Kinh nghiệm chụp ảnh: Hướng dẫn chụp ảnh phong cảnh (phần I)

Tiểu Phong  | 13/09/2012 0:00 AM

Phần 1 của loạt bài hướng dẫn chụp ảnh phong cảnh

loạt bài trước, GenK đã giới thiệu tới các bạn những điều cần lưu ý khi chụp ảnh chân dung. Bắt đầu từ bài viết tuần này, GenK sẽ hướng dẫn các bạn cách để chụp một bức ảnh phong cảnh. Người viết vẫn luôn lưu ý các bạn rằng, mặc dù những phần bài viết đầu thường thiên về lý thuyết và khá nhàm chán, tuy nhiên chúng lại rất quan trọng cho những ai mới bắt đầu bước chân vào con đường nhiếp ảnh. Bởi nếu không nắm vững những nguyên tắc cơ bản cũng như hiểu đúng bản chất của chúng, bạn sẽ rất dễ rơi vào trường hợp “làm sai mà không biết mình sai”, hoặc không thể tự phát triển những kỹ năng riêng sau này dựa trên nền móng chuẩn mực sẵn có.
 
Như thường lệ, trong bài viết tuần này, GenK sẽ giới thiệu sơ qua về những trang thiết bị nên hoặc cần có khi chụp ảnh phong cảnh.
 
1. Thân máy
 
Độ phân giải cao đặc biệt hữu ích trong ảnh chụp phong cảnh. Bởi chúng giúp ta dễ dàng thực hiện 2 việc sau đây:
 
-          In ảnh với kích thước lớn: Rất nhiều người chụp ảnh phong cảnh có nhu cầu in chúng với kích thước lớn để trưng bày. Đặc điểm của ảnh chụp phong cảnh nói chung là “rõ nét đến từng chi tiết”, bởi vậy một thân máy với độ phân giải cao – kết hợp cùng kỹ năng lấy nét chính xác – khi in ảnh ở kích thước lớn sẽ cho ra kết quả vô cùng mãn nhãn.
 
-          Cắt (cúp / crop) ảnh: Vì nhiều lý do, trong đó có sự hạn chế của trang thiết bị, mà đôi khi ảnh chụp cần phải được crop lại để loại bỏ những chi tiết thừa thãi, tạo cái nhìn tập trung vào chủ thể hoặc điểm nhấn mong muốn. Lúc này, độ phân giải cao sẽ giúp ta vẫn giữ được chất lượng ảnh đủ tốt để in ấn hoặc chia sẻ với kích thước lớn.
 
Người ta vẫn thường cho rằng thân máy fullframe chụp ảnh phong cảnh (và nói chung là với mọi thể loại ảnh) tốt hơn thân máy crop. Xét về mặt lý thuyết, điều này là đúng vì cảm biến trên thân máy fullframe cho độ chi tiết hình ảnh, độ bão hòa màu và dải tương phản động (dynamic range) rộng hơn so với thân máy crop. Có điều, khoảng cách này đang ngày được các hãng máy ảnh gắng sức thu hẹp. Và thực tế thì thân máy crop có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với thân máy fullframe. Chưa kể sự lựa chọn về ống kính dành cho thân máy crop cũng đa dạng và có chi phí thấp hơn khá nhiều so với số lượng ống kính sử dụng được trên thân máy fullframe.
 
Với ảnh chụp phong cảnh thì những tiêu chí như tốc độ lấy nét nhanh, tốc độ chụp liên tiếp nhanh, v…v.. đã không còn quan trọng nữa. Ngay cả những tính năng được các hãng sản xuất đưa vào trong nhiều thân máy tối tân hiện nay như tích hợp khả năng chụp HDR, khả năng chụp panorama, giả lập hiệu ứng màu, v..v.. cũng chỉ nhằm lôi kéo những đối tượng khách hàng muốn “nghịch ngợm” với ảnh chụp nhưng thiếu kiên nhẫn, thích “ăn sẵn”. Tới đây, xin bật mí luôn với bạn đọc rằng trong phần cuối của loạt bài Hướng dẫn chụp ảnh phong cảnh này, tác giả sẽ hướng dẫn các bạn thật chi tiết cách chụp ảnh panorama và HDR mà không sử dụng tính năng “mỳ ăn liền” trong máy!
 
kinh-nghiem-chup-anh-huong-dan-chup-anh-phong-canh-phan-i
Một tấm hình phong cảnh với hiệu ứng HDR (High Dynamic Range). Nguồn ảnh: Internet.
 
kinh-nghiem-chup-anh-huong-dan-chup-anh-phong-canh-phan-i
Ảnh siêu rộng (Panorama). Nguồn ảnh: Internet.
 
Một tính năng khác thường được người sử dụng quan tâm là khả năng khử nhiễu (noise) của máy ảnh. Điều này cũng không thật sự quan trọng trong ảnh chụp phong cảnh. Bởi vì đã là ảnh chụp phong cảnh nghĩa là chụp ngoài trời, như vậy trong điều kiện ánh sáng ban ngày, ta chỉ cần tối đa đến ISO 800 là đủ. Với ảnh chụp ban đêm, ta chuyển về chụp phơi sáng hoặc tốc độ chậm (khoảng 1/4s hoặc trên 1s). Khi đó, khả năng khử noise sẽ không còn quan trọng nữa. Một lý do khác là thuật toán khử noise trong đại đa số máy ảnh hiện nay đều để lại hậu quả là đánh mất chi tiết của hình chụp, và thật sự đó là thảm họa đối với ảnh phong cảnh, khi yếu tốt “nét căng đến từng milimet” thường được đặt lên hàng đầu.
 
Như vậy, có thể thấy rằng thân máy sử dụng trong ảnh chụp phong cảnh không yêu cầu những tính năng quá cao cấp (mà lại thừa thãi). Một thân máy đời cũ như Canon 30D hay Nikon D70s cũng đã dư sức cho ra những tấm hình phong cảnh “coi được”. Phần ngân quỹ còn lại, bạn hãy đầu tư vào ống kính. Bởi đó mới chính là yếu tố (ngoại trừ con người) làm nâng cao chất lượng hình chụp một cách rõ rệt.
 
2. Ống kính
 
Ống kính góc rộng là thứ không thể thiếu đối với ảnh chụp phong cảnh. Ống kính góc rộng cho một cái nhìn bao quát hơn, giúp thu lại được nhiều hơn chi tiết vào trong khuôn hình, và cũng dễ dàng để crop hình hơn sau khi chụp.
 
Một ống kính được coi là góc rộng trong ảnh chụp phong cảnh nên có tiêu cự (quy đổi trên cảm biến fullframe) từ 28mm trở xuống. Như thế có thể thấy, ống kính kit 18-55mm thường được bán kèm với các thân máy đời thấp, với tiêu cự quy đổi từ 27mm (18mm x 1.6 hoặc 18mm x 1.5) đã phần nào đáp ứng được điều này.
 
Với tiêu cự nhỏ hơn, có thể kể đến các ống kính 17-40mm, 16-35mm, 10-22mm, 16-50mm, v..v.. của các hãng Canon, Nikon và Sony. Ngoài ra, các hãng thứ ba chuyên sản xuất ống kính cũng có những sản phẩm được rất nhiều người ưa chuộng như Tamron 17-50mm, Sigma 17-70mm, Tokina 12-24mm, Tokia 11-16mm, v..v..
 
Ngoài ra, đóng góp không nhỏ vào thể loại ảnh chụp phong cảnh còn có các loại ống kính tạo hiệu ứng mắt cá như Nikon Fisheyes 10mm, hay ống kính chuyên chụp kiến trúc như Canon Tilt-shift 24mm.
 
Ống kính tiêu cự tele thậm chí cũng có thể sử dụng trong ảnh phong cảnh. Đó là khi bạn muốn cô lập một chủ thể ở rất xa trong một không gian rất rộng như tấm hình dưới đây:
 
kinh-nghiem-chup-anh-huong-dan-chup-anh-phong-canh-phan-i
Ảnh chụp phong cảnh với không gian cực rộng dễ gây cảm giác “loãng” ảnh, không có điểm nhấn.
 
kinh-nghiem-chup-anh-huong-dan-chup-anh-phong-canh-phan-i
Sử dụng một ống kính tele để tạo sự tập trung. Nguồn ảnh: Internet
 
3. Kính lọc
 
Kính lọc (filter) là một hoặc nhiều thấu kính, thường được lắp đặt phía trước ống kính nhằm bảo vệ ống kính hoặc tăng chất lượng ảnh. Một số lớp tráng (coating) sẽ được thêm vào bên trên các tấm kính đó tùy theo loại kính lọc và mục đích sử dụng của nó. Các lớp tráng này còn có công dụng chống trầy cho kính lọc.. Các loại kính lọc thường dùng bao gồm:
 
kinh-nghiem-chup-anh-huong-dan-chup-anh-phong-canh-phan-i

 
Trong đó với ảnh chụp phong cảnh, 2 loại kính lọc quan trọng nhất là:
 
Kính phân cực:
 
Kính lọc phân cực có tác dụng làm giảm cường độ ánh sáng chiếu vào cảm biến. Với kính lọc phân cực, trời sẽ trở nên xanh đậm hơn, độ tương phản giữa trời và mặt đất sẽ giảm đi, đồng thời loại bỏ hiện tượng loá và ảnh phản chiếu dưới nước, trong các tấm kính. Hiệu ứng do kính lọc mang lại có thể thay đổi khác nhau nếu bạn xoay nhẹ kính lọc ở các góc khác nhau. Bạn có thể nhìn trực tiếp vào ống ngắm hay màn hình LCD đã nhận thấy sự thay đổi đó. Ngoài ra, hiệu ứng còn tăng hay giảm phụ thuộc vào vị trí của máy ảnh và vị trí của mặt trời. Hiệu ứng mạnh mẽ nhất khi máy ảnh được được đặt vuông góc với hướng ánh sáng tới của mặt trời. Điều này có nghĩa là nếu mặt trời ở đỉnh đầu của chúng ta thì hiệu ứng sẽ đạt cực đại nếu ta chụp một đối tượng nào đó theo phương ngang.
 
kinh-nghiem-chup-anh-huong-dan-chup-anh-phong-canh-phan-i
Ảnh chụp không có (bên trái) và có (bên phải) sử dụng kính lọc phân cực. Nguồn ảnh: Internet.
 
Có hai loại kính lọc phân cực là loại tuyến tính (Linear) và loại vòng (Circular - CPL). Loại kính lọc phân cực vòng được thiết kế để hệ thống tự động lấy nét của máy ảnh vẫn có thể hoạt động được. Loại tuyến tính có giá thành rẻ hơn nhiều, tuy nhiên máy ảnh có hệ thống đo sáng TTL (Through-The-Lens) và lấy nét tự động sẽ không hoạt động được, đồng nghĩa với hầu hết máy DSLR hiện nay sẽ trở nên vô dụng. Khi đó, người dùng buộc phải tự lấy nét và đo sáng bằng tay.
 
Kính ND (Neutral Density):
 
Kính lọc ND có tác dụng giống như kính mát, làm giảm cường độ sáng đến cảm biến của máy ảnh, thông qua đó ta có thể kéo dài thời gian phơi sáng ngay cả trong môi trường chụp nhiều ánh sáng. Kính lọc ND được sử dụng khi ta cần:
 
-          Chụp chuyển động mượt mà của thác nước, dòng sông, biển, v..v..
 
-          Tạo trường lấy nét sâu hơn dưới cường độ sáng rất mạnh.
 
-          Giảm việc mờ ảnh do ta có thể sử dụng khẩu độ nhỏ hơn nhiều.
 
kinh-nghiem-chup-anh-huong-dan-chup-anh-phong-canh-phan-i
Tấm kính hình chữ nhật ở giữa là ND filter và khung cảnh phía trước mặt khi nhìn qua nó. Nguồn ảnh: Internet.
 
kinh-nghiem-chup-anh-huong-dan-chup-anh-phong-canh-phan-i
Phơi sáng ngay giữa ban ngày với ND filter. Nguồn ảnh: Internet.
 
4. Chân máy (tripod)
 
Ảnh chụp phong cảnh không thể thiếu chân máy. Nó giúp ta dễ dàng thực hiện những tấm hình HDR hay phơi sáng. Nhà sản xuất luôn đưa ra con số về tải trọng tối đa với mỗi sản phẩm của họ. Bởi vậy bạn nên lựa chọn một chiếc chân máy đủ dùng với số cân nặng từ thân máy và ống kính mà bạn thường sử dụng.
 

Xem tất cả các bài viết thuộcChuyên đề máy ảnh số.
Xem những bài viết thuộc Kiến thức nhiếp ảnh.
Xem các bài viết về Kinh nghiệm chụp ảnh.