Tương lai nào cho smartphone thương hiệu Việt?

Minh Lết  | 30/04/2011 0:00 AM

Người Việt Nam vẫn chưa làm quen được với khái niệm "hàng Việt Nam chất lượng cao", nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và điện thoại nói riêng. Câu hỏi đặt ra là: Làm gì để sản phẩm Việt không còn bị dè bỉu?

Thực trạng đáng buồn

Từ trước đến nay chúng ta vẫn cổ động "Người Việt dùng hàng Việt". Thế nhưng sẽ có người thắc mắc: "Vậy thì người Việt sẽ không được dùng đồ xịn rồi".

Và rất buồn là thắc mắc đó xem chừng cũng... có lý. Nhất là khi kể đến "hàng Việt" trong lĩnh vực các sản phẩm công nghệ, mà cụ thể là điện thoại di động. Trên thị trường Việt Nam hiện tại có một vài công ty cung cấp sản phẩm điện thoại "thương hiệu Việt" đang hoạt động. Những cái tên đáng chú ý trong số này có thể kể đến FPT Mobile hoặc Q-Mobile, Viettel Mobile.


Người Việt vẫn rất thích "ném đá đáp gạch" với các sản phẩm trong nước.

Các hãng này đều phân phối lại điện thoại "thương hiệu Việt" mà phần cứng do phía đối tác ở Trung Quốc sản xuất và lắp ráp. Nói một cách ngắn gọn, các hãng này cũng bán điện thoại "Tàu", chỉ có điều gắn mác "Việt Nam". Chất lượng và tính năng của những chiếc điện thoại kiểu này được xếp vào dạng "đồ Tàu cao cấp". Có nghĩa là được chăm chút và tỉa tót nhiều hơn so với "hàng chợ", nhưng vẫn không đủ khả năng làm hài lòng những khách hàng có nhu cầu ngày càng cao và mỗi ngày một khó tính hơn.

Thiếu sót chồng chất


Viettel Zik V8401: Một ví dụ điển hình cho việc hãng sản xuất không theo kịp xu thế của thị trường.


Nếu cần phải lấy ví dụ minh họa cho kết luận trên, thì có khá nhiều "đại diện" tiêu biểu cho vấn đề này. Đơn cử như mẫu Zik V8401 đến từ Viettel Mobile. Ứng viên này là 1 trong 2 mẫu smartphone chạy Android đầu tiên gắn mác một nhà sản xuất trong nước. V8401 cũng từng được kỳ vọng là sẽ mang được đến cho thị trường một làn gió mới, trở thành một đối trọng với các sản phẩm đến từ những hãng sản xuất tiếng tăm trên thế giới. Thế nhưng sự thiếu hụt những tính năng chủ chốt như màn hình cảm ứng điện dung, Android 2.2, CPU chỉ chạy ở xung nhịp 528 MHz và giá bán lại lên đến 3.7 triệu đồng (mặc dù được tặng đến gần 2 triệu vào tài khoản) V8401 cũng không thể vượt qua cái bóng của Galaxy Mini S5570 với giá chỉ "loanh quanh" mức 4 triệu đồng.

Nhìn chung sự đảm bảo của thương hiệu Samsung đã khiến nhiều người ngần ngại khi lựa chọn V8401. Lợi thế về giá cả của V8401 đã không được Viettel tận dụng triệt để. Nói một cách dễ hiểu: Viettel đã không tạo được giá bán thu hút khách hàng, đủ để họ "quên" đi cái mác "đồ Tàu" và đến với các sản phẩm của hãng.


 


Hiệu năng của S10 bị đánh giá là không cao so với các điện thoại cùng tầm giá. (LG GT540 khi chạy Android 2.2 có điểm Quadrant khoảng trên 800).


Thêm một ví dụ nữa trong thời gian gần đây đó là Q-Mobile S10. Chiếc smartphone gắn mác Q-Mobile dường như hội đủ những yếu tố để thành công: Thiết kế tương đối đẹp, cấu hình chấp nhận được, đầy đủ các tính năng thiết yếu. Thế nhưng với mức giá niêm yết trên website của công ty là 4.3 triệu (giá thị trường là 3.7 triệu) , liệu S10 có thể hạ gục được LG GT540? Trong khoảng 2 tiếng đồng hồ ngồi làm việc ở cửa hàng Hoàng Hà Mobile, người viết nhận thấy phải có ít nhất là 3 người đến hỏi về GT540 trong khi hầu như không có ai khảo giá S10. Sự khác biệt không dẫn đến kết luận rằng G540 tốt hơn S10, nhưng lại khẳng định một điều rằng khâu quảng bá sản phẩm của Q-Mobile là quá kém.

Đáng ra lợi thế tuyệt đối ở công đoạn marketing, tạo dựng hình ảnh sản phẩm trong nhận thức của người tiêu dùng phải thuộc về Q-Mobile, một hãng điện thoại trong nước, chứ không phải LG. "Đá" trên sân nhà, nhưng Q-Mobile vẫn bị LG cho đo ván, ít nhất là trong khâu tiếp thị. Đây là một yếu điểm mà Q-Mobile cũng như các sản phẩm kế tục S10 phải sửa chữa, nếu không muốn tiếp tục tụt hậu.

2 lợi thế về giá cả và việc marketing có lẽ là 2 điểm mấu chốt mà điện thoại trong nước có thể tận dụng để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, nhưng bên cạnh đó cũng không thể không kể đến sự liên kết với các hãng di động. Việc này những hãng di động của Mỹ và các nước khác làm rất tốt. Cụ thể là các hãng di động có thể cung cấp phần cứng với giá... rẻ như cho, với điều kiện người sử dụng điện thoại phải sử dụng dịch vụ của hãng di động đó. Một ví dụ tiêu biểu của loại hình kinh doanh này đó là trường hợp "bắt tay" của Apple với AT&T. Khi mà khách hàng có thể mua iPhone 4 với giá chỉ 199 USD (khoảng 4 triệu), với điều kiện phải sử dụng hợp đồng 2 năm với nhà mạng này, mỗi tháng những thuê bao sử dụng iPhone phải có cước gọi vượt một hạn định nào đó.


 


Hệ quả của sự bắt tay giữa Apple và AT&T là giá iPhone 4 bản 16GB chỉ có 199$. Vì sao Viettel, VinaPhone lại cho ra những điện thoại có giá cao đến... vô lý?


Tất nhiên mua theo cách này cũng có những bất lợi, đầu tiên là việc nếu bạn muốn đổi điện thoại trước khi hết hạn 2 năm thì sẽ phải chịu một khoản phạt vì chấm dứt sớm hợp đồng. Đồng thời việc phải sử dụng một tháng tối thiểu nhiều hơn số tiền ấn định sẵn khiến cho những điện thoại bán theo kiểu này cũng không rẻ hơn so với việc trả tiền 1 lần truyền thống. Thế nhưng với một thị trường nghèo như Việt Nam, nơi mà người tiêu dùng không có nhu cầu đổi điện thoại quá thường xuyên, và thu nhập hàng tháng thấp, chỉ ưa chuộng những model giá rẻ thì cách làm này chắc chắn sẽ tỏ ra diệu dụng. Kiểu bán điện thoại "trả góp" như thế này khiến số tiền phải bỏ ra 1 lần không quá lớn, phù hợp hơn với những người có thu nhập thấp.

Thử tưởng tượng bạn có thể "rinh" chiếc S10 mà không mất 1 đồng nào, chỉ cần ký một hợp đồng cam kết trong vòng 2 năm sử dụng dịch vụ của Viettel, mỗi tháng sử dụng nhiều hơn 100 nghìn đồng. Chắc chắn phương án này sẽ thu hút khách hàng hơn là kiểu phân phối bán lẻ hiện tại. Rất đáng buồn đó là cả các nhà mạng "nhảy" vào lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động như VinaPhone với dòng máy Avio, Viettel Mobile cũng không thực hiện phương án này. Sự thực là việc bỏ ra 3,4 triệu 1 lúc để mua 1 chiếc smartphone vẫn là chuyện ngoài tầm với của nhiều người.

Mơ ước sai lầm

 
 
Các hãng điện thoại "nội địa" thường có tâm lý muốn chiếm lĩnh phân khúc điện thoại giá rẻ, vốn là phân khúc chính trong một thị trường mới phát triển như Việt Nam, hệ quả là các sản phẩm của những hãng đó thường chỉ đảm bảo các tính năng cơ bản và thiếu đi những chức năng cao cấp, thời thượng hơn. Kết quả là những khách hàng có nhu cầu trên mức trung bình không cảm thấy thỏa mãn với các điện thoại được những hãng kể trên phân phối. Cuối cùng họ lại tìm đến những hãng điện thoại cao cấp như HTC, Apple, Sony Ericssion...

Thực tế trên thị trường thế giới đã chứng minh: Điện thoại giá rẻ sẽ cho doanh số cao nhất, nhưng lợi nhuận lại thấp nhất. Các smartphone ở tầm trung và cao cấp có thể cho doanh số thấp hơn, nhưng lợi nhuận mà chúng đem về cho nhà sản xuất lại cao hơn nhiều. Chưa kể tới lợi nhuận đến từ việc bán phần cứng thì việc bán phần mềm và các sản phẩm "ăn theo" smartphone như dịch vụ mail, dịch vụ data, dịch vụ thoại hình cũng cao hơn dumbphone rất nhiều. Nhưng dường như các hãng sản xuất trong nước chưa hề để tâm đến phân khúc smartphone tầm trung.

Có thể bỏ ra 10 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại gắn mác Viettel hay Q-Mobile sẽ khiến nhiều người chần chừ, dù model đó có đầy đủ tính năng và tốt thật đi chăng nữa, thế nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng chuyện tương tự sẽ không xảy ra với các smartphone tầm trung. Nếu Viettel hoặc các hãng khác có thể cho ra các smartphone ở mức giá khoảng 5,6 triệu mà đủ sức "chọi" lại Optimus One hay HTC Wildfire với mức giá khoảng 6,7 triệu thì chắc chắn sự chênh lệch trên 1 triệu đồng sẽ khiến nhiều người sử dụng phải cân nhắc nghiêm túc khi muốn lựa chọn giữa các model này.

Hi vọng những gì?

Hiện tại tình trạng thị trường điện thoại trong nước đang ở dạng "tìm đỏ mắt không thấy bóng anh tài". Avio "mải mê" với dumbphone 2 sim 2 sóng và không tận dụng được lợi thế nhà mạng. Q-Mobile giá thành vẫn còn cao so với tính năng, và sản phẩm S10 thì chưa thực sự thuyết phục. Viettel tỏ ra tương đối ì ạch và "chậm tiến" khi năm 2011 vẫn cho ra những sản phẩm smartphone chạy Android nhưng sử dụng màn hình cảm ứng điện trở, đồng thời giá bán của sản phẩm còn cao. FPT Mobile cũng đã tìm cách chen chân vào thị trường smartphone khá sớm, từ đầu năm 2010, nhưng có vẻ như hãng này đang "lầm đường lạc lối" khi chọn Windows Mobile làm "lá bùa hộ mệnh". Và từ đó đến nay, dường như FPT Mobile cũng không cho ra sản phẩm smartphone nào nữa, mà quay về tập trung vào các sản phẩm feature phone, dumbphone.
 
B960, đứa con "lầm đường lạc lối" của FPT Mobile.

Nói như vậy để thấy rằng tương lai của ngành công nghiệp điện thoại Việt Nam vẫn còn khá mịt mù. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu tiên của việc tìm cách "đạp ga gài số" cho một nền công nghiệp cần đi lên từ con số 0: Giai đoạn "học" cách phân phối sản phẩm, thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Thế nhưng ngay ở giai đoạn đầu, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra lúng túng, lạc lối và chưa hòa được vào xu hướng của thị trường. Tất nhiên, những khó khăn ban đầu luôn tồn tại, trong bất kỳ việc gì. Vấn đề là chúng ta học được gì từ những va vấp ấy. Có thể nói rằng hiện tại chúng ta hầu như mới chỉ nhích ra được khỏi con số 0 tí ti. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ mặc, không tiếp tục tiến hành những công việc cần làm. Vì trong tình thế nền khoa học kỹ thuật của nước nhà còn yếu kém cả về mảng phần cứng lẫn phần mềm, chưa đủ đáp ứng những yêu cầu của việc sản xuất ra các thiết bị công nghệ cao phức tạp như điện thoại di động, thì việc công ty trong nước nhập phần cứng của nước ngoài về và phân phối lại, dưới mác điện thoại Việt vẫn là một động thái đáng hoan nghênh.
 
Aivo chỉ mải mê với những model giá rẻ, ít tính năng.

Để đủ khả năng sản xuất 1 sản phẩm công nghệ cao như smartphone, thì chúng ta sẽ cần 4 yếu tố: Kĩ thuật, kinh nghiệm, lòng tin của thị trường và vốn. Khi cả 4 yếu tố trên đều đang tỏ ra quá yếu kém, thì hướng đi đúng chính là việc nhận phân phối lại sản phẩm của các hãng điện thoại nước ngoài, đóng mác Việt nếu có điều kiện, tích lũy vốn chờ đợi cho nền khoa học kĩ thuật tiến kịp yêu cầu. Việc "buông xuôi" để mặc cho các sản phẩm ngoại "hoành hành" là một việc làm vô cùng nguy hiểm. Vì nếu như chúng ta để mặc thị trường hoàn toàn bị thống trị bởi các hãng điện thoại nước ngoài, thì dần dà ngành công nghiệp điện thoại của Việt Nam sẽ không thể tìm được chỗ đứng. Còn chọn hướng đi phân phối sản phẩm chính là đang đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển sau này.
 
Kết
 
Cuối cùng, khi các hãng sản xuất đã có những sự cố gắng nhất định, thì trách nhiệm lại được "đá" sang chân chúng ta, người tiêu dùng. Chúng ta đã nhìn những sản phẩm mang "thương hiệu Việt" bằng con mắt thiếu công bằng. Có thể là chức năng cũng như chất lượng của các điện thoại gắn mác Việt còn chưa theo kịp điện thoại ngoại nhập, nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục giữ cách nhìn phiến diện và dè bỉu như chúng ta đang làm hiện tại thì con đường phía trước của điện thoại Việt sẽ càng trở nên chông gai.
 
Tất nhiên tôi không có ý định cổ vũ hoặc định hướng bạn chọn điện thoại thương hiệu Việt vì bản thân tôi cũng không sử dụng chúng. Với tư cách cá nhân, tôi cho rằng smartphone thương hiệu Việt là một hướng đi đúng, cần khuyến khích, tuy nhiên ngay trong thời điểm hiện tại, các hãng phân phối vẫn đang lạc lối, và sản phẩm thực sự chưa theo kịp nhu cầu của thị trường. Thế nhưng vấn đề là ở chỗ, chúng ta có thể không sử dụng điện thoại "nội địa", nhưng khi một sản phẩm "nội địa" ra mắt, chúng ta hãy học cách nhìn sản phẩm đó bằng con mắt bao dung và ủng hộ.
 
Hãy nhìn cách giới trẻ các nước trên thế giới ủng hộ hàng nội địa như thế nào, và rất có thể bạn sẽ cảm thấy xấu hổ vì lòng tự ti dân tộc của người Việt Nam. Chúng ta đang sống trong một xã hội mở, với những mối quan hệ quốc tế, quá "sính ngoại" và có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ bàng hoàng thấy rằng tự tay mình đã "giết chết" sản phẩm trong nước. Thực sự hi vọng rằng một ngày nào đó, tôi có thể tự hào cầm một chiếc smartphone do Việt Nam sản xuất "từ A đến Z" và cảm thấy hài lòng với giá cả cũng như tính năng của nó. Ngày ấy có thể là sẽ còn rất xa, tuy nhiên chúng ta hãy cứ hi vọng.