Manhattan là thiết bị ngoại vi có bề ngoài bí hiểm nhất từng được đánh giá. Đó là một chú chuột cảm ứng không dây với mầu đen mờ, không có nút bấm và bề mặt hoàn toàn trơn nhẵn. Trông nó tựa như một bàn phím mà không có phím bấm nào vậy.
Thiết kế của Manhattan khá gọn gàng và "khác thường". Vẫn mang dáng dấp của một chú chuột máy tính, nhưng trông nó lại giống một viên sỏi mầu đen mờ được mài nhẵn, phong cách hơn trong kích cỡ thông thường của loại thiết bị này. Do vẻ ngoài bí ẩn của nó, người dùng có thể gặp chút khó khăn với việc cầm đúng chiều trong lần đầu sử dụng.
Lật mặt dưới lên, bạn có thể thấy một khoang chứa pin, khe chứa bộ điều hợp mini USB và nút nguồn. Khoang chứa hơi nhỏ với 2 pin AAA nằm chồng lên nhau. Để lấy viên pin nằm dưới ra, bạn cần rất cẩn thận nếu không muốn làm đứt các dây dành cho viên pin phía trên. Biểu tượng “Manhattan” bên sườn trái cũng là màn hình hiển thị mức độ pin và trạng thái đồng bộ.
Manhattan được nhà sản xuất nhấn mạnh là một chú chuột cảm ứng với thông điệp “Không nhấn, chỉ chạm”. Để nhấp chuột trái, bạn chạm vào bên trái của con chuột và tương tự với bên phải. Để cuộn, bạn di chuyển ngón tay trượt lên xuống trên phần giữa. Nếu bạn để ngón tay quá lâu trên một vị trí, cần nhắc ngón tay của bạn ra và chạm lại để xác lập một cú nhấp ở vị trí này.
Có một vài tính năng bổ sung, dù có thể bạn sẽ không ấn tượng gì với chúng. Phần giữa của con chuột có thể được dùng để cuộn lên và xuống. Một cú nhấp đúp ở vị trí này tương ứng với một thao tác nhấp chuột giữa. Đây là tính năng khá được ưa thích với người dùng Window hay Mac, cho phép bạn mở và đóng các tab mới của trình duyệt với một cú nhấp chuột.
Tính năng độc đáo tiếp theo của Manhattan là chế độ thuyết trình. Với các bài thuyết trình PowerPoint, bạn có thể giữ thiết bị này trong tay, sử dụng một cú nhấp đúp để bắt đầu, hoặc kết thúc. Di chuyển ngón tay bạn sang phải để chuyển tới slide sau, và ngược lại. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi Manhattan không được trang bị tính năng zoom hay điều hướng và chuyển tiếp trong trình duyệt, cũng như việc chuyển đổi giữa các ứng dụng, hoặc các tính năng đặc biệt khác.
Phạm vi hoạt động cũng như độ nhạy của sản phẩm này là khá tốt, với cảm ứng laser tốc độ 1200 dpi và kết nối 2.4GHz, cảm giác sử dụng thoải mái. Thiết kế đẹp, nhưng dễ bám mồ hôi. Thực tế sử dụng cho thấy vấn đề lớn nhất mà Manhattan gặp phải là cảm giác không tự nhiên khi dùng. Để khắc phục, thiết bị có thể phát ra âm thanh nhân tạo như khi nhấp chuột, nhưng rõ ràng là không đủ. Ngoài ra, một chút trễ với các cú nhấp chuột cũng là một điểm trừ với Manhattan.
Tựu chung lại, Manhattan là một con chuột gọn gàng và phong cách, tuy còn hạn chế về hiệu năng. Ngoại từ chế độ thuyết trình, nó không có bất kỳ tính năng nào bạn mong đợi ở một con chuột cảm ứng. Mất khá nhiều thời gian để làm quen và sử dụng, tuy nhiên, nó chỉ có thể thay thế những con chuột không dây thông thường có phím cuộn chứ chưa hẳn là một thứ gì đó "phá cách", vượt chuẩn của chuột máy tính trên thị trường.
Manhattan tương thích cả hai môi trường Window và Mac, với mức giá 51.24 USD từ Amazon (khoảng 1 triệu đồng).
Ưu điểm: Cuộn tốt, có pin và case đi kèm, có khe chứa bộ điều hợp USB.
Nhược điểm: Dễ bám mồ hôi, độ trễ của các cú nhấp chuột, thiếu các tính năng đặc biệt của chuột cảm ứng, khoang chứa pin thiết kế chưa hợp lý.
Tham khảo Chipchick.