Bạn đã sắm một bộ loa hay cặp headphone “ngon” và hì hụi lắp con soundcard mới vào PC để thưởng thức âm nhạc nhưng sau đó vẫn phải chịu đựng chất giọng lẹt xẹt của chiếc laptop mỗi khi ra khỏi nhà? Thưởng thức âm nhạc hoàn mĩ trên laptop hầu như rất khó vì hầu hết các nhà sản xuất hiện tại đều không hề xem trọng soundcard tích hợp. Do vậy, giải pháp là phải đi kiếm 1 bộ DAC ngoài đủ sức “gánh” headphone (hay loa) và đặc biệt là các loại head-amp tích hợp DAC nhỏ gọn dành cho thiết bị di động hiện nay.
Bài viết sau đây xin được trình bày một vài cảm nhận về uDAC2-SE – một sản phẩm mới ra mắt từ cuối năm 2011 của hãng âm thanh đầy tham vọng Nu-force. Hiện Nu-Force uDAC2-SE đang được phân phối chính hãng tại Việt Nam qua công ty SVHouse với
giá bán khoảng 5 triệu đồng.
Kiểu dáng thiết kếĐánh giá đầu tiên là chưa biết sản phẩm này có “ngon tai” hay không, nhưng “ngon mắt” là chắc chắn rồi. Khác hẳn với đàn em uDAC2 có bề ngoài 1 màu đen giản dị hết mức, phiên bản SE này được Nuforce chăm chút khá kĩ: toàn bộ vỏ sản phẩm là kim loại rất chắc chắn.
Chỉ lớn hơn bao diêm 1 chút, kích thước 68 x 38x 21mm nhưng uDAC2-SE cho cảm giác nặng, đầm tay. 2 mặt trước sau là thép không gỉ nguyên khối cùng các 4 con vít vàng óng nhìn tinh tế, sang trọng. Núm vặn volume cũng là 1 khối thép dày, được làm cẩn thận nên xoay cảm giác vừa đầm tay, vừa chuẩn rất thích. Các cổng RCA và Coaxial phía sau đều được mạ vàng để tăng tính thẩm mĩ, và cũng tăng chất lượng đầu tiếp xúc, giảm độ nhiễu. Tiếc là đầu nối USB không được mạ vàng luôn cho cùng tông với các cổng bên cạnh.
Dây cáp USB kèm theo của Nu-force uDAC2-SE khá dài, đủ để bạn có thể nối vào thùng PC ở dưới đất và đặt chiếc amp lên mặt bàn. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn thích có thêm một cáp USB thật ngắn để dùng với laptop cho khỏi vướng víu.
Thông số kĩ thuậtĐầu vào:
USB (USB 1.1, 2.0)
USB DAC: USB 1.1, 2.0. Bit rate chuẩn USB: 32, 44.1, 48, và 96 kHz, 24-bit
Độ phân giải lớn nhất: 96kHz, 24-bits
Đầu ra:
Analog RCA Output = 2Vrms
Dynamic Range: 90dB
S/N Ratio: 98dB
THD+N 0.05%
Digital Output: coaxial RCA 75-ohm
Headphone output jack, power output: 80mW x 2 @16-Ohm
Tần số đáp ứng:
20-20kHz
Nguồn điện:
Nguồn điện từ cổng USB
Kích thước:
68 x 38x 21mm
Hoạt độngNuforce uDAC2-SE hoạt động như 1 DAC – Amp, do đó ngay khi bạn cắm nó vào cổng USB, âm thanh từ soundcard của máy sẽ bị vô hiệu, uDAC sau đó sẽ “tiếp quản” luồng tín hiệu audio từ các chương trình gửi về. Điều này gây ra một chút phiền hà đối với người sử dụng: nếu bạn dùng sản phẩm Apple như Mac, Macbook thì hoàn toàn không có gì trở ngại; nhưng với PC, laptop thường thì lại khác. Bạn phải download driver trên trang chủ Nuforce (hoặc loa.com.vn) và ngồi cài đặt, set default cho thiết bị này để không xảy ra xung đột giữa các playback devices. Sau khi cài driver xong thì mọi thứ trở nên rất dễ dàng. Có thể cắm trực tiếp headphone vào nghe hoặc nối với dàn âm thanh gia đình thông qua cổng coaxial và RCA.
Ở bài thử nghiệm này, tác giả chỉ sử dụng headphone, do hầu hết trường hợp các bạn sẽ ít khi kiếm được một dàn loa để nối laptop ra. Có một điều cần lưu ý mà chính Nu-force cũng đã nêu trên trang chủ đó là không nên để núm xoay âm lượng của uDAC2 ở mức quá thấp. Khi núm xoay ở góc 7h-10h theo mặt đồng hồ, sẽ xảy ra hiện tượng mất cân bằng âm ở 2 bên, trái có âm lượng lớn hơn phải. Điều này được Nu-force lý giải là xảy ra ở hầu hết các thiết bị amply dưới 1000$ do hạn chế về chi phí và công nghệ. Mặc dù đối với các tai nghe trở kháng từ 50 Ohms trở lên thì điều này không ảnh hưởng gì vì chắc chắn bạn phải vặn volume qua mốc 10h mới có thể nghe rõ tiếng; nhưng đối với những headphone trở kháng rất nhỏ như 8 hay 16 Ohms thì khuyến cáo nên giảm âm lượng trên player máy tính còn 20-50%, và vặn núm volume của Nu-force lên qua “điểm chết” 10h.
Thử nghiệm cùng Sennheiser HD598Sở dĩ HD598 được chọn ra làm đại diện để “cặp kè” với uDAC2-SE bởi vì với mức giá cỡ 250$ cho 1 chiếc portable amp cũng là nằm ở phân khúc mid-end; và đối với dòng ra không quá lớn của uDAC2-SE thì cũng khó có thể kham nổi các headphone trở kháng cao tới 300-600 Ohms. Mặt khác, HD598 có chất âm hơi sáng hơn so với những anh em cùng loại như HD518, 558, 650, khiến nó trở thành một all-rounder – rất dễ nghe, phù hợp với mọi thể loại nhạc.
Player được sử dụng là Foobar2000 với các bản lossless acoustic, jazz và rock ballad. Nói sơ qua về HD598 khi un-amp, tức là chưa cắm qua Nu-force uDAC2-SE: dải treb khá sáng, tuy nhiên chưa đủ chi tiết, có đoạn lên cao hơi bị rè, vỡ. Dải mid làm nên tên tuổi khác biệt của HD598: ngọt, tròn đầy. Bass khi un-amp không có gì nổi trội: bass mờ, đục, chậm và dàn trải. Nhìn chung HD598 hơi thiên mid hơn các đàn anh, rất nịnh tai dễ nghe, dễ kéo với trở kháng chỉ 50 Ohms.
Khi cắm qua uDAC2-SE thì phải nói rằng HD598 đã lột xác hoàn toàn, có amp vào khác hẳn, đánh rất tốt. Nhưng cũng phải lưu ý rằng, dường như HD598 kết hợp Nu-force uDAC-SE không phải là một combo “dễ tính” đối với các bản nhạc chất lượng thấp. Ngay khi bật một bản mp3 128kbps lên bạn có thể nghe rõ ngay tiếng hiss, “xì xì” phát ra từ tai nghe. Có lẽ bộ đôi này khá nhạy, và đi cùng nó phải là những bản lossless được thu âm tốt mới có thể chấp nhận đc.
Chọn mãi mới được 1 vài đĩa nhạc vừa để thử chất âm của bộ này, vừa để nhấm nháp một buổi chiều chủ nhật lười biếng:
Elvis Presley - The Essential [Flac] – một bộ sưu tập những bản nhạc tuyệt vời của ông vua nhạc Rock n Roll, mang chút âm hưởng của blues và country, các bản nhạc đều mang một vẻ đẹp rất mộc mạc.
David Munyon - Seven Leaves In A Bowl of Water(2004) [Flac] – Album nhạc Country/ Folk của ca nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ, cùng phối hợp với hãng thu âm StockFisch cho ra đời những bản nhạc vừa mang tính giản dị hoang dã của Mỹ, vừa mang phong thái tinh tế, vui tươi của vùng châu Âu.
Stockfisch record – Closer to the music Vol.3 – Một trong 4 đĩa nhạc audiophile “Closer to the music” nổi tiếng của Stockfisch, gồm các bản nhạc của nhiều ca sĩ Country/Folk nổi tiếng tại châu Âu và Mỹ.
Như đã nói ở trên, HD598 biến đổi rất nhiều khi được amp cùng chiếc Nu-Force này; nhưng rõ ràng nhất là ở dải treb và bass. Thứ âm thanh “xù xì” trước kia đã biến mất, thay vào đó, ở dải treb là tiếng piano trong vắt, thánh thót, tiếng guitar đanh chắc, gọn gàng và chi tiết rõ ràng hơn rất nhiều. Ở dải mid tuy chất âm không thay đổi nhiều, nhưng có thể nhận thấy trong những chi tiết tinh tế như tiếng gió của giọng ca, tiếng đàn trong hơn lúc un-amp chút xíu, giọng nam trầm ấm truyền cảm với từng âm thanh xuất hiện sau đó trải dài vào không gian. Dải bass là thay đổi nhiều nhất: uDAC2-SE đem lại thêm khá nhiều bass cho HD598. Không những thế, tiếng bass ù lì, chậm đục ban nãy giờ đã chắc chắn, đập từng nhịp rất gọn, đều.Tiếng đàn guitar bass không còn kéo dài mờ nhạt nữa mà nghe có lực, rõ từng nốt một.
Phải nói rằng, Nu-force uDAC2-SE có chất âm thiên sáng, hơi forward treb-mid. Do vậy, cảm giác khi nghe HD598 cùng uDAC2-SE rất thú vị; chất âm trầm ấm đặc trưng của Sennheiser được boost thêm vẻ tươi sáng, trong trẻo làm cho các bản nhạc trở nên sống động hơn nhiều, phù hợp nhất là các bản nhạc Country, Folk, Rock ballad, Pop, Vocal, Classical; ngoài ra khi nghe các loại nhạc khác như Dance, House, Pop Rock hiện đại,… cặp đôi này cũng thể hiện rất khá do bass chắc, mid-treb rất tốt; xứng đáng là một all-rounder.
Tuy nhiên, có một điểm mà chiếc amp này của Nu-force chưa kéo HD598 lên được đó là soundstage. Soundstage của HD598 vốn không được rộng, thậm chí hẹp hơn rất nhiều so với 2 đàn anh HD600, HD650. Khi amp với uDAC2-SE, soundstage không mở rộng ra nhiều, nhưng bù lại thể hiện độ sâu và tách biệt nhạc cụ khá tốt, tái tạo không gian âm nhạc ở mức chấp nhận được.
Lời kếtHiện tại ở thị trường Việt Nam, việc mua một USB DAC – Soundcard để cải thiện âm thanh trên laptop không mới, nhưng cũng không có nhiều lựa chọn và thậm chí rất khó kiếm được đầy đủ đồ ở từng phân khúc thấp – trung – cao. Sự xuất hiện của các sản phẩm Nu-force (
phân phối chính hãng bởi SVHouse) đem tới cho người dùng thêm lựa chọn phù hợp ở dòng trung-cao cấp. uDAC2-SE là một sản phẩm khá, chất âm tươi sáng, bass tốt cho nên thích hợp với nhu cầu của hầu hết người dùng, hoặc những người nghe nhạc rất “tạp nham” từ Classic, Rock, Pop cho đến Dance, House và cả nhạc Vàng như tác giả bài viết này.
Ảnh: Phi Phong