Đến một ngày, bạn quyết định cải thiện đẳng cấp của mình trong dòng game FPS với một bộ tai nghe âm thanh vòm. Có thể bạn sẽ nhớ tới sản phẩm mới nhất mà Astro Gaming giới thiệu tại E3 2012, cặp tai nghe
A50, nỗ lực thứ 2 của hãng trong nhóm sản phẩm tai nghe không dây hỗ trợ hệ thống âm thanh vòm Dolby 7.1. Sản phẩm trước đó, MixAmp 5.8 (bán riêng hay nằm trong hệ thống âm thanh không dây ghép cùng tai nghe A30 hoặc A40 với giá tương ứng 4,6 triệu đồng và 5,6 triệu đồng) đã mang tới một giải pháp đáng tin cậy cho những người dùng mong đợi sự kết hợp giữa điều khiển MixAmp truyền thống cùng tính đa năng cho phép sử dụng với bất kỳ cặp tai nghe có dây nào.
Tuy vậy, do sử dụng kèm với những tai nghe có dây, MixAmp 5.8 không thực sự thuận tiện với chơi game từ xa như bộ tai nghe không dây hoạt động dựa trên sóng radio X41 của Turtle Beach. Vì vậy, một loạt câu hỏi đã được đặt ra. Liệu có thể kết hợp những tính năng của MixAmp 5.8 và A40 để cho ra một giải pháp tốt hơn cho điều khiển từ xa? A50 có thể duy trì sự vị thế của Astro tại các giải đấu MLG? Sản phẩm có thể trở thành quân bài chiến lược của hãng khi cạnh tranh với các đối thủ cùng tầm giá như chiếc
XP500 của Turtle Beach? Cuối cùng, quan trọng nhất, các game thủ có sẵn sàng bỏ ra 6 triệu đồng cho sản phẩm này? Để có câu trả lời thoả đáng, hãy cùng xem xét kỹ hơn thiết kế mới nhất của Astro.
Phần cứng
Tai nghe A50 có thiết kế đồng nhất với A40 (giá bán riêng 4 triệu đồng), thậm chí từ cả những chi tiết thêu tinh tế trên vòm trùm đầu. Nó cũng bao gồm một bộ khung đặc biệt linh hoạt làm từ nhựa mờ khoẻ khoắn và bền chắc, cùng 2 ống kim loại bóng kết nối earcup với vòm trùm đầu.
Điểm khác biệt giữa A50 và sản phẩm đàn anh đến ngay từ lớp vỏ mờ bên ngoài earcup, cũng như phần dây để lộ mầu đỏ (thay vì mầu đen ở thiết kế trước).Trông thì có vẻ mong manh, nhưng thực tế sử dụng cho thấy A40 không gặp bất kì sự cố đứt dây nào. Vì thế, có thể tin rằng A50 cũng sẽ bền chắc như thế.
Tuy vậy, A50 không cho tuỳ biến phần hình ảnh trên vỏ tai nghe, cũng như không cho phép bạn chuyển micro trực tiếp sang earcup bên phải.
Hiệu suất và tính đa năng của MixAmp 5.8 đều tuyệt vời, nhưng hệ thống dây rắc rối giữa tai nghe, beltpack, và một bộ phát chỉ phù hợp với một nhóm người dùng. Cụ thể hơn, sự kết hợp này chỉ dành cho những người dùng có phòng sinh hoạt lớn, hoặc muốn trải nghiệm MixAmp truyền thống mà không cần trải dây quanh phòng. Với A50, beltpack bị loại bỏ. Bộ điều khiển, bộ thu và pin lithium-ion có thể sạc lại đều được thiết kế ngay bên trong tai nghe, cụ thể hơn là trong earcup bên trái.
Ở phía sau earcup bên phải gồm có một bánh xe điều chỉnh âm lượng, nằm vừa vặn trong tầm với ngón tay cái của bạn. Xa hơn một chút, là nút nguồn có đèn báo, và một nút gạt chuyển đổi giữa 3 chế độ âm thanh khác nhau. Vị trí đặt bánh xe rất tiện lợi khi sử dụng, nhưng khoảng điều chỉnh với tầm 50 nấc lại quá dài, không dễ chịu lắm khi trong hầu hết mọi trường hợp bạn đều cần điều chỉnh lại âm lượng, từ nghe nhạc tới chơi game. Bánh xe cũng như nút chuyển chế độ hoạt động khá trơn tru, và hơi khó nhận ra những thay đổi với 2 bộ phận này khi điều chỉnh.
Cũng trên earcup bên phải, mặt ngoài còn có nút cân bằng choán hết bề mặt, cho phép điều chỉnh cũng như cân bằng âm thanh trong game và voice chat. Khá thuận tiện khi sử dụng, nhờ nó là nút bấm thực với kích thước lớn, cùng tiếng click phản hồi. Tuy vậy, ở mức âm lượng thấp, âm thanh từ lò xo của nút bấm này thì hơi tệ. Bù lại,có 3 tín hiệu âm thanh nhằm giúp bạn đánh giá khi điều chỉnh cân bằng. (Ngoài ra, những âm thanh này cũng xuất hiện khi bạn bật tai nghe lên, hoặc tai nghe đang cần được sạc).
Dọc theo phía sau của earcup bên trái là cổng sạc mini USB, cùng cổng vào chuẩn 2.5mm để cắm cáp chat Xbox Live. Mặt ngoài của earcup gắn micro cực kỳ linh hoạt (nhưng lại không thể tháo rời), chỉ cần gập nó thẳng đứng lên là cuộc hội thoại đang diễn ra sẽ ngay lập tức chấm dứt. Hiển nhiên, cách xoay cần micro để tắt cuộc gọi (vốn cũng rất được yêu thích với tai nghe có dây PC360 của Sennheiser) chắc chắn tốt hơn nhiều với nút tắt tiếng được tích hợp trên dây cáp. Tuy vậy, việc đặt cố định micro bên tai trái thì khá dở.
Mặc dù về cơ bản, bộ truyền không dây MixAmp TXD của A50 không khác mấy so với nguyên mẫu 5.8 TX, người dùng A40 có thể sẽ thất vọng vì nó không tương thích với tai nghe của họ do sự khác biệt về công nghệ âm thanh. Tương tự như vậy khi kết hợp A50 và 5.8 TX.
Thiết lập và bố trí
Trong quá trình thiết lập hệ thống A50, phần khó nhất lại không thực sự quan trọng - ghép 3 miếng nhựa với nhau để tạo thành chân đứng cho tai nghe và bộ truyền dữ liệu không dây. Bộ sản phẩm còn bao gồm một cặp cáp USB, dây TOSlink, và cáp chat Xbox. Khá phiền phức, nhưng vẫn phải sử dụng cáp để có thể chat Xbox, kể từ khi Tritton độc quyền về tai nghe không dây cho Xbox với Warhead, tai nghe sắp ra mắt của họ. Tuy vậy, trong khi Turtle Beach đã đưa ra bộ điều khiển không dây nhằm loại bỏ hoàn toàn phần dây dợ loằng ngoằng, khá thất vọng vì Astro vẫn yêu cầu người dùng Xbox phải sử dụng cáp, dù có ít hơn so với hệ thống 5.8.
Từ trái sang phải, mặt sau bộ TXD của A50 gồm 1 cổng AUX cho các thiết bị số cầm tay (không kèm cáp), cổng sạc mini USB, cổng quang cho kết nối với tay điều khiển hoặc máy tính, cùng cổng USB để sạc tai nghe.
Các dây cáp được thiết kế cắm thẳng từ phía sau, tương tự thiết lập của Nexus Q, gây ra một chút khó khăn với việc sạc tai nghe và bật TXD. Các nút bấm trên TXD vẫn là điều khiển độc lập (như trên bản gốc), đồng nghĩa với việc bạn không thể bật nó hoặc chuyển đổi giữa 2 chế độ stereo và giả lập 7.1 từ xa. Chỉ có một tin tốt là người dùng PS3 sẽ không cần tới một cáp chuyển TX-to-console để chat, như với chiếc MixAmp 5.8.
Với A50, người dùng không tự thay thế được pin bên trong. Do đó, bạn luôn cần tới chiếc TXD hoặc bộ điều khiển để sạc qua cổng USB khi hết pin. Thử nghiệm thực tế cho thấy, A50 cho thời lượng sử dụng trong khoảng 6 giờ, dù Astro cho rằng nó có thể hoạt động trong thời gian gấp đôi. Tuy đôi tai nghe này vẫn có thể được sử dụng trong khi sạc, nhưng dây sạc đi kèm lại chỉ có chiều dài khiêm tốn 3 inch (khoảng 7,62 cm). Bạn có thể mua thêm cáp sạc dài hơn từ Astro với giá 8 USD (khoảng 160 ngàn đồng), khá khó hiểu vì sao hãng không bao gồm luôn phụ kiện này vào gói sản phẩm. Hãng cũng cho biết, tuổi thọ của pin là 3 năm, và sẽ có dịch vụ thay thế cho những trường hợp chai pin trước thời gian này.
Cảm nhận khi sử dụng
Khá dễ dàng nhận thấy, đây là một trong những tai nghe thoải mái nhất bạn từng đeo. Trọng lượng của A50 nhỉnh hơn đôi chút so với A40 (367 gram so với 322 gram) do tích hợp nhiều công nghệ hơn. Bù lại, A50 được trang bị nhiều tấm đệm Tempur-Pedic-esque hơn. Về cơ bản, vòm trùm đầu giúp cân bằng phân bổ trọng lượng của tai nghe, trong khi earcup sâu và ôm khít quanh tai đảm bảo các miếng đệm sẽ ôm quanh tai bạn thay vì đè nặng lên chúng. Earcup bên trái cho cảm giác nặng hơn bên phải do có chứa pin, nhưng trên thực tế, bạn không cảm nhận rõ rệt được sự khác biệt này khi đeo tai nghe. Các tấm đệm lót được làm bằng vải, giảm mồ hôi tai tốt hơn khi sử dụng trong thời gian dài.
Ngoài ra, các earcup có thể trượt lên/xuống trên 2 ống kim loại nối chúng với vòm trùm đầu, cũng như có thể xoay gập linh hoạt để bạn thả chúng trên cổ (với miếng đệm tai úp mặt xuống). Sự linh hoạt của tai nghe khiến lực kẹp của nó giảm tới mức tối thiểu, nhưng vẫn giúp earcup ôm chặt lấy tai bạn mà không gây đau đầu. Thực tế cho thấy, chơi game trong vài giờ với A50 trên tai vẫn hoàn toàn thoải mái.
Chất lượng âm thanh và kết nối không dây
Kết nối không dây được sử dụng vẫn là công nghệ 5.8GHz đã từng được giới thiệu với MixAmp 5.8. Đồng thời, Astro cũng trang bị cho A50 kỹ thuật xử lý âm thanh lossless KleerNET. Kleer là công nghệ khá nổi tiếng với DSP không dây của nó, mục tiêu là cung cấp chất lượng âm thanh tương tự trên CD cho các tập tin số. Cũng giống như A40, đôi tai nghe này sử dụng cặp driver 40mm (được tính ở mức 480Hms) chứ không phải 50mm như cái tên của nó. Tuy vậy, chất lượng âm thanh vẫn có sự khác biệt rõ rệt. Sự thay đổi mạnh mẽ nhất của A50 là thiết kế đóng tuyệt đối của nó, không như A40 cho phép người dùng lựa chọn tuỳ chỉnh giữa bán mở và đóng. Về cơ bản, có thể trông đợi ở A50 những thể hiện tốt với âm bass và cách âm thụ động.
Với A50, có 3 chế độ âm thanh cho bạn lựa chọn: Media (tăng bass), Core (cân bằng), và Pro (tăng treble). Theo bước Turtle Beach, Astro cũng cho biết người dùng sẽ sớm được cung cấp tính năng tự tạo ra các chế độ của riêng mình (dù chưa có thời gian chính xác). Âm thanh mà A50 mang lại khá ấm áp, mạnh mẽ và chắc. Chế độ Media thích hợp nhất cho xem pin và nghe nhạc, và hiển nhiên, không mấy khi được dùng khi chơi game. Âm bass trong chế độ này chắc và sâu nhất trong số những tai nghe đã được thử nghiệm, và do đó, nó lấn át cả những dải âm khác.
Chế độ Core hoàn toàn giống các mẫu A40 2011, độ nét kém hơn một chút do mở rộng hơn với những dải âm thấp và dải treble chìm hơn một chút. Với chế độ Pro, chủ điểm là tăng treble, giúp người chơi phân biệt tốt hơn tiếng bước chân và tiếng súng nổ. Độ mịn của âm thanh khá như mong đợi, và hoàn toàn không khó nghe hoặc gây khó chịu cho người dùng. Bạn cần trải nghiệm để tìm ra chế độ phù hợp nhất với mình, nhưng trên thực tế, thường thì khi chơi game, thích hợp nhất là chuyển đổi giữa 2 chế độ Normal và Pro.
Qua sử dụng thực tế, A50 cho thấy âm thanh nó phát ra rất lớn, và hoàn toàn không có hiện tượng méo âm ngay cả ở mức âm lượng cao nhất, rất đáng để hy vọng chất lượng âm thanh sẽ được cải thiện hơn nữa khi Astro cho phép người dùng đặt ra các tuỳ chỉnh EQ. Tại thời điểm này, chế độ mặc định Media và Core có xu hướng đơn giản là quá tập trung vào âm bass.
Hiệu ứng giả lập âm thanh vòm 7.1 cũng hoạt động tốt, tương tự như các tai nghe chất lượng cao có sử dụng DSP. Bản thân A50 là một tai nghe stereo với trường âm rộng hơn A40, vì thế hiệu ứng vòm được bổ sung không thực sự mang tới một “hình ảnh” ấn tượng cho âm thanh nguồn. Như trong game Call of Duty, hiệu ứng mà nó mang lại giúp bạn như đang thực sự trong trận chiến, không hơn. Hiệu quả này hoàn toàn có thể tìm thấy trên nhiều tai nghe khác, dù có thể không được sắc nét và mượt như A50.
Bên cạnh đó, còn một vài khiếm khuyết nhỏ trong chất lượng âm thanh của cặp tai nghe này. Ví dụ, cho dù sử dụng tín hiệu 5.8GHz mạnh mẽ và ít nhiễu hơn tần số 2.4GHz, âm thanh có xu hướng bị mất vài giây nhiều lần trong suốt phiên thử nghiệm MW3 trên Xbox. Dù có chỉnh A/B trên MixAmp 5.8 (thông qua cổng quang) cũng không làm giảm được vấn đề. Hy vọng Astro sẽ sớm có phản hồi về sự bất thường này. Ngoài ra, vẫn có một chút tạp âm không mong đợi, đặc biệt trở nên rõ ràng hơn trên nền âm thanh yên tĩnh.
Microphone trên A50 được cố định trên một earcup, tuy vậy vẫn có những điểm tích cực với nó. Giọng nói của bạn được giám sát chủ động và âm thanh phát ra sẽ được truyền vào tai bạn, như những MixAmp khác của Astro. Nhờ đó, bạn kiểm soát tốt hơn âm lượng do mình phát ra, đặc biệt là với khả năng cách âm rất tốt từ earcup. Không như các bản MixAmp cũ, tính năng giám sát này thực sự rõ ràng và hữu dụng hơn.
Tuy vậy, cách duy nhất để điều chỉnh âm lượng của micro là dịch chuyển vị trí của nó so với miệng của bạn. Vấn đề phát sinh ở đây là nếu đặt micro quá gần, âm thanh sẽ bị bóp méo. Hy vọng khi có thể tuỳ chỉnh EQ, hiện trạng này sẽ được cải thiện. Thử nghiệm trong game, hầu hết đồng đội đều có thể nghe rõ ràng âm thanh từ bạn. Nhìn chung, chất lượng của micro cũng tương tự phiên bản A40 từ 2011, tách biệt hội thoại trong game khá tốt.
Kết
Nói tóm lại, Astro Gaming đã thành công với A50, có thể là tai nghe hot nhất cho các game thủ. 6 triệu đồng có thể là khá cao, nhưng rõ ràng nó cũng theo sát với mức giá của các sản phẩm cạnh tranh như XP500 của Turtel Beach (khoảng 5,4 triệu đồng). Nếu bạn đang xem xét những tai nghe chơi game không dây, và Astro có thể khắc phục tình trạng âm thanh bị chia nhỏ, bạn có thể bổ sung A50 vào danh sách lựa chọn của mình, bên cạnh XP500 (5,4 triệu đồng), PX5 (5 triệu đồng) và thậm chí là Warhead (5,4 triệu đồng) của Triton.
Tham khảo Engadget.