Razer Taipan: Chú rắn độc lợi hại

Vi Dũng  | 13/07/2012 08:00 AM

Sau những phản hồi không mấy tích cực của người sử dụng đối với 2 mẫu chuột cao cấp của họ là Razer Mamba và Lachesis vớilý do chủ yếu là lỗi cảm biến trục Z quá nhạy, liệu rằng sản phẩm tiếp theo của Razer có lấy lại được lòng tin của game thủ?

Ra mắt giới game thủ nói riêng, cũng như cộng đồng hâm mộ công nghệ nói chung vào kỳ hội chợ E3 vừa kết thúc cách đây ít lâu, có thể nói Razer Taipan đã trở thành đồng “diễn viên chính” thu hút khách tham dự vào gian hàng của “Rắn xanh”, bên cạnh mẫu concept thiết bị hỗ trợ chơi game MechWarrior Online mang tên Artemis. Sau những phản hồi không mấy tích cực của người sử dụng đối với 2 mẫu chuột cao cấp của họ là Razer Mamba và Lachesis (lý do chủ yếu là lỗi cảm biến trục Z quá nhạy), liệu rằng sản phẩm tiếp theo của một trong những cái tên lớn trên bản đồ gaming gear thế giới, với cảm biến kép 8200 dpi thế hệ thứ 4 có lấy lại được lòng tin của game thủ, vốn đã và đang bị các đối thủ như SteelSeries, Roccat hay Corsair hút về phía họ? Hãy cùng theo dõi bài đánh giá chi tiết chú chuột chơi game này của trang web Custom PC Review.
 
Ngoại hình
 
Cũng sở hữu thiết kế đối xứng (ambidextrous) như người tiền nhiệm Lachesis cũng như nhiều mẫu chuột chơi game đầu tiên của Razer, nhưng Taipan đã phần nào “thoát” khỏi hình mẫu chuột thanh thoát với những đường cong mềm mại như Lachesis để sở hữu ngoại hình khá “ngầu” với những đường gân và viền nhọn ở 2 bên thân chuột, trong khi những đường cong vẫn hiện diện nhằm giúp việc sử dụng được thuận tiện. Bề mặt chuột là nhựa nhám, thay vì bọc một lớp cao su êm như DeathAdder Classic và Lachesis.
 
 
 
Giống như nhiều mẫu chuột khác của Razer, logo ở mặt lưng, cũng như nút cuộn của Taipan cũng được trang bị đèn LED đơn sắc màu xanh lá. Ngay dưới nút cuộn là 2 nút điều chỉnh tốc độ chuột (mặc định), và có thể thay đổi tùy biến thông qua driver của chuột. Mỗi bên cạnh chuột là cụm 2 nút phụ, kèm theo đó là miếng ốp bằng cao su, giúp chuột không bị vuột khỏi tay khi sử dụng.
 
 
Ở mặt đáy là hệ thống feet chuột, cũng như 2 cảm biến (quang học và laser) được bố trí ở hai vị trí khác nhau, có lẽ là để giúp việc nhận biết thao tác của người sử dụng được tốt hơn. Để thêm phần “ngầu”, phần đầu chuột được Razer bố trí 2 miếng lưới kim loại, khiến người sử dụng liên tưởng ngay tới… tản nhiệt của những chiếc siêu xe thể thao!
 
 
 
Phần cứng
 
 
Cảm biến kép tốc độ 8200dpi trên Razer Taipan có tên mã ADNS-9818 của Avago. Thương hiệu đã phần nào khiến cho người sử dụng yên tâm về chất lượng của Taipan. Lật lại một chút, mẫu cảm biến TwinEye PLN 2032 trên 2 mẫu chuột Mamba và Lachesis thế hệ thứ 2 đã vô tình khiến cho người sử dụng quay lưng lại với Razer khi tồn tại lỗi cảm biến trục Z khá khó chịu.
 
 
Bên trái mạch cảm biến là chip ARM 32bit Cortex M0, chịu trách nhiệm làm việc với driver điện toán đám mây Synapse 2.0, cũng như điều khiển hoạt động của cảm biến.
 
 
Hai nút chuột chính, cũng như nút cuộn được trang bị switch Omron. Đây là loại switch rất được các game thủ ưa chuộng vì lực nhấn nhẹ và có độ nảy. Tuy nhiên, 4 nút hông chỉ được Razer sử dụng switch TTC của Trung Quốc.
 
 
Phần mềm
 
 
Từ giữa tháng 6 năm nay, Razer đã chính thức loại bỏ hệ thống driver riêng của từng sản phẩm thiết bị ngoại vi của họ, mà thay vào đó là nền tảng điện toán đám mây mang tên Razer Synapse 2.0. Thông qua nền tảng này, người sử dụng có thể đăng ký một tài khoản và cùng lúc quản lý việc hoạt động của tất cả các thiết bị mình sở hữu.
 
 
Quay trở lại với Taipan. Giao diện driver của chú chuột này trên Synapse 2.0 được chia làm 5 mảng: Các nút điều khiển, điều chỉnh cảm biến, ánh sáng, tinh chỉnh với bề mặt mousepad và cuối cùng là mục macro, nơi người sử dụng có thể gán các cụm phím phức tạp vào chuột. Ở mảng điều khiển, người sử dụng được phép tạo những profile riêng cho từng nhu cầu sử dụng hoặc từng game chơi, với chức năng của từng nút có thể được thay đổi tùy theo ý muốn.
 
 
Taipan cho phép bạn chuyển đổi linh hoạt tốc độ cảm biến trong khoảng từ 100 đến 8200 dpi với bội số là 100. Thanh trượt bên dưới chịu trách nhiệm điều chỉnh mức độ tăng tốc của con trỏ và cuối cùng là khung chỉnh polling rate (tần suất làm mới tín hiệu) với 3 mức 100, 500 và 1000 Hz. Một điều đáng tiếc là do giá thành sản xuất mà Razer Taipan không được trang bị đèn LED đa màu mà bị bó buộc với màu xanh lá duy nhất.
 
 
Một điểm mạnh ở Taipan là khả năng hỗ trợ đa dạng mẫu mousepad để biến chú chuột trở thành “thân thiện” với hầu hết các loại pad có mặt trên thị trường hiện nay. Ở mục “Surface Calibration”, người sử dụng có thể chọn mẫu tấm lót mà họ đang sử dụng để Taipan “ứng biến” một cách hợp lý nhất với bề mặt bên dưới, cũng như độ cao “lift-off” cho người sử dụng chuột với sens thấp và hay nhấc chuột.
 
Sử dụng
 
Những người có cơ hội sử dụng Taipan đều đi đến cùng một nhận xét “tuyệt vời”. Cũng sở hữu thiết kế đối xứng như Lachesis, nhưng hình dáng thuôn gọn cũng như thiết kế của Taipan tạo cảm giác ôm tay hơn chú chuột “đầu to đít tẹo” tiền nhiệm. Chưa kể, mặc dù chỉ ngắn hơn DeathAdder có 2mm, nhưng Taipan nhẹ hơn một trong những mẫu chuột thành công nhất của Razer đến gấp rưỡi (145 và 90g), từ đó khiến thao tác “vẩy chuột” thoải mái và nhanh chóng hơn.
 
Do sử dụng mẫu cảm biến khác, nên mọi vấn đề với trục cảm biến Z cũng như chiều cao Lift-Off Distance đều bị loại bỏ trên Taipan, từ đó góp phần lấy lại hình ảnh chú chuột chơi game chuyên nghiệp trong mắt giới mộ điệu.
 
Kết
 
Với cái giá khoảng 1,6 triệu Đồng (80 USD), bằng với mẫu Imperator, có lẽ khó có thể đòi hỏi gì nhiều hơn từ Taipan. Trên thực tế, những gì nó đem lại cho người sử dụng cũng đã là quá tuyệt vời. Duy chỉ có một vấn đề còn lại là hiện Taipan vẫn chưa có nhà phân phối tại Việt Nam, vì thế các game thủ của chúng ta có thể sẽ phải đợi một thời gian nữa mới có thể chạm tay vào chú chuột đình đám này của “Rắn xanh”.
 
Tham khảo Custom PC Review