Các sản phẩm lớn gần đây của Google và các đối tác như như
Nexus S,
Motorola XOOM,
Galaxy Nexus đều không có khe cắm thẻ nhớ SD. Google không đưa ra tuyên bố gì về vấn đề này, nhưng nhiều người đoán rằng hãng đang trong quá trình loại bỏ thẻ nhớ SD.
Sự phát triển phần cứng Android
2 điểm mạnh giúp Android thành công trên thị trường là khả năng tùy biến và giá rẻ. Khi Android mới xuất hiện, mục tiêu của các hãng là giữ giá điện thoại thấp nhất có thể để cạnh tranh trong thị trường smartphone thống trị bởi iPhone lúc bấy giờ. Và cách dễ dàng nhất là sử dụng bộ nhớ trong nhỏ và dựa vào thẻ nhớ SD để tăng thêm dung lượng bộ nhớ. Như vậy thì những người không cần nhiều bộ nhớ có thể không cần tốn thêm chi phí, trong khi nhưng khách hàng có nhu cầu có thể dễ dàng mua thêm dung lượng thẻ nhớ họ muốn.
Tuy nhiên việc dựa vào thẻ nhớ nhanh chóng trở thành 1 điểm hạn chế của Android. Bộ nhớ trong của máy quá ít khiến ứng dụng của Android bị giới hạn về dung lượng. Để giải quyết vấn đề này, Google giới thiệu
Apps2SD cùng với Android 2.2 Froyo cho phép người dùng chuyển các ứng dụng sang thẻ nhớ. Nhưng các nhà phát triển khá chậm trong việc cập nhật ứng dụng. Và những người cần Apps2SD nhất – những người sử dụng thiết bị đầu cuối trung cấp thì lại không hoặc rất chậm nhận được cập nhật từ các nhà sản xuất.
Hạn chế của thẻ SD
Việc chuyển ứng dụng sang thẻ SD cũng có nhiều hạn chế bởi ứng dụng trên thẻ không thể tự động chạy khi khởi động lại máy. Có nghĩa là mỗi khi bạn restart máy, bạn sẽ phải chạy lại các ứng dụng để kích hoạt các tính năng như tự động cập nhật hay thông báo theo thời gian thực. Điều này đặc biệt phiền phức với các ứng dụng cần cập nhật liên tục như mail hay Facebook. Hơn nữa mỗi lần restart máy bạn cũng phải chờ khá lâu mới có thể truy cập ứng dụng trên thẻ nhớ - và “chờ đợi” luôn là điều khiến tất cả người sử dụng khó chịu.
1 hạn chế lớn khác là các ứng dụng trên thẻ nhớ SD không thể sử dụng làm widget. Trong khi điểm mạnh của Android so với các đối thủ là ở widget thì đây thực sự là yếu điểm lớn.
Những khó khăn ngăn trở Google
Google muốn người dùng có thể sử dụng các ứng dụng đầy đủ và thuận tiện nhất. Vì vậy hãng đang nỗ lực khắc phục các yếu điểm trên và có vẻ như giải pháp Google chọn là sử dụng bộ nhớ trong lớn và bỏ đi thẻ nhớ ngoài. Nexus S là smartphone Android đầu tiên không có thẻ nhớ mà có bộ nhớ trong 16GB. Các thiết bị lớn tiếp theo là Motorola XOOM và Samsung Galaxy Nexus cũng tiếp tục kế thừa đặc điểm này.
Tuy nhiên bộ nhớ trong lớn không có nghĩa là cần phải loại bỏ thẻ nhớ SD. Như iPhone ngay từ đầu đã không có thẻ nhớ, đó là do Apple chỉ cho phép người sử dụng can thiệp dữ liệu trong máy qua iTunes. Còn Google thì chưa có được giải pháp đồng bộ hóa nào như thế. Ưu điểm của thẻ nhớ SD là dữ liệu có thể dễ dàng chuyển sang máy khác được. Bạn chỉ cần rút thẻ nhớ và cắm vào máy khác là xong. Còn với bộ nhớ trong thì hiện tại bạn phải root máy và sử dụng phần mềm Titanium Backup.
Google cần làm gì?
Rovio đã từng tuyên bố hãng sẽ cho ra mắt dịch vụ đồng bộ hóa cho Angry Birds vào mùa hè vừa qua nhưng thực tế vẫn chưa có dịch vụ nào. Kể cả có đi chăng nữa thì chẳng lẽ mỗi ứng dụng lại có 1 dịch vụ đồng bộ hóa riêng? Google mới là người cần tạo ra 1 dịch vụ đồng bộ hóa cho tất cả các ứng dụng trong Android.
Đúng là thẻ SD tiện lợi, tuy nhiên thực tế thì mọi người đều đang chuyển sang sử dụng “điện toán đám mây” để lưu trữ dữ liệu. Google hiện cũng có 1 hệ thống các dịch vụ đám mây lớn như Google Music, Google Docs, Picasa, YouTube… Với những dịch vụ đó thì nhu cầu của người dùng trung bình sẽ chỉ là bộ nhớ trong 16GB mà thôi. Nhưng những dịch vụ như hiện tại là chưa đủ, Google cần phải thêm vào tính năng đồng bộ dữ liệu của ứng dụng vào các dịch vụ đám mây bởi như
iCloud đã chứng minh sự tiện lợi đến nhường nào khi có thể tiếp tục chơi Angry Birds cùng các game khác trên cả iPad và iPhone. Về điều này thì có lẽ Google cần học tập Apple.
Lời kết
Ý tưởng nâng cấp bộ nhớ trong là 1 ý tưởng tốt của Google. Nó đồng nghĩa với việc giảm bớt đi các hạn chế và các người dùng cũng giảm bớt thời gian chờ đợi bản cập nhật mới (vì nhà sản xuất sẽ không phải tinh chỉnh OS mới cho tương thích với các loại thiết bị cũ nữa). Tuy nhiên có lẽ phải 1 thời gian nữa ý tưởng này của Google mới có thể thành hiện thực bởi hiện nay Google mới chỉ bắt đầu thử nghiệm trên các thiết bị Nexus – dòng sản phẩm hướng tới 1 bộ phận khách hàng thích giao diện gốc Android và được cập nhật OS mới nhanh nhất. Có lẽ Google nên áp dụng ý tưởng này vào các sản phẩm hướng tới đại bộ phận người tiêu dùng thì tốt hơn.