Chúng ta đều tin rằng Steve Jobs đã từng bị đuổi khỏi Ban giám đốc Apple và John Sculley – người mà Steve Jobs đưa về công ty - là người điều hành công ty thay ông. Tuy nhiên có vẻ như sự thật không hẳn là vậy, ít nhất là theo lời của John Sculley.
Năm 1983, Sculley được Steve Jobs kéo về Apple mà chẳng có chút kinh nghiệm gì về công ty công nghệ. Lúc đó Sculley là CEO của Pepsi và ban giám đốc của Apple cảm thấy Jobs quá trẻ để trở thành CEO của công ty chính ông tạo nên. Steve Jobs đã mời Sculley về cùng điều hành Apple bằng câu nói: “Ông muốn bán nước ngọt cả đời hay muốn cùng tôi thay đổi thế giới?”.
John Sculley được mời về Apple vì 2 lý do. Một là để ông mang về lợi nhuận cho dòng Apple II trong khoảng 3 năm – đủ thời gian để Apple sẵn sàng ra mắt dòng MacIntosh. Lý do thứ hai là vì Steve Jobs ấn tượng với cách mà Sculley quảng bá Pepsi với tư cách là số 2 so với số 1 là Coke. Có lẽ Jobs hi vọng rằng Sculley có thể quảng bá Apple cũng như với Pepsi – với vị trí số 2 so với số 1 của liên minh Microsoft/IBM.
Ban đầu, Jobs và Sculley kết hợp rất tốt với kinh nghiệm marketing Pepsi của Sculley. Trong 5 tháng, 2 người thay phiên nhau hoạt động với Sculley bay tới Bờ tây còn Jobs bay tới Big Apple. Sculley nói với Jobs rằng: “Một trong những điều đặc biệt nhất mà chúng tôi học được tại Pepsi là bạn không bán sản phẩm, bạn bán trải nghiệm”.
Đến khoảng tháng 3 năm 1985, mối quan hệ giữa Jobs và Sculley ngày càng trở nên căng thẳng. Doanh số của Mac không được tốt và Jobs muốn giảm giá, đồng thời đầu tư quảng bá sản phẩm và giảm tập trung vào Apple II. Sculley không đồng ý. Ông cho rằng Mac đơn giản là chưa sẵn sàng và Apple cần đẩy mạnh Apple II hơn. Sculley gọi Jobs là lừa đảo và đến gặp Ban giám đốc về vấn đề này.
Phó chủ tịch Ban giám đốc lúc đó là Mike Markkula. Ông đã nói chuyện với những người chủ chốt tại công ty lúc đó để xem Jobs hay Sculley là người đúng. Sau 10 ngày, Markkula báo cáo với Ban giám đốc là hầu hết mọi người đều nói rằng Sculley là người đúng, Mac chưa sẵn sàng và Jobs bị yêu cầu xuống khỏi vị trí trưởng nhóm MacIntosh.
“Vì vậy thực tế Steve chưa bao giờ bị “đuổi” khỏi Apple mà ông bị giáng chức từ trưởng nhóm Macintosh. Jobs đã xin nghỉ phép và sau đó ông từ chức, rời khỏi Apple với 1 số nhà điều hành chính và sáng lập nên NeXT” – Sculley cho biết. “Lúc tôi rời khỏi Apple là công ty máy tính cá nhân bán chạy nhất thế giới với 8,3% thị phần toàn cầu. Chúng tôi khi đó là công ty máy tính cá nhân có lợi nhuận cao nhất thế giới”.
Trong khi đó, Steve Jobs lại kể 1 câu chuyện khác trong bài phát biểu tại đại học Stanford tháng 6 năm 2005: “Chúng tôi vừa ra mắt tác phẩm tuyệt nhất – Macintosh – 1 năm trước và tôi vừa bước sang tuổi 30. Rồi tôi bị đuổi việc. Làm sao mà bạn có thể bị đuổi việc bởi công ty chính bạn tạo nên? Vâng, với Apple ngày càng lớn mạnh, chúng tôi đã mời về 1 người mà tôi nghĩ rằng rất tài năng để cùng điều hành công ty với tôi. Trong vài năm đầu mọi việc diễn ra rất tốt. Nhưng sau đó tầm nhìn của chúng tôi bắt đầu khác biệt và thậm chí chúng tôi còn xảy ra tranh cãi lớn. Và khi đó, Ban giám đốc đứng về phía ông ấy. Vậy đó, năm 30 tuổi tôi bị đuổi việc. Rất công khai”.
Tuy vậy thì cả Jobs và Sculley – sau này – đều đồng ý rằng Sculley không phải là người thích hợp với Apple. Jobs sau đó phàn nàn rằng Sculley đã phá hủy tất cả những gì Jobs mất 10 năm để tạo nên.
Về phần mình, Sculley cũng công nhận rằng Jobs có tầm nhìn vượt trước thời gian và điều đó trở thành "hạt nhân giúp Apple hồi phục lại khi các công ty đủ sức mạnh và chi phí cho công nghệ cũng hợp lý hơn”.
Sau đó thì như bạn đã biết, Jobs gia nhập Apple 1 lần nữa khi NeXT được Apple mua lại.