Smartphone lõi kép sẽ mở ra kỷ nguyên điện thoại di động mới?

Nhật Đăng  | 22/03/2011 0:00 AM

2011 hứa hẹn sẽ là năm của những chiếc smartphone lõi kép và thậm chí còn có thể sẽ là thời điểm sản sinh ra thế hệ di động 4 nhân.

Vào cuối năm 2010, làng di động thế giới đã thực sự bị chấn động bởi sự ra đời của hàng loạt các thiết bị điện thoại thông minh hàng đầu như iPhone 4 của Apple, Desire HD của HTC hay các mẫu điện thoại sử dụng hệ điều hành Windows Phone 7 của tập đoàn Microsoft. Điểm đáng chú ý là tất cả những sản phẩm nêu trên đều được trang bị bộ vi xử lý mạnh với xung nhịp lên đến đơn vị GHz. Thậm chí Microsoft còn tuyên bố vi xử lý 1 GHz là yêu cầu tối thiểu cho hệ điều hành của họ.
  
Thế rồi vào tháng 12/2010, thị trường smartphone toàn cầu lại một lần nữa xôn xao khi “ông lớn” LG chính thức cho ra mắt điện thoại sử dụng chip lõi kép đầu tiên trên thế giới: LG Optimus 2X. Cụ thể, sản phẩm được trang bị một bộ vi xử lý Nvidia Tegra 2 xung nhịp 1 GHz  -  thiết bị xử lý với 2 lõi trên một chip dựa trên kiến trúc ARM. Tuy nhiên, điều đáng nói là sức mạnh xử lý của chip Tegra vẫn chỉ dừng ở mức 1 GHz. Vậy tại sao dư luận vẫn coi đây là hệ thống xử lý mang tính chất cách mạng? Hãy cùng GenK.vn khám phá điều này trong bài viết ngày hôm nay.
   
Những bước đột phá chip lõi kép mang lại
    
Thế hệ chip lõi kép chứa 2 lõi có xung nhịp bằng nhau. Điều này có nghĩa là sẽ có hai bộ vi xử lý 1 GHz chạy song song (nếu là chip dualcore 1 GHz) để tăng hiệu suất sử dụng, với điều kiện phần mềm của điện thoại phải được tối ưu hóa để tận dụng khả năng xử lý đa luồng.
           
Chip 2 nhân Nvidia Tegra 2.
          
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng vi xử lý lõi kép sẽ giúp cho máy hoạt động nhanh gấp hai lần bộ xử lý lõi đơn. Thực chất chỉ có thể khẳng định những chip 2 lõi này cho phép điện thoại chạy với tốc độ cao cũng như tăng hiệu suất, đặc biệt là khả năng xử lý đa nhiệm. Điển hình là chiếc Optimus 2X của LG vừa được ra mắt, đây được coi là chiếc điện thoại lõi kép đầu tiên cho phép người dùng lướt web nhanh hơn, thời gian đáp ứng tốt hơn khi xử lý nhiều ứng dụng cùng lúc.
        
Optimus 2X của LG - Smartphone lõi kép đầu tiên.
            
Cũng không chịu thua kém “nhà” LG, mới đây, tại triển lãm thiết bị điện tử tiêu dùng (CES) ở Las Vegas, Motorola cũng đã công bố bộ đôi smartphone sử dụng chip lõi kép. Đó là Motorola Atrix sẽ ra mắt ở Anh vào quý II và chiếc Droid Bionic.
                 
Droid Bionic của Motorola.
          
Tại triển lãm, nhiều nhà phân tích cũng nhận định rằng trong năm 2011, dòng sản phẩm di động lõi kép sẽ lên ngôi. Các nhà phân tích cho rằng chip xử lý nhiều lõi mang lại hiệu quả tối ưu cho thiết bị và là bước tiến về công nghệ trong thời điểm này, nhưng nó không phải là sự thay đổi nhằm tạo ra các chức năng cơ bản mới. Bằng việc thêm bộ xử lý lõi kép vào các thiết bị, nhiều nhà sản xuất điện thoại đang hi vọng sẽ thuyết phục được người tiêu dùng tiếp tục móc hầu bao để mua một sản phẩm mới sử dụng công nghệ tiên tiến hơn. Do đó, thị trường đang chứng kiến cuộc chạy đua rất quyết liệt khi các hãng điện thoại không ngừng cải tiến sản phẩm của mình.
            
Nếu như vào thời điểm cuối năm ngoái, Nexus S của Google được coi là chiếc điện thoại tân tiến nhất thì đến nay, nó đang có nguy cơ trở nên lỗi thời trước sự ra đời của hàng loạt sản phẩm điện thoại Android sử dung chip lõi kép.
                 
Nexus S của Google trước nguy cơ đi sau thời đại.    
  
Tuy nhiên, người tiêu dùng lại quan tâm nhiều hơn đến những lợi ích mà sản phẩm đem lại thay vì cấu hình hay các con số thống kê về tốc độ, chẳng hạn như khả năng chụp ảnh, chức năng chơi game, chạy video, lướt web… iPhone 4 là một ví dụ. Cho dù sử dụng chip lõi đơn song sự kết hợp tuyệt vời giữa phần mềm và phần cứng đã mang lại nhiều tiện ích tối ưu cho người sử dụng. Do đó, sản phẩm của Apple vẫn chiếm lĩnh thị trường điện thoại di động hiện nay.
      
iPhone 4 bắt kịp thị hiếu người sử dụng.
             
Các chuyên gia cũng khẳng định rằng sẽ phải mất một khoảng thời gian để những chiếc điện thoại lõi kép tiên phong có thể đạt được thành công như iPhone 4. Trong đó, việc tạo ra các ứng dụng, phần mềm có khả năng tận dụng đầy đủ sức mạnh của phần lõi kép là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, hãy cùng nghĩ xem thế hệ chip đa lõi sẽ mang lại gì cho thị trường smartphone nói riêng và các thiết bị di động nói chung?
         
Các thiết bị sẽ hỗ trợ hình ảnh 3D?
                
Trên lý thuyết, những thế hệ điện thoại đa lõi trong tương lai có thể được trang bị công nghệ xem hình ảnh 3D không cần kính. Các nhà phân tích của hãng In-Stat cho rằng trong năm 2012, smartphone 3D sẽ chiếm khoảng 45% các đơn hàng thiết bị di động sử dụng công nghệ hiển thị 3 chiều.
         
Khi được hỏi về triển vọng ra đời chiếc điện thoại 3D với sự xuất hiện của smartphone đa lõi như ngày nay, đại diện của hãng Ovum cho rằng công nghệ 3D sẽ được hưởng lợi nhiều từ bộ chip đa lõi trong phần cứng. Tuy nhiên, công nghệ này có thể sẽ bị kìm hãm do thiếu nhu cầu từ phía người tiêu dùng hơn là do phần cứng không đủ mạnh.
   
Liệu sẽ có một chiếc điện thoại 3D thực thụ?
          
Ngay cả khi công nghệ chip đa lõi đã xuất hiện như ngày nay, cũng không có gì đảm bảo là nó sẽ thúc đẩy nhu cầu xem 3D. Bởi vậy, các nhà sản xuất cũng thiếu động lực để trang bị thêm tính năng trên cho các thiết bị cầm tay của mình. Theo nhận định của nhiều người sử dụng, tính năng ấn tượng nhất của sản smartphone lõi kép hiện nay chỉ  là hỗ trợ quay video HD và phát lại hình ảnh. Tuy nhiên, trong tương lai, có lẽ sẽ có nhiều phần mềm tận dụng tốt hơn nữa lợi ích do những bộ xử lý mạnh mẽ này mang lại.
          
Smartphone trở thành trung tâm truyền tải dữ liệu?
           
Hiện nay, những bộ vi xử lý lõi kép có thể hỗ trợ đắc lực cho việc truyền tải dữ liệu không dây của smartphone đến các thiết bị khác, trong đó tương tác với TV là một ví dụ điển hình. Dù chỉ được trang bị chip đơn nhân nhưng Apple đã cho phép những người sử dụng iPhone, iPad và iPod touch thực hiện khả năng này với Apple TV hay Airport Express bằng cách cài đặt phần mềm AirPlay.
              
 
Như vậy, rõ ràng với tính năng đa nhiệm được tăng cường bởi các bộ chip lõi kép, việc truyền tải dữ liệu không dây từ smartphone bỗng trở nên thật hấp dẫn. Nhất là khi các sản phẩm này này vẫn làm tốt phận sự của một chiếc điện thoại, thiết bị trình duyệt web hay gửi email mà vẫn được sử dụng như là máy phát hình ảnh hoặc âm thanh. Từ thực tế trên, nhiều ý kiến táo bạo đã cho rằng với sự ra đời và phát triển của những chiếc điện thoại thông minh nhiều lõi, rất có thể trong tương lai vị trí của Laptop hay PC sẽ bị thay thế.
 
Smartphone thay thế laptop và máy tính để bàn?
                        
Phải khẳng định rằng vẫn còn rất nhiều sự khác biệt giữa cấu trúc cơ bản bên trong của điện thoại và máy tính để bàn. Trong khi loại mạnh hơn là PC và laptop sử dụng nền tảng x86 của Intel thì hầu hết smartphone hay máy tính bảng hiện nay chạy trên nền tảng ARM, một dạng kiến trúc được cho là tiết kiệm năng lượng song không mạnh bằng x86.
               
Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt rõ ràng đó, gần đây, chủ đề “khả năng tích hợp  máy tính và điện thoại” đã thực sự nóng trở lại khi Microsoft tung ra phiên bản chạy thử đầy đủ của hệ điều hành Windows hoạt động với chip ARM tại CES.
             
Chủ tịch tập đoàn Microsoft đã tuyên bố tại buổi ra mắt sản phẩm mới: “Chúng ta đang tiến tới một thế hệ mới của Windows nơi mà bạn có thể sử dụng hệ điều hành này dù với màn hình nhỏ hay với màn hình lớn nhất”.
                
Cùng chung làn sóng tích hợp điện thoại và máy tính, vừa qua, điện thoại Atrix của Motorola đã lộ diện. Chiếc smartphone này cho phép người dùng có thể sử dụng nó như một máy tính để bàn khi được kết nối với  chân đế chuyên dụng hay với HDTV. Người dùng, sau đó, có thể cắm bàn phím và chuột vào để biến chiếc smartphone của mình thành laptop vô cùng tiện dụng.
       
Motorola Atrix khi được kết nối với dock.
          
Tuy nhiên, trước những thay đổi này, nhiều nhà phân tích lại cho rằng việc biến smartphone thành laptop như Motorola Atrix chẳng qua chỉ là thí nghiệm thú vị về sự chồng chéo của các chức năng ,bởi lẽ thay vì mang theo chân đế cho điện thoại thì ta hoàn toàn có thể sử dụng một chiếc laptop với khối lượng không hơn là bao.
                 
Cho dù vẫn còn rất nhiều ý kiến xung quanh việc cải tiến smartphone thành máy tính xách tay, nhưng những tiến bộ nói trên của các thiết bị cầm tay cho thấy rõ rằng quá trình tích hợp máy tính và điện thoại đang diễn ra mạnh mẽ. Và cũng phải khẳng định là với sự hỗ trợ của các bộ vi xử lý lõi kép thì tương lai của một chiếc điện thoại – laptop hoàn chỉnh chắc hẳn sẽ không còn xa.