3DS XL của Nintendo đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của bạn về một máy chơi game cầm tay 3 chiều, thiết kế dạng gập và kích cỡ lớn. Một thiết kế mới, tỉ mỉ hơn về phần cứng so với 2 thế hệ DS trước đó (và thậm chí là cả Wii U sắp ra mắt), cùng màn hình lớn hơn được trang bị một lớp rào cản thị sai cho khả năng xem 3D không cần kính.
Ngoại trừ pin lớn hơn, bên trong XL không có cải tiến nhiều so với hơn một năm trước. Điều khiển vẫn như cũ, thậm chí là không có cần analog cho game thủ. Những tính năng đáng chú ý của XL là thẻ nhớ SD 4GB đi kèm (gấp đôi nguyên mẫu), cũng như kích thước vật lý tăng gấp đôi. 18 tháng là thời gian khá dài với một máy chơi game, và cho dù doanh thu của 3DS thời gian gần đây đã phục hồi gần với sản phẩm mới nhất của Sony, có vẻ 3DS XL đã góp phần tăng mạnh sức mua cho nó, với những nguyên do sau đây.
Phần cứng
Nintendo đã có sự thay đổi lớn khi quay lại với những đường bao gọn gàng, tinh tế của DSLite và Dsi. Nước bóng 3 mầu vụng về và các góc cạnh, hình dáng kỳ quái của 3DS hoàn toàn bị loại bỏ. Thay vào đó, thiết kế thuôn nhẹ khiến XL có vẻ ngoài hoàn thiện và đáng xem xét hơn. Khi gấp lại, cả 2 mặt của XL đều được bao phủ bởi lớp bóng mờ khá hoàn hảo, dù nó vô tình gợi nhắc tới chiếc Sony P.
May mắn thay, lớp vỏ của nó chắc chắn hơn nhiều so với các máy tính bảng Android, trong khi vẫn cho cảm giác mỏng hơn khi cầm trên tay. Trên thực tế, cảm giác về độ dày (cũng như các thông số đo đạc) là tương đương với thiết bị đàn anh 3DS, dù kích cỡ màn hình được tăng hơn 90%, cùng thời lượng pin lớn hơn, cũng như trọng lượng tăng tới 46% (336g so với 227g).
Có thể các game thủ có bàn tay nhỏ nhắn không tán đồng, nhưng rõ ràng 3DS XL cho cảm giác rõ ràng hơn về một thiết bị cầm tay gia dụng so với phiên bản trước đó. Nhờ những góc bo tròn, XL không bị chìm sâu vào lòng bàn tay bạn như với thiết kế vuông vắn hơn của chiếc 3DS. Các phím tròn bên cạnh phải vẫn cho cảm giác vô cùng thoải mái khi điều khiển, nút đa năng Nintendo cùng D-pad cũng hoạt động rất mượt.
Tuy vậy, vẫn có những điểm đáng tiếc trong thiết kế của 3DS XL. Thật khó hiểu khi Nintendo không trang bị cho sản phẩm mới nhất của hãng chiếc cần analog (Slide Pad) với khả năng xoay 360 độ như phiên bản trước, dù chắc chắn không phải do thiếu không gian.
Khi thử nghiệm thiết bị với tựa game Resident Evil: Revelation, sự thiếu hụt đáng tiếc của Slide Pad càng rõ ràng hơn. Ngoài ra, cho dù bút stylus bằng nhựa cung cấp đủ chức năng cần thiết, có thể bạn vẫn sẽ nhớ chiếc bút mạ crom sang trọng có khả năng kéo dài của phiên bản trước. Các nút cò cũng nhậy, như truyền thống trên các máy chơi game của Nintendo.
Một điểm sáng của 3DS XL là 3 phím “Select”,”Home” và “Start” nằm dưới màn hình phụ được thiết kế với 3 nút bấm tiêu chuẩn và cho cảm giác chân thực hơn bộ ba có vẻ ngoài rẻ tiền của phiên bản trước.
Khe cắm thẻ SD được đặt sang cạnh phải thay vì cạnh trái như 3DS. Ngoài ra, mặt lưng của XL cũng bao gồm một khe nằm ngang để gài bút, dựa trên thiết kế của DS Lite và DSi trước đó.
Màn hình
Lớn hơn hiển nhiên là tốt hơn. Với màn hình chính có kích cỡ 4,8 inch (cao hơn một chút so với PlayStation Vita, nhưng lại hẹp hơn), hiệu ứng 3D được trình diễn ít gây mỏi mắt hơn khi thử nghiệm.
Màn hình thứ hai, với kích cỡ được tăng tương tự, cũng cho bạn nhiều không gian hơn với những tựa game cần nhiều điều khiển cảm ứng. Tuy vậy, vẫn có chút bất thường khi bộ đôi màn hình này được trang bị kích cỡ khác nhau.
Tuy chỉ sử dụng độ phân giải khá khiêm tốn như phiên bản trước, bộ đôi màn hình này đều có góc nhìn tiêu chuẩn. Màn hình chính lớn hơn tới 1,8 lần, nhưng độ phân giải vẫn là 800x240 dù có mỏng hơn một chút, và màn hình phụ cũng không thay đổi gì khả năng hiển thị: vẫn 320x240 như 3DS.
Đơn thuần về mặt con số, những thông số trên không gây được bất kỳ ấn tượng nào với người dùng đã quen với màn hình hiển thị Retina hoặc các chuẩn tương đương. Tuy 3DS cũng không cho hình ảnh sắc nét hơn, nhưng hiển nhiên, trên một màn hình lớn hơn, phần răng cưa trên phông chữ hay các chi tiết đáng chú ý lộ ra rõ hơn nhiều.
Có thể không nói quá rằng, màn hình của Vita đem tới màn trình diễn mạnh mẽ hơn, kể cả về trực quan hay kỹ thuật. Đây cũng có vẻ là nguyên nhân vì sao Nintendo nhấn mạnh vào các màn quay phim mà hạn chế chụp ảnh với thử nghiệm 3DS XL của họ. Tuy vậy, dù 3DS XL không so được với Vita về tính sinh động, những nội dung 3D cũng không bao giờ là thế mạnh của Sony.
Phần mềm
Ngoại trừ kích thước lớn hơn, không có nhiều thay đổi về phần cứng ở 3DS XL. Cũng có thể đánh giá tương tự với phần mềm của nó, nhưng cũng cần nhìn lại quá trình nắm bắt các nội dung trực tuyến của Nintendo trong bối cảnh có vô vàn đối thủ cạnh tranh là các smartphone mạnh mẽ.
Kể từ khi khởi động dự án vào tháng 3 năm ngoái, Nintendo đã tự xây dựng rất nhiều ứng dụng, bao gồm eShop, Spot Pass, Mii Plaze và những tính năng trực tuyến khác. Những ứng dụng này đã có đủ thời gian để phát triển, đáng chú ý hơn cả là quãng thời gian tương tác với người dùng khác.
Cách tiếp cận giản dị là một đảm bảo cho các trò chơi trực tuyến. Truy cập Wifi, chỉ với một lựa chọn, người dùng có thể kết nối vào game, và sẽ sớm được đối đầu cùng những đối thủ lạ với những kỹ năng tốt hơn nhiều so với bạn nghĩ. Hệ thống Mã bạn bè (Friend Code) cũng cho phép bạn kết nối với những đối thủ trong đời thực.
Nintendo đã mở rộng dịch vụ Eshop rất nhiều so với lúc ban đầu, cùng với việc phân loại rõ ràng khiến việc tìm kiếm dễ dàng hơn. “Cửa hàng” có khá nhiều bản giới thiệu cho các tựa game 3DS sắp được cung cấp, và trong tương lai gần sẽ là các phiên bản đầy đủ của các tựa game này.
Cũng có thể kể tới Virtual Console, bao gồm các tựa game cho NES, GameBoy, GameBoyColor và GameGear cho bất cứ ai muốn chơi lại. Nó được giới thiệu bởi các kênh phần mềm và game mini, cũng như một tập hợp các video khuyến nghị cho người chơi.
Thời lượng pin
Nintendo ước tính XL cho thời gian sử dụng từ 3 tới 6 tiếng rưỡi với các game 3DS, và từ 5 tới 8 tiếng cho các game DS đơn giản hơn. Thực tế thử nghiệm cho thấy máy có thể chạy khoảng 4 tiếng với chế độ game toàn màn hình, bật chế độ 3D và độ sáng ở mức cao nhất, có kết nối Wifi và khoảng 2h chơi trực tuyến.
Như Nintendo đã cảnh báo, thời lượng sử dụng 3DS XL chịu ảnh hưởng khá lớn từ cách sử dụng của người chơi. Thời lượng pin được tăng khá đáng kể khi tắt chế độ 3D, hoặc chọn các tựa game DS cũ. Thực hiện theo những gợi ý trên, cũng như chuyển sang chế độ tiết kiệm pin, giảm độ sáng xuống mức trung bình, và thực tế cho thấy thời gian sử dụng thiết bị tăng lên gần 9 tiếng, mức cải tiến khá đáng kể. Tuy nhiên, thói quen của bạn cũng bị giới hạn kha khá.
Chuyển nội dung
Nintendo giải thích cho việc họ không kèm theo bộ chuyển đổi điện trong bộ sản phẩm đối với thị trường châu Âu và một vài nước châu Á là do hầu hết người mua đều nâng cấp từ những thiết bị cũ.
Bạn có thể tìm thấy trong menu cài đặt tuỳ chọn cho phép chuyển nội dung – như các nội dung số bạn đã mua – từ chiếc 3DS ban đầu và cả chiếc Dsi sang máy chơi game cầm tay mới. Bạn sẽ cần cả 2 thiết bị này, cùng một thẻ SD để hoàn thành quá trình này, một điểm trừ khi so sánh với những đối thủ khác như Google Play, cho phép bạn chuyển những nội dung đã mua trên nhiều thiết bị một cách đơn giản hơn.
Kết
Sau những trải nghiệm, đã có thể rút ra những điểm khác biệt khi sử dụng giữa nó và phiên bản đi trước. Kích thước lớn hơn là một cải tiến, về nhiều mặt, bao gồm cả sự tối ưu và cách vận hành. Màn hình lớn hơn làm giảm sự mệt mỏi khi chơi game 3D, cũng như đem lại sự mượt mà đối với những hiệu ứng quan trọng trong game của Nintendo. Thiết kế bo tròn các cạnh giúp máy vừa vặn hơn với bàn tay. Tuy vậy, sự cạnh tranh vẫn rất gắt gao. Vita vẫn nhỉnh hơn về kỹ thuật, trong khi Nintendo lại mạnh hơn về khả năng cung cấp các ứng dụng của riêng mình cho khách hàng. Hy vọng hãng sẽ sớm cho ra mắt nhiều nội dung trực tuyến hơn.
Mời bạn xem thêm hình ảnh đọ dáng giữa 3DS XL và 3DS:
Tham khảo Engadget.