Ngày nay, việc sở hữu một chiếc máy ảnh du lịch, hay thậm chí là máy ảnh chuyên nghiệp ống kính rời, đã không còn là điều quá xa lạ đối với mỗi gia đình. So với việc thuê người chụp ảnh dạo tại các địa điểm du lịch với giá trung bình 15 – 20 nghìn một kiểu ảnh rửa, tự chụp ảnh bằng chiếc máy cá nhân giúp mang lại những “pô” hình tự nhiên hơn, sống động hơn, tiện lợi “mọi lúc mọi nơi” và số lượng ảnh gần như không giới hạn do lưu trữ bằng thẻ nhớ. Việc bảo quản qua đó cũng dễ dàng hơn.
Sự ra đời và phổ biến của ảnh định dạng số không chỉ gây ảnh hưởng tới những người làm nghề chụp ảnh dạo, mà tác động của nó đã bắt đầu lan tới những cửa hàng cung cấp dịch vụ rửa/phóng ảnh (thường gọi là các lab ảnh). Bởi trong kỷ nguyên của Facebook, Flickr, v..v.. đa phần giới trẻ ưa thích phương thức chia sẻ ảnh ngay tức thì qua các dịch vụ lưu trữ trực tuyến hơn.
Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng khác – đặc biệt là các bậc phụ huynh – chưa quên cảm giác khi được cầm trên tay và ngắm nhìn những tấm hình đã qua tráng rửa (với ảnh chụp bằng máy phim) hay in ấn (với ảnh chụp bằng máy kỹ thuật số), gài chúng một cách cẩn thận vào bên trong những cuốn album ảnh dày dặn như ngày xưa.
Nắm bắt được tất cả những dịch chuyển đó, nhiều nhà sản xuất đã nghiên cứu và tung ra các loại máy in ảnh mini. Hiểu một cách nôm na thì những chiếc máy này cũng gần giống với máy in đen trắng và in màu thường sử dụng để in văn bản máy tính trước kia, do vậy cách sử dụng rất đơn giản. Có khác chăng là chúng đòi hỏi mực và giấy in chuyên dụng dùng để in ảnh, và kích thước thì nhỏ bé hơn rất nhiều.
Cho đến thời điểm hiện tại, máy in ảnh mini vẫn chưa phải là sản phẩm phổ biến đối với nhiều người, nhưng trong tương lai không xa, đây được dự báo sẽ là một sản phẩm bán chạy, đặc biệt tại thị trường Việt Nam, nơi mức tiêu thụ máy ảnh có sự tăng trưởng không ngừng trong vài năm trở lại đây. Các hãng đi tiên phong trong việc sản xuất máy in mini là Canon, HP, Epson, Sony, Kodak, v..v..
Sau đây là đôi điều bạn nên biết nếu đang có ý định chọn mua một chiếc máy in mini:
Có 2 loại máy in mini là máy in phun và máy in nhiệt. Mỗi loại máy có những ưu nhược điểm riêng.
Máy in phun:
Ưu điểm: In được ảnh cỡ lớn (khổ A4), có thể sử dụng mực ngoài (mực của hãng thứ 3 sản xuất). Giá thành rẻ, tiền giấy in rẻ (khoảng 100.000đ cho từ 10-20 tờ khổ A4).
Nhược điểm: Vì sử dụng mực nước nên cứ 2-3 ngày phải sử dụng in ảnh một lần, nếu không sẽ bị tắc vòi phun. Chất lượng ảnh không cao.
Máy in phun Pixma iP4760 của Canon.
Máy in nhiệt:
Ưu điểm: Cho chất lượng ảnh đẹp (đạt 80-90% so với máy in chuyên nghiệp tại các lab ảnh), không cần sử dụng thường xuyên như máy in phun.
Nhược điểm: Giá đắt (2-3 triệu đồng / máy), buộc phải sử dụng mực và giấy in chính hãng (khoảng 500.000đ cho 100 tờ).
Bộ đôi máy in nhiệt Canon Selphy CP470 và Sony DPP-FP70 cho chất lượng ảnh chuyên nghiệp.
Các bạn cũng nên lưu ý rằng tỷ lệ kích thước (dài : rộng) của giấy in thông thường là 2:3, trong khi tỷ lệ cảm biến của máy ảnh du lịch lại là 4:3. Vậy nên nếu in với tỷ lệ nguyên gốc, ảnh khi ra thực tế sẽ bị sai lệch so với file số. Để khắc phục điều này, hãy vào trong Menu của máy ảnh, tìm chọn đến mục Ratio Image, chuyển về 2:3 (nếu có); hoặc sử dụng một phần mềm đơn giản như Photoscape để crop ảnh về tỷ lệ 2:3 trước khi in.