Grado SR125i: Trải nghiệm “chất audiophile” giá mềm

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 04/09/2012 0:00 AM

Bên trong bộ cánh mộc mạc là chất âm "oanh vàng".

Grado Labs, cái tên đến từ bên kia bờ đại dương, sau gần 60 năm có mặt trên bản đồ âm thanh toàn cầu, đã trở thành một trong những cái tên lão làng không chỉ trên thế giới, mà còn rất được cộng đồng chơi âm thanh tại Việt Nam quan tâm. Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công, những chiếc tai nghe Grado đều sở hữu dáng vẻ phong trần, vừa cổ điển lại vừa giản dị, nhưng bên trong nó là chất âm cực kỳ phóng khoáng và giàu chi tiết.

grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem

Ở Việt Nam, số lượng người chơi âm thanh sở hữu những chiếc headphone được đóng mác Grado hoặc Alessandro (Cả 3 chiếc headphone mang nhãn hiệu Alessandro High End đều do Grado Labs thiết kế và chế tạo) không hề ít một chút nào. Nếu đã có dịp thử qua “tượng đài” SR60i, thì các bạn độc giả hẳn sẽ có được phần nào định nghĩa về cái gọi là Grado Sound Signature.

grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem

Trong bài viết ngày hôm nay, GenK xin giới thiệu tới các bạn độc giả cảm nhận chi tiết về một sản phẩm cùng phân khúc tầm trung của Grado (Prestige Series) nhưng có chất lượng cao hơn SR60i và 80i, đó là chiếc fullsize headphone SR125i của Grado Labs.
 
Nâng như nâng trứng
 
Trước khi bắt đầu nhận xét về ngoại hình SR125i, có lẽ tôi phải thú nhận một điều. Nhiều năm về trước, khi lần đầu tiên biết đến thương hiệu Grado, tôi đã không giành cho nó nhiều thiện cảm. Lý do là hồi đó, cá nhân tôi vẫn còn khá đặt nặng vấn đề mẫu mã. Tư duy lúc bấy giờ của tôi là một chiếc headphone đắt tiền cần (hay nói cách khác là “nên”) sở hữu một vẻ ngoài xứng đáng với chất âm nó đem lại cho người sử dụng. Thế nhưng cách tư duy “đáng nhận gạch” này của tôi không tồn tại được lâu. Nó biến mất ngay khi tôi được nghe thử SR60i lần đầu tiên trong đời.
 
Thế nhưng, cái cảm giác kể trên lại ùa về khi lần đầu tiên GenK được chiêm ngưỡng chiếc tai nghe SR125i, “nhân vật chính” của bài viết ngày hôm nay. Quả thật, tư duy “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã được thấm nhuần vào tâm trí của các kỹ sư cũng như nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp ở Grado Labs.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
 
Hộp bìa carton đựng tai nghe của Grado luôn là hàng sản xuất “đại trà”. Điều này có nghĩa là hộp đựng mọi mẫu tai nghe đều giống nhau như đúc, và không hề có bất kỳ chi tiết bắt mắt nào, cũng như đặc điểm nhận biết model trên hộp. Thứ duy nhất giúp người tiêu dùng nhận ra mẫu tai nghe mình cần mua, đó là phần vỏ hộp được cắt, lộ ra 2 earcup có tên mẫu tai nghe.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
Không màu mè, không chi tiết rườm rà
 
Vỏ ngoài của SR125i được đúc hoàn toàn bằng nhựa cứng, một số chi tiết vẫn lộ những mảng diềm nhựa thừa cắt gọt không kỹ sau quá trình đúc. Phần cầu nối 2 tai được làm bằng thép không gỉ bọc da mỏng, và được nối với 2 thanh thép được đúc trực tiếp vào trong earcup với chức năng thay đổi độ rộng của headband. Tai nghe có kết cấu supra aural, hiểu nôm na là earpad “đè” lên vành tai, thay vì ôm trọn khu vực ngoài vành tai như các mẫu circumaural, với một trong những đại diện tiêu biểu chính là HD558 của Sennheiser.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
 
Hai earpad bằng mút khá dày, và theo nhà sản xuất, chúng hoàn toàn có thể thay thế bằng những miếng mút mới, hoặc thậm chí là “mod” một đôi earpad bằng da, tùy vào nhu cầu sử dụng và nhu cầu thẩm mỹ. SR125i, giống như mọi sản phẩm khác của Grado, mang trong mình kết cấu open-air, với lưới thép lỗ tròn giống như những người anh em SR60i và 80i.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
 
Công bằng mà nói, thì những người sử dụng headphone Grado phải luôn nâng niu chiếc tai nghe của họ. Chỉ cần vài giây sơ sểnh để chiếc tai nghe yêu quý rơi hoặc có những va chạm mạnh là phần cầu nối có thể gãy rời khỏi earcup nhựa. Chưa dừng lại ở đó, vỏ tai nghe cũng khá dễ bị gãy, đặc biệt là ở phần điều chỉnh earcup hoặc nứt vỡ. Vì thế lời khuyên của GenK tới những bạn đọc muốn sở hữu Grado, đó là hãy “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” chiếc tai nghe của mình.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
Vị trí dễ gãy
 
Trái ngược hoàn toàn với chất lượng bề ngoài vỏ chiếc tai nghe chính là chất lượng dây cáp của SR125i. Cáp nối được trang bị jack 1/4 inch (6,3 mm) này dày, cứng cáp, chắc chắn và vô cùng nặng nề. Thiết nghĩ với hệ thống cáp như thế này, người sử dụng sẽ chẳng thể nào “xách” được chiếc tai nghe yêu quý của mình ra đường để thưởng thức âm nhạc. Nhưng đó hoàn toàn chẳng phải vấn đề của Grado. Ngoại trừ mẫu iGrado, những chiếc tai nghe mà phòng thí nghiệm có trụ sở tại Brooklyn, Mỹ này tạo ra đều nhắm vào thị trường người sử dụng tại gia, vì thế việc dây cáp của SR125i dày gấp 3 lần dây cáp của HD650 cũng không ảnh hưởng đến việc thưởng thức âm nhạc của người sử dụng cho lắm.
 
Thánh thót oanh vàng
 
Sau khi nhận xét cảm quan xong, ngay lập tức GenK cắm ngay chiếc headphone này vào laptop thông qua adapter 6,3 sang 3,5mm. Và những gì người thử nghiệm nhận được có thể gọi là hậu quả của việc “nhanh nhảu đoảng”.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
 
Để thử nghiệm chiếc tai nghe này, có lẽ việc sử dụng các track mp3 thông thường với chất lượng 128 kbps là hơi "dìm hàng" SR125i. Vì thế những bản nhạc GenK sử dụng trong bài viết ngày hôm nay đều là bản flac, hoặc 320 kbps nếu không tìm được bản nhạc có chất lượng tương đương. Việc dẫn link YouTube trong bài viết sẽ chỉ mang tính tham khảo cho các bạn độc giả.
 
Vốn đã phần nào biết được “sound signature” (chất âm đặc trưng) của những tai nghe Grado luôn thiên về mảng sáng, với dải mid và high cực kỳ chi tiết, tôi thử nghiệm ngay SR125i với phiên bản flac của bài nhạc Wake Me Up When September Ends. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi tiếng guitar cất lên là nó vô cùng trong trẻo, đi kèm với đó là giọng hát của Billie Joe Armstrong cao và đầy tình cảm. Thế nhưng khi tiếng trống cất lên cũng là lúc tôi nhận ra sai lầm. Âm bass hoàn toàn bị “đè” bởi dải mid và high. Âm trầm mặc dù vẫn được chiếc tai nghe thể hiện rõ và uy lực, nhưng nó lại “dây dưa” chứ không đanh gọn như mong muốn.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
Mộc mạc
 
Thật may, tôi đã có “cứu trợ”. Ngay sau khi kết nối NuForce uDAC 2-SE vào laptop, và cắm tai nghe vào thiết bị DAC, mọi chuyện đã khác hoàn toàn. Vẫn còn đó cái chất trong trẻo, cao vút của từng nốt guitar, nhưng âm bass đã “lột xác”, nó trở nên săn chắc, gọn gàng hơn nhiều so với lúc nghe nhạc trực tiếp qua cổng 3,5mm của laptop. Tuy nhiên, mức độ và lực của âm trầm của Grado SR125i khi kết nối qua uDAC 2-SE đã giảm đi phần nào so với lúc trước. Điều này cũng dễ hiểu, khi uDAC của NuForce là thiết bị tái tạo lại tín hiệu âm thanh theo hướng làm dày hai dải mid và high, trong khi đây lại là hai dải âm cực kỳ “chất” trên chiếc tai nghe của chúng ta.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
"Người trợ giúp" thứ 2: JDS Labs Objective2 Headamp

Ngắt kết nối uDAC 2-SE, GenK chuyển sang thử nghiệm Grado SR125i bằng một trong những chiếc handmade headamp rất nổi tiếng trong cộng đồng chơi tai nghe không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, đó là JDS Labs Objective2 (O2) headamp. Nếu các bạn độc giả, giống như tôi, hay lang thang trên diễn đàn HeadFi thì chắc chắn sẽ biết tới cái tên NwAvGuy. Trên HeadFi, NwAvGuy đã khá nhiều lần “dìm hàng” những tên tuổi headamp và DAC lớn như Schiit, FiiO hay thậm chí là cả NuForce. Với mục tiêu tạo ra một chiếc headamp “cây nhà lá vườn” có khả năng cạnh tranh với những cái tên lớn ở tầm giá 500 USD, NwAvGuy đã tạo ra O2 headamp. Người tiêu dùng tại Việt Nam hoàn toàn có thể sở hữu O2 với tầm giá chỉ khoảng 3 đến 3,5 triệu Đồng.
 
Một lần nữa, SR125i lại có cơ hội biểu diễn sức mạnh khi được kết nối với O2. Hai dải mid và high vẫn “véo von” như khi kết nối với DAC của NuForce, thế nhưng âm bass lại trở lại với sức mạnh y như lúc cắm tai nghe vào laptop, nhưng vẫn giữ được âm thanh gọn, chắc trên uDAC 2-SE. Những bản nhạc được GenK test dưới đây đều sẽ được tái tạo lại âm thanh thông qua O2 headamp (gain 1x).
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
 
Nhiều người cho rằng, nhìn chung âm bass của Grado bị yếu so với những tên tuổi như Beyerdynamics hay Sennheiser. Điều này có phần đúng, và cũng có phần sai. So sánh Grado SR125i với 2 sản phẩm cùng phân khúc cũng như tầm giá khác là HD558 và HD598 thông qua track ParadiseBesame Mucho của Kenny G, thì âm bass của Grado rõ ràng là “chưa phải đối” nếu so với hai chiếc tai nghe còn lại. Thế nhưng, nhận định chung, thì chất âm của hai đại diện đến từ nước Đức có phần tối hơn nhiều.
 
Vì âm trầm không phải thế mạnh của Grado, nên có lẽ tôi sẽ dừng việc “bắt nạt” chiếc tai nghe, mà chuyển sang việc nhận định thế mạnh của SR125i: Soundstage, mid và high.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
 
Sau khi thưởng thức bản flac của Besame Mucho, GenK đã nghĩ rằng có lẽ chẳng cần test độ rộng của soundstage trên SR125i thông qua album của Stax nữa (GenK đã có dịp giới thiệu về album khá độc đáo này trong bài viết về chiếc in-ear CX-215), bởi vì những gì nó thể hiện trên bản nhạc đã quá đủ thuyết phục. Tiếng cajon cũng như tiếng guitar khiến cho tôi cảm tưởng như hai nhạc công đang đứng phía sau mình chơi nhạc vậy. Cứ như vậy đến hết bản nhạc, tiếng nhạc cụ hỗ trợ cho tay saxophone lão luyện cứ hiện diện thấp thoáng, gần mà xa, tạo cảm giác xa gần cho âm thanh khá tuyệt.
 
Mặc dù vậy, để chắc ăn, chúng ta hãy cứ thử bật album Dummy Head của Stax Audio lên, xem chiếc tai nghe có giá 4 triệu Đồng này đem lại những gì cho người sử dụng. Kết quả khá bất ngờ. Tiếng guitar ở góc phải “căn phòng thu âm” nhỏ hơn hẳn so với tiếng cô gái Sabine thì thầm ở góc trái, điều không thể tìm thấy ở những mẫu tai nghe trong tầm giá 1 triệu Đồng mà GenK từng có dịp thử qua. Ở track thứ 2 (Marianne Von 7 Bis 7), tiếng bước giày cao gót của người phụ nữ, tiếng đóng cửa lẫn tiếng kéo rèm phòng tắm đều vô cùng chân thực. Âm thanh có xa, có gần. Thử nghiệm so sánh với HD598, kết quả đem lại có thể tạm gọi là tương đương, khi chiếc tai nghe của Sennheiser có độ rộng khá tương đồng với SR125i.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
Jack cắm 6,3mm mạ vàng
 
Giống với một vài cái tên khác, SR125i của Grado tỏ ra khá hợp gu với những bản ballad và jazz, sau khi thử nghiệm với những bản nhạc ở trên, cộng thêm Always của Bon Jovi và Right Here Waiting của Richard Marx. Tiếng piano tiếp sau lượt violin trong Right Here Waiting rất giàu cảm xúc, có hồn và đầy chiều sâu. Âm mid của SR125i cũng không hề kém cạnh khi giọng ca của nam ca sĩ Al Green trong Let’s Stay Together thật ấm áp, phóng khoáng và tinh tế.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
 
Chuyển sang một bản nhạc Việt được khá nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ưa thích trong thời gian vừa qua. Tiếng piano trong Qua Ô Cửa Thời Gian của Quái Vật Tí Hon cất lên, cũng là lúc tôi một lần nữa “chìm” trong cái thế giới đẹp đẽ đầy màu sắc, nhưng cũng nhiều ưu tư, phiền muộn mà vocal Hải “Bột” đem đến cho thính giả, giống như lần đầu tiên được lắng nghe bản nhạc này vậy. Sound stage rộng của SR125i một lần nữa phát huy ưu điểm của nó.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
 
Đến đây, chợt nhớ đến lời một người bạn, rằng “Grado mà nghe metal và hard rock thì phải biết”, tôi liền thử ngay chiếc tai nghe bằng bản flac của Sweet Child O’ Mine (Guns n’ Roses). Đoạn solo của “thiên tài” Slash đầu bản nhạc cao vút mà không hề bị chói. Hiện tượng này cũng không hề xảy ra ngay cả khi tiếng cymbal xuất hiện với cường độ dồn dập, đi kèm với nó là giọng ca cao vút của gã trai ngang tàng Axl Rose.
 
Không bỏ lỡ cơ hội, bản nhạc tiếp theo GenK thử nghiệm với SR125i là Despair, một trong số những bản nhạc nền trong bộ phim bom tấn The Dark Knight Rises. Sở dĩ tôi lựa chọn Despair là do nó sở hữu một đoạn crescendo (tạm dịch “lên cao dần”) bắt đầu từ đoạn 1:10 khá hoành tráng. Qua đó, tôi đã thực sự hiểu được cảm giác “eargasm” đúng nghĩa, đến mức… nổi da gà. Rốt cuộc, tuy đã có tuổi nhưng nhà soạn nhạc người Đức Hans Florian Zimmer vẫn cứ “bá đạo”.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
Ký tự hiển thị lớn và dễ nhìn
 
Cuối cùng, để kết thúc phần kiểm tra âm thanh, GenK xin được “liều” thử nghiệm SR125i bằng hai thể loại không mấy phù hợp với nó: Trance và Dubstep. Và quả thật, hai thể loại nhạc này khá xung khắc với chiếc tai nghe của chúng ta. Một chiếc tai nghe thiên về dải âm trong trẻo, sáng sủa, trong khi hai thể loại nhạc lại dựa vào nhịp bass là chính, rất xung khắc và khó đạt tới chất lượng âm mà người sử dụng mong muốn.
 
Thử nghiệm qua 2 track 320 kbps Zedd - Spectrum (Armin van Buuren remix) và Whiskers của Feed Me ft. Gemini cho thấy rõ, âm bass mặc dù vẫn có lực, nhưng rất tù túng chứ không hề mạnh mẽ như khi thử nghiệm trên các mẫu tai nghe khác như Sennheiser HD-25 II hay Fostex TH-5B. Tuy nhiên mọi chuyện lại có chiều hướng khác khi track Nothing In Your Eyes bản Instrumental của producer Hoàng Touliver được bật lên. Những âm thanh nhạc cụ ở dải mid và high được tái tạo bằng công cụ điện tử tưởng chừng vô hồn, hóa ra lại đầy biểu cảm dưới sự nhào nặn của chiếc tai nghe.
 
grado-sr125i-trai-nghiem-chat-audiophile-gia-mem
 
Dù sao thì lời khuyên của GenK đối với các tín đồ của House, Trance hay Dubstep, đó là Grado hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của các bạn. Thay vào đó, một chiếc tai nghe có dải bass tốt, khỏe và sound sig ấm ấp trong tầm giá chỉ khoảng 1 triệu Đồng sẽ là lựa chọn tuyệt vời, thay cho việc lựa chọn SR125i.
 
“Chất audiophile”
 
Với cái giá 4 triệu Đồng, có thể Grado SR125i sẽ chỉ nằm trong wishlist của rất nhiều người đam mê. Tuy nhiên nếu hầu bao của bạn dư dả, thì chiếc tai nghe này hoàn toàn có thể là sự lựa chọn sáng suốt trong công cuộc tìm kiếm một chiếc tai nghe phục vụ cho nhu cầu “chơi âm thanh” của mình. Chất âm sáng, trong trẻo, giàu chi tiết, cộng thêm cái giá không quá đắt đỏ so với những cái tên khác ở cùng phân khúc đã khiến SR125i đứng trong danh sách những chiếc headphone xứng đáng để đầu tư. Hiện Grado SR125i được phân phối chính thức tại Việt Nam thông qua công ty TNHH SVHouse.
Xem thêm:

tai nghe

review