Samsung: Những chiêu cạnh tranh khó hiểu

PV  | 13/05/2012 0:00 AM

Bao giờ người khổng lồ châu Á mới có thể đánh bại các đối thủ đến từ Mỹ và Châu Âu nếu cứ tiếp tục theo đuổi mục tiêu ngắn hạn thế này?

Samsung, tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc trong vài năm trở lại đây vươn lên mạnh mẽ và trở thành điểm sáng lớn trong làng công nghệ thế giới. Là một trong số ít các tập đoàn châu Á có khả năng cạnh tranh ở mọi lĩnh vực với các đại gia đến từ Mỹ và châu Âu, có thể coi Samsung là đại diện tiêu biểu cho sự vươn lên của châu Á đặc biệt là trong hoàn cảnh người khổng lồ Sony có dấu hiệu chững lại. Mới đây thôi, Samsung đã chính thức soán ngôi "ông vua sản xuất điện thoại" của Nokia. Samsung cũng là nhà sản xuất tablet Android hiếm hoi có khả năng cạnh tranh với iPad.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công chói lọi trên thương trường, các chính sách marketing và sản phẩm của Samsung khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, bên cạnh cuộc chiến pháp lý, Samsung liên tục tung ra những chiến dịch quảng cáo mà ai ai cũng hiểu là nhắm vào các sản phẩm, dịch vụ đến từ Apple. Các fan của Samsung thì vui với những video quảng cáo đó, trong khi, với đa phần giới công nghệ, những "trò lố" của Samsung chỉ càng làm người ta đánh giá thấp thương hiệu này.
 
 
Từ câu chuyện copy lộ liễu
 
Có người nói có, có người nói không nhưng ngay cả những fan "cuồng" nhất của Samsung cũng không thể phủ nhận. Tất nhiên, các fan Samsung có những lý lẽ kiểu như: đây là thiết kế tất yếu... nhưng rút cục, sản phẩm Samsung vẫn giống Apple đến kỳ lạ và một khi nó không giống nữa, nó hết sức... xấu (như Galaxy SIII chẳng hạn).
 
Và những sự đáp trả khó hiểu
 
Sự thù hằn xuất phát nơi tòa án, cộng thêm quan hệ cạnh tranh trên thị trường khiến cho Samsung, con rồng châu Á, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc liên tục đưa ra những quảng cáo, thông điệp có mục tiêu nhắm vào hạ thấp sản phẩm/ dịch vụ của đối thủ. Điều đáng nói là những sự đáp trả này nằm trong những video quảng cáo các sản phẩm "đinh" của hãng.
 


Trước tiên, hãy xem  2 video sau đây, đây là hai video quảng cáo của Samsung dành cho 2 sản phẩm "đinh" và thành công nhất của hãng ở hai thị trường thiết bị di động (tính đến thời điểm này): Samsung Galaxy SII và Samsung Galaxy Tab. Ngoài ra, các bạn có thể search thêm một quảng cáo Samsung gây sự chú ý bằng cách khiến khán giả liên tưởng đến tính năng Siri của Apple.
 
 
 
 
Một điều dễ nhận thấy trong các quảng cáo này thay vì quảng cáo sản phẩm của mình tốt, nên mua (loại quảng cáo reason-why) hay nhắm vào trải nghiệm người dùng, Samsung lại chọn cách "dìm" sản phẩm Apple khá rõ ràng nhằm đưa sản phẩm của mình lên. Cho dù Samsung đã "bọc" Apple iPhone trong case (nhằm không vi phạm luật quảng cáo) nhưng hình ảnh không thể nhầm lẫn của iPhone và iPad trong 2 quảng cáo này đã nói lên tất cả.
 
Chưa nói đến sai lầm chế giễu các iFan cực kỳ rõ ràng ở quảng cáo SII, một sai lầm nghiêm trọng và cực kỳ cơ bản mà Samsung mắc phải: nhắc đến/ gợi nhớ hình ảnh sản phẩm của công ty đối thủ trong quảng cáo của mình - điều mà bất cứ marketer hay nhân viên bán hàng nào cũng hiểu. Trong trường hợp hai sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, có cùng vị thế, quảng cáo điều này đồng nghĩa với giúp khách hàng của bạn "nhớ" tới và băn khoăn trong việc lựa chọn.
 
Tất nhiên, có một trường hợp cách marketing này có thể mang đến hiệu quả khi sản phẩm được quảng cáo ở một tầm thấp hơn hẳn so với sản phẩm bị đem ra so sánh. Khi đó, sự nhận diện thương hiệu của sản phẩm lớn sẽ giúp sản phẩm nhỏ đạt được hiệu quả truyền thông. Tất nhiên, nếu Samsung tự đặt mình và smartphone số 1 của Android vào vị trí "kẻ thất bại" thì không còn gì để nói, câu chuyện chỉ còn là vấn đề đạo đức. Một cách hành xử theo kiểu trẻ con hết sức điển hình.
 
Người khổng lồ không cá tính
 
Không phủ nhận Samsung đã và đang đạt được những thành công cực kỳ lớn trên thương trường. Hãng đã vượt Nokia về số điện thoại bán ra, hầu như thống trị thị trường điện thoại Android... Tuy nhiên, cái mà Samsung thiếu, đang là cá tính của một ông lớn.
 
 
Ở sản phẩm của Samsung, người ta thấy mỗi thứ một chút, một chút phong cách của HTC, một chút phong cách của Sony và... hơi nhiều một chút phong cách của Apple. Bất cứ fan công nghệ nào cũng có thể chỉ ra một sản phẩm mang phong cách HTC, Sony hay thậm chí là Asus hay Acer nhưng ở Samsung, hầu như không có một đặc điểm riêng biệt nổi bật nào.
 
Và hậu quả, dù nhiều người sử dụng nhưng thương hiệu Samsung lại không được tốt lắm. Bạn có thể tự làm một cuộc khảo sát nho nhỏ xung quanh mình, có rất nhiều iFan, HTC fan... và rất nhiều trong số những người dùng iDevices hay HTC nhưng Samsung, có bao nhiêu người tự nhận mình là fan Samsung cho dù họ có sử dụng điện thoại của Samsung đi chăng nữa?
Xem thêm:

apple

Samsung