Viễn cảnh hợp nhất 2 trong 3 mạng di động đại gia không còn là một tin quá bất ngờ. Bởi đầu năm trước, khi có tin Chính phủ yêu cần VNPT không được giữ quá 20% vốn ở 1 trong 2 doanh nghiệp này, đã có tin 2 mạng sẽ sáp nhập.
Mới đây, ông Phan Hoàng Đức, ủy viên hội đồng quản trị, phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã xác nhận sẽ sáp nhập 2 doanh nghiệp trên, theo Bee.
Ông Phan Hoàng Đức
Nhìn ở khía cạnh của VNPT, đó sẽ là nước cờ đúng đắn nhất. Nhưng chưa hẳn điều đó đã tốt cho thị trường. Việc sáp nhập tốt cho VNPT bởi doanh nghiệp này sẽ không phải thoái vốn ở một trong hai mạng trên. Trong khi doanh thu của VNPT phần lớn tới từ mảng di động, chuyện phải tự tay giảm đi hơn 80% số vốn ở Vinaphone hay Mobifone là một quyết định quá đau xót.
Thứ hai nữa, khi sáp nhập hạ tầng của hai mạng này sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn với Viettel. Thực ra trước đây các thuê bao của Vinaphone và Mobifone cũng có thể dùng chung hạ tầng ở một số nơi. Còn khi sáp nhập, khả năng phủ sóng của hai mạng sẽ tăng hơn hẳn trước kia. Hơn nữa, VNPT còn có thể tiết kiệm được tiền đầu tư hạ tầng.
Thứ ba, cạnh tranh với Viettel không chỉ là bài toán về vùng phủ sóng hay thuê bao, mà còn ở cả chiến lược đầu tư ra nước ngoài hay mở rộng hướng kinh doanh nữa. Trước đây, VNPT có công ty VNPT Global để đầu tư ra nước ngoài, nhưng hiện tại công ty đó đã chuyển về dưới quyền quản lý của Mobifone. Động thái cho thấy Mobifone sẽ mở rộng đầu tư ra ngoài Việt Nam.
Nhưng mạng Mobifone vốn được tự chủ trong kinh doanh hơn nay sẽ phải chịu những ràng buộc nhất định. Điều đó có thể ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của mạng mới so với Viettel.
Trong một góc nhìn khác, cuộc đua ba nhà mạng lớn ở Việt Nam xét cho cùng vẫn là cuộc đua của anh em nhà VNPT và Viettel. Trong các năm qua, dư luận rất quan tâm tới cuộc đua doanh thu của 2 tập đoàn này. Hai năm gần đây VNPT đều vượt Viettel, nhưng chỉ nhỉnh hơn chút ít.
Cuộc đua của 2 chú sư tử viễn thông đang rất sát sao
Cụ thể, năm 2011 doanh thu VNPT là 120.800 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2010 là 101.569 tỷ đồng. Còn Viettel, con số doanh thu 2011 là 116.012 tỷ đồng, tăng 21% so với con số năm 2010 là 91.134 tỷ đồng.
Nhưng với sự đầu tư ra nhiều nước như hiện nay của Viettel và công cuộc sản xuất phần cứng của nhà mạng này, khoảng cách mong manh doanh thu giữa 2 bên có thể bị đạp đổ bất cứ lúc nào. Nếu có sự hợp nhất 2 nhà mạng lớn, Viettel sẽ khó khăn hơn khi cạnh tranh với VNPT.
Các nhà mạng nhỏ sẽ khó khăn hơn
Dù sao đi chăng nữa, việc Vinaphone và Mobifone tồn tại dưới dạng 2 công ty con trực thuộc VNPT sẽ mang lại thế cân bằng hơn cho thị trường di động.
Còn khi mà 2 nhà mạng lớn sáp nhập, “thế chân vạc” trên thị trường viễn thông Việt Nam bị phá vỡ hoàn toàn. 3 nhà mạng nhỏ còn lại là Vietnamobile, Beeline và Sfone sẽ không thể nào trở thành một thế lực tương đương với 2 đại gia còn lại.
Vietnamobile tuy đạt hơn 10 triệu thuê bao, nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chỉ dừng lại ở một số ít tỉnh thành. 3G – chức năng cao cấp hỗ trợ cho smartphone và tablet của nhà mạng này chỉ vừa mới ra đời. Trong bối cảnh chỉ có nửa băng tần 3G, do liên danh với EVN Telecom bị phá vỡ, khi nhà mạng điện lực về tay Viettel.
Sóng 3G của Vietnamobile chưa làm hài lòng khách hàng, theo nhiều phản ánh của người dùng. Do đó, Vietnamobile sẽ khó cạnh tranh với các nhà mạng lớn, trong bối cảnh doanh thu thoại của các thuê bao ngày càng giảm.
Beeline, nhà mạng được sự đầu tư của thương hiệu rất mạnh ở Nga và một số nước Đông Âu cũng chỉ mới “sống lại” vài tháng gần đây, khi nhận được khoản đầu tư mới trị giá 500 triệu USD. Tuy có gói Tỷ phú làm xao động thị trường, nhưng Beeline mới chỉ nắm giữ hơn một triệu thuê bao di động.
Cái tên Sfone thì càng bi đát hơn, khi nhiều người dùng phản ánh tình trạng mất sóng của mạng này ở ngay nội thành các thành phố lớn. Thậm chí có tin đồn cho hay Sfone sẽ thay máu công nghệ CDMA ít được chào đón ở Việt Nam, bằng công nghệ GSM đang rất phổ biến. Một hành động “chấp nhận đau thương” mà HT Mobile, tiền thân Vietnamobile, phải thực hiện cách đây 2 năm.
Nếu có một sự sáp nhập giữa các doanh nghiệp trên, thì họ cũng không thể nào tạo được thế cân bằng trên thị trường. Tính cả về vùng phủ sóng, số lượng thuê bao và số dịch vụ, ngay cả phép cộng số học của các đơn vị này cũng thua kém một trong hai đại gia viễn thông. Đấy là chưa kể, hạ tầng của các nhà mạng nhỏ trùng nhau khá nhiều ở các khu vực đông dân cư.
Có gì tốt đẹp cho người dùng?
Điều có thể thấy ngay là các thuê bao Vinaphone và Mobifone sẽ gọi cho nhau với giá cước nội mạng và được dùng dịch vụ với vùng phủ sóng tốt hơn. Những khu vực trùng nay có thể điều chỉnh để tăng cường cho các khu vực mà sóng di động còn chưa vươn tới.
Trong bối cảnh cạnh tranh 3G quyết liệt giữa các nhà mạng hiện nay, việc sáp nhập có thể sẽ giúp nhà mạng mới gia tăng băng thông mạng lưới. Từ đó dẫn tới việc người dùng được hưởng tốc độ internet tốt hơn ở khu đông dân cư. Thậm chí nhà mạng mới có thể sẽ hạ giá cước 3G xuống để tạo lợi thế cạnh tranh với Viettel.
Chuyện có 2 nhà mạng lớn sẽ tạo thế độc quyền hơn thế chân vạc hiện nay có lẽ không hoàn toàn đúng. Bởi trong 2 năm trở lại đây, 2 nhà mạng này có chính sách khá giống nhau. Và khi sáp nhập, VNPT vẫn phải cạnh tranh mạnh mẽ với Viettel. Viettel khi phải đối mặt với đối thủ lớn hơn sẽ đẩy mạnh cạnh tranh, khiến thị trường được lợi hơn.