Camera trước đang trở thành mốt của những chiếc smartphone cao cấp trong một vài năm qua, nhưng phải chờ đến sự xuất hiện của iPhone 4 và HTC EVO 4G vào năm 2010 thì những tính năng điện đàm qua video mới thật sự “hot”. Và cho đến nay, những chiếc smartphone và máy tính bảng mới nhất trên thị trường đều đi kèm với camera trước, cùng những ứng dụng khác nhau.
Có điều dường như chưa một ứng dụng điện đàm qua video nào tỏ ra vượt trội và làm hài lòng người dùng. Tất cả đều vẫn có những thiếu sót riêng. Chúng ta hãy điểm qua một lượt những ưu điểm và nhược điểm của các ứng dụng tiêu biểu hiện nay.
FaceTime
Apple luôn gắn kèm với các thiết bị của họ những ứng dụng đơn giản và hiệu quả. Cụ thể là iPad 2 có kèm sẵn FaceTime, và nếu người dùng Mac muốn thì họ có thể mua trên Apple Store với giá chỉ 1 USD. Tuyệt vời hơn là những thiết bị di động như iPhone 4 và iPod Touch cũng có FaceTime, bạn có thể chuyện trò qua video với bạn bè hoặc gia đình mọi lúc mọi nơi.
Nhưng đấy là lý thuyết còn thực tế thì lại khác, FaceTime chỉ hoạt động khi thiết bị của bạn được kết nối Wifi, và vô hiệu với 3G. Đây là một điểm yếu lớn mà Apple cần phải khắc phục. Sẽ phải làm thế nào nếu như bạn đang đi trên đường hoặc dã ngoại ở một nơi nào đó? Một điều nữa là Apple không hỗ trợ cho FaceTime chạy trên nền Windows trong khi những ứng dụng như Itunes hoặc Safari lại được ưu ái hơn. Nếu không thay đổi thì FaceTime khó có thể chiếm lĩnh thị trường, khi mà các hệ điều hành của Microsoft được sử dụng bởi 80-90% chiếc máy tính trên thế giới.
Fring
Fring là một giải pháp hữu hiệu khi chạy được trên các thiết bị của Apple, Android và Nokia. Vượt qua mặt hạn chế của FaceTime với khả năng hoạt động tốt với Wifi, 3G và thậm chí cả công nghệ 4G mới nhất. Hãng vừa mới cho ra mắt tính năng điện đàm video qua nhóm, tuy chỉ là phiên bản thử nghiệm nhưng kết quả khá khả quan. Fring hỗ trợ cả tính năng chat và VoIP đôi khi rất hữu dụng. Tuy nhiên Fring lại không có phiên bản dành cho máy tính bàn và laptop, một điểm thiếu sót rất lớn.
Google Talk
Đi kèm với Android 3.0 trên máy tính bảng Motorola Xoom, Google Talk hoạt động tốt với Wifi, 3G và 4G. Thay vì phát triển thành một ứng dụng riêng lẻ, Google Talk lại là plug-in của trình duyệt web. Plug-in này có thể hoạt động trên hầu hết các trình duyệt thông thường, với mọi hệ điều hành như Windows, Macintosh, Linux và thậm chí trên cả Chrome Notebook.
Tuy nhiên trên những smartphone dùng Android 2.x vẫn còn thiếu tính năng này. Cho dù đây là vấn đề đã được đưa lên bàn bạc khá lâu, nhưng người dùng những thiết bị như smartphone Motorola Atrix đành phải tìm kiếm ứng dụng điện đàm video từ một hãng khác. Trong một cuộc họp tổng kết vào tháng 5 tới, nhiều khả năng Google sẽ tìm giải pháp khắc phục tình trạng này.
Skype
Skype có lẽ là cái tên nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này. Tại giờ cao điểm, số người online trên Skype có lúc lên đến 23 triệu người, một con số rất ấn tượng. Điểm mạnh của Skype ở khả năng hoạt động với Wifi và 3G trên nhiều hệ điều hành, từ Windows, Macintosh và Linux trên máy tính đến iOS và Symbian trên di động. Thậm chí một vài loại tivi HD mới đây cũng đã có thể thực hiện các cuộc gọi qua Skype.
Hãng có ra mắt ứng dụng trên Android, nhưng kỳ lạ là chỉ dừng ở mức điện đàm bình thường, điều này liệu có cần thiết khi mà điện thoại vốn đã để … nghe gọi!? Lý do là Skype đang gặp phải vài vấn đề vướng mắc với nhà phân phối Verizon Wireless, đồng nghĩa với việc những ai đang dùng Android không thể thực hiện cuộc gọi bằng video với Skype. Hẳn rất nhiều người yêu thích điện đàm qua video đang chờ tin vui khi Skype giải quyết ổn thỏa những trục trặc này.
Tango
Tango được coi là “lính mới” trong lĩnh vực này khi vừa xuất hiện vào tháng 9 năm ngoái. Nhưng những thành quả mà hãng đạt được lại rất đáng nể. Với khả năng chạy cùng 3G, 4G và Wifi trên smartphone dùng Android và iOS. Ứng dụng chạm mốc 1 triệu lượt download chỉ sau 10 ngày ra mắt, chứng tỏ sức thu hút từ một phần mềm hoạt động trên mọi hệ thống mạng, mọi loại thiết bị di động. Tango cũng có thể chạy được trên iPod Touch, và bản cập nhật mới nhất đã có thêm 2 cái tên là iPad 2 và Motorola Xoom, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ cho một thị trường máy tính bảng rộng lớn.
Tango “ăn điểm” ở khả năng thực hiện cuộc gọi rất đơn giản. Sau khi cài ứng dụng, Tango sẽ cập nhật tất cả danh sách những người bạn có thể gọi thông qua danh bạ điện thoại của bạn. Nhưng có một điểm trừ rất lớn khi Tango không có trên máy tính để bàn và laptop. Nếu Tango có thể làm tốt ở phân khúc này như họ từng làm trên mảng thị trường di động, thì rất có thể Skype sẽ sớm đụng phải 1 đối thủ xứng tầm.
Qik
Qik nổi tiếng là công ty chuyên về công nghệ truyền tải dữ liệu trực tuyến, họ đã đạt được thỏa thuận với nhà phân phối Sprint để đưa ứng dụng điện đàm qua video vào trong HTC EVO4G trong năm vừa qua. Từ đó đến nay, Qik đã rất nỗ lực để đưa ứng dụng của họ vào các thiết bị di động. Một vài ví dụ điển hình trên smartphone là iPad 2, iPhone 4, iPod Touch và Motorola Atrix, trên máy tính bảng là Galaxy Tab. Qik cũng hỗ trợ đầy đủ các mạng Wifi, 3G và 4G.
Tuy nhiên, ứng dụng Qik trên Android Market lại không có tính năng video, chỉ những thiết bị cài sẵn của Android mới thực hiện đầy đủ tính năng này. Tại CES 2011, Skype tỏ ý muốn mua lại Qik, tuy nhiên sau vài tháng vẫn chưa có chút thông tin gì về sự xác nhập này. Hy vọng Skype và Qik có thể tìm được tiếng nói chung để bù đắp khuyết điểm cho nhau. Qik chưa thể hỗ trợ các máy tính để bàn và laptop, nếu họ kết hợp với Skype thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết.
Yahoo! Messenger
Hẳn những người đã trải qua những năm sơ khai của Internet còn nhớ, Yahoo! Messenger ra mắt từ năm 1998. Tại thời điểm đó không thể có điện đàm qua video do sự hạn chế của kết nối dial-up. Thời điểm hiện tại, ứng dụng điện đàm qua video của Yahoo có thể hoạt động tốt trên nền iOS, với các thiết bị như iPod Touch và iPhone 4. Tuy nhiên chỉ hỗ trợ Wifi mà thôi. Ứng dụng trên Android đã xuất hiện, nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế và thua kém nhiều đối thủ của mình.
Cái tên Yahoo đã đi vào lòng của nhiều thế hệ người dùng Internet trên toàn thế giới, và với danh tiếng của mình, nếu Yahoo có thể hoàn thiện được ứng dụng này thì họ có thể lôi kéo một lượng người dùng rất đông đảo.
Lời kết
FaceTime có giao diện trực quan và thân thiện, nhưng chỉ hạn chế trong tầm sóng Wifi. Skype là ứng cử viên triển vọng với chất lượng video cực tốt, nhưng họ còn nhiều vướng mắc cần giải quyết với nhà mạng. Trong khi Google chưa có một động thái gì cho thấy họ quan tâm đến ứng dụng này. Tango dễ dùng nhưng còn chưa hỗ trợ các máy tính để bàn và laptop. Tất cả đều còn dang dở, ai sẽ là người nhanh chân nhất để bước tới đỉnh vinh quang đây?