Nhiếp ảnh cơ bản: Bố cục trong nhiếp ảnh (phần I)

Tiểu Phong  | 09/08/2012 0:00 AM

Trong bài viết này, GenK sẽ nói về quy tắc 1/3.

Khi nhắc tới hai từ “bố cục” trong nhiếp ảnh, rất nhiều người ngay lập tức nghĩ tới “quy tắc 1/3”. Không sai khi nói rằng “quy tắc 1/3” là bố cục phổ biến và kinh điển trong nhiếp ảnh, nhưng cần lưu ý không đánh đồng hai khái niệm này với nhau. Thậm chí, nói “quy tắc 1/3” là một thể loại bố cục trong nhiếp ảnh cũng không đúng, bởi thực chất đó chỉ là một phần rất nhỏ (nhưng đơn giản, dễ áp dụng nên trở thành phổ biến) trong bố cục về vị trí các vật thể trong khung hình mà thôi. Để dễ hình dung hơn, có thể xem bảng sau:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
 
Tuy nhiên, vì quá phổ biến và rất dễ áp dụng trong các thể loại ảnh chụp thông thường, nên ở phần tiếp theo sau, GenK vẫn sẽ đi sâu vào hướng dẫn bạn đọc cách vận dụng “quy tắc 1/3” này. Còn trước hết, xin được mạn đàm đôi lời về bố cục trong nhiếp ảnh.
 
1.      Bố cục trong nhiếp ảnh là gì? Tại sao tôi cần nó?
 
Theo Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Bình (Thạc sỹ Nhiếp ảnh truyền thông – Đại học Northeastern, Mỹ)  thì “bố cục hình ảnh trong nhiếp ảnh là việc sắp xếp hay sắp đặt các thành tố hình ảnh trong một không gian giới hạn để thể hiện được ý tưởng của nhiếp ảnh gia.”
 
Nhiều người vẫn thường cho rằng “tôi chụp hình cho vui là chính”, hoặc là “tôi ghét bị ràng buộc trong khuôn khổ” để trốn tránh việc tìm hiểu về bố cục trong nhiếp ảnh. Cũng có nhiều người hoang tưởng rằng mình là... thiên tài nhiếp ảnh, nên cố vặn vẹo người sao cho ra những tư thế và góc chụp thật kỳ quặc rồi tự gán những tấm hình đó hai chữ “phá cách”. Thực chất, bố cục trong nhiếp ảnh là một khái niệm quá rộng và bao gồm quá nhiều “tập con” mà không phải ai – ngay cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – có thể khẳng định rằng mình biết được hết, bởi vậy đa phần những gì chúng ta nghĩ rằng mình đang “phá cách”, thực chất chỉ đang nằm trong một vùng tối mà mắt mình chưa nhìn thấy.
 
Một tấm hình không có bố-cục-theo-chủ-đích (để phân biệt với bố cục vô tình tạo ra trong quá trình tìm tòi... phá cách nói tới ở trên) cũng giống như một căn phòng lộn xộn ngổn ngang. Đôi khi, chỉ đôi khi thôi, chúng tạo ra đôi chút ấn tượng đối với người xem. Nhưng trong đa số trường hợp, người ta sẽ đặt câu hỏi “Rốt cuộc tấm hình này có ý nghĩa gì?” Căn phòng này có gì đặc biệt, đâu là những vật dụng quan trọng được sử dụng, chúng nằm ở đâu mất rồi? Bố-cục-theo-chủ-đích khi đó là công cụ để loại bỏ những chi tiết thừa, sắp xếp lại những gì cần thiết theo một trật tự nào đó để bất kỳ một người khách nào khi mở cửa bước vào phòng cũng dễ dàng nhận ra chúng, và đoán biết được phần nào tính cách của chủ nhân căn phòng.
 
Ngay cả với người sử dụng máy ảnh du lịch để chụp một tấm hình cho cả gia đình (hoặc nhóm bạn) khi đi du lịch, việc sắp đặt người cao đứng giữa, thấp dần về hai bên hay nam nữ xen kẽ, khuỵu gối xuống hất máy lên để lấy được cả mái nhà hay ngọn cây phía sau,... cũng là một kiểu bố cục trong nhiếp ảnh. Vậy có gì là không tốt nếu chúng ta nắm được phần nào đó kiến thức về chúng và áp dụng để có được những tấm hình đẹp hơn?
 
2.      Quy tắc 1/3 (The Rule of Thirds)
 
Như đã nói ở trên, bố cục trong nhiếp ảnh là một khái niệm rất rộng, bao gồm nhiều thể loại như bố cục ánh sáng, bố cục màu sắc, bố cục vị trí các vật thể trong khung hình. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết này, GenK chỉ xin được giới thiệu tới bạn đọc “quy tắc 1/3”, một “tập con” trong bố cục về vị trí các vật thể trong khung hình.
 
Quy tắc 1/3 tạo bởi 2 đường cắt ngang và 2 đường cắt dọc, chia khung hình ra thành 9 phần bằng nhau:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Bố cục 1/3.
 
Các đường cắt dọc gọi là các “đường dọc mạnh”, các đường cắt ngang gọi là các “đường ngang mạnh” hay các “đường chân trời”, chúng giao nhau tại 4 điểm (đánh dấu đỏ) gọi là các “điểm mạnh”.
 
Một tấm hình tuân thủ tốt quy tắc 1/3 là khi người chụp đặt các điểm nhấn của chủ thể vào càng nhiều các đường mạnh và điểm mạnh càng tốt, và phần hậu cảnh nếu có đường chân trời thì đường chân trời này nằm song song hoặc trùng khớp với 1 trong 2 đường ngang mạnh.
 
Hãy xem các hình dưới đây để hiểu rõ hơn về cách xếp đặt theo quy tắc này. Nguồn hình: Internet.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Đường chân trời phía xa được đặt song song và gần sát với đường ngang mạnh phía trên. Phần đầu
của con thuyền được đặt tại điểm mạnh phía dưới bên trái.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Khung hình dọc cũng áp dụng quy tắc 1/3, với bông hoa hướng dương và cô gái đều nằm ở các điểm mạnh bên phải.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Ảnh chân dung vận dụng khá nhiều quy tắc 1/3. Trong tấm hình này, chủ thể là cô gái với toàn bộ trục cơ thể nằm trên 2 đường dọc mạnh bên
phải và ngang mạnh phía dưới, đi qua 3 điểm mạnh (quá tuyệt!). Đường chân trời phía sau nằm song song với đường ngang mạnh phía trên.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Chân dung cận cảnh cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt đôi mắt – “cửa sổ tâm hồn” là điểm nhấn thường được
khai thác nhiều nhất, được ưu ái đặt trên đường ngang mạnh và điểm mạnh phía trên bên phải.
 
Quy tắc 1/3 phổ biến và dễ áp dụng tới mức trong hầu hết mọi chiếc máy ảnh – từ du lịch tới ống kính rời, đều tích hợp sẵn thước ngắm phục vụ cho quy tắc này. Cụ thể trong kính ngắm (viewfinder) của máy ảnh ống kính rời, ta sẽ thấy nhìn các đường vạch mờ chia khung hình ra làm 9 phần đúng như trên. Còn ở máy ảnh du lịch, ngắm chụp qua LCD, ta có thể kích hoạt các đường vạch này bằng cách vào Menu / Camera Settings / Grid Lines: On.
 
Thậm chí tính năng này có ngay cả trên iPhone:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Bật gridlines trên iPhone.
 
Quy tắc 1/3 không phải là quy tắc duy nhất trong bố cục về vật thể trong nhiếp ảnh, nhưng đó lại là quy tắc thường gặp nhất với các thể loại hình chụp mà chúng ta hay thực hiện. Chỉ cần áp dụng nhuần nhuyễn quy tắc này – nhận định được đâu là điểm nhấn của chủ thể, đâu là đường chân trời, v..v.. là bạn đọc đã có thể nâng cao trình độ của mình lên rất nhiều rồi. Ở bài viết tuần tiếp theo, GenK sẽ giới thiệu tới bạn đọc thêm một số loại hình bố cục khác nữa, cũng như một số thủ thuật nho nhỏ khiến hình chụp trông “chuyên nghiệp” hơn.
 

Xem tất cả các bài viết thuộc Chuyên đề máy ảnh số.
Xem những bài viết thuộc Kiến thức nhiếp ảnh.
Xem các bài viết về Kinh nghiệm chụp ảnh.