[Đánh giá] Google Nexus Q: Chưa đủ tầm để trở thành siêu phẩm

Vi Dũng  | 02/07/2012 0:00 AM

Với cái giá vào khoảng 300 USD, cộng thêm việc thị trường ở thời điểm hiện tại đã xuất hiện “bạt ngàn” những thiết bị có tính năng tương tự, liệu rằng Nexus Q có đủ khả năng cạnh tranh với những tên tuổi xuất hiện trước để chiếm lĩnh thị trường giải trí tại gia?

Hẳn các bạn vẫn còn nhớ, 6 tháng trước CEO Google Eric Schmidt đã dự báo rằng Google TV sẽ mở đầu trào lưu TV thế hệ mới vào mùa hè năm 2012. Sáu tháng sau nhìn lại, ai cũng có thể thấy rằng điều đó đã không trở thành hiện thực, với sự đổ bộ của những mẫu TV thông minh cũng như sở hữu các tính năng ưu việt hơn cả Google TV.
 
Thế nhưng, như một lẽ dĩ nhiên, thất bại của Google TV chẳng hề khiến cho ông trùm tìm kiếm nản lòng, mà thay vào đó, họ tìm cách khác để thâm nhập vào phòng khách gia đình bạn. Vâng, thứ mà chúng tôi đang nói tới chính là dự án Tungsten, với sản phẩm thương mại hóa có tên Nexus Q. Như đã giới thiệu trong nhiều bài viết, Nexus Q là một thiết bị hỗ trợ giải trí tại gia, với khả năng kết nối với các thiết bị sử dụng HĐH Android cũng như tự kết nối với internet để chơi những bản nhạc cũng như video ngay trên chiếc TV của gia đình bạn.
 
 
Với cái giá vào khoảng 300 USD, cộng thêm việc thị trường ở thời điểm hiện tại đã xuất hiện “bạt ngàn” những thiết bị có tính năng tương tự đến từ những đối thủ như Roku, Sonos hay thậm chí là cả Apple, liệu rằng Nexus Q  có đủ khả năng cạnh tranh với những tên tuổi xuất hiện trước để chiếm lĩnh thị trường giải trí tại gia hay không, chúng ta hãy cùng xem bài đánh giá chi tiết được thực hiện bởi các phóng viên của trang tin công nghệ The Verge.
 
Cấu hình và thiết kế
 
Trong một phòng khách với sự hiện diện của vô số thiết bị và đồ dùng góc cạnh, thì rõ ràng Nexus Q sở hữu hình dáng khác lạ hoàn toàn so với những đồ vật còn lại. Thiết bị mang hình dáng của 2 nửa quả cầu khớp với nhau bằng một vòng 32 đèn LED đa màu với góc nghiêng 45 độ. Toàn bộ phần nửa trên của Nexus Q là bề mặt cảm ứng cho phép người sử dụng điều chỉnh âm lượng thông qua thao tác xoay, và đèn LED nhỏ ở phía trước thiết bị chính là vị trí của nút ngắt tiếng.
 
 
Thiết bị sở hữu 1GB RAM và 16GB bộ nhớ flash tích hợp, cho phép người sử dụng lưu trữ tạm thời những bản nhạc hay video clip tải về từ Play Store. Ở phía sau, hầu như tất cả những kết nối cơ bản của hệ thống giải trí tại gia đều hiện diện trên Nexus Q: Từ cổng kết nối HDMI, USB, ethernet đến kết nối coaxial dành cho hệ thống loa stereo. Một amplifier tích hợp, công suất 25W đảm nhiệm vai trò tái tạo âm thanh cho đôi loa mà Nexus Q làm việc cùng.
 
Rõ ràng là không thể chê bai bất cứ điều gì về thiết kế của Nexus Q. Bề mặt đen nhám khiến cho người sử dụng hay những người lần đầu tiên tiếp xúc đều muốn thử chạm vào nó. Nói một cách khác, Nexus Q xứng đáng chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống giải trí tại gia, mặc dù bề mặt nhám rất dễ bám bụi và khá khó để lau chùi hiệu quả.
 
 
Khi kết nối với các thiết bị sử dụng Android, sau khi tải ứng dụng điều khiển Nexus Q, thiết bị sẽ cho phép bạn đặt tên cho từng thiết bị Nexus Q trong nhà, cũng như vị trí của chúng. Sau bước nhập mật khẩu truy cập mạng không dây, thiết bị của các bạn đã sẵn sàng hoạt động. Tuy nhiên dường như vấn đề đã bắt đầu nảy sinh khi sử dụng một thiết bị Android để điều khiển cùng lúc nhiều chiếc Nexus Q.
 
Ứng dụng
 
 
Nexus Q hầu như không có bất kỳ giao diện người dùng nào khi kết nối với màn hình, do đó mọi thiết lập hay tùy chỉnh sẽ đều phải thực hiện thông qua ứng dụng trên các thiết bị Android như thay đổi độ sáng và màu sắc đèn LED, thay đổi các tùy chỉnh khi nghe nhạc, xem video hay thậm chí là cả việc bật hay tắt các kết nối trên thiết bị. Dĩ nhiên là chúng đều hoạt động hoàn hảo trên chiếc smartphone, tuy nhiên với nền tảng phần cứng của Nexus Q (chạy HĐH Android 4.0.4 và sở hữu chip lõi kép A9), thì việc sở hữu giao diện riêng có lẽ cũng không phải là đòi hỏi quá đáng.
 
Âm nhạc
 
Tất cả những tác vụ giải trí của Nexus Q đều chỉ dừng ở 3 dịch vụ: YouTube, Google Play Music và play Video. Chiếc smartphone của bạn chỉ đóng vai trò là chiếc điều khiển từ xa, ra lệnh cho Nexus Q tải dữ liệu từ server và trực tiếp phát tới thiết bị đầu cuối. Lấy ví dụ, bạn đang nghe một bản nhạc trên chiếc điện thoại của mình. Chỉ với vài thao tác, bạn đã có thể bật chính bản nhạc này trên hệ thống loa stereo tại nhà.  Tốc độ tải dữ liệu khá nhanh, tuy nhiên trong một số trường hợp, kết nối bị đứt không rõ nguyên nhân, nhưng mọi thứ lại trở về như bình thường sau khi khởi động lại ứng dụng Nexus Q.
 
Một ưu điểm của Nexus Q đó là bên cạnh Play Store, bạn có thể sử dụng cả tài khoản Google Music để Nexus Q thực hiện việc streaming. Tuy nhiên thật đáng tiếc, khuyết điểm khó chịu nhất của thiết bị này lại vô tình đến từ chính ưu điểm của nó. Bên cạnh Play Store và Google Music, bạn hoàn toàn không thể sử dụng bất kỳ dịch vụ streaming trực tuyến nào khác như Rdio hay Spotify. Điều này cũng tương tự với những người sử dụng dịch vụ video như Hulu hay Netflix.
 
 
Về phần chất lượng âm thanh, mặc dù không thể nào so bì được với những mẫu amplifier của giới audiophile, nhưng với 25 watt sức mạnh, Nexus Q sẽ vẫn đáp ứng tốt được nhu cầu về âm thanh trong những căn phòng diện tích vừa và nhỏ. Thử nghiệm cho thấy, âm thanh được tái tạo từ amplifier tích hợp của Nexus Q khá trong trẻo và giàu chi tiết. Trong quá tình chơi nhạc, nếu muốn ngắt âm, thì người sử dụng sẽ hơi vất vả một chút, vì nút chạm cảm ứng hoạt động không được như mong muốn khi họ phải tap vài lần, Nexus Q mới thực hiện lệnh ngắt âm thanh.
 
Video
 
Giống như âm nhạc, chỉ những đoạn video clip hay các bộ phim trên hệ thống YouTube và ứng dụng Play Movies mới có thể được phát thông qua Nexus Q. Ở những clip độ phân giải tiêu chuẩn (360p hoặc 480p), tốc độ streaming khá mượt và chất lượng hình ảnh không đến nỗi nào. Tuy nhiên vấn đề ngay lập tức nảy sinh khi người sử dụng cố gắng “ép” Nexus Q tải về và phát những đoạn video hay bộ phim với độ phân giải HD.
 
Trong quá trình thử nghiệm, nếu như series phim truyền hình “My So-Called Life” được phát với tốc độ nhanh và rất mượt, thì The Dark Knight lại liên tục bị khựng hình do tốc độ đường truyền không ổn định. Trong khi đó, thử nghiệm với cả 2 thiết bị mới khác của Google là Nexus 7 và Galaxy Nexus, mọi bộ phim HD đều được trình chiếu hết sức mượt mà.Một vấn đề khác bên cạnh tốc độ tải phim đó là chất lượng hình ảnh. Không rõ vì lý do chất lượng phim hay do phần cứng, mà hình ảnh hiển thị bị tối và vỡ hình.
 
Tạm kết
 
 
Với cái giá khoảng 300 USD (hơn 6 triệu Đồng) cùng với những gì nhà sản xuất hứa hẹn, Nexus Q rõ ràng là một cái tên được Google xếp vào danh sách các thiết bị giải trí tại gia cao cấp. Sở hữu ngoại hình bắt mắt, đầy đủ các kết nối cần thiết cũng như khả năng điều khiển thông qua ứng dụng đã biến Nexus Q trở thành một đối thủ đáng gờm đối với bất kỳ sản phẩm có tính năng tương tự trên thị trường.
 
Tuy nhiên, những vấn đề còn tồn tại ngay trên sản phẩm này đã vô tình tạo ra những rào cản lớn giữa nó và người sử dụng. Không hỗ trợ những dịch vụ giải trí ngoài Google, chất lượng hình ảnh kém, cộng thêm nữa là vấn đề với kết nối không dây cũng như kết nối NFC với smartphone hay tablet là những điểm trừ “phũ phàng” đánh vào tương lai của Nexus Q. Chắc chắn rằng đội ngũ phát triển Project Tungsten sẽ phải làm việc nhiều hơn nữa để có thể hoàn thiện sản phẩm đang rất được giới hâm mộ công nghệ kỳ vọng.
 
Tham khảo The Verge.