Ấn tượng với những mẫu robot bắt chước động vật

Joyce  | 14/04/2012 04:00 PM

Ngành khoa học nghiên cứu về robot đã có những bước tiến đáng kinh ngạc với ước mơ hướng tới tương lai tưởng chừng như chỉ có trong tưởng tượng đó. Bằng cảm hứng từ thiên nhiên, nhiều nhà khoa học đã sáng chế ra rất nhiều con robot đặc biệt mang dáng dấp của những loài động vật với mục đích đơn giản hóa cuộc sống của con người.

Có thể chúng ta không hoàn toàn sống trong thế giới tiện nghi, nơi mà con người nhận được sự phục vụ tối đa của máy móc giống như của George Jetson – nhân vật chính trong serie phim hoạt hình nổi tiếng The Jetson (1962-1988). Mặc dù vậy, ngành khoa học nghiên cứu về robot đã có những bước tiến đáng kinh ngạc với ước mơ hướng tới tương lai tưởng chừng như chỉ có trong tưởng tượng đó. Bằng cảm hứng từ thiên nhiên, nhiều nhà khoa học đã sáng chế ra rất nhiều con robot đặc biệt mang dáng dấp của những loài động vật với mục đích đơn giản hóa cuộc sống của con người.
 
Dưới đây là năm robot tiêu biểu cho ý tưởng “robot từ thiên nhiên” này:
 
Slug Crawler (Sen trườn): Không đẹp nhưng rất hữu dụng
 
Mặc dù Sen không phải là cái tên quá hay để đặt cho một con robot nhưng đó lại chính là một sự mô tả chính xác nhất đối với sản phẩm này của Viện Công Nghệ Chiba, Nhật Bản. Có lẽ bạn sẽ lắc đầu ngán ngẩm khi lần đầu tiên trông thấy con robot có hình dạng kì dị này. Ngược lại, bạn sẽ thực sự bất ngờ khi biết rằng phương tiện được ứng dụng công nghệ này có khả năng di chuyển trên những vùng địa hình mà phần lớn con người và các loại robot khác không thể.
 
 
Chúng có khả năng chống thấm nước cao, chống bụi, đồng thời với lớp da linh hoạt cho phép nó có thể trườn trên tất cả các địa điểm được coi như không thể tiếp cận khác.
 
 
Trong tương lai, các nhà khoa học của Viện Khoa Học Chiba đã lên một kế hoạch riêng cho mình để có thể tạo ra một phiên bản lớn hơn với nhiều cải tiến hơn so với phiên bản thử nghiệm này. Việc cải tiến hệ thống xác định phương hướng cho cỗ máy này có thể mang lại hiệu quả rất lớn đối với quá trình thay thế con người.
 
Dự án Octopus – Tái tạo xúc tu của bạch tuộc
 
Bạch tuộc thực sự là một sinh vật tuyệt vời. Gần hai phần ba tế bào thần kinh không tập trung ở não bộ, thay vào đó, chúng phân bố đều trên cơ thể (bao gồm cả xúc tu). Những xúc tu này cực kì nhanh nhẹn với khả năng vô cùng ấn tượng là có thể cứng và mềm trong các trường hợp cụ thể. Loài vật này chui được vào tất cả các loại không gian nhỏ hơn cơ thể của chúng, và cùng lúc cơ thể đó có thể tóm và giữ lấy vật thể khác.
 
Đó là những phẩm chất mà các nhà khoa học châu Âu đã tái tạo lại với cánh tay robot bạch tuộc xuất hiện lần đầu tại Hội nghị FET11 châu Âu công nghệ tương lai và triển lãm vào đầu năm nay. Được làm bằng silicon, bao bọc cáp thép, cánh tay 17 inch có khả năng nắm bắt và uốn dẻo một cách mềm mại.
 
 
Việc nghiên cứu cánh tay bạch tuộc có hai mục đích. Thứ nhất là khả năng bắt chước xúc tu của bạch tuộc để có thể hoạt động được ở các khu vực có địa thế lạ, trong khi vẫn duy trì khả năng nắm bắt và điều khiển các vật thể, đối tượng. Việc đó vô cùng hữu ích cho nhiệm vụ thăm dò, phẫu thuật và cứu hộ. Mục tiêu còn lại là để hiểu được hệ thống thần kinh phức tạp của bạch tuộc và sau đó áp dụng với các robot được sử dụng trong các hoạt động ý tế và cứu nạn.
 
Asterisk – Chú robot nhện đáng sợ
 
So với các robot có vẻ ngoài dễ nhìn và thân thiện thì chú robot Asterisk sáu chân có vẻ trông hơi đáng sợ với hình thù của nó. Được thiết kế bởi các nhà khoa học Nhật Bản tại Đại Học Osaka với mục đích giúp đỡ các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn, Asterisk có khả năng thực hiện các pha nguy hiểm vô cùng ấn tượng, ví dụ như đi lộn ngược hoặc theo chiều dọc trên bề mặt theo dạng lưới, tránh chướng ngại vật, hay thậm chí cả những pha nhào lộn. Một điểm hấp dẫn hơn nữa là nó có thể thay đổi hình dạng để có thể lách vừa những nơi có không gian hẹp.
 
 
Thiết kế với sáu chân của Asterisk đã giúp cho nó hoạt động rất ổn định. Nó có thể di chuyển bằng 3 chân, trong khi 3 chân còn lại được sử dụng để nhận diện và tương tác với đối tượng mà không hề bị mất thằng bằng. Hơn thế nữa, “chú nhện sáu chân” này có thể đi bộ với tốc độ lên đến 0,5 mét/giây, nhờ những chiếc bánh xe lăn nằm trên chân của nó.
 
 
Nhiều nguồn tin cho biết, sắp tới đây, các nhà khoa học dự định cải tiến chú robot Asterisk này bằng việc lắp thêm cho nó một bộ mắt để tăng tính hiệu quả và hữu ích, cụ thể là cho hai nhiệm vụ: Cứu hộ và sửa chữa sau thiên tai động đất và sóng thần tại Nhật Bản năm ngoái.
 
 
Alphadog – Chú robot vận chuyển
 
Trọng lượng ngày càng tăng của các thiết bị cá nhân là nguyên nhân tác động tiêu cực đến sự thực thi nhiệm vụ của các binh sĩ Mỹ. Nhận ra được sự quá tải về trọng lượng là một trong năm thách thức hàng đầu về khoa học và công nghệ, đơn vị nghiên cứu DARPA của quân đội Mỹ đã phát triển và cho ra đời chú robot với khả năng di chuyển linh hoạt bằng bốn chân (Squad Legged – hay còn gọi là LS3).
 
 
Gần đây, các mẫu thử nghiệm LS3 đã thể hiện khả năng bám sát người phía trước với sự trợ giúp của đôi mắt cảm biến. Nó cho phép các robot có thể phân biệt được giữa cây, đá, những trở ngại địa hình và người. Ngoài ra, Alphadog còn có khả năng chở được hàng hóa và thiết bị với trọng tải 180kg trên 1 chuyến đi dài 20 dặm. Thêm vào đó, nó có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ trong điều kiện không được tiếp nhiên liệu.  Như đã được đề cập ở trên, do được chế tạo với khả năng theo dõi đối tượng và quan sát chướng ngại vật trên đường, chú robot vận chuyển này cũng được thiết lập chế độ tự động điều chỉnh hoặc chỉnh sửa khi cần thiết.
 
 
Thêm một điều đáng chú ý nữa là Alphadog còn được chế tạo như một nguồn điện để phục vụ trong việc nạp năng lượng cho các thiết bị quân đội như: Di động, radio và các thiết bị cầm tay trong khi tuần tra.
 
 
Robojelly – Chú robot hình con sứa
 
Hãy thử tưởng tượng một robot giám sát quân sự giống và di chuyển như một con sứa, bơi vô hạn định bằng cách cung cấp năng lượng của chính nó với nước biển thì sẽ tuyệt vời đến chừng nào? Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Virginia Tech, Đại học Texas ở Dallas và một số trường khác đã cùng nhau làm việc và phát triển một dự án, đó chính là Robojelly.
 
 
Một sự kết hợp của silicone và công nghệ vật liệu cao cấp khác nhau, Robojelly sử dụng khí oxy và hydro trong nước biển để kích hoạt một phản ứng hóa học nhằm giúp cho nó có thể di chuyển được trong nước. Được chế tạo với khả năng mô tả lại sự chuyển động của sứa, các cơ nhân tạo của Robojelly dựa trên hợp kim nhớ hình làm bằng titan niken – một hợp kim ghi nhớ hình dạng ban đầu của nó và  trở lại ngay sau khi biến dạng.
 
 
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn nhận định rằng quá trình sản xuất không có chất thải nào khác hơn là hơi nước, vậy nên nó rất thân thiện với môi trường. 
 
 
Tham khảo Mashable.
Xem thêm:

robot