Lời hứa hẹn không “đẹp” như sự thật
Vào năm 2010, người dùng di động đã vô cùng vui mừng khi Adobe công bố việc phát hành ứng dụng Flash cho hệ điều hành Android. Khi đó, chiếc smartphone Nexus One ngay lập tức có cơ hội trải nghiệm những tính năng hấp dẫn của Flash Player. Bản demo video chạy trên Nexus khá mượt mà, cùng với lời hứa hẹn của Adobe rằng Flash sẽ không tiêu tốn quá nhiều năng lượng của máy.
Không thể phủ nhận những gì mà Flash đã làm được, việc xem video ngay trên trang web thật sự tuyệt vời. Tuy nhiên, cũng vì Flash mà dung lượng pin của điện thoại lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó thì Flash cũng là nguyên nhân làm hao tốn khá nhiều tài nguyên phần cứng di động.
Nhiều phiên bản “Hotfixes” sửa lỗi dành cho Flash tiếp tục được tung ra sau đó nhưng vẫn chưa thể khắc phục triệt để được những khuyết điểm của Flash. Cho đến khi Android 3.0 Honeycomb được công bố, Adobe hào hứng tuyên bố những tiến bộ trong bản cập nhật Flash 10.2 kết hợp với Honeycomb sẽ mang lại những trải nghiệm video mượt mà nhất: Flash sẽ tận dụng được lợi thế của những vi xử lý đa lõi từ đó cụ thể hóa được qua hiệu năng.
Đáng tiếc là không được như lời quảng cáo của Adobe, hiệu năng mà Flash mang lại trên những vi xử lý lõi kép dù có được cải thiện nhưng không đáng là bao. Người dùng vẫn có thể xem video và tương tác với các tính năng Flash trên các trang web. Tuy nhiên khung hình thấp cũng như tình trạng “lag” vẫn diễn ra và làm người dùng khó chịu. Cho đến khi Flash 11 xuất hiện vào cuối năm 2011, thì chẳng còn nhiều người quan tâm tới ứng dụng này nữa.
Cộng đồng Android hiện đã không còn mặn mà nhiều với Flash. Do vậy mà một vài tháng trước, Adobe đã thông báo rằng hãng sẽ ngừng phát triển Flash cho Android. Thế nên động thái gỡ bỏ ứng dụng Flash trên Google Play Store của Adobe đã được tiên liệu từ trước, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Các điểm yếu khó có thể khắc phục
Adobe đã cố gắng biến Flash thành một phần không thể thiếu của hệ điều hành Android. Không thể phủ nhận rằng khả năng xem video trên smartphone là rất thú vị nhưng những hạn chế khó khắc phục đã khiến Flash không thể chiếm được lòng tin của người dùng.
Hiện nay, cách thức tương tác chính với một smartphone là thông qua màn hình cảm ứng nhưng khả năng tương tác của các nội dung Flash, đặc biệt là video trên màn hình cảm ứng lại đem đến cho người dùng di động rất nhiều khó khăn. Họ sẽ không thể thoải mái khi kéo hay di chuyển các video Flash. Ngoài ra, các nút trong nội dung Flash cũng quá nhỏ khiến việc thao tác trở nên thiếu chính xác. Tất cả những yếu tố trên khiến Flash trở thành cơn ác mộng với người dùng.
Dù rằng Adobe đã cố gắng khắc phục điểm yếu này bằng cách cho phép người dùng xem video toàn màn hình với Flash. Tuy nhiên tính năng này hiếm khi làm tròn nhiệm vụ của mình. Hiệu suất thấp cùng đặc điểm khá ngốn pin vẫn luôn là những rào cản khiến Flash khó có thể thành công trên Android. “Việc sử dụng Flash trên các thiết bị ARM không khác gì khi ta cố nhét mảnh gỗ vuông vào một lỗ tròn”. Adobe đã cố gắng làm điều này, nhưng hãng phải chuốc lấy thất bại.
Các thiết bị sử dụng ARM hỗ trợ khá tốt việc giải mã video H.264 và hầu như tất cả các video HTML5 cũng sử dụng video H.264 dưới lớp vỏ là các tập tin MP4. Flash khó có thể cạnh tranh với các tính năng ưu việt hơn này, nhất là với nền tảng mạnh như HTML5.
HTML5 sẽ là xu hướng mới thay thế Flash trên di động.
Tương lai của Adobe
Mỗi khi sử dụng Flash trên Android, rất ít trang web đảm bảo được hiệu suất hoạt động tốt cho ứng dụng này. Trong hai năm kể từ khi Flash xuất hiện, HTML5 đã được cải tiến rất nhiều. Các trang web lớn trên thế giới cũng đang dần chuyển sang nền tảng HTML5.
Nếu bỏ qua hiệu suất và sự tiêu tốn năng lượng thì Flash sẽ là một sự lựa chọn không tồi khi người sử dụng muốn xem một đoạn video ngay trên trang web nhưng HTML5 với H.264 hoạt động còn tốt hơn. Hạn chế duy nhất của HTML5 so với Flash chính là phạm vi sử dụng còn tương đối hẹp. Các codec mà chuẩn H.264 áp dụng là Ogg hay VP8 như một tiêu chuẩn xem video mới, do các thiết bị hiện nay đã được trang bị phần cứng giải mã H.264.
Tuy đã là quá khứ trên di động nhưng Flash vẫn có vị thế nhất định trên nền tảng PC. HTML5 là một công nghệ rất tiên tiến, nhưng đối với các nội dung có bản quyền DRM, Flash vẫn sẽ là một lựa chọn hấp dẫn. Về cơ bản DRM (Digital rights management) liên quan đến việc kiểm soát và bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ số (nội dung), gồm tài liệu, hình ảnh, video và âm thanh, DRM có thể hạn chế những gì người dùng có thể làm với nội dung này cho dù họ là chủ sở hữu. Và đó là lý do Adobe tiếp tục thực hiện dự án "Flash Next" trong năm 2013 nhằm kéo dài thêm sự sống dành cho Flash.
Bên cạnh Flash thì Adobe vẫn sở hữu một sản phẩm rất tốt trên Android đó là Adobe Photoshop. Người dùng đều kỳ vọng Adobe sẽ tích hợp thêm nhiều tính năng sâu hơn cho Photoshop trên điện thoại di động hay máy tính bảng.
Flash đã mang lại nhiều tiện dụng khi cho phép người dùng xem các video trên nền web. Nhưng những nhược điểm cố hữu đã không cho phép ứng dụng này tiến xa trên hệ điều hành Android. HTML5 sẽ là xu hướng của tương lai. Tuy Adobe ngậm ngùi chia tay Flash trên nền tảng di động nhưng họ sẽ còn nhiều điều cần làm để hoàn thiện Flash Player trên nền tảng PC bởi vị thế của Flash trên máy tính truyền thống vẫn còn khá cao.
Tham khảo: Extremtech