Vì sao các hãng game di động luôn “kết” iOS hơn Android?

Tròn Xoay  | 15/07/2011 0:00 AM

iOS vẫn đang là nền tảng nhận nhiều ưu ái từ các nhà sản xuất với những tựa game độc quyền.

Game hay thẳng tiến iOS
 
Một điều dễ thấy là các thương hiệu game hàng đầu thế giới, trong đó đặc biệt là các hãng game Nhật Bản như Capcom, Square Enix, Konami đều chọn iOS làm nền tảng đầu tiên mình đặt chân tới. Ngay từ những ngày đầu của hệ máy iPod, Square Enix là đơn vị góp mặt bằng tựa game tactics-RPG Song Summoners: The Unsung Heroes dành cho các dòng máy iPod Nano, iPod Video với cách chơi thú vị và đồ họa ấn tượng.
 
Lúc bấy giờ, AppStore vẫn chưa phải là một thị phần bắt mắt và màu mỡ như ngày nay thế nhưng rõ ràng tầm nhìn chuyên nghiệp của các nhà làm game đầy kinh nghiệm Nhật Bản đã nhận thấy rõ tiềm năng của kho ứng dụng này.
 
 

Capcom là nhà phát triển khá thành công trên iOS.
 
Liền các năm sau đó, Square Enix liên tục tung ra các dự án game RPG hấp dẫn chỉ dành cho iOS như Chaos Ring, Chaos Ring Omega rồi là Final Fantasy I, II III. Thậm chí, với dự án Chaos Ring, nhà sản xuất này còn bê nguyên bộ sậu gồm cốt truyện được chắp bút bởi Yukinori Kitajima, người viết phân cảnh cho Okami 2; nhân vật thiết kế bởi nhà thiết kế trứ danh Yusuke Naora với những cái tên thành công Final Fantasy VII, Final Fantasy VIII, Final Fantasy X; âm nhạc được dàn dựng bởi Noriyasu Agematsu, nhà soạn nhạc cho một vài trích đoạn trong sequel Wild ARMS 5.
 

Ngày càng nhiều các tựa game từ Nhật Bản độc quyền trên iOS.

Nối tiếp Square Enix, thương hiệu lớn của Nhật Bản là Capcom cũng đem tới những bất ngờ bằng hàng loạt tựa game đỉnh vốn tưởng chừng chỉ dành cho các hệ máy console. Đầu tiên là Resident Evil và rồi Dead Rising, Street Fighter IV, Devil May Cry 4 cũng lần lượt được truyền tải lên iOS với chất lượng cao cấp ở cả nội dung lẫn hình ảnh. Gần đây nhất, nhà sản xuất này còn bổ sung thêm các đầu game hay của mình cho iOS bằng Street Fighter IV Volt: Battle Protocol hay Monster Hunters với những update hấp dẫn dành riêng cho nền tảng này.
 
Cũng giống Capcom, Namco Bandai đang dần từng bước “di động hóa” các sản phẩm game của mình và điểm đặt chân đầu tiên mà nhà phát triển này lựa chọn cũng lại là iOS. Nhà phát triển này đã “bưng” nguyên tựa game Time Crisis 2nd Strike dành cho iOS, bất kể đây là thương hiệu vốn chỉ ngự trị trên các dòng máy console của Sony.
 
Nằm trong danh sách các nhà phát triển game Nhật Bản đang tiến quân vào thị trường di động, Konami nổi lên với series Pro Evolution Soccer với các phiên bản ra từng năm dành cho iOS. Nhưng mới đây, đơn vị này cũng mạnh dạn hơn khi tung ra phiên bản PES 2011 dành cho Android và điều này tạo sự hỉ hả của game thủ cộng đồng này bởi đây là game bóng đá đặc sắc hiếm có dành cho di động. Tuy nhiên, một dự án khác của Konami là Metal Gear Solid Touch, với một phong cách chơi hấp dẫn tương tác qua màn hình cảm ứng thì lại chỉ vẫn đang độc quyền trên iPhone và iPod Touch, chưa hẹn ngày ghé chân sang nền tảng khác.
 
Tại sao Android chưa được quan tâm?
 
Một điều dễ thấy là cấu hình phần cứng của các hệ máy điện thoại Android ngày càng mạnh và thậm chí còn đi trước các dòng máy iOS một bước. Thế nhưng, nó vẫn chưa được các nhà phát triển game Nhật Bản nói riêng hay các nhà phát triển game nói chung thực sự quan tâm một cách công bằng ngang iOS.
 
 

Game thủ Android luôn phải sống trong chờ đợi có khi tới vài năm.

Lấy ví dụ như tựa game Fieldrunners của Subatomic Studios đã xuất hiện trên iPhone ngay từ những ngày đầu tiên thì mãi cho đến đầu tháng 7 vừa qua, nó mới đặt chân lên Android mặc dù ngày khai sinh của nó cùng khoảng thời gian HĐH mới này được ra mắt.
 
Sở dĩ dẫn chứng các tựa game và nhà phát triển Nhật Bản để thấy rõ sự ưu ái mà iOS đang được đón nhận cũng như sự bê trễ một cách chủ ý của họ dành cho Android hay bất kỳ HĐH nào khác. Thực tế này với các nền tảng mới như Symbian Anna hay Windows Phone 7 còn bi đát hơn rất nhiều khi mà các tựa game hay chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ đừng nói các tựa game danh tiếng của các nhà phát triển Nhật Bản.
 
Trong các phỏng vấn gần đây, một trong những lý do mà các nhà phát triển đưa ra khi làm game cho Android đều xoay quanh việc nền tảng này có quá nhiều thiết bị với phần cứng không tương đồng, do đó không thể “chiều” hết các dòng máy bằng việc mỗi máy lại tinh chỉnh mã nguồn game khác nhau để hoạt động trơn tru.
 
 
Các dòng máy Android mạnh nhưng game hay toàn game cũ port từ iOS.
 
Tuy nhiên, một trong số những lý do mà các nhà phát triển Nhật Bản hay các nhà phát triển nói chung ngại đưa game của mình lên Android chính là việc nền tảng này quá “mở”. Điều này dẫn tới việc phát sinh các vấn đề về bản quyền với sự thật là người dùng chỉ cần file APK và thư mục data là có thể thoải mái truyền tay nhau cài cắm trên các máy Android mà không phải trả phí bản quyền.
 
Có thể trong tương lai gần, sự chênh lệch về lượng giữa Android Market và AppStore sẽ là bằng 0 hoặc thậm chí HĐH Android vượt lên nhưng về chất chắc chắn chưa thể thay đổi một sớm một chiều. Điều này dễ dẫn tới những hệ lụy đáng buồn là các game thủ Android sở hữu những chiếc máy cấu hình “khủng” như Samsung Galaxy S II, HTC Sensation hay LG Optimus 3D thì vẫn phải ngó sang iPhone 4 một cách thèm thuồng các tựa game đẳng cấp.