Số lượng ứng dụng của mỗi hệ điều hành không có nhiều ý nghĩa thực tế

MT  | 04/09/2011 03:09 PM

Một nền tảng có kho ứng dụng lớn nhất chưa chắc đã là tốt nhất.

Apple khoe khoang App Store có tới nửa triệu ứng dụng. Google tự hào với kho ứng dụng đạt con số 250.000 tại Android Market. Tuy nhiên, số lượng ứng dụng mà một hệ điều hành điện thoại cung cấp không có quá nhiều ý nghĩa, bởi nó không quyết định sự lựa chọn của người dùng.
 
Theo 2 cuộc nghiên cứu độc lập của hãng Nielsen, các ứng dụng như Facebook, Twitter, Pandora, Weather Channel và Angry Birds luôn xuất hiện trong bảng top 10 ứng dụng được tải về nhiều nhất ở tất cả mọi nền tảng: Android, iOS, BlackBerrry và Windows Phone 7. Các ứng dụng này được sử dụng một cách thường xuyên.
 
 
Thường thì nếu có một game hot xuất hiện, sẽ làm xê dịch vị trí xếp hạng một chút, nhưng các ứng dụng được liệt kê ở trên luôn nằm trong top 10. Theo Nielsen, 10 ứng dụng kể trên chiếm tới 43% thời gian sử dụng ứng dụng của người dùng Android. 61% thời gian sử dụng ứng dụng của họ là giành cho các ứng dụng đứng trong top 50.
 
Người dùng smartphone cũng tải về các ứng dụng khác bên cạnh những ứng dụng phổ biến, nhưng con số đó là không nhiều. Và mặc dù tải về hàng tá các tiện ích, họ chỉ thường xuyên sử dụng những ứng dụng như đã kể trên.
 
Trò chơi của những con số
 
Vậy thì tại sao Apple và Google luôn khoe khoang về số lượng ứng dụng khổng lồ khi nói về sản phẩm của mình. Đơn giản: số ứng dụng mà một hệ điều hành cung cấp có thể khiến người dùng “hoa mắt” và tin rằng kho ứng dụng lớn hơn có thể có ích với mình hơn.
 
Ứng dụng được xem như một cách để tăng thêm chức năng cho các thiết bị. Tuy nhiên, với những ứng dụng được nhiều người ưa thích, người ta sẽ dễ dàng nhận ra hàng tá đồ nhái ăn theo (copycat) với chức năng hoàn toàn không có gì khác. Một ví dụ: có hơn 900 ứng dụng trò chơi solitaire có mặt trên App Store, trên Android Market là hơn 1200. Và nếu tìm trên Windows Phone 7 thì con số chắc chắn cũng không phải nhỏ, dù nền tảng này mới chỉ có hơn 30.000 ứng dụng.
 
 Đừng quá ám ảnh về ứng dụng khi sắm “hàng” mới
 
Lời khuyên ở đây là: khi có ý định sắm cho mình một chiếc smartphone hay tablet, đừng quyết định chọn một nền tảng nào đó chỉ vì số ứng dụng mà hệ điều hành đó cung cấp.
 
Thay vào đó, hãy lựa chọn một thiết bị theo cấu hình phần cứng mà bạn cảm thấy ưng ý và phù hợp với túi tiền của mình. Các ứng dụng của các nhà phát triển hàng đầu (trong top 50 ứng dụng) có mặt trên mọi nền tảng, bởi thế chắc chắn bạn sẽ tìm thấy tiện ích mà mình cần, dù đó là hệ điều hành nào.

Tham khảo pcworld