Trong một cuộc phỏng vấn với tờ công nghệ
AllthingsD vào năm ngoái, khi được hỏi về tính năng Siri của Apple, Andy Rubin -
kiến trúc sư trưởng của Android, cho rằng:
"tôi nghĩ không nên dùng chiếc điện thoại làm thư kí cho bạn. Nó chỉ là 1 công cụ để giao tiếp. Bạn không nên nói chuyện với 1 chiếc smartphone mà chỉ nên giao tiếp với bạn bè mình qua nó". Là cha đẻ của Android, phát biểu này của Rubin tất nhiên cũng chính là quan điểm của Google về Siri.
Cũng tại hội nghị do AllthingsD tổ chứ, Chủ tịch của Windows Phone, Andy Lees, cho rằng Siri "không quá xuất sắc". Andy Lees cho biết công nghệ nhận diện giọng nói của Windows Phone 7 thậm chí còn tốt hơn bởi Microrosft có thể kết hợp trợ lý này với Bing (dịch vụ tìm kiếm của Microsoft) và do đó có thể tìm kiếm ở một cơ sở dữ liệu lớn hơn Siri.
Thế nhưng có vẻ cả 2 không đề cập đến 1 thực tế là Apple giới thiệu Siri với tư cách là 1 giao diện người dùng chứ không phải là giao diện giọng nói, và việc tích hợp Siri vào 1 sản phẩm tiêu dùng như iPhone có thể sẽ thay đổi cách thức tìm kiếm của người dùng trong tương lai.
Một giả thiết về phát biểu của Google và Microsoft là cả 2 đang "ghen tị" với Siri. Microsoft và Google đều đang nghiên cứu công nghệ nhận diện giọng nói trong phòng thí nghiệm. Microsoft thậm chí còn nghiên cứu vấn đề này từ những năm 1992. Một dự án tương tự cũng được cho là đã xuất hiện trong phòng thí nghiệm của Google trong 7 năm qua. Thế nhưng, cả 2 đều đang bị Apple bỏ lại phía sau khi mà "Táo khuyết" vừa giới thiệu một Siri với khả năng nhận diện giọng nói tuyệt vời hồi tháng 10 năm ngoái.
Một điều thú vị là Apple thậm chí cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thành công với công nghệ giọng nói của mình. Trong những năm 1990, Apple đang có 1 quản lý phụ trách phát triển công nghệ này là Li Kaifu. Tuy nhiên, sau đó Li Kaifu rời Apple sang làm việc cho Microsoft cũng với nhiệm vụ tương tự. Sau đó Li Kaifu lại rời Microsoft để đến với Google và Li chính là nguyên nhân của những vụ kiện tụng giữa Microsoft và ông vua tìm kiếm bởi Microsoft cho rằng Li đã tiết lộ nhiều bí mật kinh doanh của công ty cũ. Và khi chứng kiến bị Apple vượt mặt ở công nghệ nhận diện giọng nói, Microsoft và Google chắc hẳn không vui vẻ gì bởi họ cũng từng có Kaifu Li làm việc để phát triển giọng nói. Và việc 2 ông lớn đều lên tiếng chê đối thủ cũng là điều không có gì ngạc nhiên.
Đó là xét về lý thuyết 2 công ty đang ghen tị với Siri. Thế nhưng mặt chính của vấn đề là Microsoft và Google đang lo sợ Siri sẽ đe dọa đến "miếng cơm manh áo" của mình trong tương lai không xa.
Vì sao Siri có thể đe dọa Google, Microsoft ?
Bạn có thể hình dung cách thức hoạt động của Siri như sau: Siri chính là "cửa vào" giúp bạn truy cập được các database lớn như Yelp (dịch vụ tìm kiếm vị trí các quán bar, nhà hàng), Wolfram Alpha (cỗ máy tìm kiếm giúp trả lời thẳng câu hỏi của người dùng thay vì liệt kê các trang web có chứa từ khóa như Google Search) và cơ sở dữ liệu của chính Siri. Người dùng ra lệnh cho Siri và nó sẽ tìm kiếm các thông tin mà bạn yêu cầu từ các cơ sở dữ liệu ở trên. Ví dụ, bạn ra lệnh cho Siri tìm giúp mình 1 quán pizza gần nhất với vị trí mình đang đứng, Siri nhanh chóng kết nối đến Yelp, sau đó đến Google Map để đưa ra câu trả lời.
Xét ở bề nổi thì điều này có vẻ có lợi cho Google và Yelp bởi Siri phải phụ thuộc vào site của 2 công ty để hoạt động. Tuy nhiên, mọi thứ có thể sẽ thay đổi nếu như Apple sở hữu cho mình 1 dịch vụ tìm kiếm quán ăn riêng giống như Yelp, 1 dịch vụ bản đồ như Google Map. Đặt giả thiết Apple sẽ mua lại Yelp hoặc Open Table (một dịch vụ tương tự Yelp) và MapQuest (dịch vụ bản đồ giống Google Map), lúc đó tất cả lợi nhuận quảng cáo sẽ rơi vào túi của Apple. Cũng có thể Apple hoàn toàn không cần phải phải mua lại các dịch vụ này. Thay vào đó, Apple sẽ hợp tác với các đối tác khác để đưa ra các kết quả tìm kiếm từ các site này và ăn chia lợi nhuận với các hãng dịch vụ đó, thay vì để Siri tìm các kết quả trên Google Search hay Bing.
Mặc dù hiện nay, người dùng Siri mới chỉ thích thú với sự tự nhiên, hóm hỉnh của nó, nhưng đó chỉ mới là sự khởi đầu. Siri đang mở đường cho 1 cuộc cách mạng về tìm kiếm và rõ ràng, Apple sẽ dùng Siri để tạo ra các khoản lợi nhuận trong tương lai. Siri sẽ trở thành "chiếc cổng" cho mọi loại tìm kiếm, và Apple sẽ quyết định cho việc Siri sẽ tìm kiếm ở đâu. Đó chính là chìa khóa kiếm tiền của Apple.
Để hiện thực hóa điều này, đầu tiên Apple cần mua lại hoặc ít nhất phát triển, hợp tác với 1 dịch vụ nào đó, và chỉ sử dụng các dịch vụ tìm kiếm của Google, Microsoft chỉ khi Siri không thể tìm thấy câu trả lời trong cơ sở dữ liệu của mình và đối tác.
Hiện tại, Apple chỉ mới đưa Siri lên iPhone, thế nhưng trong tương lai, khi Siri đã "trưởng thành", Apple sẽ tích hợp Siri vào iPad, Mac, và thậm chí là Apple TV. Với sự thành công của những sản phẩm này, có lẽ Google và Microsoft đang cảm thấy sự đe dọa rõ rệt từ Siri bởi Apple đang lấn sân sang mảnh đất kiếm tiền chính của mình: tìm kiếm.
Tại CES vừa diễn ra, Samsung cũng giới thiệu những chiếc TV thông minh mà người dùng có thể điều khiển bằng giọng nói hoặc động tác. Thế nhưng chúng cũng sẽ chẳng có nhiều tác dụng gì mấy trừ khi những công nghệ này được tích hợp chặt chẽ đến 1 cơ sở dữ liệu phong phú nào đó. Khi Apple cho biết họ sẽ nhảy vào thị trường TV, rất có thể Apple đang thực hiện kế hoạch đưa Siri vào những chiếc TV của mình để người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các nội dung video mà họ muốn theo dõi. Dù điều này mới chỉ là phỏng đoán nhưng Samsung cũng không nên chủ quan với khả năng này. Và như đã nói trên, Microsoft, Google càng phải cận trọng với Siri. Đừng nên xem Siri chỉ là 1 giao diện giọng nói. Hãy xem nó là "người gác cổng" mà người dùng phải qua để đến các công cụ tìm kiếm. Khi đó, Google, Microsoft sẽ phụ thuộc vào Apple nếu muốn các kết quả tìm kiếm trên iDevice xuất phát từ Google Search hay Bing.