Đánh giá chi tiết về máy đọc sách mới với kết nối Wi-Fi của Sony
Sony đáng nhẽ ra nên khôn ngoan hơn trong việc chọn thời gian ra mắt máy đọc sách điện tử có kết nối Wi-Fi PRS-T1 của mình. Thiết bị này ra mắt lần đầu tại IFA hồi cuối tháng 8 vừa qua và chính thức được đưa ra thị trường ngay 2 tuần sau đó. Cùng trong cùng khoảng thời gian này, Amazon, hãng đứng đầu về thiết bị đọc sách điện tử cũng cho ra mắt hai sản phẩm mới, Kindle thế hệ thứ 4 và Kindle Touch.
Sony sẽ mất một khoảng thời gian dài để có thể đưa dòng sản phẩm ra ngoài thị trường thế giới cũng như cạnh tranh với Kindle hay Nook. PRS-T1 là một bước tiến khá mới mẻ về xu hướng, cả về giá cả cũng như các chức năng, nhưng liệu tất cả những điều này có thu hút được sự chú ý của khách hàng? Hãy tìm hiểu thêm về thiết bị này qua bài đánh giá của chúng tôi.
Điểm mạnh
- Tính năng ghi chú và đa phương tiện
- Phóng to/thu nhỏ bằng cách kéo 2 ngón tay
- Dễ dàng truy cập vào thư viện công cộng và Google Books
- Trọng lượng nhẹ
Điểm yếu
- Giá cao so với Kindle
- Tự động tải lại trang khi lật trang mới
Thiết kế
PRS-T1 có kiểu dáng quen thuộc đối với những ai từng sử dụng máy đọc sách của Sony. Chiếc máy có kiểu dáng dài, thon gọn cùng hàng loạt nút bấm màu bạc: menu, back, home và hai nút mũi tên. Ở phía cuối máy là nút bật, cổng micro-USB, nút khởi động lại và khe cắm tai nghe, cho phép người sử dụng có thể nghe nhạc định dạng MP3 và AAC- điều này giúp chiếc máy tách khỏi cái bóng của Kindle thế hệ mới, hơn nữa, chức năng này vẫn chưa xuất hiện ở Kobo và Nook.
Thiết bị này có ba màu để người dùng lựa chọn: đỏ, đen và trắng. Chiếc màu đen chúng tôi chọn để thử nghiệm có mặt trước hào nhoáng cùng với lớp sơn mờ màu đen ở mặt sau. PRS-T1 có kích thước 6,9 inch, máy trông dài hơn Kindle. Mặc dù vậy, người dùng có thể nhét chiếc máy đọc sách này vào túi quần một cách dễ dàng. Với trọng lượng 5,9 ounces, đây là một trong những chiếc máy đọc sách màn hình 6 inch nhẹ nhất trên thị trường, nhẹ hơn so với Kindle.
Giống như dòng Pocket Edition ra mắt trước đây, sản phẩm này có màn hình cảm ứng IR, cho phép bạn lật qua trang khác chỉ với một cái lướt nhẹ. Không hề có các phím để lật trang ở phía bên màn hình, nhưng nếu bạn muốn sử dụng theo cách cổ điển, các phím mũi tên ở cuối máy có thể dễ dàng đảm nhận nhiệm vụ này kể cả khi bạn cầm nó chỉ với một bàn tay.
Chiếc máy đọc sách này bộ nhớ trong 2GB – giống như đa số các thiết bị đọc sách khác, thêm vào đó, nó có khe cắm thẻ microSD cho phép nâng cấp bộ nhớ của máy lên nhiều lần tương tự như Nook và Kobo. Ngoài ra, máy còn có kết nối Wi-Fi, được coi như một sự nâng cấp của đời máy trước.
Màn hình
Thiết bị sở hữu màn hình 6 inch với độ phân giải 600 x 800 pixel và khả năng hiển thị 16 mức độ xám (grayscale) khác nhau, giống như ở thiết bị Kindle mới. Bên cạnh đó, Sony thiết kế màn hình của máy với công nghệ Pearl của E Ink – mức chuẩn mực của các thế hệ máy đọc sách hiện tại. Cảm ứng của máy khá nhạy, cho phép bạn lướt qua các trang hiển thị mà không bị giật như trên máy Nook.
Tốc độ chuyển trang của thiết bị này có thể sánh ngang Kindle, Nook và Kobo, mặc dù vậy, không giống như những chiếc máy kia, PRS-T1 tự động khởi động lại trang sau mỗi lần chuyển trang làm màn hình máy tạm thời nhấp nháy đen. Về mặt tích cực, màn hình của máy hỗ trợ phóng to bằng cách kéo, khá bất tiện khi xem những trang web có dung lượng lớn nhưng trở nên vô cùng hữu dụng khi đọc văn bản, cho phép bạn dễ dàng chỉnh kích cỡ.
Phần mềm
Màn hình chờ của thiết bị hiển thị mọi thông tin về quá trình đọc sách, cuốn sách bạn đang đọc, ba quyển sách bạn mới tải về gần đây nhất cũng như liên kết tới thư viện, các thông tin về lịch xuất bản, ReaderStore... Phím mũi tên ở cuối màn hình đưa bạn đến trang thứ hai bao gồm menu máy, có các tùy chọn như: Public Library, Google Books, Browser và Purchased Content.
Khi ấn vào Public Library, bạn sẽ được đưa đến một cổng thông tin qua trình duyệt. Điền địa chỉ của bạn vào đó, nó sẽ cho bạn biết các thư viện địa phương gần nơi ở của bạn. Nếu như thư viện gần nhà có cuốn sách bạn cần, bạn có thể xem nó bằng cách sử dụng mã số thẻ thư viện – quá trình này giống như cách sử dụng Reader Store, chỉ khác là bạn không mất phí, tuy nhiên bị giới hạn số lần tải, thời hạn đọc mỗi cuốn sách và đương nhiên bạn sẽ thường xuyên phải chờ. Điều này sẽ được Sony tìm cách khắc phục, nhưng việc tạo nên một thư viện cho phép truy cập dễ dàng đã là một tính năng vô cùng độc đáo của thiết bị. Trong tương lai, nội dung của thư viện sẽ được mở rộng.
Giao diện truy cập của máy vẫn khá đơn giản giống như mọi thiết bị đọc sử dụng màn hình E-Ink khác, với ô trống điền địa chỉ truy cập ở phía trên màn hình. Tại đó bạn có thể đánh dấu địa chỉ truy cập ưa thích của mình vào trong lịch sử. Ngoài ra, người dùng có thể lướt nhẹ để chuyển trang và phóng to bằng cách kéo hoặc ấn vào biểu tượng chiếc kính lúp hiện ra khi cuộn lên, xuống.
Không lâu trước đó, iRiver đã sử dụng Google Books làm điểm nhấn cho chức năng đọc của máy Story HD. Có thể nói, bất kỳ một máy đọc sách điện tử nào cũng có thể truy cập vào Google Books, nhưng sẽ tiện lợi hơn rất nhiều khi bạn có thể truy cập miễn phí vào các thư viện công cộng hiện lên trong màn hình chờ.
Tiếp theo đó là phần Reference liên kết với từ điển New Oxford American Dictionary và các nút cho phép bạn soạn thảo văn bản bằng cách đánh máy hoặc viết tay. Chức năng đánh máy văn bản cho phép bạn sử dụng bàn phím ảo để có thể soạn thảo những văn bản đơn giản. Chức năng viết tay, tận dụng màn hình cảm ứng của máy, cho phép người đọc có thể tự viết các ghi chú cũng như vẽ các bức tranh. Chức năng viết tay có độ chính xác đến đáng kinh ngạc. Tuy tính năng này trở nên không cần thiết đối với những người sở hữu cùng lúc cả máy đọc sách và smartphone nhưng đây là một chức năng khá tuyệt của thiết bị.
Màn hình chờ thứ hai hiển thị các ứng dụng đa phương tiện, với nút lưu trữ ảnh và các file tiếng được đưa vào máy qua cổng USB. Phần mềm nghe nhạc của máy có đầy đủ các chức năng cơ bản như play/pause, điều chỉnh âm lượng, chuyển bài và thậm chí còn hiển thị hình bìa của bài hát đang phát. Nhạc sẽ tiếp tục được phát khi bạn đọc, vì thế bạn có thể cùng lúc nghe nhạc của Stravinsky và đọc tác phẩm của Dostoevsky.
Khi bạn đang đọc, văn bản sẽ chiếm chọn cả màn hình, chỉ hiển thị trang của cuốn sách ở bên dưới màn hình. Kích cỡ của văn bản có thể được điều chỉnh bằng cách kéo hai ngón tay, cách này cũng làm hiển thị thanh menu, cho phép bạn lựa chọn bảy font chữ cùng tám kích cỡ khác nhau. Thêm vào đó thanh menu còn có chức năng tạo các ghi chú trên văn bản bằng cách gõ hoặc vẽ trực tiếp vào văn bản. Ấn vào góc bên phải của trang sẽ kích hoạt chức năng đánh dấu để có thể tiếp tục đọc vào lúc khác. Chạm vào và giữ chặt một từ sẽ làm từ đó được đánh dấu highlight, hiển thị chức năng cho phép bạn ghi chú, tìm mọi ví dụ khác của nó trong quyến sách và tìm kiếm trên Wikipedia hoặc Google.
Sau khi được tải vào máy, files PDF sẽ hiển thị trong thư mục sách. Cũng giống như mọi máy đọc sách khác, trải nghiệm chung khi xem PDF có phần hơi giật. Khá mất thời gian để có thể tải hết nội dung và sẽ hơi giật khi bạn cố gắng sử dụng con cuộn. Nhờ vào chức năng cảm ứng 2 điểm của thiết bị, bạn có thể kéo đế phóng to hình ảnh PDF và cuộn qua bằng cách sử dụng ngón tay. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng có thể nói máy đọc sách của Sony hoạt động tốt hơn các máy khác khi xem file PDF.
Kết luận
Máy đọc sách với kết nối Wi-Fi PRS-T1 có rất nhiều tính năng đáng thuyết phục, bao gồm cảm ứng 2 điểm để phóng to, ghi chú viết bằng tay, chức năng nghe nhạc và tính năng cho phép truy cập vào thư viện công cộng thông qua Google Books. Với mức giá 149,99 USD, đây là một máy đọc sách với giá hợp lý của Sony. Tuy nhiên, con số này vẫn lớn hơn rất nhiều so với chiếc máy đọc sách đa phương tiện Kindle có giá khởi điểm 79 USD và Kindle Touch giá 99 USD. Vì vậy, Sony sẽ mất một khoảng thời gian để có thể vượt qua Amazon trong lĩnh vực thiết bị đọc sách điện tử.
Tham khảo: Engadget