Nếu bạn đã từng yêu mến một chiếc di động kiểu dáng độc đáo, lạ mắt và gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, rất có thể đấy chính là sản phẩm Nhật Bản chính hiệu. Đặc biệt là vào thời điểm này, thú chơi điện thoại Nhật đã khá phổ biến tại Việt Nam, tập trung phát triển mạnh nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cách đây cả chục năm trước, trên thị trường xuất hiện lác đác vài chiếc điện thoại Nhật chính hãng, do người đi xuất khẩu lao động hay du lịch, công tác ở Nhật Bản xách tay về nước. Nhanh chóng, các sản phẩm được trao tay qua nhiều đối tượng, hầu hết là dân rành tiếng Nhật. Nhưng không lâu sau đó, cùng với sự độc đáo và độ chơi hiếm thấy đã giúp mặt hàng này ngày càng hút khách, được người dùng đem đi giải mã, cài đặt ngôn ngữ tiếng Anh. Và từ đó, một thú chơi điện thoại mới đã hình thành.
Không quá sôi động, trào lưu sử dụng dế Nhật thực sự phát triển trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. Nó không dừng lại ở giới hạn tuổi tác, chính sự độc đáo và khó đụng hàng đã khiến cho điện thoại Nhật được ưa chuộng ngay cả với tầng lớp học sinh cho đến công nhân viên chức hay người cao tuổi.
Anh Đặng Minh Quân, chủ cửa hàng Depmely.com chuyên bán điện thoại Nhật tâm sự, anh từng đón tiếp một vị khách hơn lục tuần, râu tóc bạc phơ, dáng vẻ dung dị, thế nhưng quyết tâm tậu ngay chiếc điện thoại đắt nhất trong tiệm chỉ vì thích sự độc đáo của máy.
Depmely.com là một trong những cửa hàng hiếm hoi chuyên về điện thoại Nhật.
Rõ ràng, hữu xạ tự nhiên hương, chẳng cần quảng cáo rầm rộ thì những người sành sỏi vẫn tìm đến với dòng di động thương hiệu Nhật Bản để thỏa mãn niềm đam mê, cũng như gửi gắm sự tin tưởng vào một đẳng cấp đáng tin cậy. Ai cũng biết rằng, người Nhật luôn nổi tiếng với sự sáng tạo vô tận trong lĩnh vực công nghệ. Họ thích tạo ra những sản phẩm đi trước thời đại, thậm chí hơi viễn tưởng. Bởi vậy, mặt hàng điện tử xuất xứ từ Nhật Bản không chỉ được đánh giá cao về độ bền mà còn thật sự khác biệt, lạ mắt, lôi cuốn bởi ý tưởng thiết kế.
Chẳng hạn như
Fujitsu F04B, gần như đang là chú dế duy nhất trên thế giới có khả năng “phân thân” ra làm hai mảnh mà vẫn sử dụng được bình thường (mảnh nào cũng gọi điện hay nhắn tin được). Hay là
SoftBank 003SH, điện thoại màn hình 3D không cần kính đầu tiên trên thế giới, hoặc Sharp SH01C với khả năng chụp hình 14.2 Megapixel, xem phim chất lượng HD rõ nét như trên máy tính…
SoftBank 003SH, điện thoại màn hình 3D không cần kính đầu tiên trên thế giới.
Theo lời “thách thức” của anh Quân, phóng viên GenK thử cầm chiếc điện thoại Fujitsu F06B thả vào bể cá xem thử. Sau một lúc lâu, mobile vẫn cứ chạy ro ro. Không chỉ rất bất ngờ, mà điều quan trọng là khả năng chống thấm nước ấy còn bền vững rất lâu.
Bởi lẽ luôn tồn tại nhiều đặc điểm khác lạ đến vậy, hiện nay điện thoại Nhật được tiêu thụ khá mạnh dù cho giá bán khá cao. Với mức giá trung bình dao động từ 3 đến 8 triệu đồng, mỗi tháng cửa hàng Depmely bán ra trên dưới trăm chiếc. Tất nhiên, khách hàng hay gặp cảnh số lượng model nhập về không đáp ứng đủ nhu cầu, mà nguồn hàng cũng chẳng hề dễ kiếm. Các dòng máy được ưa chuộng như Sharp, Panasonic và Fujitsu thường được ưu tiên nhập về nhiều nhất.
Cho vào bình nước cũng chẳng sao!
Trong một buổi sáng, lượng khách đến mua hàng, sửa chữa, cài đặt tại quán khá tấp nhập. Người dùng "máu nhất" chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20 đến 40, có nhu cầu giao tiếp nhiều. Trò chuyện cùng các vị khách, họ cho biết điện thoại Nhật kiểu dáng nhìn hấp dẫn, tính năng lạ, bên cạnh màn hình rất nét là những nguyên nhân chính thúc đẩy họ bỏ tiền ra mua.
“Lúc đi café với bạn bè hay đối tác làm ăn, mình móc ra chiếc điện thoại độc, không đụng hàng, người ta sẽ để ý mình hơn, giá trị của mình được nâng cao hơn”, một vị khách tên Minh chia sẻ. Chắc hẳn, thiết bị không chỉ dừng lại ở tiện ích hoạt động nữa, mà còn giống một thứ trang sức thú vị. Vào điểm này, cộng đồng hâm mộ di động Nhật khá đông đảo, chiếm một lượng tương đối trên thị trường, dẫu việc sử dụng đang gặp không ít trở ngại.
Khó khăn đầu tiên chính là thực tế dòng máy này không thể cài đặt tiếng Việt mà phải chuyển qua tiếng Anh, và một số mẫu điện thoại còn không thể mở mã tiếng Anh mà chỉ làm việc được với tiếng Nhật nguyên bản. Điều ấy trở thành cản trở lớn bởi phần đông người dùng cũng chưa thể dùng tốt ngôn ngữ khác. Và khi gặp hỏng hóc hay muốn bổ sung ứng dụng, việc tìm một nơi “chọn mặt gửi vàng” thật sự rất nhiêu khê.
Thêm nữa, vì thiết bị sản xuất tại Nhật Bản nên băng tần sóng thường không thích hợp khi sử dụng ở Việt Nam. Hầu hết thuê bao Mobifone đều rất khó bắt sóng khi xài bằng điện thoại Nhật, trong khi Viettel và Vinaphone có phần khả quan hơn.
Thế nhưng dẫu cho nhiều cản trở, trào lưu sử dụng điện thoại Nhật Bản vẫn đang phát triển lớn mạnh theo thời gian nhờ những ưu điểm độc đáo và đi trước về công nghệ. Chắc chắn một hai năm nữa thôi, di động thương hiệu Nhật Bản sẽ không còn lạ lẫm với tất cả mọi người. Hi vọng lúc đấy sẽ xuất hiện những nhà phân phối lớn đầu tư để đưa chúng đến gần hơn với phần đông người tiêu dùng.