Giới thiệu.
Sony Ericsson txt pro có kiểu dáng khá nhỏ gọn với bàn phím QWERTY trượt ra. Sony Ericsson txt lấy mạng xã hội làm trung tâm với ứng dụng Friends hỗ trợ cập nhập Facebook, Twitter và thậm chí txt pro được công bố qua Facebook với hơn 5 triệu fan của Sony Ericsson. Txt pro có bàn phím QWERTY 4 hàng, giao diện Touch, màn hình cảm ứng điện dung 3inch, kết nối Wi-Fi và mức giá phải chăng. Tuy nhiên txt pro không phải là 1 smartphone và máy sẽ khó có thể cạnh tranh với các smartphone Android đời thấp.
Thiết kế.
Sony Ericsson txt pro khá gọn với trọng lượng 100g nhưng vì có bàn phím QWERTY nên máy khá dày (18mm). Màn hình cảm ứng điện dung chống xước 3 inch có độ phân giải 240 x 400 tuy nhiên do bộ xử lý yếu nên máy có phần hơi chậm phản ứng. Màn hình có góc nhìn trung bình và đáng tiếc là lại rất ăn dấu vân tay.
So sánh kích thước giữa txt pro và các điện thoại khác.
Ngoài màn hình thì chiếc điện thoại này trông khá giống đồ chơi bởi lớp vỏ nhựa và kích thước nhỏ. Ngoài cảm giác có phần rẻ tiền ấy thì máy được chế tạo rất tốt và lớp vỏ sau rất mềm. Phần bàn phím trượt ra rất ổn nhưng khi bạn trượt bàn phím máy sẽ phát ra âm thanh (có phần hơi to).
Bàn phím QWERTY 4 hàng.
Phía trước máy có nút Home hình nửa vòng cung – đặc trưng của Sony Ericsson – khá lớn và dễ ấn.
Đằng sau và phía cạnh máy.
Giao diện và tính năng.
Sony Ericsson txt pro cần có thẻ SIM để hoạt động. Một khi bạn nhét thẻ SIM vào bạn sẽ truy cập ngay vào giao diện Touch 4 góc của máy. So với các smartphone Android thì giao diện Touch thua kém nhiều nhưng với 1 máy điện thoại bình thường thì đó cũng khá ổn. Cảm giác chung khi sử dụng máy hơi khó chịu nhưng cũng không quá tệ bởi mặc dù máy có phản ứng với mọi thao tác của bạn nhưng hơi chậm và có phần hơi treo. Có lẽ là do bộ xử lý yếu.
Giao diện Touch có 4 biểu tượng ở 4 góc giúp bạn truy cập nhanh các ứng dụng.
Txt pro có chương trình quản lý tin nhắn và danh bạ rất tốt. Với bàn phím QWERTY đầy đủ bạn có thể nhập vào rất nhanh. Nhưng nếu bạn sử dụng cảm ứng thì bạn sẽ phải sử dụng bàn phím ảo T9 vì máy không hỗ trợ bàn phím ảo QWERTY.
Bàn phím ảo.
Ngoài ứng dụng danh bạ có sẵn – đơn giản và dễ dùng – thì danh bạ của bạn cũng được tích hợp vào ứng dụng Friend. Ngoài phần số điện thoại và email thì danh bạ của bạn sẽ có thêm thông tin về mạng xã hội. Tuy nhiên nếu bạn hay sử dụng mạng xã hội thì ứng dụng Friend không thể thay thế hoàn toàn ứng dụng Facebook và Twitter gốc – những ứng dụng không có mặt trên txt pro.
Danh bạ.
Friend.
Mặc dù máy hỗ trợ thẻ microSD lên tới 32GB nhưng không có các tùy chọn cơ bản như “Sao chép/Dán/Di chuyển" và cũng không có cả chương trình quản lý tập tin.
Máy ảnh và đa phương tiện.
Máy ảnh của Sony Ericsson txt pro là máy ảnh 3.2 MP và không có flash. Máy có nút máy ảnh riêng giúp bạn chụp ảnh nhanh hơn, tuy nhiên bạn sẽ phải chịu tiếng chụp ảnh bởi không có tùy chọn tắt âm thanh chụp ảnh đi. Sau khi chụp máy sẽ hiển thị ảnh vừa chụp – có chút phiền phức và đồng nghĩa với việc bạn không thể chụp nhanh nhiều ảnh liên tiếp.
Nói chung so với mức giá tầm trung thì máy ảnh của máy khá ổn với màu sắc và chi tiết trung thực.
Ảnh chụp ngoài trời.
Ảnh chụp trong nhà.
Cũng như chụp ảnh, bạn chẳng có tùy chỉnh nào khi quay phim ngoài phím “Quay” và “Dừng”. Với chất lượng video QVGA tồi thì có lẽ bạn chẳng cần dùng đến tính năng này.
Xem phim trên màn hình 3 inch không hẳn là lựa chọn khôn ngoan. Txt pro chỉ hỗ trợ video MPEG-4 ở độ phân giải gần với độ phân giải 240 x 400 của máy và máy xem phim khá mượt ở độ phân giải này.
Chương trình chơi nhạc của máy hỗ trợ ảnh bìa nhạc và sắp xếp bài hát theo Nghệ sĩ, Bài hát và Album. Loa của máy khá to và rõ.
Giao diện nghe nhạc.
Mạng và kết nối.
Máy có trình duyệt cơ bản với kết nối GPRS/EDGE và Wi-Fi. 1 điểm trừ lớn là txt pro không hỗ trợ 3G. Do màn hình nhỏ nên máy không thể load đủ trang mà phải chia thành nhiều phần nhỏ. Bạn không thể phóng to thu nhỏ hay thao tác đa chạm. Nhưng may mắn là bạn có thể chuyển sang dùng Opera Mini để duyệt web tốt hơn.
Opera Mini.
Máy hướng tới những người nghiện tin nhắn và Facebook/Twitter nhưng máy không có 2 ứng dụng này mà chỉ có thể sử dụng trình duyệt để truy cập phiên bản điện thoại – 1 điều thất vọng lớn bởi trình duyệt của máy rất kém.
Mạng xã hội.
Về kết nối, máy hỗ trợ Bluetooth và đài FM với RDS, nhưng không có GPS và ứng dụng bản đồ.
Hoạt động.
Với 1 feature phone như Sony Ericsson txt pro thì chất lượng cuộc gọi là rất quan trọng. Nhưng mic của txt pro cho chất lượng âm thanh khá tồi và không tự nhiên với nhiều tiếng ồn xuất hiện trong cuộc nói chuyện. Sử dụng tai nghe thì máy cho âm thanh to và rõ hơn, nhưng nói chung chất lượng cuộc gọi của máy là đáng thất vọng.
Màn hình 3 inch và HĐH không đa nhiệm đồng nghĩa với thời lượng pin dài hơn – điều mà những người sử dụng smartphone cao cấp không thế có được. Với pin 1000mAh thì máy có thể sử dụng trong 3 hoặc thậm chí là 4 ngày.
Giá của txt pro là khoảng 170 USD (3 triệu rưỡi) không kèm hợp đồng – thuộc nửa trên của phân khúc bình dân, tuy nhiên vẫn là 1 cái giá hợp lý.
Lời kết.
Điểm mạnh của máy là màn hình cảm ứng điện dụng, bàn phím vật lý, thiết kế đồ chơi và kết nối Wi-Fi nhưng những tính năng ấy gần như là phải có với điện thoại hiện nay. Đáng thất vọng là máy có giao diện và trình duyệt khá tồi. Sony Ericsson txt pro sẽ chỉ thích hợp với những người muốn điện thoại bàn phím QWERTY với giá phải chăng và chấp nhận các yếu điểm của máy. Cùng mức giá này thì smartphone cảm ứng Samsung Galaxy mini sẽ là 1 lựa chọn tốt hơn nhiều.
Điểm mạnh.
Bàn phím 4 hàng thoải mái.
Giá hợp lý.
Điểm yếu.
Giao diện chậm chạp.
Trình duyệt kém.
Không thể tùy biến.
Không có 3G.