[Đánh giá] Bộ ba tai nghe tầm trung của Sony: Chất lượng tương đương với mức giá

Minh Dũng  | 11/07/2012 02:15 PM

Trong bài viết này, GenK sẽ gửi đến bạn đọc phần đánh giá ba chiếc headphone tầm trung của Sony. Nhìn chung sau một thời gian sử dụng, có thể đánh giá được rằng chất lượng âm cũng như chất liệu, thiết kế của sản phẩm Sony hoàn toàn tương xứng với giá thành.

Trong bài viết này, GenK sẽ gửi đến bạn đọc phần đánh giá ba chiếc headphone tầm trung của Sony. Nhìn chung sau một thời gian sử dụng, có thể đánh giá được rằng chất lượng âm cũng như chất liệu, thiết kế của sản phẩm Sony hoàn toàn tương xứng với giá thành.
 
Sony MDR-NC7
 
Thiết kế
 
 
 
Sony hướng MDR-NC7 đến với những người phải thường xuyên di chuyển liên tục tới nhiều địa điểm khác nhau. Với sự tiện dụng của chiếc tai nghe này, nó có thể là bạn đồng hành trong những chuyến du lịch kéo dài hay đơn giản chỉ nghe nhạc trên xe bus từ nhà tới chỗ làmviệc.
 
Người dùng có thể gấp gọn hai bên tai nghe vào phía trong. Khớp nối của MDR-NC7 khá linh hoạt, có thể xoay mọi góc độ và chỉnh sửa độ rộng của vành nên tuy khi gấp vào trông nhỏ bé, nhưng chiếc tai nghe này phù hợp với mọi kích cỡ đầu của người sử dụng.
 
 
 
Lớp da bọc tai nghe có vẻ “mỏng manh” và chưa tạo cảm giác yên tâm về chất lượng. Không biết sau một thời gian sử dụng nó có bị rách hay bong hay không, nhưng sau một tuần dùng thử, chưa thấy hiện tượng gì xảy ra với vỏ bọc này.
 
MDR-NC7 có tích hợp tính năng giảm tiếng ồn. Người dùng có thể kích hoạt tùy chọn này bằng cách lắp một viên pin AAA vào vào vành tai bên trái của sản phẩm, sau đó gạt nút gạt bên vành tai phải. Đèn báo màu đỏ sẽ sáng lên và tính năng giảm ồn được kích hoạt.
 
Sản phẩm còn đi kèm một túi đựng rất “thời trang” nhằm tăng tính năng động của Sony MDR-NC7 lên hết mức cần thiết.
 
 
 
Chất lượng âm thanh
 
Tuy nhiên, nhìn chung chất âm của sản phẩm này chỉ ở mức bình thường, chưa thực sự ấn tượng. Dải âm của Sony MDR-NC7 khá ấm áp và thiên về mid-bass.
 
Thử trải nghiệm với một vài bài nhạc đơn giản (tất cả những tác phẩm âm nhạc được đem ra thử nghiệm với ba chiếc tai nghe đều ở định dạng .FLAC, chạy trên phần mềm Foolbar 2000), Sony MDR-NC7 vẫn thể hiện được những trường đoạn bass trong tác phẩm Good Luck – Basment Jaxx, tuy nhiên tiếng trống vẫn chỉ dừng lại ở mức hơi nông chứ chưa đạt được “độ nặng” cần thiết.
 
 
Qua phần test tiếng bass, Sony MDR-NC7 cũng chưa thực sự gây ấn tượng ở khả năng cách âm của mình. Được giới thiệu là loại bỏ đến 87,4% tạp âm từ môi trường,  nhưng trong những bản nhạc vốn nhiều bass và lẽ ra mọi giác quan của người nghe phải bị “chìm đắm” trong những âm vực siêu trầm thì ở MDR-NC7 bạn vẫn thấy lọt vào tiếng người nói, tiếng còi xe rất chi là “đúng nhịp”. Âm lượng của sản phẩm này không lớn ngay cả khi đã kéo max volume.
 
Khả năng tái tạo khoảng không gian âm thanh của Sony MDR-NC7 dường như là không có. Bạn chỉ có thể cảm nhận âm thanh phát ra ở đâu đó giữa hai tai, chứ không thể phân biệt được nguồn âm, vị trí của các nhạc cụ. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn bình thường bởi ở những headphone trong tầm giá này, chúng ta không thể mong đợi điều đó.
 
 
 
Cũng giống như cảm giác về bass, những dải âm cao trong bản piano Hammerklavier (Beethoven Sonata Op 106) vẫn còn thiếu độ trong và âm thanh có phần hơi “bẹt”. Thể loại mà Sony MDR-NC7 thể hiện tốt nhất là những bản nhạc có dải bass ở tầm trung như đại đa số những bài nhạc pop có tiếng trống cỡ trung bình trên thị trường.
 
Tổng quan lại, Sony MDR-NC7 tuy không ấn tượng về mặt âm thanh nhưng cũng chưa “bết” tới mức khiến bạn phải thất vọng. Theo nhận định của cá nhân tôi, hiệu suất của thiết bị này đã “vượt” được tầm giá của mình: Âm thanh tạm ổn, phụ kiện đi kèm đầy đủ và tính năng động cao đã tạo được cho người dùng một không gian nghe nhạc rất riêng tư với Noise canceling.
 
 
Sản phẩm đang được Sony phân phối chính hãng tại Việt Nam qua công ty TNHH ADVN với mức giá 1,7 triệu đồng.
 
Sony MDR-ZX300
 
Thiết kế
 
Chiếc headphone này có vẻ bề ngoài trông khá “basic”, trông nó không quá khác biệt với các sản phẩm khác trên thị trường như chiếc MDR-NC7. MDR-ZX300 có nhiều phiên bản màu sắc, tuy nhiên trong bài test này tôi sử dụng ZX300 Gold, bản có màu “lạ” nhất trong tất cả các màu.
 
 
 
 
Tuy không thể gấp gọn, nhưng chiếc headphone này cũng có các khớp tai cực kì linh hoạt, bạn có thể xoay hai earcup tới đủ mọi hướng khác nhau. Điều này sẽ giúp MDR-ZX300 bớt “tốn diện tích” hơn trong một số trường hợp.
 
 
Thứ gây ấn tượng nhất trên chiếc tai nghe này là lớp vỏ của earcup được thiết kế với nhiều vòng tròn ánh kim loại đồng tâm nhìn rất “thôi miên”. Khi nghiêng sản phẩm sang một góc độ khác, hiệu ứng ánh sáng cũng thay đổi khá thú vị.
 
Chất lượng âm thanh
 
Không giống chiếc tai nghe ở trên, MDR-ZX300 vượt trội hơn về mọi mặt. Âm bass không còn quá “nông” như ở Sony MDR-NC7 nữa mà thay vào đó là những tiếng trống có lực  hơn và “nặng đô” hơn. Thử nghiệm với You Walk Away – tyDI feat. Audrey Gallagher, một bản nhạc có rất nhiều bass, tiếng trống giật trong 2 phút đầu của bài hát khá “xung” và mạnh mẽ.
 
 
 
MDR-ZX300 có chất âm hơi trầm, ấm áp hơn Sony MDR-NC7 nhưng vẫn ở đâu đó trong khoảng cuối của mid-bass chứ chưa thể hiện tốt những âm vực siêu trầm. Ở những bản nhạc có sự góp mặt của nhạc cụ dây có thùng lớn (chả hạn guitar bass hay stand-up), hay trống lớn, âm thanh bị vỡ và rất khó có thể đeo tai nghe trên tai quá 1 phút.
 
Cùng trong tác phẩm Hammerklavier, dải âm cao được thể hiện tốt hơn Sony MDR-NC7 và tiếng piano đã trong hơn rất nhiều. Tuy nhiên đối với cảm quan của cá nhân tôi, âm thanh vẫn chỉ ở mức “chấp nhận được” chứ chưa thực sự ấn tượng.
 
 
Thử một chút về tốc độ, chúng ta đến với những bài hát của nhóm rocker Pendulum. Phong cách của nhóm này là có những bài rock với tốc độ trống rất nhanh và mạnh, rất thích hợp để thử khả năng ‘bắt kịp” tốc độ nhạc của tai nghe. Đến với bản Water colour – Pendulum, MDR-ZX300 đã lộ chút yếu điểm của mình: Những tiếng trống có hơi lẫn vào nhau, và hơi “đè” cả những âm thanh tầm trung và cao.
 
 
 
Nhìn chung, chất âm của MDR-ZX300 khá hơn nhiều so với Sony MDR-NC7, âm lượng khi đặt max khá lớn nhưng không xảy ra hiện tượng vỡ tiếng. Mặc dù không tích hợp công nghệ Noise Canceling nhưng khả năng chống ồn của Sony MDR-ZX300 không tồi. Đơn giản, bạn chỉ cần vặn max âm lượng. Âm thanh cũng không quá to tới mức ảnh hưởng  đến những người xung quanh.
 
Sản phẩm cũng đang được nhà phân phối ADVN cung cấp chính hãng tại thị trường Việt Nam với mức giá 800.000 đồng.
 
Sony DR-ZX102DPV (màu hồng)
 
Thiết kế
 
Sản phẩm thứ ba trong bài test là một chiếc tai nghe dành cho phái nữ. Về vẻ bề ngoài, trông DR-ZX102DPV không khác gì so với chiếc MDR-ZX300 ngoại trừ việc vỏ ngoài của hai bên earcup không có những vòng tròn đồng tâm tạo hiệu ứng ánh sáng thú vị mà thay vào đó là lớp vỏ nhựa cơ bản.
 
 
 
 
 
Chiếc ZX102DPV có tích hợp thêm mic và phần chỉnh âm lượng ở núm điều chỉnh nằm trên dây nối của tai nghe. Giắc cắm của thiết bị này cũng rất đặc biệt: người dùng không cần phải có hai cổng 3,5mm giống như trên laptop để sử dụng cả headphone và mic, mà có thể “cắm” giắc mic vào cổng chuyển gắn liền với giắc tai nghe 3,5mm như hình dưới đây:
 
 
 
Sony DR-ZX102DPV có rất nhiều sự lựa chọn màu sắc, ngoài màu hồng còn có xanh đậm, đen và trắng nên nếu cảm thấy ưng chiếc tai nghe này, vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác dành cho bạn.
 
Chất lượng âm thanh
 
Vẫn sử dụng Good Luck - Basement cho phần đánh giá, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là dường như “mức độ thể hiện” âm bass của chiếc tai nghe đậm chất nữ tính này ở “đoạn giữa” của hai thiết bị đã được nhắc tới phía trên kia. Cụ thể hơn thì tiếng trống thể hiện mạnh mẽ và có lực hơn so với MDR-NC7, nhưng lại chưa đủ “độ nặng” để so với MDR-ZX300. DR-ZX102DPV cũng có chất âm ấp áp, thế mạnh của nó là những bài nhạc pop với sự góp mặt của trống cỡ vừa, hay cụ thể hơn, thể hiện tốt dải mid-bass.
 
 
Cũng phải nói thêm rằng trong bài Good Luck của Basement có sự góp mặt của một đoạn bass cực trầm, đến nỗi tôi có cảm giác tiếng bass đó giống như tiếng “thổi” không khí từ trong headphone ra vậy. Tuy nhiên, cả ba tai nghe trong bài test đều không thể hiện được đoạn này.
 
Trở lại với Water Colour – Pendulum, DR-ZX102DPV không hề gặp vấn đề tiếng trống “nuốt” những âm vực khác như MDR-ZX300. Bass và mid kết hợp rất hài hòa, không bị “lẫn tiếng”.
 
 
Còn với tiếng piano thánh thót trong Hammerklavier (Beethoven Sonata Op 106), tôi giữ nguyên nhận định dành cho Sony MDR-ZX300: rằng tiếng piano tuy trong hơn MDR-NC7 nhưng chỉ ở mức chấp nhận được, chứ chưa thực sự ấn tượng.
 
Sản phẩm đang được Sony phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam với mức giá 939.000 đồng.
 
Cần phải nhắc lại rằng những sản phẩm tôi đánh giá trong bài viết này đều là những chiếc headphone tầm trung, nên chắc chắn chúng không thể có chất lượng âm thanh “miễn chê” giống như các sản phẩm cao cấp hàng chục triệu đồng được. Điều quan trọng là với các sản phẩm đó, bạn đã có một trải nghiệm âm nhạc hoàn toàn xứng đáng với số tiền bỏ ra.
 
(Ảnh: Minh Dũng).
Xem thêm:

tai nghe