Steve Jobs ra đi và những tranh cãi còn để lại

Tròn Xoay  | 07/10/2011 0:00 AM

Sự ra đi của cựu CEO thiên tài là một mất mát lớn với sự phát triển của nền công nghệ thế giới. Bên cạnh những thành quả ông để lại thì cũng vẫn còn đó những tranh cãi chưa có hồi kết và hạ hồi phân giải.

Cuộc chiến pháp lý

 

Ngài Steve nằm xuống khi cuộc chiến đang đến hồi cao trào.

Quả thực, không ai có thể dự báo được cái kết của những cuộc chiến pháp lý khi mà nó ngày càng leo thang cùng với mức độ gay gắt tăng cao. Hầu hết tới thời điểm này, các đại gia công nghệ đều đã vào cuộc với những vũ khí là những bằng sáng chế trị giá hàng tỷ USD.
 
Tuy không phải là công ty khai sáng trào lưu kiện tụng nhưng Apple dưới triều đại của Steve Jobs lại là đỉnh điểm của những tranh chấp kiểu này. Hàng loạt đơn kiện và khiếu nại đưa ra cùng với đó là hàng chục thỏa thuận được thương thảo hay thậm chí là những vụ trừng phạt thương mại đình đám.
 
Những sự vụ kiểu này gây thiệt hại ước tính hàng trăm triệu USD cho các hãng cũng như là rào cản cho sự phát triển thị phần hay độ tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng. Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, các vụ kiện pháp lý về sáng chế là không tốt và các hãng nên “đóng cửa bảo nhau” để tất cả cùng có lợi thay vì bới móc một cách thái quá như thời gian vừa qua.
 
Nhưng không, Apple vẫn thể hiện sự kiên quyết trong các vụ kiện và quyết tâm phải “đánh cùng diệt tận” đối thủ bằng các lệnh cấm từ tòa án hay Ủy ban thương mại. Còn các đại gia thì ngoài việc đơn phương chống trả cũng hè nhau hợp lực bằng các liên minh để từ đó gây khó dễ cho Apple.
 
Cuộc chiến sẽ còn kéo dài và có lẽ khi nhắc đến cuộc chiến này người ta sẽ chỉ nhớ đến Steve Jobs như một người châm ngòi thùng thuốc súng này.
 
Flash hay HTML5? Thunderbolt hay USB 3.0?

 
Việc thiếu vắng flash khiến cho iOS luôn bị lấy đó làm điểm yếu khi so với đối thủ.

Sự độc đoán của Steve Jobs trong định hướng phát triển iOS đã tạo cho nền tảng này một nét cách tân khác biệt làm nên đột phá với ghi nhận tính bằng hàng trăm triệu USD doanh thu. Tuy nhiên, sự áp đặt và định kiến của ông đôi khi cũng là một rào cản đối với nền tảng này.
 
Đơn cử như việc tranh cãi tay đôi với Adobe khi cho phép flash hoạt động trên iOS hay không đã khiến cả người dùng lẫn các đối tác mệt mỏi. Apple nói không, người dùng thất vọng còn Adobe thì cuống cuồng cho ra những tiện ích khác để lách luật đưa flash hoạt động trên iOS.
 
Lý do mà ngài Steve đưa ra là flash sẽ gây tốn pin cho thiết bị tuy nhiên ngài lại quên mất một điều rằng, Apple đang là công ty tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, vậy chẳng lẽ mỗi việc cải thiện hiệu năng pin Apple cũng không làm nổi? iPhone 4S, iPhone 5, 6... sẽ tiếp tục ra đời và đến một ngày nếu HTML5 “chìm xuồng”, flash độc tôn thì chả lẽ công nghệ của các thế hệ máy này vẫn không theo được?
 
Thunderbolt và USB 3.0 cũng là một tranh cãi tốn nhiều giấy mực khi các dòng máy Mac đều chọn Thunderbolt làm chuẩn giao tiếp thay vì kết nối thông dụng USB.
 
Một điều hy hữu là, cách đây gần 15 năm, chính Apple lại là công ty tiên phong sử dụng chuẩn USB cho thiết bị ngoại vi và bỏ đi ổ đĩa mềm vốn rất thông dụng thời điểm bấy giờ trên sản phẩm iMac.
 
Quyết định lúc ấy xuất phát chính từ ngài Steve Jobs, khi đó mới quay lại nắm quyền Apple và thật khó hiểu rằng sau từng ấy năm cũng như nhận thấy rõ sự thuận tiện của chuẩn giao tiếp này, ngài Steve Jobs lại từ bỏ nó và áp dụng Thunderbolt – vốn vẫn còn nhiều hoài nghi về tương lai.
 
Các dòng máy tính Mac hiện nay đều sử dụng Thunderbolt bất kể việc rất ít bên thứ 3 sản xuất phụ kiện kết nối qua giao tiếp này. Không thể phủ nhận sự ưu việt về hiệu năng của Thunderbolt nhưng tại sao Apple lại chỉ hỗ trợ độc nhất giao tiếp này thay vì song song cả USB 3.0 vẫn còn nhiều bàn tán.
 
iPhone 4S - dấu lặng cuối cùng?


Apple và Steve Jobs đã có những năm tháng thăng hoa cùng iPhone.

Một phần vì sự kỳ vọng của các iFan quá cao vào iPhone mới, phần vì Apple không tạo được dấu ấn đúng tầm và vì thế iPhone 4S cuối cùng trở thành một nỗi thất vọng lớn nhất suốt 5 năm lịch sử.
 
Tất nhiên nói một cách khách quan thì iPhone 4S vẫn có nhiều điểm ưu việt và thực tế thì đến thời điểm này công nghệ di động đã chạm đến mức đỉnh, tức là khó có thể tích hợp một công nghệ nào mới hơn lên một siêu di động ngoài chip lõi kép, camera siêu chấm, RAM lớn hay màn hình cảm ứng nhạy, pin tốt hơn...
 
Thế nhưng việc iPhone 4S không có thêm một công nghệ nào tiên phong đã khiến cộng đồng iPhone fan không hài lòng và lẽ dĩ nhiên nó dẫn đến hệ quả tất yếu là doanh số sẽ không như kỳ vọng.
 
Nhạc trưởng Steve Jobs đã không còn, vậy ai sẽ là người tổng chỉ huy hoàn hảo trong việc lắp ghép và điều hợp những công nghệ đỉnh cao để tạo thành một siêu di động? Câu hỏi thật khó trả lời và sự mờ nhạt của CEO Tim Cook trong buổi lễ Let's talk iPhone đầu tuần qua lại càng dấy lên nghi vấn về tương lai của các thế hệ iPhone mới.
 
Apple và tương lai


Tương lai của Apple sẽ ra sao khi cái bóng ảnh hưởng của Steve Jobs vẫn còn quá lớn?

Rõ ràng sau ngày CEO Tim Cook lên nắm quyền dù đã có nhiều trấn an nhưng nội bộ công ty vẫn có sự hoài nghi nhất định. Điều này minh chứng bằng việc cổ phiếu Apple sụt giảm ngay sau khi "thay tướng".
 
Thậm chí, có nhiều người còn mơ tưởng về một ngày trở về của Steve Jobs sau khi ông trị bệnh thành công để dẫn dắt Apple. Tiếc rằng ngày ấy sẽ chẳng bao giờ trở lại...
 
CEO Tim Cook dù ít nhiều cũng có tiếng tăm trong giới công nghệ nhưng chắc chắn ông không thể dày dạn trận mạc và nếm nhiều trái đắng như ngài Steve Jobs và từ đó ắt hẳn sẽ không thể điều hành tập đoàn một cách trơn tru như người tiền nhiệm.
 
Sau buổi ra mắt iPhone 4S, nhiều người càng bi quan hơn về tương lai của Apple và rõ ràng là phần lớn danh tiếng, doanh thu của Apple có được trong 5 năm trở lại đây là từ iPhone - iOS và App Store.
 
Chỉ cần một giọt nước tràn đầy ly ví như đơn kiện cấm bán iPhone tại Pháp, Ý thành hiện thực thì đó chắc chắn sẽ là một khởi điểm cho đà rơi của Apple. Mọi thứ đã chạm ngưỡng bão hòa, kinh tế thế giới đang đà suy thoái trầm trọng và hào quang của Apple đang dần lùi vào quá khứ.
 
Năm 2012 là năm đầy khó khăn với các công ty kinh doanh thiết bị đầu cuối mà Apple cũng không phải ngoại lệ, vậy bộ sậu non trẻ của Apple sẽ làm gì trong tình cảnh này?