Sony PlayStation Suite – Canh bạc lớn hay chỉ vẽ vời?

Tròn Xoay  | 08/06/2011 12:00 PM

Nhân dịp trình làng thế hệ máy console cầm tay mới tại E3, Sony cũng không bỏ lỡ cơ hội PR cho nền tảng giải trí mới của mình dưới cái tên PlayStation Suite.

Lịch sử bi tráng

 
Nhắc tới Sony, người ta nhớ đến ngay một thương hiệu hàng đầu về các thiết bị game cũng như nền công nghiệp video game. Với hàng trăm tỷ bản game được bán ra cũng như hàng trăm triệu thiết bị từ cầm tay cho đến console tiêu thụ, Sony mãi và sẽ là một tượng đài khó đổ của lịch sử video game.
 
Tuy nhiên, với một bề dày thành tích như vậy nhưng trong lĩnh vực nội dung số và game di động, Sony hay Sony Ericsson đều khá lóp ngóp, dù có hơn chục năm kinh nghiệm, thậm chí đã có lúc tiên phong về trào lưu.
 
Đầu tiên đơn cử là PlayNow Plus, vốn tiền thân là dịch vụ âm nhạc cho các dòng điện thoại di động của Sony Ericsson một thời. Ra mắt chính thức vào đầu năm 2009, tới nay PlayNow Plus vẫn âm thầm hoạt động và được tích hợp cùng các dòng máy từ bình dân tới smartphone của Sony Ericsson. Tuy nhiên, mấy ai nghe tới tên và đã có khách hàng nào sử dụng dịch vụ này? Cái bóng của iTunes quá lớn xuyên suốt gần 10 năm kể từ năm 2001 và rồi những cái tên như Napster đều là “kẻ địch” quá mạnh, bất kể PlayNow Plus có công ty âm nhạc đình đám Sony BMG đứng sau hậu thuẫn.
 


Tiếp sau PlayNow Plus, PlayStation Network là một cái tên phần nhiều làm ta liên hệ tới PlayStation Suite hơn. Với doanh thu lớn, lượng khách hàng đông đảo truy cập thường xuyên, ổn định cũng như nguồn dữ liệu game hấp dẫn, PlayStation Network là công cụ phân phối nội dung số hấp dẫn và mang tính cạnh tranh nhất của Sony tính tới thời điểm này...
 
Thế nhưng, cũng chỉ sau vài năm vận hành, PlayStation Network đã bộc lộ nhiều điểm bất cập. Hệ thống yếu ớt, lượng game PSX, PSP không phong phú cũng như tiến độ remake lên hệ máy console PS3 chậm chạp khiến PlayStation Network mất điểm rất nhiều. Đó là còn chưa kể tới việc suốt 3 tháng qua hệ thống kết nối này của Sony bị hack tơi tả, cơ sở dữ liệu có lúc mất tới vài triệu tài khoản khách hàng thì xem ra khả năng quản lý của đại gia này là quá kém.
 

PlayStation Suite – Thành công hay thất bại?

 
Vậy câu hỏi đặt ra là, PlayStation Suite có liên quan gì tới PlayStation Network không? Câu trả lời là không bởi đây là hệ thống dành riêng cho các khách hàng của hệ máy video game Sony, bao gồm PSP, PSVita và PS3. Các dòng máy di động dù gắn nhãn PlayStation Suite đi chăng nữa nhưng nếu thương hiệu khác thì cũng chỉ “đứng ngó” từ ngoài vào một cách thèm thuồng mà thôi. Game PSP là game PSP, cái mác PlayStation Suite về cơ bản chỉ để ám chỉ các tựa game PSX cùng một số game do các NPH khác viết riêng trên nền Android mà thôi.
 


Điều này ắt hẳn sẽ làm không ít game thủ chưng hửng khi nghĩ rằng chỉ cần tậu một siêu di động lõi kép cỡ HTC Sensation, Samsung Galaxy S II là ung dung thưởng thức các tựa game PSP. Bản thân việc quản lý một PlayStation Network đối với Sony đã là khá khó khăn thì việc cho phép nhiều hệ máy kết nối vào hệ thống này xem như là một nhiệm vụ bất khả thi. Khi ra mắt, PlayStation Suite muốn tạo ấn tượng mạnh mẽ thì phải có đủ các yếu tố: nội dung – hệ thống – tính tương thích, nhưng xét đi xét lại, có vẻ như chưa thấy gì ở Sony trước các yêu cầu này.
 
Thứ nhất, nguồn nội dung như đã nói, chỉ gồm một số game PSX được remake cùng các game độc quyền do bên thứ 3 phát triển cho PlayStation Suite. Game độc quyền hiện nay mới chỉ thấy BackStab của Gameloft, còn lại các game PSX thì chưa thấy đâu và những fan của J-RPG, chiến thuật... hãy cứ mơ đi.
 
Thứ hai, Sony còn đang điên đảo với PlayStation Network trước các cuộc tấn công của hacker, lấy gì đảm bảo sẽ tạo ra một mạng nội dung an toàn, đáp ứng được lượng truy cập rất lớn của hàng chục triệu thiết bị Android? Đơn cử là LG Optimus 2x đủ điều kiện dán nhãn PlayStation Suite (CPU lõi kép 1GHz, GPU Tegra), với doanh số khoảng 1 triệu máy bán ra, cộng với doanh số vài siêu phẩm di động khác tương đương, vậy là sẽ có hàng triệu đến chục triệu thiết bị kết nối vào hệ thống, cứ nhìn vào quá trình PlayStation Network hoạt động thời gian qua thì khả năng PlayStation Suite đáp ứng được là rất thấp.
 
Thứ ba, Android là nền tảng đang lên như diều gặp gió với hàng trăm sản phẩm đủ cấu hình khác nhau. Bản thân với các nhà phát triển game, ứng dụng, việc phân mảnh trong các thiết bị Android cũng là một bài toán đau đầu, ngay cả với những game đơn giản. Vậy, câu hỏi là nếu hàng trăm mẫu thiết bị ấy với bộ xử lý đồ họa Tegra khi được dán nhãn PlayStation Suite liệu tất cả có tương thích hết với các game của kho dữ liệu Sony?. Thậm chí, mới đây CEO Sony Kaz Hirai mạnh miệng rằng: "PlayStation Suite sẽ tấn công cả iOS, Windows Phone 7", thì lại càng dấy lên hoài nghi về tính tương thích của nền tảng này.
 
Trong một viễn cảnh không mấy tốt đẹp là việc Sony chỉ áp dụng dán nhãn PlayStation Suite trên một vài đầu máy Android, iOS, chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng ngược. Hoặc game thủ sẽ tẩy chay hệ thống này, hoặc sẽ xuất hiện những bản firmware cook để “chọc ngoáy” vào PlayStation Suite, hay tệ hơn là chơi các ROM game của Sony mà không phải trả phí.
 

Có lẽ, trước khi mơ tưởng quá nhiều về một PlayStation Suite – kho game khổng lồ cho Android tương đương với PlayStation Network, người dùng đầu cuối nên "tự sướng" bằng các giải pháp khác nhãn tiền mà an toàn hơn, với các ứng dụng giả lập của bên thứ 3 như PSX4all hay FPSe để thưởng thức các tựa game PSX trước khi “vỡ mộng” với những hứa hẹn của Sony.

 

Tham khảo: SlashGear; Engadget; Techradar.

Xem thêm:

android