Lịch sử chuột máy tính

S&L  | 03/08/2011 05:00 PM

Độc giả hãy cùng chúng tôi "dạo" một qua một vòng lịch sử, hiện tại và dự đoán một chút về tương lai của thiết bị huyền thoại này.

Chuột máy tính (computer mouse) là một khái niệm đã quá quen thuộc với chúng ta ngày nay. Sẽ thật vô nghĩa nếu chúng tôi ngồi ở đây và cố gắng giải thích cho bạn đích xác nó là cái gì. Tóm lại, đây là một thiết bị giúp ta điều khiển và giao tiếp máy tính. Đương nhiên, cũng không ai có thể phủ nhận vai trò, tầm quan trọng của nó trong sự phát triển chung của thế giới công nghệ từ trước tới nay. Nhưng liệu trong tương lai thì sao?
 
Độc giả hãy cùng chúng tôi "dạo" một qua một vòng lịch sử, hiện tại và dự đoán một chút về tương lai của thiết bị huyền thoại này.
 
Ngược dòng lịch sử chuột máy tính
 
Thiết bị đầu tiên của chức năng của một con chuột máy tính là phát minh của Hải quân Hoàng gia Canada vào năm 1952. Thực tế, nó là quả bóng bowling được gắn trên phần cứng. Phần cứng của thiết bị sẽ ghi lại chuyển động của trackball rồi sau đó truyền thông tin lên màn hình. Vì đây thuộc phạm trù bí mật quân sự nên thiết kế kỹ thuật của nó chưa bao giờ được công bố. Thực tế, hoạt động của thiết bị này tương tự rất nhiều trackpad sau này.
 
Bí mật của quân đội hoàng gia Canada.
 
Thiết bị đầu tiên được công nhận rộng rãi là chuột máy tính được Douglas Engelbart phát minh vào năm 1963. Nó sử dụng hai bánh xe để cung cấp dữ liệu theo hai trục, sau đó chuyển tải lên máy tính. Năm 1970, Bill English của Xerox PARC đã thay thế bánh xe cổ điển bằng một viên bi giúp cho chuột di chuyển tốt hơn và nhiều chiều hơn.
 
Tuy phát triển tương đối nhiều trong giai đoạn sau đó tuy nhiên, phải cho đến khi GUI ra đời vào năm 1981. Cùng với GUI, chuột mới phát huy được sức mạnh vượt trội của mình so với các thao tác bằng bàn phím và lệnh quen thuộc trước đó. Có thể nói, sự phát triển của cả hai nhân tố này gắn bó chặt chẽ với nhau và chúng đã tạo nên bộ mặt mới của giới công nghệ. Thực tế, chuột thương mại đầu tiên ra đời vào năm 1981, 2 năm sau đó, Lisa ra đời với chuột máy tính "một nút" mà Apple vẫn trung thành từ đó tới nay.
 
Chuột đầu tiên của nhân loại.
 
Năm 1984, Logitech cho ra mắt chuột không dây đầu tiên sử dụng sóng hồng ngoại. Đúng 20 năm sau đó, chuột laser ra đời và người phát minh cũng là Logitech. Ngoài ra, touchpad được giới thiệu trên các laptop trong những năm đầu của thập kỷ 90.
 
Đặc tính kỹ thuật và câu chuyện chuột máy tính ngày nay
 
Nói chung về cơ bản, phương thức hoạt động của các chuột máy tính  là gần giống nhau. Chuột ghi lại di chuyển và gửi dữ liệu về tọa độ cho máy xử lý. Hai loại công nghệ phổ biến nhất cho chuột hiện nay là chuột quang và chuột bi. Về kết cấu, trừ các sản phẩm của Apple và một số sản phẩm không thực sự phổ biến và hữu dụng, hầu hết chuột máy tính hiện nay đều có hai nút chính (chuột trái và chuột phải) cộng thêm một nút cuộn. Với một số loại chuột cao cấp, chúng được tích hợp thêm một số nút khác nhưng các nút này không đảm nhận nhiệm vụ cơ bản của chuột máy tính.
 
Chuột máy tính thương mại đầu tiên.
 
Chuột bi là những con chuột "cơ bản" nhất. Nguyên tắc hoạt động của nó rất đơn giản: khi bạn di chuyển, viên bi sẽ chuyển động và truyền chuyển động này vào các trục ở bên trong. Sau đó, dữ liệu sẽ được truyền cho máy xử lý. Tuy góp công lớn và sự phát triển của máy tính nhưng chuột bi đang ngày càng trở nên ít phổ biến hơn do các nhược điểm cố hữu của mình: trọng lượng nặng, độ chính xác không cao...
 
Chuột quang hoạt động trên nguyên lý phát hiện phản xạ thay đổi của ánh sáng phát ra từ một nguồn cấp để xác định sự thay đổi toạ độ của con trỏ trên màn hình máy tính. Chuột quang đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bởi những ưu điểm vượt trội của nó như: độ chính xác cao, nhẹ... Thời gian đầu, nhược điểm lớn nhất của chuột quang là kén bề mặt (ví dụ điển hình nhất là không hoạt động trên mặt kính). Tuy nhiên gần đây với công nghệ laser, chuột quang đã khắc phục được nhược điểm này. Vì thế, chuột quang có thể nói đã "giết chết" công nghệ chuột bi truyền thống.
 
Chuột không dây hầu hết hoạt động nhờ một bộ thu pháp sóng với đầu thu được gắn trực tiếp trên máy tính. Dữ liệu được xử lý sẽ được truyền qua bộ thu phát này và hoạt động tương tự như chuột thông thường. Hiện đã xuất hiện một số chuột kết nối qua Wifi nhưng chưa thật sự phổ biến vì giá thành cao.
 

Xu hướng 1 "nút" của Apple bắt nguồn từ đây.
 
 
Về cổng kết nối của các chuột có dây. Trước đây, hầu hết chuột sử dụng cổng kết nối PS/2 nhưng sự bất tiện của cổng này khiến cho các NSX hiện nay đề sử dụng kết nối chính là cổng USB vì sự tiện dụng, phổ biến của nó.
 
Các thiết bị thay thế và tương lai kém tươi sáng của chuột
 
Khi mà kỷ nguyên hậu PC đang tới ngày càng gần hơn, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về sự cần thiết và tương lai của thiết bị tưởng như không thể thay thế này.
 
Nhắc đến các thiết bị thay thế chuột đầu tiên phải nhắc tới người anh em gần gũi nhất với nó: touchpad. Nếu như chuột quang hơn chuột không dây ở điểm "nhỏ gọn hơn" thì chuột quang lại chịu thất bại hoàn toàn trước thiết bị tích hợp này. Cũng giống như chuột, touchpad thời kỳ đầu thua kém hẳn về độ chính xác, tiện dụng thì ngày nay, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, các touchpad ngày càng nhạy, chính xác và đáp ứng được nhiều nhu cầu của con người hơn. Thực tế,  ngày nay hầu hết người dùng laptop đều chọn giải pháp touchpad hơn là sắm một chú chuột rời.
 
Nhưng quan trọng hơn, khi mà công nghệ cảm ứng ngày càng hoàn thiện, tương lai của chuột máy tính càng bị đe dọa. Trong kỷ nguyên hậu PC, khi mà các thiết bị cầm tay với màn hình cảm ứng trở nên phổ biến và thân thuộc hơn, có quá nhiều lý do để người ta quên đi một thiết bị cồng kềnh như chú chuột máy tính.
 
Hiện nay, người ta đã bắt đầu tính đến một số giải pháp thay thế hoàn hảo chuột máy tính như cảm biến chuyển động của cơ thể (Kinect) hay các công nghệ "sóng não" như trong phim viễn tưởng của thế kỷ trước. Biết đâu, trong tương lai gần, chuột sẽ trở thành một thiết bị thừa thãi.
 
Kết

Cho dù thế nào đi chăng nữa, công lao của chuột là không thể phủ nhận. Sự phát triển của chuột là một phần quan trọng, không thể thiếu của giới công nghệ nói chung. Giả sử không có chuột có lẽ Windows, Mac... còn lâu mới trở nên phổ biến như ngày nay.
 
Xem thêm:

chuột máy tính