Sao Apple quá lắm "fan cuồng"?

Minh Lết   | 26/06/2011 0:00 AM

Tiêu đề bài viết đã nói lên tất cả: "Tại sao fan cuồng của Apple lại nhiều đến vậy?"

Rất nhiều người từng hỏi tôi câu hỏi đó. Nhất là khi biết rằng tôi phụ trách mục điên thoại ở 1 trang công nghệ cũng có đôi chút tiếng tăm, ngày ngày kiếm miếng cơm bằng cách viết lách về các sự kiện xoay quanh Apple và các đối thủ của hãng này.

Cứ nhìn những topic tranh luận về các chủ đề liên quan đến Apple trên một vài diễn đàn công nghệ trong nước với hàng chục trang dài tranh cãi sôi sùng sục, và kịch bản chung luôn là các ifan đứng về 1 phía, sát cánh để bảo vệ Apple và các iDevices trước sự công kích của anti-fan. 


Thử đọc qua một vài bài tranh luận dài nhất bạn sẽ thấy được sự nhiệt thành cũng như lòng tin tưởng vô hạn mà các ifan dành cho Apple và các sản phẩm của hãng.

Và sự cuồng nhiệt kể trên không phải chỉ xuất hiện trên các iFan mang dòng máu Lạc Hồng mà dường như cũng tồn tại trong những người sử dụng sản phẩm của Apple trên toàn thế giới. Bất chấp màu da, tôn giáo, ngôn ngữ.

Đâu đâu cũng vậy, cứ xảy ra tranh luận giữa ifan và anti-ifan là y như rằng tất cả đều bị cuốn vào những cuộc tranh cãi dông dài bao gồm cả lý lẽ và lý... sự . Những cuộc tranh cãi này thường kết thúc giống như những cuộc đấu võ mồm cùng loại: chiến thắng thuộc về cả 2 bên và nhất định không bên nào chịu nhận mình là kẻ kém lý .

Fan cuồng của Apple mang đủ mọi quốc tịch, màu da, tôn giáo.

Trên thực tế, không phải chỉ Apple mới có fan cuồng, mà hầu hết các "ông lớn" đều xây dựng được cho mình 1 số lượng khách hàng trung thành nhất định và dưới góc độ nào đó có thể coi đấy cũng là những "fan cuồng". Tỉ dụ như cá nhân tôi, có thể coi tôi là 1 fan trung thành của HTC và Google.  

Nhưng có 1 điều mà không ai không công nhận: nhắc đến 2 chữ "fan cuồng" thì có lẽ tất cả các hãng công nghệ trên thế giới gộp lại cũng không bằng được 1 góc của Apple. Xét cả về số lượng fan và độ "cuồng".

Tại sao lại như thế? Tôi sẽ thử tìm cách lý giải điều này qua góc nhìn của tôi, biên tập viên của mục tin công nghệ, cụ thể là điện thoại.

Nỗi khổ của một biên tập viên

Lãnh trách nhiệm một người phụ trách về mặt nội dung cho mục Điện Thoại của trang web này, tôi không thể tránh khỏi việc thường xuyên phải "đụng chạm" đến Apple. 

Thật lòng mà nói, Apple là một trong những đề tài yêu thích của tôi. Là người sử dụng rất nhiều sản phẩm của Táo Khuyết, tôi cảm thấy viết về một hãng công nghệ luôn mang lại cho khách hàng những bất ngờ thú vị, những cuộc cách mạng mang tính thời đại trong lĩnh vực máy tính, thông tin liên lạc, công nghệ phần mềm... là một công việc đem lại nhiều cảm hứng và rất cuốn hút.

Tuy nhiên, viết về Apple đồng nghĩa với việc không thể lúc nào cũng chỉ khen. Tôi cũng có những bất đồng quan điểm với Apple về cả cách nhìn nhận sự việc, cách ứng xử của Apple trước scandal... và vấn đề bắt đầu từ đây. Từ việc bày tỏ quan điểm ấy  trong bài viết, tôi đã được chứng kiến (và đôi khi là cả tham gia) vào các cuộc tranh luận nảy lửa giữa 2 phe ifan và anti-ifan ngay trên bài viết của chính mình.

Sự thực là chứng kiến sự cuồng nhiệt và trung thành của các ifan đối với Apple là một trải nghiệm rất thú vị đối với tôi. Tôi thích đọc những comment của các ifan tranh luận về đề tài mà bài viết của tôi nêu ra, tìm cách bảo vệ cho quan điểm của Apple cũng như chứng minh rằng iDevices là ưu việt. Thế nhưng có đôi khi, việc phải chứng kiến những cuộc tranh luận đi đến độ căng thẳng và cuối cùng chuyển sang giai đoạn "động thủ" là một cảm giác chẳng dễ chịu gì.

Một ví dụ cụ thể: đó là bài viết "10 lý do người việt nên chọn Android thay vì iPhone" mà tôi đăng lên cách đây hơn 2 tháng. Trong bài viết đó tôi chỉ nêu những quan điểm của mình về việc vì sao Android lại phù hợp hơn với người Việt, không hề có đả kích hay bài bác gì iPhone. 

Trong bài viết tôi cũng cố gắng uốn giọng văn của mình mềm đi như bún, tìm cách không so sánh quá động chạm đến iPhone và phải kết luận điểm xuyết những câu khẳng định về vị thế của iPhone trên thị trường, tất cả hầu không làm mếch lòng những ifan có thể sẽ đọc bài viết đó.

Thế mà vẫn không thoát. Đầu tiên là các bình luận được bạn đọc đưa lên ở bài viết đó, hàng loạt các comment ném đá lập tức xuất hiện, đáng buồn nhất là chuyện lại có cả những comment thay vì phân tích vấn đề, chỉ ra cái sai của tôi thì lại tập trung vào việc công kích cá nhân.

Sau đó bài viết kia được đưa ra diễn đàn ngoài, lại có bạn đọc "nghi ngờ" rằng tôi được Android trả tiền để viết thuê, "dìm hàng" iPhone.

Chúng tôi được Google trả tiền để PR cho Android ???

Nói vui, nếu tôi mà được Google trả lương thật, có lẽ tôi đã bỏ quách cái việc biên tập ba cọc ba đồng này để đi sang bển vi vu.

Các ifan tỏ ra cực kỳ nhạy cảm với cả những sự động chạm nhỏ nhất của người viết đến Apple. Cũng trong 1 bài viết về việc virus trên hệ điều hành Android, những nhận xét của tôi có chiều hướng nói tốt cho iOS, thế mà vẫn có bạn đọc dịch ngay ra thành tôi đang tìm cách dìm hàng iOS để "nâng giá" cho Android.


Nhìn chung khi viết về Apple, dù cẩn thận đến đâu cũng không thể tránh được những tình huống dở khóc dở cười như vừa kể ở trên. Và những chuyện như thế này hầu như xảy ra ở tất cả các bài viết có liên quan đến Apple. Nếu khen thì anti-fan vào ném đá, ifan cãi lại, sau đó là thành chiến sự ác liệt. Còn chê thì khỏi nói, người viết bị đả kích tơi bời, bằng đủ mọi loại lời lẽ. Người có văn hóa thì mỉa mai, còn kẻ thiếu lịch sự thì chửi thẳng.

Bởi vậy, nếu bạn băn khoăn rằng ai là người khổ sở nhất với fan cuồng của Apple, thì đừng tìm ở đâu nữa, câu trả lời chính là chúng tôi, những người kiếm sống bằng nghề bán chữ có dính dáng đến 5 kí tự APPLE và logo hình 1 quả táo sứt. (Cám ơn độc giả  DarkerThanBlack đã giúp chúng tôi nhặt sạn)

Fan cuồng là ai?

Tất nhiên để nói cho công bằng, Android cũng có fan cuồng, Symbian cũng vậy, nhưng có lẽ không một hãng nào lại có lực lượng fan cuồng đông đảo như Apple. Hiện tượng thì ai cũng nhìn thấy, nhưng để cắt nghĩa được rành mạch về căn nguyên của tình yêu bất thường giữa các ifan với Apple thì lại không hề đơn giản.

Thường nói đến ifan chúng ta nghĩ ngay đến 2 chữ "fan cuồng", kỳ thực, không phải fan nào của Apple cũng là fan cuồng. 

Có những người tôi biết rằng sử dụng rất nhiều sản phẩm của Apple, luôn muốn mình là người đầu tiên sở hữu những sản phẩm mới nhất của hãng bằng bất kỳ giá nào. Và họ sẵn sàng bỏ (nhiều) tiền ra để thỏa mãn niềm đam mê đó của mình. Nhưng đa phần trong số đó lại rất bình tĩnh trong tranh luận, sẵn sàng chấp nhận thất bại và cũng vui vẻ thừa nhận rằng Apple có những yếu điểm không thể che giấu. 

Những người như chủ nhân của góc làm việc này ít khi "đỏ mặt tía tai" tranh cãi về việc Mac tốt hơn hay PC "ngon" hơn.

Họ sử dụng Apple vì sản phẩm của hãng có thiết kế đẹp, có tính năng vượt trội hoặc chỉ đơn giản là vì không có sản phẩm khác thỏa mãn được các tiêu chí mà họ đề ra (như iPad là 1 ví dụ). Những người như thế thường là đối tượng có thu nhập ổn định và cũng đã "có tuổi", ít khi thấy họ "đỏ mặt tía tai" tranh cãi với người khác về 1 câu chuyện vô thưởng vô phạt như việc iPad tốt hơn hay Xoom tốt hơn. 

Những ifan ở dạng này tâm niệm, tôi dùng sản phẩm này chỉ đơn giản là vì nó phù hợp với tôi, anh cảm thấy không thích nó anh hoàn toàn có thể tìm mua cho mình thứ đồ khác, đó là quyết định của anh, tôi không tranh luận cái gì tốt hơn. Và chính vì không tìm cách ép buộc người khác phải theo ý kiến của mình, họ luôn giữ được cái đầu lạnh trong tranh luận và không đẩy câu chuyện đến mức ầm ĩ.

Còn típ ifan thứ 2 mới chính là điều chúng ta muốn bàn đến, những "fan cuồng" chính hiệu, cũng không hề khó tìm. Khi đọc các topic trên diễn đàn, bạn cứ để ý những ai  post bài dài nhất và nhiều nhất, sử dụng từ ngữ "mạnh bạo" nhất (sẵn sàng nói tục), vào theo topic từ đầu đến cuối , đề cập nhiều đến chuyện giá cả của các iDevices, coi giá cao là một dấu hiệu của sự thượng lưu. Đó chính là những fan cuồng mà bài viết này đang đề cập tới.

iFan "típ 2" đôi khi khiến người khác tức điên.

Tôi đã từng chứng kiến những fan cuồng chưa từng sở hữu bất kỳ sản phẩm nào của Apple, thậm chí có những người còn chưa sử dụng một loại smartphone nào vẫn vanh vách kể ra những điểm mà các smartphone chạy Android kém cạnh so với iPhone (hoặc đúng hoặc sai). Những kiến thức kiểu đó thường góp nhặt đâu đó, có thể là đọc trên 1 diễn đàn, nghe 1 người nào đó nói hoặc là tự... suy diễn.

Có thể tin vào nhận định đó hay không thì tùy, nhưng hãy tin tôi khi tôi nói rằng: Không phải tất cả các fan của Apple đều là người sử dụng sản phẩm của hãng này, đặc biệt là các fan cuồng.

Căn nguyên của fan cuồng

Xét cho cùng, ở bất kỳ một lĩnh vực nào có sự đam mê thì đều tồn tại hình thức fan cuồng. Tôn giáo, thể thao, nghệ thuật... về góc độ tâm lý, khi một thực thể nào đó đã chiếm giữ những vị trí nhất định trong lòng một người thì anh ta sẽ có xu hướng bảo vệ thực thể đó khi nó bị xâm phạm. 

Ai yêu âm nhạc thì sẽ bảo vệ cho ban nhạc mà mình yêu thích, ai yêu thể thao thì sẽ "che chở" cho đội bóng mà mình mến mộ, và tương tự như thế, ai yêu công nghệ sẽ tìm cách "nâng giá" cho thương hiệu hoặc sản phẩm mà mình quan tâm.

Và lý do mà fan cuồng của Apple nhiều hơn fan của các hãng khác, có lẽ bắt nguồn từ cách tạo dựng hình ảnh của Apple. Trong khi các hãng khác thường không có một phong cách thiết kế cố định. Lấy ví dụ như Dell chẳng hạn.

Hãng sản xuất phần cứng này không tự chủ về phần mềm mà phải sử dụng phần mềm (Windows) của Microsoft, từ đó dẫn đến việc sự sáng tạo của Dell bị hạn chế cùng với sự sáng tạo của Microsoft, và thiết kế của các sản phẩm xuất ra từ lò "Dell" là một sự chắp vá , thiếu tính nhất quán giữa các dòng sản phẩm.

Trong khi đó Apple, nắm lợi thế kiểm soát hoàn toàn cả phần cứng lẫn phần mềm, có quyền "tự tung tự tác" áp dụng một tư tưởng thiết kế xuyên suốt từ phần mềm đến phần cứng, điều này đã khiến Apple tạo dựng được một ấn tượng riêng cho các sản phẩm của mình : "Đơn giản, tiện dụng và hiệu quả". 

Không biết từ bao giờ, trong mắt người Việt đồ của "Táo" đã đi kèm với cái mác sang trọng, đẳng cấp.

Đồng thời sức sáng tạo của Apple cũng được phát huy tối đa nhờ vào sự đồng bộ trong việc thiết kế phần mềm và phần cứng, các thiết bị của Apple hoạt động ổn định và đáng tin cậy, thiết kế đẹp, và quan trọng nhất là Apple có những bộ óc hàng đầu phục vụ trong khâu marketing sản phẩm.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến cho  tất cả các ifan đều "vanh vách" về các ưu điểm của sản phẩm của Apple. Nhớ có lần tôi hỏi 1 fan "cuồng" của Apple học lớp 7 về việc vì sao nó cứ nằng nặc đòi bố mua chiếc Macbook thay vì 1 mẫu laptop khác. "Vì Macbook chuyên dành cho dân thiết kế", nó trả lời tôi chắc nịch.

Tất nhiên 1 đứa bé học lớp 7 sẽ không sử dụng chiếc Macbook của nó vào công việc thiết kế, nhưng những ấn tượng mà Apple đã gieo vào đầu đứa bé đó thì đã ăn sâu vào trong tiềm thức, rất khó gỡ bỏ. Nghe thấy quá nhiều lần người ta nhắc đến 1 sản phẩm và chất lượng của sản phẩm đó dù chưa được tận tay sử dụng, thì lần sau nếu phải chọn 1 trong 2 món đồ , chắc chắn bạn sẽ chọn thứ mà bạn được nghe nói nhiều hơn. Đó chính là nguyên tắc của việc quảng cáo.


Và Apple cùng với những chiến dịch marketing tốn kém hàng tỉ đô (lượng tiền mà Apple đổ ra để tạo dựng hình ảnh cho dòng sản phẩm iPhone ước tính khoảng 2 tỉ USD, tính từ 2007-2011) cộng với trò "tung hỏa mù" ưa thích của Steve Jobs đã làm rất tốt công việc này cho Apple.. Những chiến dịch marketing của Apple khiến cho cả những người thờ ơ với công nghệ nhất cũng không thể không nghe thấy tên các iDevices ít nhất là 1 lần trong đời.

Thêm một lý do nữa góp phần đẩy người sử dụng iDevices đến với con đường fan cuồng: giá cả và lòng sĩ diện. Ai cũng có nhu cầu được tôn trọng và được ngưỡng mộ. Chúng ta tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác bằng nhiều cách: Người thì bằng cách phô bày tài sản, người lại bằng cách chứng minh lòng nhân đạo thông qua việc làm từ thiện.... Tất nhiên có cả những người làm những việc trên mà không màng đến người khác nhìn mình thế nào, nhưng hẳn nhiên là ít hơn những người hành động có chủ đích.


Và các ifan cũng không ngoại lệ, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình. Việc mua 1 iDevices không nằm trong tầm tay của hầu hết sinh viên, học sinh Việt Nam. Và rất nhiều người tích cóp tiền mua 1 iDevices với mục đích "thể hiện" đôi chút cái "tôi" của mình. Cầm chiếc iPhone, iPod, iPad, Macbook trên tay, tất nhiên là cả một niềm tự hào. 

Và chính vì lý do đó, họ sẽ rất khó chấp nhận việc người khác đả kích những sản phẩm mà họ phải chắt chiu nhiều mới có thể sắm được. Kiểu fan cuồng này là dạng "khó chịu" nhất, họ thường rất quyết liệt trong tranh luận và dễ dàng nổi khùng nếu bạn nói quá dai.

Thậm chí cả những người chưa từng sở hữu các sản phẩm của Apple nhưng coi các sản phẩm đó là 1 cái đích để hướng tới cũng có nguy cơ trở thành "fan cuồng". Lý do rất đơn giản: vì chẳng một ai muốn giấc mơ của mình bị dè bỉu. Tất cả chúng ta đều muốn những gì mình mơ được nguyên vẹn và không tì vết. Châm chọc Apple trước mặt những đối tượng như thế này có thể sẽ gặp phải nhiều phản ứng gay gắt vì bạn đã vô tình châm chọc ước mơ của người ta.


Và hẳn nhiên, bộ phận fan cuồng đông đảo nhất là những người mới chỉ sử dụng sản phẩm duy nhất là sản phẩm của Apple mà chưa thử qua các sản phẩm khác. Lòng hâm mộ đối với Apple và sự nâng niu của người sử dụng đối với 1 "cục cưng" công nghệ cao như iPhone, iPod kết hợp với việc chưa từng sử dụng sản phẩm của các hãng khác dễ dàng đẩy người ta đến kết luận: Apple là nhất, iDevices là số 1. Và những ai "đụng chạm" vào niềm tin đó của họ sẽ dễ dàng chọc giận tố chất "fan cuồng" đang say ngủ.

Thay cho lời kết

Rất có thể những gì tôi viết ở trên là phiến diện, chủ quan và thậm chí có thể là sai lầm nữa. Nhưng đó là những gì tôi nhận định dưới góc nhìn 1 biên tập viên trang tin công nghệ, một người tiếp xúc với nhiều nguồn tin và một cộng đồng độc giả đa dạng, đồng thời cũng có những hiểu biết nhất định về Apple cũng như các sản phẩm của hãng này.

Fan cuồng không phải là hiện tượng xuất phát từ thời kỳ Apple mới thành lập mà mới chỉ rộ lên 1 vài năm trở lại đây khi các sản phẩm của hãng này đạt được những thành công vang dội. Mới ra đời trong vài năm ngắn ngủi mà hiện tượng fan cuồng của Apple dường như đã trở thành 1 nét văn hóa của công ty này.

Trách nhiệm của 1 công ty đối với khách hàng là rất lớn, nhưng trách nhiệm của 1 công ty đối với người hâm mộ của mình còn lớn hơn.Và câu hỏi đặt ra cho Apple là hãng sẽ phải làm gì để không phụ lòng người hâm mộ?

Mà nói thì nói vậy thôi, fan cuồng và tranh luận dường như đã trở thành một phần tất yếu trong công việc của tôi. Giả như một ngày nào đó viết về Apple mà không thấy ifan nhảy vào comment, có lẽ lúc ấy sẽ lại cảm thấy thiếu vắng rất nhiều. Bài viết này đưa lên, tôi đã sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để nhận "gạch đá" từ các iFan, cả cuồng và không cuồng. Nhưng trước khi bạn bấm nút gửi comment, xin hãy hỏi mình 1 câu rất đơn giản mà thôi: "Tôi có chứng minh được rằng người viết bài nói sai hay không?".