Kích thước 120 x 83 x 102 mm (4.72 x 3.27 x 4.02 inches)
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, người dùng có chút đam mê về máy ảnh đã dễ dàng nhận ra đây là một mẫu siêu zoom đặc trưng. Body dày dặn, ống kính to và dài, có khung ngắm quang và màn hình rộng, P510 chỉ thấp bé hơn các máy DSLR dòng entry chút đỉnh. Ở thời điểm hiện tại, P510 là vô địch trong dòng máy superzoom với khả năng zoom quang lên tới 42x cùng tiêu cự chạm ngưỡng 1000mm. Cho dù các đối thủ khác như Canon PowerShot SX40 HS với ống kính zoom góc rộng 35X, Sony Cyber-shot HX200V với zoom 30X và 24X của Panasonic Lumix DMC-FZ150 có hiệu năng thực sự ấn tượng, nhưng con số 42X cùng tiêu cự 1000mm mà Nikon chạm tới thực sự rất đáng nể.
Ảnh chụp ở tiêu cự 1000mm, tận dụng hết khả năng của lens zoom 42X. Ảnh chụp ở tiêu cự 24mm, vẫn đứng nguyên tại vị trí đã chụp hình trên.
Nếu đem so sành hai mẫu superzoom mới nhất của Nikon là P510 và P500, có thẻ dễ dàng nhận thấy những thay đổi vượt bậc trên mẫu camera mới này. P510 có cảm biến 16Mpx so với 12Mpx trên P500, tốc độ màn trập cũng tăng lên từ 1/1500s lên 1/2000s, và dải ISO được nâng lên 6400 thay vì 3200 so với người tiền nhiệm. Chỉ có một điểm cải lùi duy nhất trên P510 đó là chế độ chụp liên tiếp chỉ dừng lại ở con số 7 ảnh thay vì 8 ảnh như trước. Nhưng so với đại đa số các đối thủ chỉ có 5fps thì mức 7fps đã là quá đủ. Cuối cùng, ở tiêu cự góc rộng nhất 24mm, P510 có độ mở lớn hơn P500: f/3.3 so với f3.5 nhưng lại nhở hơn ở tiêu cự lớn nhất f/5.9 so với f/5.7. Pin của P510 cũng được đánh giá là khá tốt khi mỗi lần sạc đầy, máy có thể chụp được 240 tấm.
Thiết kế và vận hành
P510 khi bán ra sẽ có hai màu là đen và đỏ, cả hai bản đều có body bằng nhựa. Phần grip tên camera này khá dày dặn và có vân sần, rất tiện lợi để cầm nắm máy, kể cả với những ai bị ra mồ hôi tay. Thực tế khi trên tay sản phẩm này, P510 tỏ ra đủ nặng để đầm tay nhưng không quá nhẹ và trơn như các mẫu compact bình thường. Ở mức “full load”, khi cõng theo cả pin và thẻ nhớ, P510 nặng 555 gram, nặng hơn P500 chút xíu, cho dù kích thước của 2 máy là tương đương nhau.
EVF nằm ở trung tâm của mặt sau, ngay trên màn LCD. Bên cạnh đó là nút tắt để quay phim. Nhỏ hơn chút xíu so với một chiếc DSLR, P510 vẫn rất bám tay về cầm nắm nhờ grip được thiết kế tốt.
Khung ngắm điện tử EVF, bên cạnh là nút điều chỉnh -/+4, và nút chuyển giữa EVF và LCD.
Màn hình có thể xoay gập được của P510.
Khung ngắm điện tử trên P510 (electronic viewfinder – EVF) và màn hình LCD 3inch với 921k điểm ảnh đều đạt độ che phủ 100% (EVF trên P500 chỉ có 97%). EVF trên P510 khá nhỏ so với các máy DSLR, nhưng người dùng vẫn có thể sử dụng một cách dễ dàng, Nikon cũng không quên tích hợp cho khung ngắm này khả năng tinh chỉnh -/+4 dành cho người có mắt bị tật về khúc xạ. Màn hình LCD của máy có thể xoay được theo nhiều góc, rất thuận tiện khi chụp các khung hình khó hay dưới trời nắng gắt.
Màn hình Menu của P510 và hệ thống nút điều hướng 4 chiều, bên dưới là nút truy xuất menu và nút xóa ảnh. Dàn nút trên đỉnh máy, phía cạnh phải là móc dây đeo. Cạnh trái của máy là thông số về lens, nút chỉnh chế đọ zoom, nút tắt, bật đèn Flash.
Hệ thống nút điều khiển trên P510 tương đối dễ sử dụng, và đồng nhất với chuẩn chung của các máy Nikon. Tính năng chụp và zoom được tích hợp với nhau trên cùng một nút. Và cùng với nút chỉnh chế độ chụp (mode dial), nút Fn, và nút on/off, chúng đều được bố trí nằm phía trên grip. Trên đỉnh máy còn có một đèn Flash pop-up và một ăng-ten GPS.
Bên trái của EVF là nút chuyển giữa khung ngắm quang trên EVF và ngắm bằng màn hình LCD. Hệ thống menu trên P510 bố trí khoa học và tương đối dễ làm quen ngay cả với người mới dùng máy lần đầu.Tuy không có chức năng hướng dẫn từng bước cho người chụp như trên Sony HX200V, nhưng vì máy dễ sử dụng, và tính năng chụp tự động khá thông minh nên thiếu sót này cũng không làm P510 bị mất điểm là bao.