1. Gọi điện + đổ xăng = tiêu đời?
Có vẻ đây là một trong những lời đồn phổ biến nhất về sự nguy hiểm của điện thoại di động mà chúng ta vẫn gặp phải thường ngày. Thậm chí lời đồn đại này phổ biến đến mức ở Việt Nam, thỉnh thoảng vẫn gặp 1 số cây xăng treo biển: Không dùng điện thoại di động khi đổ xăng.
Nghe điện thoại ở cây xăng gây cháy nổ?
Sự thật là điện thoại di động bình thường sẽ không thể gây cháy nổ được, dù bạn đang ở trong 1 cây xăng. Xăng là 1 chất bay hơi rất mạnh khi tiếp xúc với điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường.
Nhưng kể cả trong điều kiện xung quanh nhiều hơi xăng, sóng điện từ phát ra từ điện thoại di động không đủ mạnh để kích nổ nó. Tuy nhiên 1 điếu thuốc hút dở thì lại dễ dàng gây cháy. Vì thế, xin hãy nhớ rằng: Không hút thuốc ở nơi đổ xăng.
2. Điện thoại di động + máy bay = máy bay rơi?
Tin đồn này xuất phát từ việc hành khách trên máy bay được yêu cầu tắt điện thoại trong chuyến bay. Người ta giải thích rằng điện thoại di động có thể gây nhiễu cho hệ thống la bàn cũng như định vị, khiến máy bay lạc hướng và bị rơi.
Thực ra có khi nào bạn cảm thấy nghi ngờ? Với 1 thiết bị hiện đại như máy bay, có khả năng chống được cả sét đánh mà lại dễ dàng bị rơi chỉ vì một cuộc điện thoại?
Sự thật là sóng điện từ phát ra trên điện thoại di động rất yếu và hầu như không thể nào khiến hệ thống điện tử trên máy bay hoạt động sai lệch. Nếu thực sự chỉ cần 1 cú điện thoại mà làm rơi được máy bay, thì có lẽ tương lai của chủ nghĩa khủng bố sẽ trở nên rất sáng sủa và điện thoại di động sẽ bị cấm tiệt trên máy bay. (hiện giờ hành khách vẫn được mang điện thoại lên máy bay, dù được yêu cầu tắt máy trong chuyến bay).
Có lẽ lý do chủ yếu khiến cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử được yêu cầu tắt đi khi cất và hạ cánh đó là phi hành đoàn muốn hành khách tập trung vào những hướng dẫn an toàn được các tiếp viên truyền đạt trước lúc cất cánh. Cũng như việc 90% các vụ tai nạn máy bay xảy ra khi cất và hạ cánh, và chẳng ai muốn trong tình huống tai nạn hoặc va chạm lại có những chiếc điện thoại hay laptop bay... vèo vèo trong khoang hành khách.
Ở Việt Nam, gọi điện thoại trên máy bay có thể bị phạt đến 1 triệu đồng.
Dù rằng điện thoại không làm rơi máy bay, hãy ngoan ngoãn nghe theo sự hướng dẫn của phi hành đoàn nếu bạn không muốn gặp rắc rối với cơ quan an ninh sân bay.
3. Điện thoại di động hoạt động như 1 cột thu lôi, nghe điện thoại khi trời có sấm chớp sẽ khiến bạn dễ bị... sét đánh.
Lời đồn này xuất phát từ thực tế là bạn không nên nghe điện thoại để bàn khi có sấm chớp. Khi có sấm chớp thì các cột điện là nơi sẽ bị các tia sét "ghé thăm" đầu tiên vì chúng thường cao và có điện trường mạnh. Sét đánh vào cột điện có dây điện thoại sẽ truyền theo đường dây điện thoại và đến thẳng những ai... đang nghe điện thoại.
Thế nhưng khi điện thoại di động ra đời, dù rằng cơ chế hoạt động của 2 loại điện thoại này khác hẳn nhau, nhưng lời đồn đại trên vẫn rất phổ biến. Bạn có thể yên tâm rằng sử dụng điện thoại di động khi sấm chớp sẽ không làm bạn trở thành 1 chiếc "cột thu lôi biết đi".
4. Điện thoại di động phát nổ
Mặt lưng của 1 chiếc điện thoại đã nổ pin.
Rất buồn rằng đây là một tin đồn hoàn toàn có thật. Và đã có một số trường hợp tử vong do điện thoại nổ. Năm 2007, ở Hàn Quốc có 1 thanh niên chết vì chiếc điện thoại để trong túi áo phát nổ khiến mảnh vụ găm vào tim, phổi của anh này. Gần đây hơn, năm 2010, 1 công nhân trong nhà máy luyện kim của Trung Quốc cũng chết vì pin điện thoại bị nổ.
Chiếc Droid 2 "nóng tính" và khổ chủ.
Thậm chí không vụ việc này không chỉ xảy ra với các điện thoại rẻ tiền mà cả các smartphone đắt tiền cũng bị ảnh hưởng: mới năm ngoái, 1 thanh niên ở Mỹ đã cáo buộc Motorola rằng chiếc Droid 2 đã phát nổ ngay khi anh này đang nghe điện thoại và khiến anh ta bị thương ở tai.
Bộ phận thường hay phát nổ nhất là pin. Và lý do dẫn tới phát nổ nhiều nhất là nhiệt độ. Vì thế hãy tránh để điện thoại của bạn quá gần... bếp lò và các nguồn nhiệt khác. Đồng thời ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, hãy hết sức tránh việc phơi điện thoại dưới ánh nắng quá lâu.
Ở các nước nhiệt đới nắng gắt như Việt Nam, để điện thoại trên mặt táp lô là điều không nên làm vì chúng sẽ dễ bị nóng lên rất nhanh.
Nhiệt độ của điện thoại có thể vượt quá 50-60*C nếu bị phơi dưới nắng và các hóa chất trong pin sẽ dễ bị mất ổn định ở nhiệt độ cao dẫn đến cháy nổ. Chẳng hạn như bạn hãy tránh để điện thoại trên mặt táp lô khi đi xe ô tô, ánh nắng mặt trời chiếu qua kính trước sẽ dễ dàng làm điện thoại của bạn nóng lên.
5. Sử dụng điện thoại di động khiến đầu óc... ngu đi
Có lẽ đây là 1 trong những tin đồn ngớ ngẩn nhất phổ biến tới tận bây giờ. Xuất phát từ quan niệm rằng sóng phát ra từ điện thoại di động có thể ảnh hưởng đến não người và làm chết các nơ-ron thần kinh gây suy giảm khả năng tư duy hay trí nhớ.
Mặc dù điện thoại di động không làm bạn "ngu" đi, nhưng say mê với chú dế yêu quá độ chắc chắn sẽ khiến điểm số của bạn tụt dốc. Đó chính là lý do vì sao điện thoại di động bị cấm trong các trường phổ thông. Hãy tìm cách phân phối thời gian học tập và giải trí hợp lý với chiếc điện thoại của mình để tránh những tác dụng tiêu cực của điện thoại di động.
(Còn tiếp - Tổng hợp)