Cẩm nang sắm máy ảnh đón Tết

PV  | 18/01/2012 09:48 AM

Nhiều người vì tin theo quảng cáo, tin theo lời mời mọc của các cửa hàng đã không tiếc tiền rước về để rồi “ôm hận” với những chiếc máy ảnh được tâng bốc lên tận mây xanh. Vậy những lưu ý nào cần quan tâm khi bạn quyết định bỏ tiền ra mua một chiếc máy ảnh có giá trị không nhỏ?

Cuộc chạy đua công nghệ, giành thị phần máy ảnh luôn nóng bỏng trong những năm qua đã kéo theo sự ra đời của bạt ngàn các mẫu máy từ du lịch (compact) cho đến ống kính rời (DSLR, không gương lật, micro four-third). Chiếc máy nào cũng được quảng cáo rất hay, rất đẹp, khiến đa số người tiêu dùng như lạc vào một ma trận thông tin mịt mù, không biết phải chọn lựa ra sao.

Nhiều người vì tin theo quảng cáo, tin theo lời mời mọc của các cửa hàng đã không tiếc tiền rước về để rồi “ôm hận” với những chiếc máy ảnh được tâng bốc lên tận mây xanh. Vậy những lưu ý nào cần quan tâm khi bạn quyết định bỏ tiền ra mua một chiếc máy ảnh có giá trị không nhỏ?

Mua máy tại các cửa hàng kinh doanh máy ảnh có uy tín

Nhân viên tiếp thị tại các quầy máy ảnh trong siêu thị, siêu thị điện máy, hay các cửa hàng bán đồ điện tử tổng hợp (cả điện thoại, tablet, máy nghe nhạc, máy ảnh, v..v..) hầu hết đều chỉ là nhân viên sales thông thường. Họ có thể giúp bạn kiểm tra giá sản phẩm, phụ kiện đi kèm, hàng còn hay hết, cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản mà nhà sản xuất đã đưa ra nhưng không thể tư vấn cho bạn những lời khuyên xác đáng tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi người.

Mẫu mã sản phẩm tại các địa điểm này cũng thường không da dạng, ít chọn lựa cho người mua. Trong khi đó, tại các cửa hàng chuyên kinh doanh máy ảnh, chắc chắc bạn sẽ nhận được sự trợ giúp hữu ích từ người bán hàng, có nhiều mẫu máy ảnh và phụ kiện để tham khảo, so sánh, chế độ hậu mãi tốt và đặc biệt tại những nơi này, sẽ có nguồn hàng “xách tay” với giá thường rẻ hơn hàng chính hãng từ vài trăm tới cả triệu đồng.

Bởi vậy nên khi có ý định sắm một chiếc máy ảnh, dù nhiều hay ít tiền, bạn hãy tham khảo kỹ thông tin trên mạng về các cửa hàng kinh doanh máy ảnh có uy tín (dựa trên phản hồi của mọi người), gọi điện trước để kiểm tra xem hàng còn hay hết, so sánh giá cả, chế độ hậu mãi, các khuyến mại đi kèm trước khi quyết định “chấm” một nơi nào đó.

KHÔNG NÊN: bận tâm tới số chấm và tốc độ chụp

Anh Nguyễn Trần Hoàng, chủ cửa hàng máy ảnh số Photoking (249 Xã Đàn, Hà Nội) chia sẻ: “Rất nhiều người khi tới cửa hàng mua máy đều hỏi về số “chấm” (số điểm ảnh, đơn vị Megapixel - PV) của chiếc máy định mua. Thực tế đây chỉ là một “chiêu trò” của nhà sản xuất, bởi chất lượng tấm ảnh có đẹp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, mà nếu xét trên phương diện kỹ thuật thì nó còn tùy thuộc vào kích thước của cảm biến bên trong máy cũng như bộ vi xử lý được sử dụng. Số “chấm” lớn không đồng nghĩa với ảnh đẹp, nó chỉ quan trọng nếu như bạn có ý định in ảnh ra khổ lớn, cỡ A2, A1 hay A0 mà thôi”. Theo đó, một chiếc máy ảnh có độ phân giải trong khoảng từ 8 – 10 Megapixel là đủ phục vụ nhu cầu sử dụng thông thường.
 
A3300 dù có độ phân giải tận 16 “chấm” nhưng sử dụng cảm biến loại CCD và chỉ được xếp vào phân khúc bình dân của Canon.

“Cũng không nên bận tâm tới những lời chào mời kiểu như “Đây là chiếc máy ảnh chụp nhanh nhất thế giới” của nhà sản xuất”, anh Hoàng tiếp tục chia sẻ. Thực tế các thông số về tốc độ chụp nhanh đối với một tấm ảnh (ví dụ 1/2000 giây) hay tốc độ chụp liên tiếp trong một giây (ví dụ 5 khung hình/giây) chỉ quan trọng đối với một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, các phóng viên ảnh cần ghi lại chuyển động của vật thể ở tốc độ cao như ảnh vận động viên chạy nước rút hay cầu thủ đang đá bóng, v..v..

NÊN: lưu ý khả năng khử nhiễu, độ mở ống kính và tốc độ đọc/ghi của thẻ nhớ

Đường phố được trang hoàng rực rỡ trong những ngày gần Tết khiến cho nhu cầu chụp ảnh buổi tối khi đi chơi của giới trẻ tăng cao. Một chiếc máy cho ảnh chụp chất lượng trong điều kiện thiếu sáng là điều được nhiều người mong đợi, và để đáp ứng được điều đó, máy ảnh phải có độ mở ống kính lớn cũng như khả năng khử nhiễu tốt khi chụp ở độ nhạy sáng (ISO) cao. Các mẫu máy như Canon S95, Nikon P300, Nikon P500, Olympus XZ-1 sẽ đáp ứng tốt hai yêu cầu này.
 
Olympus XZ-1 là máy ảnh compact có độ mở ống kính lớn nhất hiện nay, rất thích hợp cho những bức ảnh chụp buổi tối.

Đối với những chiếc máy ảnh có khả năng quay phim chất lượng cao (HD, full HD), người dùng nên lưu ý chọn các loại thẻ nhớ có dung lượng lớn (từ 8GB trở lên) và tốc độ đọc ghi cao. Thẻ nhớ Transcend hay Kingston SDHC Class4 loại 8GB có giá khoảng 400 nghìn đồng, thẻ nhớ Sandisk 200X loại 8GB có giá khoảng 850 nghìn đồng sẽ cho bạn xấp xỉ 30 phút quay full HD.
 
Để có thể quay phim full HD, người dùng cần lưu ý chọn các loại thẻ nhớ có dung lượng lớn và tốc độ đọc/ghi cao.

Cân nhắc hàng chính hãng và hàng xách tay

“Hàng xách tay tại các cửa hàng máy ảnh có uy tín, có chế độ hậu mãi tốt thì chất lượng không có gì khác hàng chính hãng cả”., anh Hoàng (cửa hàng máy ảnh số Photoking, 249 Xã Đàn, Hà Nội) khẳng định, “hơn nữa, giá thành lại rẻ hơn và do đó người mua sẽ có nhiều lựa chọn hơn với cùng một khoản tiền bỏ ra”. Anh Hoàng lấy ví dụ: Chiếc máy ảnh Canon A3300 chính hãng có giá 3,4 triệu được nhiều người chọn mua vì có độ phân giải cao (16 Megapixel) dù chỉ được xếp ở phân khúc bình dân, trong khi nếu lựa chọn Canon IXY 210 (IXUS 115) hàng xách tay, khách hàng sẽ được sở hữu một chiếc máy ảnh trung cấp. Dù độ phân giải có phần thấp hơn (chỉ 12 Megapixel, nhưng vẫn là quá đủ nếu xét theo tiêu chí không chú trọng số “chấm” ở trên) nhưng cảm biến mà IXY 210 sử dụng lại là loại CMOS (tương tự với máy ảnh ống kính rời), còn ở A3300 chỉ là cảm biến CCD, hao pin và khả năng khử nhiễu kém hơn hẳn.
 
Dù giá thành ngang nhau nhưng IXUS 115 (hàng xách tay) được xếp vào
phân khúc máy ảnh trung cấp với nhiều tính năng hiện đại hơn hẳn A3300 (hàng chính hãng).


Thêm một chút chi phí có thể được lợi lớn

Có một câu chuyện dở khóc dở cười: Vị khách nọ chắc đã nghiên cứu từ trước và rất thích kiểu dáng của chiếc máy Canon IXY 31S, nên khi tới cửa hàng nhất quyết đòi mua ngay chiếc máy này mà không quan tâm tới những câu hỏi tư vấn phía người bán nêu ra. Sau khi đã cài đặt ngày giờ và dán tem bảo hành (đồng nghĩa với không trả lại được nữa), có thời gian ngồi hỏi han cách sử dụng, vị khách nọ mới té ngửa khi biết rằng chỉ cần bỏ thêm 200 nghìn đồng nữa, chị sẽ có được chiếc máy đời sau – IXY 32S với ngoại hình, kết cấu giống hệt 31S nhưng tích hợp màn hình cảm ứng và tính năng hiện đại “chạm để chụp” (chạm vào điểm nào trên màn hình thì máy lập tức lấy nét vào điểm đó).

IXY 31S (trái, màu vàng trắng) và IXY 32S (phải, màu bạc) dù có ngoại hình và cấu tạo bên trong hoàn toàn giống nhau,
nhưng 32S được tăng cường tính năng hiện đại “chạm để chụp” rất hữu ích trong khi mức giá chỉ hơn kém nhau 200 nghìn đồng.

Đôi khi các đời máy liền kề nhau được cho ra mắt trong một khoảng thời gian khá ngắn với nhiều tính năng bổ sung đáng kể mà giá lại chênh không nhiều. Vậy nên nếu có điều kiện, bạn đừng ngại bỏ thêm một chút chi phí để có được chiếc máy tốt hơn.
   
Cân nhắc lựa chọn máy ảnh không gương lật

Sự ra đời của dòng máy ảnh không gương lật khiến những người muốn chụp được những tấm hình chất lượng trong khi vẫn đảm bảo tính gọn nhẹ, thời trang có thêm một lựa chọn. Mặc dù khái niệm “ống kính rời” dường như khiến những người hoàn toàn không biết gì về nhiếp ảnh cảm thấy e ngại, thực tế cho thấy chỉ cần sử dụng ống kính bán kèm theo máy, bạn đã có thể chụp được những tấm hình với chất lượng hơn hẳn máy compact mà thao tác vẫn rất dễ dàng.

Giá thành của những chiếc máy này cũng không quá cao như DSLR. Lấy ví dụ với mẫu máy ảnh Canon G12 từ trước tới nay vẫn bán rất chạy, hàng xách tay có giá khoảng 9,5 triệu, dù thuộc phân khúc máy ảnh cao cấp nhưng vẫn chỉ là một chiếc máy compact  với nhiều hạn chế. Trong khi với số tiền đó, bạn hoàn toàn có thể mua được Olympus E-PL1, chiếc máy ảnh không gương lật tiên phong của Olympus với những tính năng hiện đại và chất lượng ảnh tương đương DSLR. Thậm chí với Canon G12 hàng chính hãng (giá 12,5 triệu), Nikon cũng có lời đáp trả bằng chiếc máy ảnh không gương lật Nikon J1 (hàng chính hãng, cùng giá) có tốc độ xử lý ảnh nhanh nhất hiện nay.
 
Kích thước và trọng lượng tương đương nhau, giá thành cũng tương đương nhau
nhưng chiếc máy ảnh không gương lật Olympus E-PL1 (phải) có hình thức đẹp và chất lượng ảnh hơn hẳn Canon G12 (trái).

Mong rằng với những lời khuyên hữu ích này, bạn đọc sẽ chọn được cho mình một chiếc máy ảnh ưng ý với giá thành hợp lý để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong dịp Tết năm nay. Ngoài ra, để tham khảo thêm về thị trường máy ảnh ngày giáp Tết ở các phân khúc, hãy tham khảo thêm tại bài viết: Sôi động thị trường máy ảnh ngày giáp Tết.