- Theo Trí Thức Trẻ | 07/01/2017 0:00 AM
Đèn LED, tản nhiệt nước, những phần cứng được trang bị cả đèn nền với những góc cạnh cực ngầu, màn hình hết phẳng đến cong, hết 144Hz lại đến 4K, tất cả những món phần cứng dành riêng cho game thủ này thực chất chẳng còn chút xa lạ gì với những game thủ hâm mộ các thiết bị máy tính cao cấp nữa rồi. Trong những bài viết đánh giá chi tiết thiết bị, chúng tôi thường cố gắng làm sao để có được những khung hình đẹp nhất của những sản phẩm mà các hãng gửi tới, để lột tả sự hoàn hảo trong thiết kế mỹ thuật công nghiệp của các sản phẩm:
Cooler Master Masterkey L Crystal RGB
LG 27UD68-W
Steelseries Apex M650
Không cần phàn nàn về những nỗ lực mà các hãng sản xuất phần cứng máy tính đổ vào để tạo ra một sản phẩm có dáng vẻ ấn tượng và phù hợp với thị hiếu game thủ. Thế nhưng, càng tiếp xúc nhiều, tôi lại càng có cảm giác gaming gear nói riêng và thị trường đồ chơi phần cứng dành cho game thủ giờ quá giống "phường tuồng", những thiết bị sử dụng chưa biết tốt đến đâu những phải có đèn đóm lập lòe cho có cảm giác game thủ trước đã. Cộng với thiết kế không đồng nhất, nhiều thiết bị đứng riêng lẻ thì đẹp, nhưng khi hợp thành một dàn máy chơi game, chúng lại chẳng còn ấn tượng nữa.
Rồi những đèn LED 16 triệu màu bỗng nhiên trở thành tiêu chuẩn chung cho những hệ thống gaming PC hiện đại. Hãy cứ lên Facebook, vào những group quy tụ nhiều game thủ yêu PC tại Việt Nam cũng như trên thế giới, bạn sẽ thấy hệ thống máy tính nào không có tản nước, không có dải đèn nền nhá nhem bên trong case với cấu hình khủng, không bao giờ những hình ảnh đó có nhiều like. Nó giống như một cuộc chơi, nơi nước sơn luôn quan trọng hơn phần "gỗ", ở đây là phần cứng để chiến game.
Những gam màu đối lập đến nhức mắt như thế này trong mắt game thủ là "đẹp"
Ấy cũng là lúc nhiều game thủ Việt chúng ta mắc bẫy, đổ quá nhiều tiền vào phần thẩm mỹ của bộ máy mà quên mất trái tim, khối óc của cỗ máy tính cũng phải tương xứng. Tôi đã gặp quá nhiều những anh bạn game thủ Việt, bỏ vài chục triệu sắm máy tính có mainboard Z170 khủng, có card đồ họa khỏe, không GTX 1070 thì cũng phải cỡ 1080, nhưng "khối óc" lại chỉ là... Core i3 6100, đơn giản vì không đủ tiền lên i7 6700...
Quay trở lại với câu chuyện thiết kế của đồ chơi dành cho game thủ. Hết bàn phím đến chuột tai nghe chơi game là đến những chiếc laptop. Đồng ý một điều laptop chơi game không bao giờ có thể hoạt động tốt nhất có thể trừ phi sử dụng một hệ thống tản nhiệt thực sự hiệu quả. Đó cũng là lý do chúng ta phải sống chung với những chiếc laptop cồng kềnh to lớn nặng vài cân chưa tính cục sạc pin.
Cái laptop này có khi nặng ngang case máy tính nhà tôi, và nói thật, không biết nó đẹp ở chỗ nào.
Nhưng laptop cồng kềnh không có nghĩa nó được quyền xấu xí. Bộ cánh đen, điểm xuyết một cách quá mức cần thiết những chi tiết hình kỷ hà sắc nhọn cho ra vẻ gamer, và "cây chốt" là đèn LED vài chục triệu màu. Trên nền nhựa đen, những chiếc laptop này "tỏa sáng" chẳng kém gì một sàn diễn thời trang với đèn đóm cứ như cầu vồng vậy.
Đèn LED ban đầu là tính năng giúp cho game thủ có thể nhìn rõ được vị trí các phím bấm khi chơi game vào ban đêm, nhưng dần dà nó lại thành tiêu chuẩn không thể thiếu vì không có đèn thì mặc nhiên không thể nào là một thiết bị dành cho game thủ được. Tôi phản đối điều này. Chuột Zowie, bàn phím cơ Leopold hay DasKeyboard cần gì phải có đèn LED lập lòe đâu mà chúng vẫn được game thủ ưa chuộng mua về chiến game đó thôi?
Cần gì đèn LED mà vẫn đẹp đấy thôi?
Việc phàn nàn gaming gear phải có đèn LED 16 triệu màu nó cũng giống như việc đòi hỏi tài khoản Steam của bạn phải có đủ bộ Arcana cho mọi nhân vật bạn yêu thích. Nó không cần thiết. Bạn vẫn có thể chơi game thoải mái mà không cần vật phẩm cosmetic. Nó chỉ khiến bạn thêm phần "tự tin" trong combat mà thôi. Đèn LED cũng có chức năng tương tự với tâm lý của những người yêu game.
Ở CES 2017 đang diễn ra, Samsung cũng mang đến hội chợ này một chiếc laptop chơi game mới toanh mang tên Odyssey. Nó là một bản thể hoàn hảo mô tả sự xấu xí nói chung của các thiết bị chơi game:
Thêm đèn nền bàn phím và đèn touchpad và đóng mác "laptop gaming"
Đến cả touchpad cũng phải có đèn LED chạy xung quanh, chưa kể đến bàn phím được in riêng 4 nút WASD, đơn giản vì Samsung nghĩ rằng như thế là đúng chất game thủ nhất. Còn lại, nhìn từ trong ra ngoài, nó chẳng khác gì một chiếc laptop phổ thông mà Samsung vài năm nay đã sản xuất, từ ngoại hình cho đến cả khớp gập màn hình. Nó tạo ra một cảm giác "rẻ tiền" đúng nghĩa đen. Dù bộ cánh đen nhám có được thiết kế tỷ mỷ đến đâu đi chăng nữa, thì chiếc laptop vẫn toát ra một phong cách nửa mùa khi Samsung cố gắng nhồi nhét những gì "có vẻ gaming" nhất vào sản phẩm của họ.
Ở khía cạnh đối ngược là Razer Blade Pro. Chiếc laptop được mệnh danh là Macbook của giới game thủ này khiến chúng ta phải ngạt thở ngay lần đầu tiền nhìn thấy. Mỏng, màn hình đẹp, đèn LED chỉ được trang bị ở bàn phím, dĩ nhiên vẫn là Chroma 16 triệu màu nhưng chí ít chúng ta còn có thể tùy chỉnh theo ý thích thông qua driver. Nếu nói về một chiếc laptop chơi game chân phương, thì không phải MSI, Asus hay bất kỳ thương hiệu nào khác, mà Razer đã làm tốt nhất nhiệm vụ của họ. Một điều tương đối bất ngờ xét đến ngoại hình hầu hết các thiết bị khác của hãng này.
Điều bất ngờ là, những thiết kế xấu thậm tệ mà tôi mô tả ở trên, lại được đông đảo người trẻ tuổi, đặc biệt là game thủ yêu thích. Hà cớ gì giữa một thế giới nơi thiết kế mỹ thuật công nghiệp lên ngôi một cách mạnh mẽ giữa thế kỷ XXI, nơi iPhone dù chỉ dám làm viền camera lồi cũng bị ném đá dữ dội, mà những món đồ chơi gaming gear nhìn vào đã thấy đồng bóng như vậy được chấp nhận cơ chứ?
Lý do hóa ra lại bất ngờ hơn bao giờ hết: Chính chúng ta đã đòi hỏi nhà sản xuất phải làm như vậy. Thay vì tin tưởng vào đội ngũ thiết kế, thì các hãng sản xuất phần cứng lại tin vào thị hiếu của game thủ, mà không chịu cải tiến dáng vẻ của các sản phẩm mà họ tạo ra. Thậm chí bây giờ chúng ta có cả case máy tính toàn kính trong suốt, đơn giản chỉ để... khoe các phần cứng có đèn LED bên trong rõ ràng hơn, câu được nhiều like hơn khi chụp ảnh "sống ảo" upload lên Facebook.
Thậm chí khi được các phòng viên đặt ra câu hỏi, nhiều giám đốc sản phẩm của các thương hiệu lớn góp mặt tại CES 2017 cũng phải thở dài ngao ngán: "Thật ra phải có LED RGB sản phẩm của chúng tôi mới bán được". Việc đòi hỏi một chiếc máy tính chơi game phải có cả phần cứng khỏe lẫn ngoại hình đẹp là yêu cầu quá đỗi bình thường đối với những người tiêu dùng. Thế nhưng định nghĩa "đẹp" của họ khác lạ quá. Đôi lúc chỉ cần LED đẹp là một game thủ có thể sắm một món đồ chơi bất kể nó có hợp với mình hay túi tiền của mình hay không.
Nói đi cũng phải nói lại, hóa ra việc làm những sản phẩm cồng kềnh và xấu xí nhưng có đèn LED lập lòe lại là một chiêu kiếm ra hàng tỷ USD lợi nhuận cho các hãng sản xuất thiết bị máy tính. Họ vừa tặng cho chúng ta, những game thủ cuồng đèn LED RGB sản phẩm chúng ta cần, nhưng lại có nhiều lợi nhuận hơn so với việc bỏ tiền đầu tư và gia công các mẫu thiết kế cao cấp để xứng đáng với phần cứng ở bên trong. Việc bình cũ rượu mới cũng là điều chẳng còn xa lạ gì khi vẫn giữ nguyên kiểu dáng và nâng cấp cấu hình, các hãng sẽ lại tiếp tục ngồi trên cả đống tiền.
Cũng là những sản phẩm cao cấp, nhưng giờ đây đặt một chiếc laptop chơi game cấu hình mạnh ở cạnh một chiếc Macbook có cùng tầm giá, chắc chắn bạn sẽ nhận ra ý mà tôi muốn nói. Sự khác biệt và chênh lệch về chất lượng thiết kế là quá xa vời. Chỉ tiếc là, những thiết bị đẹp và có hiệu năng chơi game hoàn hảo lại quá đắt tiền và hiếm gặp. Ví như Razer Blade Pro 2016, để sở hữu chiếc máy với lớp vỏ nhôm nguyên khối này, bạn sẽ phải bỏ ra khoảng 100 triệu Đồng!
Các nhà sản xuất cũng không phiền hà gì cho lắm vì ít nhất họ có thể tiết kiệm cả đống tiền cùng lúc chiều chuộng game thủ với những thiết kế mà họ cho rằng hợp với họ nhất. Và cứ thế, chẳng biết đến bao giờ làng game mới có được một bộ mặt mới, với những thiết bị tinh tế, đẹp đẽ nhưng có hiệu năng chiến game cực khỏe.