
 
Một điều đáng buồn là một vài dự án “treo” kể trên đã tồn tại từ khá lâu. Lấy ví dụ ZionEyez. Sau khi nhận được hơn 340 nghìn USD tiền ủng hộ từ cộng đồng internet 1 năm về trước, cho đến giờ họ vẫn chưa cho ra mắt bất kỳ mẫu kính mắt tích hợp camera nào như đã hứa hẹn. Một số dự án khác thì treo dòng thông báo đại loại như “Rất tiếc, dự án của chúng tôi kéo dài hơn dự kiến”.
 
 
Rõ ràng điều đó đang làm đau đầu cả những quan chức tại Kickstarter lẫn chúng ta, những người đam mê công nghệ. Lý do bởi vì, rất nhiều dự án góp mặt trên Kickstarter đều là ước mơ bấy lâu của rất nhiều người. Tuy nhiên để một thiết bị có cơ hội hiện diện trên tay người tiêu dùng, thì không chỉ phụ thuộc vào những người chủ dự án. Tạo ra một bản mẫu (prototype) hoạt động ổn định và hiệu quả, không có nghĩa là tất cả sản phẩm sẽ hoạt động y như vậy sau quá tình sản xuất hàng loạt.
 
Tính trung bình, tỉ lệ thành công 33% (nghĩa là 1/3 số dự án được chính thức đi vào sản xuất đại trà và được dư luận đánh giá cao) là một con số không tệ đối với mỗi nhà đầu tư mạo hiểm, bởi vì họ cần những chiến thắng đủ lớn để “lấp” đi những thất bại khác. Tuy nhiên, khi bạn gửi tiền của mình tới Kickstarter cho một thiết bị, thì không thể nào nghĩ rằng bạn là một nhà đầu tư được. Bạn chỉ là một người mua hàng, gửi tiền pre-order một sản phẩm chưa chắc đã được thương mại hóa.
 
OUYA lên tiếng
 
Dĩ nhiên, “lên tiếng” ở đây không bắt buộc phải là việc những người tham gia dự án OUYA đăng đàn và phủ nhận những điều tiếng mà những kẻ bi quan thêu dệt xung quanh dự án của họ. Cách trả lời của Julia Uhrman cùng cộng sự cũng hết sức thông minh và phần nào xoa dịu được những người đã ủng hộ họ.
 
 
Ngày 17/7 vừa qua, OUYA đã chính thức thông báo về tựa game độc quyền đầu tiên dành cho hệ máy này với tựa đề “HumanElement”. Studio đảm nhiệm việc phát triển trò chơi này là Robotoki, với giám đốc studio không ai khác chính là… Robert Bowling, cựu giám đốc sáng tạo của Infinity Ward, người đứng sau bom tấn Call Of Duty: Modern Warfare 3. Thông qua những bản phác thảo đầu tiên, gamer có thể nhận định đây sẽ là một game phiêu lưu môi trường mở, lấy bối cảnh thế giới sau cơn đại dịch (thêm một game lấy đề tài zombie).
 
 
Chỉ với một tựa game như vậy, mà có vẻ như cộng đồng ủng hộ OUYA đã cảm thấy phấn chấn hơn rất nhiều. Hy vọng rằng Julia Uhrman cùng các công sự sẽ không làm phụ lòng họ để đem tới một chiếc console đúng như những gì đã hứa hẹn.
 
Tham khảo PCMag.