Project Glass: Tương lai thực sự của Google là đây?

Vi Dũng  | 30/06/2012 08:00 AM

Phải chăng Google Glass sẽ không chỉ tái định hình cách con người tương tác với máy tính, mà còn tạo ra nền tảng và hướng đi để Google trong tương lai có thể bước theo?

Trong vài năm trở lại đây, nhiều người cho rằng chiến lược của Google đã khiến cho ông trùm tìm kiếm “lạc lối” khỏi thành công vang dội đến từ công cụ tìm kiếm của mình. Với những sản phẩm cả về phần cứng lẫn phần mềm như Google Translate, AdWord hay nền tảng HĐH di động Android, Google đã không còn là một tập đoàn chỉ chú trọng đến công cụ tìm kiếm như nó đã làm kể từ năm 1998.
 
Hiện giờ, giới hâm mộ công nghệ khi nghe tới cái tên “Google”, lập tức trong đầu họ hình dung ra một tập đoàn đa quốc gia, với những ngành nghề đầu tư mặc dù có “dính” tới công nghệ, nhưng dường như “chẳng liên quan” gì tới nhau, thậm chí đôi khi còn khá kỳ quặc, ví dụ như việc đầu tư phát triển hệ thống cối xay gió chẳng hạn!
 
Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ như đã thay đổi, khi vào khoảng nửa cuối năm 2011, Google đã tuyên bố rằng họ sẽ tập trung phát triển những nền tảng cốt lõi quyết định tới tương lai của công ty. Thế rồi chỉ sau ngày cá tháng tư vừa rồi, cả thế giới công nghệ đã lại một lần nữa “rung chuyển” sau đoạn clip Project Glass và những bức ảnh đầu tiên về một loại thiết bị gọn nhẹ được “đồn thổi” là sẽ thay đổi cách con người tương tác với máy tính cũng như với mạng xã hội.
 
 
Nếu là một người quan tâm tới Google, hẳn bạn sẽ chẳng lạ gì “phòng thí nghiệm tuyệt mật” Google X, mà tiền thân của nó không gì khác hơn chính là Google Lab. Và sản phẩm đầu tiên của Google X ra mắt toàn thế giới chính là chiếc kính thông minh vừa được chính thức ra mắt trong sự kiện Google I/O. Đồng sáng lập Google, Sergey Brin trong khi trao đổi với một nhóm phóng viên công nghệ sau buổi ra mắt Google Glass đã cho biết: “Mục tiêu chính của Google X là chấp nhận sự mạo hiểm cũng như đẩy tốc độ phát triển công nghệ vượt qua những thành tựu hiện tại, từ đó định hình nên những gì sẽ được gọi là công nghệ của tương lai. Thông qua Google Glass, chúng tôi cũng muốn truyền tải một thông điệp, rằng Google thực sự muốn các bạn không trở thành một kẻ ‘nô lệ’ cho những thiết bị công nghệ mà bạn sở hữu”.
 
 
Brin cũng nhấn mạnh rằng Project Glass là thứ Google tin rằng sẽ trở thành một trong những nhân tố tương tác giữa người và máy tính trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, bỏ qua hoàn toàn những gì Google Glass làm được, thì việc tương tác xã hội hóa giữa con người thông qua những thiết bị di động đều chỉ dừng lại ở việc nhắn tin, lướt web, truy cập các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, đăng tải những bức ảnh thông qua Instagram hay check in ở mọi nơi họ có mặt. Từ đó, việc con người tương tác qua đã gián tiếp trở thành việc con người “dán mắt” vào màn hình chiếc smartphone hay tablet cả ngày.
 
 
Google Glass, trái lại, lại giúp con người thoát khỏi những thao tác nêu trên, bằng việc hỗ trợ việc tương tác xã hội hóa ngay trong khi người sử dụng nhìn vào cuộc sống thực tại.
 
Mặc dù bề ngoài trông có vẻ hơi kỳ cục, nhưng các chuyên gia nhận định rằng Google Glass là “phát súng hiệu” khởi đầu cuộc chạy đua về thiết kế của các thiết bị công nghệ. Nhà thiết kế Isabelle Olsson, một trong những “lão làng” trong ngành thiết kế và cũng là một thành viên trong nhóm thiết kế Google Glass cho biết: “Thiết kế của Project Glass đảm bảo người sử dụng có thể nhìn vào mắt người đối diện trong khi vẫn có thể tương tác với mạng xã hội ưa thích".
 
 
Hiện tại, nền tảng phần cứng của Google Glass vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng có thông tin cho biết thời lượng pin của Google Glass sẽ là 6 tiếng sử dụng liên tục sau 1 lần sạc. Dĩ nhiên định mức này sẽ thay đổi tùy thuộc vào tác vụ (upload ảnh, quay phim, v.v…).
 
Những bức ảnh có thể được chụp và lưu trữ ngay tại bộ nhớ trong của Google Glass trước khi được đồng bộ lên hệ thống server điện toán đám mây. Brin cho biết, đội ngũ thiết kế đã làm việc cật lực để dữ liệu đồng bộ lên tài khoản Google Account của người sử dụng không rút pin của Glass quá nhanh chóng. Bên cạnh đó, người sử dụng cũng có lựa chọn về chia sẻ, ví dụ như không tự động đồng bộ, cũng như lựa chọn chỉ đồng bộ hóa các bức ảnh và video khi có kết nối Wi-Fi hoặc khi cắm sạc, nhờ đó chiếc kính sẽ được kéo dài thời gian sử dụng.
 
 
Khi được hỏi về những tính năng đang được thử nghiệm cũng như đã chạy một cách hoàn hảo trên Google Glass, thì Sergei Brin đã rất khôn khéo lảng tránh câu hỏi này và chỉ nói rằng hiện tại Google đang thử nghiệm rất nhiều tính năng khác nhau và chọn ra những thứ phù hợp nhất với trải nghiệm sử dụng sau này. Một trong số đó là khả năng nhận diện khuôn mặt. Mặc dù nghe có vẻ hứa hẹn, nhưng đội ngũ phát triển thấy rằng đưa tính năng này vào ngay Google Glass vẫn là điều chưa cần thiết.
 
Hài hước một chút. Một trong những thứ chắc chắn bạn sẽ không thể thấy trên giao diện Google Glass là… quảng cáo. Sergei Brin đã cho biết rằng mặc dù giá bán chính thức của chiếc kính thông minh sẽ rẻ hơn nhiều so với cái giá 1.500 USD như bản dành cho các nhà phát triển, nhưng Google sẽ không đi theo hướng lấy quảng cáo bù vào giá thành sản xuất.
 
Ở thời điểm hiện tại, những ứng dụng cốt lõi của Google như Gmail và tính năng chat video Hangouts của mạng xã hội Google+ đã được thử nghiệm trơn tru, kèm theo đó là một vài ứng dụng trên nền Android. Chỉ có một điều mà các phóng viên vẫn chưa thể rõ, đó là liệu rằng đội ngũ phát triển ứng dụng Android và Google Apps có đang làm việc cùng với đội ngũ phát triển Google Glass hay không.
 
 
Tổng kết lại, vậy nước đi mang tính chiến lược này của Google có phải là đòn đánh mới nhất trong cuộc đua giữa họ và Microsoft cùng Apple hay không? Câu trả lời là không! Không giống như hay gã khổng lồ còn lại, Google lúc nào cũng chứng tỏ họ là một đứa trẻ luôn ngồi lỳ ở một góc lớp học, nhưng luôn luôn đưa ra những ý tưởng tuyệt vời, đôi khi lên tới mức điên rồ! Họ không bao giờ nghĩ về những trào lưu đang và sắp sửa diễn ra, mà luôn hướng tầm nhìn tới tương lai.
 
Tất cả những gì Google đã, đang và sẽ làm với Project Glass chắc chắn sẽ chỉ là một góc rất nhỏ trong chiến lược mà họ đang “ủ mưu”. Và để kết thúc bài viết, xin được trích dẫn câu nói của nhà văn giả tưởng nổi tiếng Ray Bradbury, và ở một chừng mực nào đó, chúng khá phù hợp với những gì Google đang thực hiện: “Cuộc sống là chuỗi những thử nghiệm không ngừng nghỉ, để biết được liệu rằng một thứ có hoạt động trơn tru hay không”.

Tham khảo TechCrunch