Tổng hợp những điều cần biết về công nghệ NFC

Thành Luân  | 13/06/2011 12:00 PM

Chi tiết về cách hoạt động, ứng dụng, các nhà phát triển và tương lai của công nghệ NFC dành cho thanh toán điện tử.

Những gì mà Google Wallet hứa hẹn sẽ làm được trong ngày ra mắt thật sự quá đỗi tuyệt vời, đến nỗi đôi khi chúng ta còn phải nghi ngờ tính hiện thực của nó. Công nghệ thanh toán điện tử từ năm 2003 sẽ có một bước đại nhảy vọt bởi một thiết bị có sử dụng NFC. Điểm chung của Google Wallet (và một số dịch vụ khác như ISIS) là biến chiếc điện thoại trở thành một thẻ thanh toán, và đó cũng chỉ là 1 trong số rất nhiều những khả năng mà NFC có thể đem lại cho cuộc sống của chúng ta.
 
Google không phải là công ty đầu tiên nghĩ đến việc tận dụng NFC, tuy nhiên họ là những người duy nhất có ý định tận dụng triệt để công nghệ này với Wallet và Offers. Nhưng trước khi Google thành công, chúng ta nên đánh giá kỹ lưỡng về công nghệ này bằng câu hỏi những gì nó có thể làm được và điểm yếu của NFC là gì
 
Định nghĩa NFC
 
NFC là một sản phẩm sáng tạo của Sony và NXP, một dạng giao tiếp không dây ở cự ly cực ngắn. Nó cho phép 2 thiết bị có chip NFC kết nối với nhau và trao đổi dữ liệu khi chúng được đặt đủ gần. Những dữ liệu này có thể là một thẻ ngân hàng, phiếu giảm giá, vé… Đôi khi những giao tiếp kiểu này khá nhạy cảm vì chỉ cần lướt chiếc điện thoại của mình qua một thiết bị khác, nó sẽ thu lại những thông tin cá nhân của bạn chỉ trong nháy mắt và đưa lên mạng.
 
Có lẽ nhiều người trong chúng ta biết RFID nghĩa là gì. Đây chính là cha đẻ của công nghệ NFC này và nó ra đời từ những năm 90. Chip RFID được đặt trong những tấm thẻ điện tử cài trên những đồ vật xung quanh chúng ta, ví dụ như chip điện tử gắn trên sản phẩm trong các cửa hàng. Nếu bạn sử dụng thẻ thanh toán thì đồng nghĩa với việc bạn đang sở hữu một chip RFID, nó cho phép bạn thanh toán qua các thiết bị đọc thẻ.
 
 
NFC cũng dựa trên nền tảng công nghệ này nên nhiều người dễ dàng lầm tưởng với RFID. Chúng dùng chung loại chip và được kích hoạt thông qua nguồn điện của máy tính. Vì vậy việc đặt chip vào trong điện thoại là hoàn toàn bắt buộc, NFC không chỉ cần những phần cứng nhất định (ăng-ten, bộ điều khiển) mà còn cần những phần mềm phù hợp (hệ điều hành hỗ trợ, các ứng dụng,…) để có thể hoạt động.
 
 
Google Wallet là một ví dụ điển hình cho những phần cứng và phần mềm như vậy. Wallet là một ứng dụng trên Android (hiện tại chỉ dành cho nhà phân phối Sprint với điện thoại Nexus S) là một phiên bản của thẻ thanh toán, phiếu giảm giá… của người sử dụng. Chạy ứng dụng này, điền mã PIN và bạn có thể đưa chiếc điện thoại của mình ra để thanh toán.
 
Một ví dụ sử dụng Google Wallet.
 
Toàn bộ tính năng của NFC dựa trên 3 yếu tố
 
1. Card Emulation – đây là một chế độ mà Google Wallet hoặc tất cả những loại dịch vụ thanh toán khác dựa vào để hoạt động, Card Emulation chính là chế độ biến điện thoại thành thẻ thanh toán. Chế độ này được sử dụng trong các loại thẻ của MasterCard và Visa.
 
2. Reader – cho phép điện thoại có thể đọc những thông tin có gắn RFID tag  trên poster, miếng dán sticker và những vật dụng công cộng khác. Ví dụ bạn có thể đưa điện thoại lên và đọc một poster phim, nó sẽ tự động chạy trailer cho bạn, hiển thị thông tin về rạp chiếu, thời gian, địa điểm… của bộ phim đó.
 
3. Peer-to-peer (P2P) – cho phép 2 chiếc điện thoại có thể giao tiếp với nhau. Thông qua chế độ này, các hình thức thanh toán sẽ được thực hiện. Nó cho phép bạn mua vé xe bus chỉ bằng một cái lướt điện thoại qua thiết bị thanh toán mà không cần phải rút ví.
 
Công nghệ NFC có vẻ khá giống với Bluetooth vì chúng đều là công nghệ không dây trong cự ly ngắn và kết nối bảo mật. Nhưng có một vài điểm khác biệt mấu chốt giữa 2 công nghệ này. Với NFC, việc kết nối giữa 2 thiết bị được thực thi nhanh hơn và cự ly ngắn hơn Bluetooth. Thanh toán bằng điện thoại di động sẽ tốn ít thời gian hơn với chỉ một cái lướt tay. Đây là một ưu điểm chủ yếu mà những nhà sản xuất điện thoại và thẻ thanh toán đang cố gắng đem ra để thuyết phục những thương gia khó tính: người mua thanh toán càng nhanh thì hiệu quả công việc và lợi nhuận càng cao.
 
NFC có thể làm được những gì?
 
Thanh toán bằng điện thoại di động chỉ là phần nổi của tảng băng NFC. Sẽ có vô khối những ứng dụng của NFC được phát triển và đưa và công việc hàng ngày của chúng ta:
 
- Theo dõi sức khỏe.
- Vé tàu, máy bay và các phương tiện giao thông khác.
- Mở cửa phòng khách sạn, xe hơi…
- Kết nối Bluetooth 2 thiết bị với nhau.
- Kết nối Wifi.
- Tạo video chat hoặc tham gia vào một cuộc gọi nhiều người.
- Chia sẻ dữ liệu: nhạc, văn bản, hình ảnh…
- Lưu trữ thẻ giảm giá.
 
Mở cửa phòng với điện thoại NFC.
 
NFC là công nghệ đòi hỏi thiết bị phải được gắn chip NFC và một ăng-ten, nhưng không phải người dùng nào cũng có Nexus S, giải pháp khắc phục như sau:
 
- SIM và thẻ microSD – thật khó tin là một công nghệ như NFC lại được gắn trong những bộ phận nhỏ xíu như thế này, SIM và thẻ microSD hoàn toàn có thể được biến thành một loại chip NFC. Duy chỉ có một vấn đề này những con chip này sẽ nằm dưới các lớp kim loại và plastic và điều này ảnh hưởng tới chất lượng sóng ăng-ten.
 
- Sticker, vỏ ngoài – kết hợp với bộ vỏ ngoài chứa các bộ phận cần thiết, bạn sẽ có được một chiếc điện thoại đầy đủ NFC, tuy nhiên giải pháp này có thể khiến chiếc điện thoại của bạn dày và xấu hơn. Gần đây Softbank đã cho ra một loại sticker dán trên iPhone mỏng đủ để các loại vỏ thông thường vẫn có thể gắn vừa.
 
Điện thoại được gắn chip.
 
NFC đang phát triển ở mức nào?
 
Công nghệ này đã có mặt được một vài năm, Nhật Bản là nơi duy nhất thành công trong lĩnh vực này và câu hỏi đặt ra là tại sao nó vẫn chưa được ứng dụng trên các đất nước khác? Một vấn đề là những nhà sản xuất điện thoại vẫn chưa chắc chắn về sự thành công của NFC và họ không muốn mạo hiểm tăng chi phí sản xuất điện thoại NFC. Nhưng khó khăn hơn nữa chính là các cửa hàng đều không có những thiết bị thanh toán phù hợp dành cho NFC, công nghệ này cần phải được phát tán thật rộng rãi thì mới được người dùng chấp nhận.
 
 
Trong những năm tới, một lượng điện thoại NFC lớn sẽ được sản xuất. Nhiều nhà phân tích dự đoán sự phát triển bùng nổ của NFC. Theo những thông tin thăm dò, 30% điên thoại trên thế giới trong 4 năm tới sẽ hỗ trợ NFC.
 
Những nhà phát triển
 
 
Google – với việc bổ sung chip NFC vào Nexus S và phần mềm hỗ trợ trên Gingerbread,  Google đặt một bước tiến quan trọng trong việc cải cách hình thức thanh toán điện tử. Một điều cấp bách là Google sẽ phải hợp tác với các ngân hàng, đối tác làm ăn và tiếp tục phát triển Wallet. Với vai trò tiên phong, việc NFC ngày càng tiến gần tới người dùng hơn có đóng góp rất lớn từ Google.
 
Nokia – Nokia đã bắt đầu khai thác NFC trên một vài điện thoại trong những năm vừa qua. Chiếc điện thoại duy nhất lọt vào thị trường Mỹ là 6131 của T-Mobile. Nếu NFC ngày càng phát triển thì Nokia nhiều khả năng sẽ là một phần quan trọng trong việc đưa công nghệ này ra toàn thế giới
 
ISIS – là một dự án của AT&T, Verizon Wireless và T-Mobile, ISIS nhắm vào các hình thức thanh toán điện tử và lưu trữ thẻ giảm giá trên điện thoại di động. ISIS hiện tại đang làm việc với Visa và MasterCard và hệ thống của họ sẽ bắt đầu thử nghiệm vào mùa hè năm 2012 tại Mỹ. ISIS có thể tiến xa bởi sự đồng thuận của 3 trong 4 nhà mạng lớn nhất nước Mỹ.
 
Quảng cáo ấn tượng của ISIS.
 
Nhưng liệu ISIS có thể đánh bại được Google Wallet hoặc các dịch vụ thanh toán khác hay không? Tại một cuộc họp, CEO của AT&T Ralph de la Vega có nói rằng họ đang đàm phán với Google để kết hợp 2 dịch vụ này với nhau, với mục tiêu biến hình thức thanh toán điện tử thành một khối thống nhất, nhờ đó người dùng có thể chuyển đổi giữa các nhà mạng với nhau mà thông tin tài khoảng trong điện thoại vẫn được giữ nguyên.
 
MasterCard – MasterCard là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực thanh toán điện tử qua điện thoại di động. Các thiết bị và cơ sở hạ tầng của MasterCard sẽ giúp thanh toán điện tử đến với người dùng dễ dàng hơn. Google và ISIS sẽ hưởng lợi rất nhiều từ MasterCard.
 
Samsung/Visa – Visa đang nỗ lực để đưa hình thức thanh toán điện tử bằng điện thoại đến toàn cầu, Samsung đang cộng tác với họ để đưa dự án này đến Olympic 2012 tại London. Những du khác tới đây sẽ có dịp sử dụng điện thoại NFC để mua vé tàu hoặc vé vào xem thi đấu.
 
NFC vẫn chưa hoàn hảo
 
Dĩ nhiên nhiều người trong chúng ta sẽ phải đắn đo với việc bỏ ví lại ở nhà, vẫn tồn tại một mối nguy hiểm trên những thiết bị điện tử. Các phần cứng và phầm mềm đôi khi sẽ khiến điện thoại bị hỏng, hoặc người dùng có thể gặp một số tình huống thông thường như hết pin. Ai cũng phải có một phương án dự phòng, chắc chắn các cửa hàng vẫn sẽ chấp nhận séc và tiền mặt. Thật khó chịu khi phải cất ví ở nhà khi mà bạn còn muốn mang theo các loại thẻ như chứng minh thư, bằng lái… đề phòng những trường hợp cần đến. Vì vậy đôi khi vì những lý do này mà người dùng cũng chẳng quan tâm đến sự tiện dụng của NFC.
 
Một vấn đề khác chính là bảo mật, điều này được người dùng quan tâm nhiều nhất. Công nghệ này đòi hỏi chúng ta phải cung cấp những thông tin tuyệt mật mà chúng hoàn toàn có thể bị đánh cắp mà bạn không hề biết, liệu có ai muốn sử dụng công nghệ này nếu việc bảo mật vẫn còn là một dấu hỏi?
 
 
Nỗi sợ hãi về việc bị đánh cắp thông tin tài khoản là một trong những lý do kìm hãm sự phát triển của NFC. Thật khó để thuyết phục người dùng rằng nó an toàn hơn những hình thức thanh toán khác. Những hãng tham gia phát triển dịch vụ này đã đưa vấn đề này ra thảo luận và sẽ dồn rất nhiều tiền để đảm bảo các lỗ hổng sẽ không được phép tồn tại, vì sự thành công của NFC dự trên yếu tố bảo mật.
 
Google không đánh giá thấp vai trò bảo mật trên Wallet. Trong thử nghiệm tại mùa hè năm nay, tài khoản sẽ chỉ được giới hạn ở mức 100 USD, NFC sẽ chỉ hoạt động trong phạm vi 4 cm để phòng chống những xâm phạm từ cự ly xa hơn. Thẻ thanh toán được mã hóa và được tách biệt so với hệ điều hành, lưu trữ trên một chip có chức năng chống sao chép. Vì vậy những thông tin tài khoản sẽ chỉ được truy cập bởi một ứng dụng duy nhất, và để tăng cường tính bảo mật hơn nữa, Google đã đặt ra hệ thống 3 mã PIN. Đầu tiền là mã mở máy, tiếp theo là mã để vào Google Wallet và sau cùng là mã dùng cho việc chuyển tiền.
 
Tất nhiên hình thức thanh toán này vẫn còn quá mới mẻ và nếu chúng ta nghi ngờ nó thì hoàn toàn hợp lý. Vậy có nên chờ cho đến khi các nhà phát triển vá hết các lỗ hổng hay không? Nên nhớ một điều là việc thanh toán bằng điện thoại sử dụng chung một cấu trúc, cơ sở trang thiết bị như thanh toán bằng thẻ thông thường, hiện tại chúng ta đều tin tưởng vào thẻ ngân hàng của mình nên cũng không cần phải quá lo ngại về hình thức mới này. Tuy nhiên nếu nhìn nhận về mặt phần mềm thì vẫn còn tồn tại những vấn đề lớn. Liệu các hacker có thể hack vào ứng dụng Wallet và moi được thông tin người dùng hay không? Chẳng phải rằng Android đang nổi tiếng là một hệ điều hành mở đấy sao?
 
Tương lai
 
Chiếc điện thoại tiếp theo nào sẽ hỗ trợ NFC? Google hiện tại đang cộng tác với Sprint và 3 nhà phân phối khác đang hỗ trợ ISIS, dễ dàng nhận thấy rằng NFC đang là chủ đề rất nóng trong vài năm tới. 6 tháng vừa qua, chúng ta đã chứng kiếm những nhà sản xuất tung ra hàng loại những thiết bị và hệ đều hành hỗ trợ NFC: Samsung sẽ bán phiên bản Galaxy S II có NFC vào cuối năm nay, RIM sẽ cho ra Bold Touch 9900 cùng với OS 7, HTC đang tiến hành nhúng chip vào trong phần cứng của máy, và con nhiều trường hợp khác nữa. Cũng đừng quên là Apple vẫn đang ấp ủ iOS 5 và chiếc iPhone mới nhất.
 
Cho dù bạn có thích NFC hay không thì đây vẫn là một công nghệ hết sức tuyệt vời. Vẫn còn nhiều điểm yếu cần phải khắc phục nhưng với sự phát triển mạnh mẽ trong 6 tháng vừa qua, NFC hứa hẹn sẽ sớm được hoàn thiện và sẵn sàng chinh phục lòng tin của người dùng.
 
Tham khảo Engadget