Samsung: “Thần sức mạnh bị xiềng”

PV  | 11/05/2012 0:00 AM

Không ai phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của Samsung mấy năm gần đây trong lĩnh vực di động. Thế nhưng, việc quá phụ thuộc vào Android, có khiến cho hãng điện tử Hàn Quốc trở thành kẻ cung cấp lợi nhuận chính cho Google?

Không ai phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của Samsung mấy năm gần đây trong lĩnh vực di động. Thế nhưng, việc quá phụ thuộc vào Android, có khiến cho hãng điện tử Hàn Quốc trở thành kẻ cung cấp lợi nhuận chính cho Google?
 


Càng nhiều thắng lợi, càng lắm gian truân

Theo hãng nghiên cứu IDC, quý đầu tiên của năm nay, Samsung đạt doanh số 42,2 triệu chiếc smartphone trên toàn thế giới, chiếm 29,1% thị phần, trong khi Apple bán được tới 35,1 triệu chiếc iPhone, đạt 24,2 % thị phần.

Ngoài ra, Samsung cũng vượt qua Nokia để trở thành công ty sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Cũng trong Quý I, Samsung xuất xưởng được 93,5 triệu sản phẩm, trong khi số liệu của phía Nokia là 82,7 triệu đơn vị, theo Strategy Analytics.

Như vậy, Samsung vừa trở thành nhà sản xuất điện thoại hàng đầu, vừa vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới.

Phần lớn smartphone của Samsung sử dụng HĐH Android tới từ Google. Và điều này dấy lên một làn sóng lo ngại từ giới công nghệ. Những biểu hiện gần đây của Samsung cho thấy hãng này rất có thể trở thành những cái tên như Dell hay HP ở lĩnh vực di động. Tức là những nhà sản xuất phần cứng đơn thuần: Khó khăn trong việc kiếm lợi nhuận do phải cạnh tranh quyết liệt với nhau.

Nhìn lại thị trường PC, trong khi Microsoft vẫn được gọi là gã khổng lồ phần mềm và vẫn kiếm được tiền đều đều từ việc bán các bản Windows và Office, các nhà sản xuất PC khá là lao đao.


Thị trường PC có lớn mạnh hay gầy yếu, Microsoft vẫn thu lợi đều, đẩy phần khó cho các nhà sản xuất.

HP phân vân quyết định đóng cửa bộ phận máy tính cá nhân hay không, Dell và Acer có doanh số giảm từ 2% tới 6,5%. Doanh số thị trường PC liên tục sụt giảm. Dù quý gần đây thị trường PC có chút khởi sắc, nhưng xu hướng di động hoá ngày càng tất công mạnh mẽ thị trường PC. Khiến cho các nhà sản xuất PC lao đao, và đều phải tính đường thoát hiểm.

HP mạnh tay mua Palm nhưng rồi lặng lẽ ngừng sản xuất phần cứng cho webOS, kẻ kế thừa của Palm OS. Dell sau những cuộc mạo hiểm sản xuất thiết bị di động, cũng ngậm ngùi quay lại chinh chiến ở thị trường PC.

Tương lai Samsung cũng vậy, nếu như quá bám chặt vào Android, Google có thể sẽ sử dụng Samsung như một chiến binh của mình, trên mặt trận chống lại sự xâm lăng của Apple.

Những cố gắng của Samsung

Những tin đồn về việc Samsung mua lại RIM gần đây phản ánh một phần câu chuyện. Samsung thực sự đang lo ngại sự thống trị của mình trở thành mồi ngon cho Google.
 

Samsung có thâu tóm được RIM?

Samsung, đối tác phần cứng mạnh nhất của Google, đang ngày càng phải cạnh tranh với các nhà sản xuất “cùng hội cùng thuyền” khác, như HTC hay LG, để giảm giá thành và tăng năng lực cạnh tranh trên các thiết bị.

Sự cạnh tranh này, dần dần sẽ dẫn tới việc Samsung phải bào mòn lợi nhuận của mình. Trong khi đó, ở mặt trận phần mềm Google vẫn ngồi đếm tiền hoa hồng từ bán ứng dụng của các nhà phát triển, và lợi nhuận biên của Google không bị mất đi khi sự cạnh tranh của các nhà sản xuất Android tăng lên.

Samsung cũng đã có nhiều cố gắng để thoát khỏi cái bóng của Google, như ra mắt kho ứng dụng riêng, tìm cách nhảy vào liên minh HĐH Tizen, đẩy mạnh ra mắt các dòng máy chạy HĐH của hãng là Bada. Thế nhưng, dù cố gắng vùng vẫy thế nào, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc vẫn phải đồng ý rằng mặt trận chính của Samsung là Android.

Bada ư? Có chiếc điện thoại Bada nào được tổ chức lễ ra mắt hoành tráng như Galaxy S III dùng Android. Thậm chí, sau khi trở thành nhà tài trợ chính cho Olympics mùa hè 2012 tại Luân Đôn, Samsung cũng đã nhanh tay đưa Galaxy S III trở thành điện thoại của sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu này.   
 
     

Android vẫn là chiến trường chính của Samsung.
                                                                                                                            
Với thế mạnh của mình là một nhà sản xuất điện tử viễn thông lớn của Hàn Quốc, Samsung không chỉ trông chờ vào chiếc điện thoại (dù doanh thu của hãng phần nhiều tới từ mảng này). Samsung cũng có thể tận dụng vốn của tập đoàn để đầu tư các kho ứng dụng riêng biệt để chạy trên “3 màn hình” như TV Internet, Smartphone, Tablet thậm chí là cả PC.

Nhưng cuộc chơi nội dung số chưa bao giờ là dễ dàng. Khi các ông lớn trên thị trường này đấu với nhau, Samsung có thể rất khó tìm được kẽ hở để chen chân. Ông lớn Apple dù vẫn đang kiếm bộn nhờ new iPad và iPhone 4S cũng đang dè chừng thế hệ Kindle Fire 2 từ Amazon, không phải bởi những tài tình về thiết kế hay giá rẻ, mà đơn giản bởi Amazon là một tên tuổi có hàng chục năm kinh nghiệm ở thị trường này với kho nội dung số sánh ngang với Apple.

Bên cạnh đó, Microsoft cũng vừa ném 600 triệu USD để đầu tư cho hệ thống nhà sách Barnes & Noble, không ngoài mục đích nâng cao kho nội dung số, đặc biệt là ebook. Một bước chạy tiền đề cho sự ra mắt Windows 8 cho máy tính bảng vào cuối năm.

Dẫu sao, Samsung cũng có chút lợi thế. Sự phát triển của các nền tảng mở như HTML5, có thể giúp người dùng bớt phụ thuộc vào các HĐH hơn và từ đó cái bóng của Google Android không thể ám ảnh Samsung.

Nhưng trước khi tìm các giải pháp chữa cháy, tốt nhất Samsung nên giải quyết sự việc từ trong trứng nước. Mua lại hay đầu tư vào RIM, hoặc nhận đỡ đầu webOS đều là các giải pháp khả dĩ có thể giúp vị “thần sức mạnh” này trốn khỏi cái xiềng từ Google đang bủa vây.