Đắt khách
Một chủ hiệu cầm đồ trên đường Tô Hiến Thành (Quận 10) đang khá lo lắng vì sau mùa giải ngoại hạng Anh, cửa hàng của anh đang "ôm" nhiều xe máy và laptop trong khi khách hàng đã "bỏ của chạy lấy người". Ngay từ trước mùa Euro, anh đã tiến hành rao bán, thanh lý để lấy vốn "phục vụ" thượng đế. "Các mặt hàng công nghệ như laptop, điện thoại, máy tính bảng thanh lý rất dễ vì nhu cầu mua lại cao. Nhiều người thích "canh me" dịp này để mua điện thoại xịn giá rẻ lắm!", anh cho biết thêm.
Không như các đại gia thường cầm cố xe hơi, đất đai, đối tượng cầm đồ hitech thường là sinh viên, cậu ấm hoặc nhân viên văn phòng... trót mê cá độ. Anh Hoàng, chủ một tiệm cầm đồ trên đường Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) cho biết: "Tụi trẻ bây giờ chịu chơi lắm, thua 1 trận là trận sau thể nào cũng chơi gấp đôi để gỡ gạc. Sinh viên thì lấy tiền bố mẹ cho cả tháng để cá độ. Thua độ thì cắm điện thoại, laptop rồi gọi về nhà báo mất. Thường cầm mấy cái đồ đó là tụi nó toàn "một đi không trở lại" thôi, nên sau mùa bóng đá là tụi tôi thanh lý... sướng tay!".
Ở một cửa tiệm cầm đồ khác trên đường Bắc Hải (Quận 10), khi người viết có ý "cầm cố" chiếc laptop Acer có giá thị trường khoảng 12 triệu, chủ cửa hàng xăm xoi 1 hồi rồi "báo giá" 5 triệu, lãi suất 5%/ngày. Thấy tôi ngạc nhiên, chủ cửa hàng bảo: "Thấy cô là nữ nên tôi "ưu đãi", chứ cô đi khắp cũng chả có chỗ nào có lãi suất này đâu!".
Ở khu làng Đại Học quận Thủ Đức, trong vòng 1 tiếng, người viết ghi nhận được có ít nhất là 15 sinh viên ra vào một cửa hiệu cầm đồ. Mới đầu mùa giải, những vật được cầm cố nhiều nhất hiện đang là điện thoại, laptop và máy ảnh. "Chờ sau vòng loại thì máy tính bảng và xe máy sẽ "ra vào" nườm nượp ấy. Nếu chị muốn mua máy tính bảng thì chừng tuần nữa quay lại, thể nào cũng có!". Chị chủ cửa hàng trả lời khi người viết có ý mua hàng "ký gửi". Khi tôi e ngại rằng hàng mới cầm cố, phải chờ một thời gian mới mua được thì chị ấy "giảng giải": "Người ký gửi chỉ được gia hạn thêm 5 ngày so với thời hạn ghi ở giấy hẹn. Quá ngày đó thì chủ hiệu cầm đồ sẽ được bán để thu lại vốn. Thế nên chị cứ an tâm". Chị còn cho biết thêm, thời điểm này, thường các tiệm cầm đồ muốn "mua đứt" hơn là cầm cố, nhất là các đồ vật có giá trị không quá cao. Mà người bán cũng muốn "bán quách" cho xong chứ cầm cố rồi lãi mẹ đẻ lãi con.
Trước giờ trái bóng lăn thì trên mạng, trên các diễn đàn cũng đang sôi động với những topic "nhận cầm đồ" với lãi suất tương ứng để vay 1 triệu là 4 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, cũng có một số cửa hàng kinh doanh laptop, điện thoại cũng lập topic nhận cầm các sản phẩm trên với mức lãi suất vô cùng ưu đãi, chỉ khoảng... 2%/tháng với hy vọng một nửa số chủ nhân sẽ không quay trở lại nhờ... trái bóng vẫn lăn.
Săn "hàng" giá rẻ
Theo quan niệm của rất nhiều người, hàng được ký gửi ở các tiệm cầm đồ thường là của những cậu ấm cô chiêu, sinh viên hoặc nhân viên văn phòng nên sẽ có chất lượng tốt và chắc chắn giá sẽ mềm hơn thị trường rất nhiều. Chị Thuỳ Anh, nhân viên văn phòng của một công ty bất động sản cho biết, chị từng mua được một chiếc laptop đời mới với giá giảm gần 50% so với trên thị trường vào mùa World Cup 2010. Vì thế, nhân đợt Euro này, chị cũng đang "tăm tia" một chiếc iPad 2 về cho con gái. Chị tỏ ra khá "sành sỏi" khi cho rằng: "Chờ giữa mùa Euro rồi đi hỏi giá thanh lý của mấy món mình thích. Lúc này mấy cửa tiệm thường đang khát vốn, thế nào cũng bán. Mùa này họ chặt chém lãi suất ghê lắm, bán cho mình giá nào họ chả lời!(?!)".
Một người phụ việc cho một tiệm cầm đồ trên Quốc lộ 13, Quận Thủ Đức tiết lộ mới đầu mùa mà cửa hàng khá tấp nập. Mùa World Cup 2010, chủ của cô thu nhập gần 300 triệu. "Năm nay tui nghĩ chắc hơn nữa. Thường người ta "cắm" mấy thứ như điện thoại, máy tính, máy ảnh, kim từ điển... là không có lấy lại đâu. Toàn của sinh viên thôi. Cá độ thua thì bỏ, thắng thì mua luôn cái mới. Tội gì mà đi lấy lại cái cũ cho xót tiền lãi chớ!". Cô cũng cho biết thêm, thường sau mỗi mùa bóng đá là thời điểm các cửa hàng cầm đồ tiến hành thanh lý hàng cầm cố, và thu nhập từ những khoản đồ này là rất lớn. Thường mức cho vay của các hiệu cầm đồ là khoảng 70% giá trị mặt hàng đó trên thị trường. Khi thanh lý, "hàng" sẽ được bán với giá chênh khoảng 50-70% so với giá thực tế. Các thiết bị này cũng được định giá tuỳ vào "ý thích" của chủ hiệu, và tuỳ vào đánh giá "mặt mũi" của khách mua hàng. Nếu người dùng chịu khó "lùng hàng" thì dù giá nào cũng rẻ và "chất" hơn giá thị trường khá nhiều.
Tuy nhiên, việc lùng hàng công nghệ giá rẻ này cũng chứa đựng khá nhiều rủi ro. Nhiều chủ tiệm cầm đồ "thấu hiểu" được tâm lý thích xài hàng tốt giá rẻ của khách hàng nên đã "tân trang, mông má" lại hàng họ trước khi đem ra bán để đẩy giá lên. Không ít những khách hàng sau khi mua điện thoại, laptop, CPU... được vài ngày thì máy lâm vào tình trạng gặp trục trặc. Lẽ dĩ nhiên những cửa hiệu cầm đồ không nhận bảo hành và khách hàng buộc phải tự đi sửa chữa. Châu, sinh viên năm 4 đại học Nông Lâm xót xa: "Năm ngoái em có mua một chiếc máy tính xách tay HP ở 1 cửa tiệm cầm đồ trên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức). Giá lúc đó chỉ 6 triệu so với giá thị trường là 13 triệu. Lúc mua em đã kiểm tra kỹ nhưng được chừng 1 tuần là có vấn đề. Mang tới cửa tiệm vi tính thì người ta bảo toàn bộ phụ kiện bên trong đã được thay thế bằng hàng second-hand. Tức quá chừng mà không làm gì được. Chỉ tội ham rẻ!". Ngoài ra, mặt hàng dễ bị "bung đồ" nhất chính là điện thoại. Nhiều người dùng mếu máo khi mua iPhone 4 giá bằng nửa thị trường nhưng bên trong toàn đồ Trung Quốc second-hand bán mấy chục ngàn/kg ở chợ Nhật Tảo.
Người mua nên cẩn trọng đề phòng những tiệm cầm đồ bất chính "treo đầu dê bán thịt chó". Tiền nào của đó! Ham đồ rẻ có thể phải trả giá đắt.