Theo nhận định của một chuyên gia, thế hệ chip Medfield của Intel sẽ là liều thuốc thử để kiểm định năng lực của gã khổng lồ này khi tham gia vào cuộc chiến CPU smartphone với ARM. Cũng theo thông tin từ Intel, mẫu smartphone đầu tiên sử dụng CPU của hãng sẽ lên kệ vào đầu năm sau. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thiết bị chắc chắn sẽ phải hết sức thận trọng với chiến lược của Intel bởi hiện nay, hầu hết các smartphone trên thế giới đều sử dụng chip nền tảng ARM.
Để sản xuất thế hệ chip mới thành công, Intel đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Trong tháng một, gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất CPU cho biết thiết bị sử dụng Medfield sẽ được ra mắt vào giữa năm nay. Tuy nhiên trong sự kiện Computex tại Đài Loan cách đây ít lâu, Intel đã "thay đổi" khi thông báo lịch trình đã được dời xuống đầu năm sau. Một sản phẩm bị hủy bỏ trước đó với LG và mối hợp tác không mấy thuận lợi với Nokia đã đẩy Intel vào con đường vô cùng chông gai.
Thành công trong lĩnh vực CPU cho máy tính cá nhân nhưng Intel đang gặp khó khi chen chân sang lĩnh vực di động.
Medfield là sự kết hợp của CPU Atom với một số nhân chuyên dụng, chẳng hạn như tăng tốc đồ họa. Thế hệ vi xử lý này sẽ thay thế cho Moorestown, dòng CPU được Intel thiết kế cho smartphone nhưng... chưa từng được sử dụng cho thiết bị nào. Thực tế, LG đã từng có ý định sử dụng loại chip này cho model GW990 nhưng đã sớm hủy bỏ dự án trước khi đưa vào sản xuất.
Đối với các nhà sản xuất, tiềm năng của CPU Intel là chưa được chứng minh nên họ rất khó chấp nhận mạo hiểm. Trong khi Intel đã cung cấp phiên bản CPU hoàn thiện đến một số đối tác nhưng chúng ta cũng không rõ liệu điều này đã thể hiện được lợi thế cạnh tranh của Medfield hay chưa. "Hãy nhìn vào Nokia: Intel đã hợp tác với họ cả một thập kỷ mà Nokia chưa bao giờ sản xuất một mẫu điện thoại dùng chip của Intel" – Jim McGregor, chiến lược gia công nghệ hàng đầu tại In-Stat cho biết.
Năm ngoái, Nokia đã bắt tay với Intel để phát triển hệ điều hành Meego nhưng ngay trong tháng Hai, Nokia lại bỏ bê mọi nỗ lực đó để quay sang chiến lược mới: Smartphone Nokia sẽ sử dụng hệ điều hành Windows Phone của Microsoft. CEO của Intel, ông Paul Otellini, gọi sự thay đổi của đối tác là một đòn chí mạng. Sự rút lui của Nokia đã khiến Intel buộc phải tìm đến các công ty khác chấp nhận CPU Medfield của mình.
Khả năng hoạt động của Medfield quả thực có cao hơn ARM nhưng các nhà sản xuất cũng phải quan tâm đến các yếu tố như tiết kiệm pin (một trong những vấn đề sống còn với smartphone) và giá thành. Thực tế, chip của Intel tốt nhưng sản phẩm của ARM lại được đánh giá cao hơn về hiệu suất pin.
Theo truyền thống thì các series chip của Intel luôn được thiết kế hướng tới tốc độ hoạt động chứ không phải là hiệu suất pin, chính vì vậy mà họ luôn yếu thế hơn so với đối thủ. Tuy nhiên, với những bài học rút ra, Intel hiện đang tỏ ra quan tâm hơn tới khả năng tiêu thụ điện cho các sản phẩm của mình.
Ngược lại, ARM đang nắm trong tay lợi thế rất lớn khi hầu hết các smartphone hiện nay đều sử dụng chip của hãng, chưa kể các phần mềm, ứng dụng đều được viết cho hệ điều hành nền tảng ARM. Chính ARM đã khiến Intel buộc phải thay đổi trong phong cách sản xuất chip của mình, khiến các thế hệ CPU phải trở nên nhỏ và tiết kiệm năng lượng hơn.
Cứ hai năm một lần, Intel sẽ đổi mới công nghệ sản xuất và điều này sẽ giúp hãng tích hợp được nhiều transistor hơn vào một con chip, bằng cách biến chúng trở nên nhỏ hơn. Hiện tại, Medfield sử dụng tiến trình 32nm nhưng Intel tham vọng sẽ sản xuất loại chip 22nm vào cuối năm nay. Tiếp đó, chip 14nm và 11nm sẽ sớm ra mắt vào khoảng 2 năm tới hay thậm chí là ít hơn. Đại diện của Intel cho biết hãng hứa hẹn sẽ ra mắt loại chip có cùng chỉ số tiêu thụ năng lượng so với ARM vào năm 2013.
Tuy vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, ngay cả khi Intel có rất nhiều đổi mới trong công nghệ sản xuất thì họ vẫn có thể thất bại trong việc đưa sản phẩm của mình vào sử dụng trên các smartphone. Tuần trước, CEO của Texas Instruments, Rich Templeton đã đưa ra các ý kiến của mình xoay quanh Intel, cho rằng vì Intel vốn có "tiền sử" ngốn pin nên rất khó để họ sản xuất ra thế hệ chip ít tốn hơn 1W, chứ đừng nói là thỏa mãn trong các điều kiện của thế giới công nghệ ngày nay.
Vừa qua, Intel cũng giới thiệu thế hệ chip 22nm sử dụng transistor 3D, hoạt động nhanh hơn 37% trong khi lại tốn ít điện hơn so với transistor 2D hiện đang có trên chip 32nm. Series chip mới này sẽ được đưa vào sản xuất cuối năm nay.
Mặc dù chưa thể gây ra hiệu ứng ngay lập tức nhưng xét về lâu dài, Intel có thể phần nào giành lại được thị phần từ ARM với công nghệ sản xuất hiện đại của mình. Intel đã nhận ra được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường smartphone và tablet nên chắc chắc họ sẽ bắt tay nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này. Theo báo cáo của IDC vào thứ hai vừa qua, số lượng máy tính (laptop + desktop) bán ra toàn thế giới chỉ tăng 4.2% so với con số 7.1% được dự đoán trước đó. Nguyên nhân một phần do nền kinh tế phát triển chậm chạp bên cạnh sự tăng trưởng chóng mặt của tablet.
Xét một cách toàn diện, Intel là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới, nắm giữ trong tay nhiều công nghệ hiện đại cũng như nguồn lực tài chính nên họ khó lòng nào đứng ngoài cuộc đua CPU dành cho các thiết bị di động. Ấy vậy, điều này không có nghĩa là họ có những sản phẩm phù hợp với thị trường, bằng chứng là các model trước đây đều nhanh chóng bị "bỏ xó". Chưa rõ tương lai sẽ ra sao nhưng series chip thế hệ mới Medfield hiển nhiên sẽ là một thử nghiệm khó khăn.