[Đánh giá] Loa cộng hưởng Cowin - Thay đổi cách thưởng thức âm nhạc

Phi Phong  | 04/12/2011 05:01 PM

Trong các dòng loa cộng hưởng (tên khác: loa rung) bán tại Việt Nam, sản phẩm của Cowin dễ tìm mua và có chất lượng được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, với giá thành không rẻ, bộ đôi sản phẩm đến từ Cowin mang đến thứ âm thanh như thế nào?

Trong các dòng loa cộng hưởng (tên khác: loa rung) bán tại Việt Nam, sản phẩm của Cowin (phân phối bởi công ty Giải Pháp công nghệ NDK) dễ tìm mua và có chất lượng được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, với giá thành không rẻ, bộ đôi sản phẩm đến từ Cowin mang đến thứ âm thanh như thế nào?

Trước hết, với những ai chưa biết về dạng loa này – đây là dòng sản phẩm sử dụng cộng nghệ lõi rung có khả năng chuyển tín hiệu số (tín hiệu âm thanh) sang các rung động cơ học. Bề mặt của lõi rung khi tiếp xúc với các vật thể khác sẽ tạo ra sóng âm truyền trong không gian. Cấu tạo này cũng tương đối giống với một bộ loa thông thường, trong đó các vật thể tiếp xúc có tác dụng khuyếch đại và quyết định đặc tính âm thanh.

Cowin Mighty Dwarf và Cowin Magic Cube


Cowin Magic Cube (bên trái) và Cowin Mighty Dwarf (bên phải).

Cowin Mighty Dwarf (1 triệu đồng) và Cowin Magic Cube (1,9 triệu đồng) là hai sản phẩm loa cộng hưởng khá nổi bật trên thị trường Việt Nam. Cowin Mighty Dwarf có thiết kế đơn giản, dạng trụ tròn, tín hiệu âm thanh có thể lấy từ thẻ nhớ microSD hoặc từ các thiết bị khác qua cáp chuyển từ jack âm thanh 3,5mm sang miniUSB. Trong khi đó, Cowin Magic Cube được cấu tạo dạng module, gồm ba phần kết nối theo thứ tự bằng lực hút từ tính. Phần trên cùng của sản phẩm này là một loa nhỏ (loa thông thường). Cả hai sản phẩm có thể hoạt động nhờ pin sạc lithium. Rõ ràng, hai thiết kế này đề cao tính di động, cho phép người dùng sử dụng sản phẩm một cách linh hoạt.
 
Cowin Magic Cube (giá thị trường: 1,9 triệu đồng)

Cowin Magic Cube có thiết kế hình khối vuông, cấu tạo gồm 3 tầng.


Bề mặt tiếp xung sẽ rung trong quá trình phát nhạc.


Loa phụ ở tầng trên cùng.


Vị trí cổng miniUSB, jack micro, audio, khe thẻ nhớ SD ở mặt sau.


3 tầng loa có thể tách rời nhau và gắn lại nhờ lực hút từ tính.


Loa vẫn sử dụng được khi chỉ lắp tầng 1 và tầng 3.

Cowin Mighty Dwarf (giá thị trường 990 ngàn đồng)

Cowin Mighty Dwarf có thiết kế dạng trụ tròn, kích thước nhỏ hơn phiên bản Magic Cube.


Tuy nhiên, phần đế tiếp xúc có tiết diện tương tự.


Cowin Mighty Dwarf không được bổ sung loa phụ, không có nhiều nút chức năng để phát nhạc.


Bạn có thể gắn thêm đế hút (bán lẻ) để tăng khả năng sử dụng của loa.


Trong hình, loa đang bám dính vào mặt tủ thẳng đứng.
 
Phần độc đáo nhất của cả hai bộ loa đều giống nhau, đế tiếp xúc nhỏ ở dưới sẽ rung lên trong quá trình hoạt đông, khi chạm vào các đồ vật khác sẽ tạo ra thứ âm thanh khác hẳn ban đầu. Vì cơ cấu này ở hai bộ loa khá giống nhau nên chúng tôi sẽ tập trung vào thử nghiệm nhanh với model Cowin Mighty Dwarf.

Thử nghiệm thực tế

Thực tế, khi mới cầm Cowin Mighty Dwarf trên tay, có đủ lý do để bạn không thể hi vọng nhiều vào chất lượng âm thanh nó mang lại. Kích thước nhỏ, công nghệ lạ, thương hiệu không tên tuổi… Tuy nhiên, màn trình diễn của sản phẩm lại đem đến khá nhiều cảm xúc nhờ chất âm thay đổi được theo ý người dùng.

Khi không ghép nối với đồ vật nào, Cowin Mighty Dwarf vẫn phát âm thanh nhưng ở chất lượng rất thấp và âm lượng nhỏ. Hạn chế này sẽ thay đổi ngay với một vài đồ vật thông dụng. Phụ thuộc vào chất liệu, kích thước và độ rỗng (tỷ lệ phần rỗng so với tổng thể tích vật thể) của vật phối ghép, bạn sẽ có một “hệ thống loa” chất âm thiên sáng, thiên tối... tùy theo.

Thử nghiệm cho thấy, các đồ vật làm từ gỗ, giấy... mang đến âm thanh thiên tối, bass sâu trong khi các vật bằng kim loại, nhựa, kính... thể hiện chất âm mạnh về dải treb hơn. Ngoài ra, các vật thể lớn, cấu tạo nhiều lỗ (khoang, ngăn) rỗng như tủ, hộc bàn… có xu hướng khuyếch đại âm thanh tốt hơn hẳn các đồ vật khác.
 

Minh họa hoạt động của Cowin Mighty Dwarf
(âm thanh trong video không giống hoàn toàn thực tế).


Thử ghép với tủ quần áo (bằng gỗ, 2 gian) để chơi Rock, âm thanh được khuyếch đại rất nhiều lần, tiếng bass trong One step closer (Linkin Park) thể hiện uy lực và dồi dào tuy có phần lấn ướt tiếng guitar và giọng ca sĩ. Trong khi đó, khi chuyển sang ghép với thùng giấy cỡ nhỏ, tiếng bass cân bằng hơn với hai dải còn lại nhưng lại trở nên lùng bùng và mất kiểm soát hơn. Ngoài ra, việc ghép với thùng giấy khiến âm lượng giảm đi khá nhiều, ở một vài đoạn người dùng sẽ nghe thấy âm thanh phát trực tiếp từ loa (chất lượng thấp) rõ hơn là âm sau khi được khuyếch đại cùng đồ vật.
 
Ghép với bàn kính trong thể loại Jazz/ Classical/ Acoustic qua các ca khúc: Take Five(TDBQ), Autumn in Seattle(Tsuyoshi Yamamoto)… Cowin Mighty Dwarf thể hiện dải mid, treb tốt hơn nhưng khó có thể bắt kịp một bộ loa thông thường ở cùng tầm tiền. Tiếng kèn trong Take Five ở mid có thể chấp nhận được nhưng khi lên cao bị chói. Tuy nhiên, có một chi tiết khá thú vị khi ghép với bàn kính, Cowin Mighty Dwarf tạo ra không gian âm thanh khá lạ, gần như không xác định được rõ ràng tiếng nhạc phát ra từ vị trí cụ thể nào trên bàn.

Có một lưu ý mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, chất âm mà loa cộng hưởng tạo ra không thể thể nhận xét chính xác, vì với mỗi thể loại nhạc bạn phải tìm cho mình một đồ vật phù hợp nhất để phối ghép. Bên cạnh đó, do đặc điểm rung khi hoạt động nên loa dạng này tạo ra một số bất tiện cho người dùng, vật thể ghép cùng phải đảm bảo tính chắc chắn, cứng cáp. Xung quanh vị trí đặt loa không nên đặt thêm các đồ vật nhỏ khác… Nếu muốn, người dùng có thể mua kèm chân giác hút để gắn dính loa lên các mặt phẳng đứng, nghiêng.


Minh họa hoạt động của Cowin Magic Cube
(âm thanh trong video không giống hoàn toàn với thực tế).


Riêng về Cowin Magic Cube, model này được tích hợp thêm một loa phụ ở trên đỉnh và hệ thống nút điều khiển, bật tắt eq, bổ sung micro... Sự có mặt của loa phụ giúp âm thanh Cowin Magic Cube tạo ra có phần đầy đặn hơn, bổ khuyết cho dải mid, treb mặc dù không nhiều. Ngoài ra, nếu sử dụng nguồn điện ngoài, loa đạt đến công suất phát lớn gấp hai lần khi dùng pin lithium.

Kết luận

Hiện tại, Cowin Magic Cube/ Cowin Mighty Dwarfcó mặt trên thị trường với giá 1,9 triệu và 990 ngàn đồng (tham khảo giá công ty NDK), mức giá không hề rẻ với nhu cầu sắm sửa loa của phần đông người dùng máy tính, điện thoại. Vì vậy, nếu bạn chắc chắn về nhu cầu thay đổi khẩu vị thưởng thức âm nhạc, không quá khắt khe về chất âm, đề cao tính di động, hãy để mắt tới hai sản phẩm của Cowin. Còn lại, hãy dành hầu bao cho những sự lựa chọn hợp lý hơn để thưởng thức âm nhạc, đây là một lời khuyên thật lòng.