Trí thức trẻ | 19/11/2020 08:26 PM
Voice chat, đối với cộng đồng game thủ ở khắp mọi nơi trên thế giới, là một nhu cầu hết sức quan trọng. Những game thủ lâu năm có lẽ cũng chẳng còn lạ lẫm gì với những cái tên đình đám một thời như TeamSpeak, Skype, hay lâu hơn nữa, là Ventrilo.
Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, khi nhắc đến voice chat trong game, có lẽ đến 99% game thủ sẽ nghĩ ngay đến Discord - một trong những phần mềm voice-chat phổ biến nhất thế giới hiện nay.
Discord lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2015, với lời giới thiệu cực kỳ gây hấn: "Đã đến lúc chúng ta từ bỏ Skype và TeamSpeak." Tất nhiên, nhiều người có những nghi ngại ban đầu khi sử dụng Discord, nhưng "cũng đâu có sao, vì nó miễn phí mà". Và khi sử dụng rồi, họ mới thấy chất lượng đàm thoại của Discord quả thật vượt xa Skype, và không thua kém gì TeamSpeak. Điểm khác biệt là khi dùng TeamSpeak bạn sẽ phải bỏ tiền ra thuê server hàng tháng, còn Discord thì hoàn toàn miễn phí.
Lời quảng cáo thuở đầu của Discord: Đã đến lúc từ bỏ Skype và TeamSpeak
Một số người dùng Discord coi chúng như công cụ để voice chat giữa những hội chơi game ngoài đời thực với nhau. Một số khác, thì lại lập ra những server công khai để xây dựng một cộng đồng các game thủ cùng chơi một tựa game nào đó. Một người dùng Discord với ID 'Mikeyy' chia sẻ: "Tôi không có nhiều bạn ngoài đời có cùng sở thích chơi game với mình. Thế nên, khi tôi chơi Overwatch, tôi đã tự tạo ra cộng đồng đầu tiên của mình trên Discord. Bắn chung vài trận với gã nào hợp cạ là tôi sẽ hỏi hắn: 'Bắn được đấy, tên Discord của ông là gì ấy nhỉ?'"
Ngày nay, không thể phủ nhận được thành công và tầm ảnh hưởng của Discord trong cộng đồng game thủ. Ứng dụng này hiện có thể được sử dụng song song trên cả máy tính và điện thoại, sở hữu hơn 100 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng, với hàng triệu nhóm cộng đồng của rất nhiều chủ đề khác nhau. Ngày nay, các cộng đồng Discord không chỉ dừng lại ở game nữa, mà còn mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực khác như phim ảnh, truyện tranh, hoạt hình, hay thậm chí là nơi giao lưu của các hội nhóm sở thích khác nhau nữa. Không ngoa khi nói rằng, gần như bất cứ cộng đồng gì trên Internet hiện tại, đều sở hữu một server Discord của riêng mình.
Discord giờ đây là nơi quy tụ của rất nhiều nhóm cộng đồng khác nhau
Có lẽ, 5 năm trước, những nhà sáng lập của Discord có nằm mơ cũng không nghĩ được rằng, sản phẩm của họ lại trở thành một thứ có khả năng thay đổi cả cộng đồng người sử dụng Internet như hiện tại.
Có thể nói, một phần nguyên nhân tạo nên thành công của Discord giống như hiện giờ đến từ sự "chuyển đổi" - từ một công cụ voice chat giữa các game thủ với nhau trở thành một nơi để xây dựng đủ mọi loại cộng đồng. Và "chuyển đổi" cũng chính là một trong những từ khóa hết sức quan trọng trong quá trình hình thành nên một Discord hùng mạnh như bây giờ.
Ngược về quá khứ
Trước khi trở thành nhà đồng sáng lập của Discord, Jason Citron cũng là một kẻ mê game như rất nhiều người trong chúng ta. "Khi ấy là thời kỳ mà Battle.NET vẫn còn hưng thịnh. Tôi chơi Warcraft và World of Warcraft rất nhiều, ngoài ra còn chơi cả Everquest nữa," Jason chia sẻ. Thậm chí, vì mê chơi game, anh còn suýt nữa không tốt nghiệp được đại học.
Chính niềm đam mê chơi game đã hướng Jason đến với nghiệp coder, với mong muốn được tạo ra những tựa game của riêng mình. Sau khi tốt nghiệp, Jason thành lập một studio game nhỏ, và ra được một tựa game trên iPhone vào năm 2008. Thế rồi tựa game đó, sau một thời gian lại được chuyển đổi thành một mạng xã hội nhỏ cho game thủ trên iPhone với tên gọi OpenFeint, mà theo mô tả của Jason là "hệt như Xbox Live, nhưng mà là cho người dùng iPhone." Ít lâu sau đó, OpenFeint được gã khổng lồ trong mảng Mobage của Nhật Bản là Gree mua lại.
Hai nhà đồng sáng lập của Discord: Stan Vishnevskiy (trái) và Jason Citron (phải)
Năm 2012, Jason thành lập công ty mới mang tên Hammer & Chisel, tập trung vào "đối tượng người chơi game trên máy tính bảng, với những tựa game Online." Một trong những sản phẩm của công ty là Fates Forever - một tựa game có phần giống với Liên Minh Huyền Thoại, được tích hợp sẵn cả hệ thống chat chữ và voice chat trong game.
Thế rồi, điểm thành công nhất của Fates Forever lại không nằm ở đồ họa hay gameplay, mà lại nằm ở chính hệ thống chat trong game. Lúc bấy giờ, cộng đồng game thủ toàn thế giới vẫn đang dùng TeamSpeak và Skype để voice chat là chủ yếu. Chất lượng đàm thoại của Skype thì rất tệ, đã vậy còn có độ trễ cao. TeamSpeak thì tốt hơn, nhưng giá tiền để thuê một server tử tế thì lại không rẻ chút nào. Nhận thấy mình hoàn toàn có thể làm tốt hơn như thế, đội ngũ của Hammer & Chisel đã quyết định "thử sức".
Đương nhiên, sự chuyển đổi này chẳng chút dễ dàng. Hammer & Chisel khi ấy đã đóng cửa bộ phận làm game, sa thải tới 1/3 số nhân sự, điều chuyển hàng loạt nhân viên sang các phòng ban khác, và mất thêm 6 tháng nữa để mọi thứ đi vào guồng. Khởi đầu của Discord cũng chẳng sáng sủa là bao. "Khi mới bắt đầu, chúng tôi chỉ thu hút được khoảng 10 người sử dụng. Trong đó có 1 đội chơi Liên Minh Huyền Thoại, vài gã chơi World of Warcraft, hết. Khi chúng tôi giới thiệu Discord với bạn bè mình, họ đều phản ứng 'Ồ! Hay thế nhỉ!'. Xong họ mặc kệ, không dùng," Jason chia sẻ.
Ít ai biết được rằng, khởi điểm của Discord lại là một tựa game clone của Liên Minh Huyền Thoại
Sau khi nói chuyện với một vài người dùng thực tế cũng như phân tích dữ liệu, đội ngũ Hammer & Chisel đã nhận ra vấn đề của mình. Discord lúc ấy đúng là tốt hơn Skype thật, nhưng vẫn chưa đủ tốt để người khác muốn dùng. Chất lượng đàm thoại thì trồi sụt, những cuộc voice chat thỉnh thoảng lại bị đứt kết nối. Một Discord vẫn còn nhiều vấn đề như vậy, đương nhiên sẽ chẳng ai muốn dùng.
Kết quả, đội ngũ phát triển đã phải "đập đi xây lại" công nghệ voice chat của thêm 3 lần chỉ trong vài tháng đầu tiên để có thể thu được một sản phẩm tốt hơn. Cũng trong thời gian này, Discord còn phát triển thêm một tính năng nữa cho người dùng, đó là cho phép chủ server chỉnh quyền hạn của các thành viên khác trong server Discord của mình. Đương nhiên, nhiều người cũng nhận ra rằng Discord đã tốt hơn rất nhiều, và họ bắt đầu rủ bạn bè mình cùng sử dụng.
Ngày 13/05/2015 được Discord lựa chọn là thời điểm nền tảng này chính thức đi vào hoạt động, bởi đó là lúc mà người ta thực sự sử dụng Discord. Một người nào đó đã giới thiệu server của họ trên subreddit của tựa game Final Fantasy XIV, và rủ mọi người vào thảo luận về phiên bản mở rộng mới. Ngay lập tức, Jason Citron cùng Stan Vishnevskiy, hai người đồng sáng lập của Discord cũng đã tham gia vào server này, và ngồi nói chuyện với tất cả những người có trong server. Thế là những người mới kia liền quay lại Reddit, kể chuyện: "Ê, tao vừa nói chuyện với mấy lão phát triển Discord trong cái server FFXIV kia, mấy lão nói chuyện cũng cool ra phết." Thế họ lại lôi kéo thêm được nhiều người khác nữa cũng tham gia vào server.
"Ngày hôm đó, chúng tôi ghi nhận vài trăm lượt đăng ký mới, và đây chính là điểm khởi đầu cho đoàn tàu mang tên Discord của chúng tôi." Jason Citron chia sẻ.
Đội ngũ phát triển Discord, năm 2015.
"Vind" có thể được coi là một trong những người dùng Discord từ những ngày đầu tiên. Anh và hội bạn bắn Battlefield 4 đã "di cư" từ TeamSpeak sang Discord, vào thời điểm mà những câu chuyện họ nói hàng ngày không còn chỉ gói gọn trong những trận game.
"Sau một thời gian dài chơi chung với nhau, chúng tôi không chỉ còn là hội bạn game nữa, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống," Vind chia sẻ.
Một trong những điểm tiện lợi của Discord là ứng dụng này cho phép người dùng có thể setup các kênh chat riêng, từ đó có thể hệ thống các chủ đề hội thoại cho các hội nhóm đông người. Tuy nhiên, đối với Vind, tính năng ấn tượng nhất của Discord là việc bạn hoàn toàn có thể "nhảy vào một kênh chat voice trống, và mọi người khi nhìn vào sẽ hiểu là: tôi đang ngồi đây, có ai muốn vào nói chuyện chung không?"
Điều này dẫn đến việc voice chat trong Discord không giống như bạn gọi một cuộc điện thoại đến những người khác trong kênh. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là kết nối đến kênh voice chat, và thế là xong. Nếu phải so sánh, thì server Discord giống như một tòa nhà, các kênh chat riêng thì giống những căn phòng, còn kênh voice chat giống như một chiếc ghế sofa. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ đơn giản là ngồi xuống và tán dóc.
Ứng dụng kỹ thuật để phát triển
Xét về tính kỹ thuật, để tạo ra được một Discord đầy tính tiện dụng như thế là chuyện chẳng hề dễ dàng. Theo lời Vishnevskiy, một trong những nhà sáng lập của Discord, "điều này đòi hỏi chúng tôi phải đưa ra được một cách xây dựng hệ thống hoàn toàn khác biệt." Những nhà phát triển đã tốn rất nhiều thời gian để giúp người dùng có thể chuyển đổi một cách mượt mà giữa việc sử dụng Discord trên điện thoại và máy tính. Ngoài ra, một trong những vấn đề mà đội ngũ của Citron và Vishnevskiy luôn phải giải quyết là tìm cách giảm độ trễ khi chat voice đến mức tối đa.
Gần đây, Discord cũng đã tích hợp thêm tính năng video chat và streaming vào trong ứng dụng của mình. Tất nhiên, đây cũng không phải là việc dễ dàng, đặc biệt là nếu như họ muốn nâng cấp chất lượng hình ảnh lên 4K 60fps. Ngoài ra, tích hợp như thế nào cũng là một câu hỏi khó: Tạo một kênh video riêng và yêu cầu người dùng phải thao tác thêm khi muốn chuyển từ voice chat sang video call? Hay tích hợp thẳng tính năng mới này vào kênh chat voice? Cuối cùng, như chúng ta đã thấy, phương án tích hợp đã được đội ngũ Discord lựa chọn.
Discord giờ đây đã tích hợp cả tính năng Livestream chia sẻ màn hình vào kênh voice chat
Giờ đây, Discord giống như một sự tổng hòa của rất nhiều thứ. Một mặt, ứng dụng này rất giống Slack, với các kênh chat khác nhau phục vụ các mục đích khác nhau, cũng như giao cho người dùng những công cụ phù hợp để có thể tìm đúng người, đúng nơi. Mặt khác, Discord cũng giống như Reddit, đầy rẫy những cuộc hội thoại với những chủ đề trên trời dưới biển. (Trên thực tế, nhiều cộng đồng Reddit lớn đều đã có những server Discord của riêng mình, là nơi để các thành viên có thể trò chuyện với nhau theo thời gian thực.) Kết quả là Discord đã tạo ra một thứ có thể được gọi là "môi trường thứ ba" trên mạng Internet, tách biệt với "nhà" và "nơi làm việc".
Khác với nhiều ứng dụng như Zoom hay Teams - tập trung vào nâng cấp những tính năng phục vụ cho công việc trong thời kỳ Work From Home giữa mùa dịch - bản chất của Discord vẫn là một ứng dụng chat phục vụ cho game thủ. Do đó, tối ưu trải nghiệm chính là ưu tiên lớn nhất của đội ngũ phát triển.
"Chúng tôi đầu tư nghiên cứu rất nhiều vào các công nghệ giúp trải nghiệm chat khi chơi game của game thủ trở nên tốt nhất có thể. Vấn đề về độ trễ đã được giải quyết từ lâu, nhưng chúng tôi muốn hướng đến kết quả tương tự khi room chat voice có tới hơn 1000 người. Tất nhiên, mục tiêu này chỉ quan trọng khi chúng tôi là ứng dụng chat cho game thủ, chứ không phải là ứng dụng họp từ xa." Vishnevskiy chia sẻ.
Mới đây, Discord đã cho phép người dùng chat voice và stream màn hình game ngay trên ứng dụng
Song song với sự phát triển mạnh mẽ của Discord, là sự phát triển của những cộng đồng trên nền tảng chat này. Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy server Discord của gần như bất cứ chủ đề gì. Quay trở về với câu chuyện của game thủ có nickname Discord là "Vind", giờ đây anh đã trở thành admin của một cộng đồng những người đam mê bộ môn đua xe công thức 1, với hơn 5700 thành viên.
"Tôi vốn cũng không phải là người lập ra cộng đồng này. Có người đã tạo server này, nhưng rồi anh ta lại bỏ nó mà đi." Vind chia sẻ.
Vind tham gia vào server Discord kể trên vào năm 2016, khi ấy cả cộng đồng chỉ có khoảng 50 người. Sau một thời gian thấy admin cộng đồng bỏ kệ cho server "tự sinh tự diệt", Vind đã liên lạc trực tiếp với admin thông qua Reddit, xin được cấp quyền quản trị viên để có thể tự mình thêm một vài tính năng mới cho server.
"Thế rồi anh ta giao lại luôn cả server cho tôi, nói rằng giờ anh ta sẽ chuyển sang xây dựng cộng đồng trên Kik, tin rằng đó mới là lựa chọn đúng. Còn tôi, từ đó đến nay, vẫn luôn cố gắng để xây dựng được một cộng đồng những người có cùng chung sở thích với bộ môn này."
Với số lượng thành viên đã chạm đến 5700 người, việc quản lý server đương nhiên sẽ có không ít khó khăn. Tuy nhiên, hệ thống bot mà người dùng có thể tích hợp vào server đã giúp cho công việc quản trị trở nên thuận tiện hơn. Bot quản trị của server có tên CarlBot đã làm rất tốt công việc của mình: tự động xóa những câu chat thoại có chứa từ khóa nhạy cảm, cũng như báo cáo lên các thành viên trong ban quản trị về những thành viên có vấn đề. "Khi có người dùng vi phạm các quy định của server, chúng tôi sẽ cấm họ. Khi những người dùng mới tham gia vào server, họ luôn phải đọc và đồng ý tuân theo những quy định đã được đưa ra, trước khi có thể tham gia trò chuyện." Vind cho biết.
"Một môi trường phát triển cộng đồng mà họ muốn thấy"
Tất nhiên, với một ứng dụng đã phát triển ở quy mô cực lớn như Discord, mọi thứ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Trong lịch sử phát triển suốt hơn 4 năm qua của ứng dụng này, có không ít server Discord đã trở thành "hang ổ" của những vấn nạn tồi tệ trên Internet. Nội dung khiêu dâm, phân biệt chủng tộc, các hành vi bắt nạt online, những kế hoạch nguy hiểm, v...v... đều đã và đang xuất hiện trên nền tảng này. Tất nhiên, đây không phải là vấn đề của riêng Discord, mà cả của Facebook, Reddit, 4chan, cũng như của Internet nói chung. Nhưng, các chuyên gia cũng đã lên tiếng lo ngại về Discord bởi bản chất 'bán riêng tư' của nền tảng này. Hơn nữa, việc người dùng Discord đa số là người trẻ, cũng làm dấy lên những lo ngại nhất định.
Nói về vấn đề này, đội ngũ phát triển Discord cũng phải thừa nhận rằng họ đã chậm chân trong việc đối phó với những nội dung tiêu cực trên nền tảng. Những nội dung như vậy chỉ thực sự được Discord chú ý đến sau khi xảy ra vụ bạo loạn tại Charlottesville vào năm 2017, và kết qưuả điều tra cho thấy rằng những kẻ chủ mưu đã lên kế hoạch trên server Discord riêng từ rất lâu trước đó.
Giờ đây, khi Discord đã phát triển và có những thành tựu nhất định, đội ngũ phát triển đương nhiên cũng phải thích nghi và thay đổi theo. Sean Li, trưởng bộ phận chuyên giải quyết các vấn đề về an toàn trên Discord cho biết: "Discord giờ đây giống như một quốc gia với hơn 100 triệu dân, sống ở các thành phố, thị trấn khác nhau. Chúng tôi tạo ra những luật lệ, cho những người dân trong đó biết điều gì được và không được làm để giúp các cộng đồng có thể phát triển một cách lành mạnh, cũng như cung cấp cho các quản trị viên những công cụ mạnh mẽ để có thể tạo ra một môi trường phát triển cộng đồng mà họ muốn thấy."
Discord là một môi trường tự do, nhưng sự tự do đó cần phải nằm trong khuôn khổ, với rất nhiều quy định.
Bện cạnh đó, một vấn đề khác mà đội ngũ Discord cần phải tính đến đó là: Làm sao để kiếm được tiền. Hiện tại, đây không phải là vấn đề gì đó quá cấp bách, đặt trong bối cảnh Discord đã thu về hơn 100 triệu USD chỉ trong mùa hè vừa rồi. Theo ước tính của Forbes, Discord sẽ lãi khoảng 120 triệu USD trong năm 2020, với tổng giá trị của công ty là 3,5 tỉ USD. Nhưng đây chỉ là câu chuyện của hiện tại, và Discord vẫn phải tính đến cách kiếm tiển bền vững cho cả tương lai nữa. Mà theo lời của Citron và Vishnevskiy, họ không muốn treo quảng cáo hay bán thông tin cá nhân của người dùng.
Trái ngược với đội ngũ phát triển, rất nhiều người dùng của Discord đã coi nền tảng này như một công cụ để kinh doanh. Lấy ví dụ như Mikeyy, anh đã không còn chỉ là một game thủ Overwatch bình thường nữa. Giờ đây, anh đang quản lý một server Discord lớn của cộng đồng chơi FIFA. Trong server này có một phòng VIP, và với 13.99$ mỗi tháng, các thành viên có thể tham gia phòng VIP này để nhận được những hướng dẫn cao cấp giúp nâng cao trình độ. Tuy nhiên các giao dịch trong server đều được thực hiện qua Paypal, và đương nhiên Discord không được hưởng chút lợi lộc nào từ các giao dịch này hết.
Doanh thu chính của Discord hiện tại đến từ Discord Nitro và dịch vụ Server Boost
Đến nay, doanh thu chính của Discord vẫn đến từ dịch vụ bán Nitro và server boosting. Nitro là dịch vụ đăng ký theo tháng với giá 10$, cho phép người dùng có thể thay đổi username, sử dung nhiều emoji hơn, cũng như nâng cao chất lượng video chat và đàm thoại. Trong khi đó, dịch vụ server boost là hình thức để những người hoạt động trong cộng đồng có thể đóng góp cho "ngôi nhà chung của mình", giúp nâng cấp server để mở khóa nhiều tính năng cao cấp hơn.
Tham vọng của Discord không chỉ dừng lại ở đó. Năm 2018, họ quyết định mở rộng hướng đi bằng cách thêm hệ dịch vụ cửa hàng bán game vào hệ thống của mình. Có thể thấy, sau khi đánh bại Skype và TeamSpeak, mục tiêu tấn công tiếp theo của Discord là Steam. Tuy nhiên, có vẻ như lần này đội ngũ phát triển đã lựa chọn đối thủ hơi quá tầm, và hệ thống cửa hàng game đã phải đóng cửa sau vài tháng ngắn ngủi.
Discord đã từng cố gắng bán game để cạnh tranh với Steam, nhưng thất bại
Thất bại này của Discord đã thúc đẩy họ tiến đến "bước chuyển đổi" tiếp theo: giờ đây Discord không chỉ còn là phần mềm chỉ chuyên phục vụ cho giới game thủ nữa, mà họ phải trở thành một thứ dịch vụ cho tất cả mọi người.
Chốn thư giãn của mọi người
Thực ra, ngay từ những ngày đầu xuất hiện, khoảng 30% số lượng server được tạo ra trên hệ thống của Discord không phải để phục vụ cho các cộng đồng game thủ. Tuy nhiên, nhóm đối tượng khách hàng này vốn không được đội ngũ phát triển chú ý đến mấy, do tôn chỉ của Discord khi đó vẫn là "phục vụ tối đa cho trải nghiệm của game thủ". Nhưng trong khoảng 1 năm trở lại đây, mọi chuyện đã khác. Đội ngũ của Discord cũng đã bắt đầu tích cực thực hiện các khảo sát để có thể thay đổi và phục vụ tốt hơn cho mọi đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, chứ không chỉ phục vụ mỗi game thủ nữa.
Mới đây, khảo sát của Discord có một câu hỏi rằng: "Điều gì dễ gây hiểu nhầm nhất về dịch vụ của chúng tôi?" Câu trả lời được đại đa số người dùng đưa ra: "Là phần mềm chỉ dành cho game thủ."
Bộ nhận diện đậm chất "game thủ" của Discord thuở ban đầu
Và quả đúng là như vậy. Những hội nhóm, cộng đồng không liên quan đến game như làm vườn, đan len, gấp giấy Origami, v...v... thực sự rất khó lôi kéo các thành viên mới tham gia vào Discord bởi ứng dụng này trông có phần hơi "hầm hố" với logo là hình tay cầm chơi game được cách điệu, cùng hàng loạt lời giới thiệu tính năng mà nhìn vào đã biết nó dành cho game thủ.
Để thay đổi điều này, đầu năm 2020, đội ngũ phát triển Discord đã lên kế hoạch để thay đổi thiết kế, cũng như tái định vị thương hiệu của mình để có thể biến ứng dụng trở nên dễ tiếp cận đối với tầng lớp người dùng phổ thông hơn.
Thế rồi, dịch COVID diễn ra, với những diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Giữa bối cảnh nhiều quốc gia đưa ra lệnh hạn chế đi ra ngoài, tránh tụ tập đông người, Internet trở thành nơi mà hầu hết các hoạt động thường nhật diễn ra. Nhờ vậy, số lượng người dùng Discord tăng mạnh, tăng tới 47% chỉ trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 7 vừa rồi. Các nhóm học tập sử dụng Discord để thảo luận, giáo viên cũng sử dụng Discord để dạy học từ xa, bạn bè thì dùng Discord để tán gẫu. Và, những người dùng mới này cũng đã nhanh chóng nhận ra điều đã khiến ứng dụng này ghi điểm trước cộng đồng game thủ trước đây: Discord mang tới trải nghiệm người dùng cực kỳ dễ chịu.
Cuối tháng 6, Discord đã hoàn tất việc tái định vị thương hiệu của mình. Giờ đây, khẩu hiệu mới của ứng dụng này là "Nơi bạn tự do trò chuyện", với trang chủ được thiết kế lại để không còn "chỉ thuần chất game" như trước đây nữa. Trong bản tin thông báo về sự thay đổi này, bộ đôi sáng lập Discord là Citron và Vishnevskiy cho biết: "Rõ ràng là khi mọi người dành ngày một nhiều thời gian để online hơn, họ sẽ muốn đến những nơi chốn tạo cho họ cảm giác thân thuộc, nơi mà họ cảm thấy mình thuộc về."
Giao diện trang chủ mới của Discord
Tất nhiên, Discord vẫn còn rất nhiều việc cần làm để có thể hoàn thiện mình, cũng như luôn phải nghĩ đến việc phát triển thêm những tính năng mới để đáp ứng nhu cầu người dùng - nhưng đồng thời không khiến cho việc sử dụng ứng dụng trở nên phức tạp hơn.
5 năm không phải là một quãng thời gian dài, nhưng Discord đã đi được những bước tiến lớn trong khoảng thời gian ấy. Họ đã xây dựng nên được một nơi đầy khác biệt với các chốn khác ở trên mạng Internet. Discord không giống như group chat nhóm, càng không giống forum, cũng chẳng phải là phần mềm để gọi điện họp hành từ xa. Nhưng đồng thời, Discord lại cũng có thể đáp ứng được cả 3 nhu cầu đó, để tở thành một nơi mà con người có thể thoải mái tương tác với nhau trên mạng Internet. Đây có lẽ không phải là mục tiêu mà nhóm phát triển ứng dụng này đặt ra từ đầu, nhưng lại là "đáp án" mà họ đi đến sau nhiều lần chuyển đổi để chạm tới thành công.
Theo Protocol