Đặc điểm chung của hầu hết các máy tính bảng Trung Quốc là giá rẻ, thiết kế ăn theo các sản phẩm của các thương hiệu lớn và chạy hệ điều hành Android. Ở thời điểm cuối năm 2011, đầu năm 2012, nhắc đến máy tính bảng giá rẻ, người dùng luôn nghĩ ngay tới cụm từ "của rẻ là của ôi" với nỗi lo lắng về chất lượng sản phẩm: chất lượng màn hình quá kém, máy thường xuyên bị nóng, thời lượng pin không cao, loa nhỏ, các nút bấm không nhạy, sử dụng nhanh "tã"... Nhược điểm khác của máy tính bảng giá rẻ là hầu hết đều không có kết nối 3G, khá bất tiện cho người dùng di động.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu sử dụng của người dùng không cao, chỉ đơn giản là đọc sách, nghe nhạc, xem phim, online, chơi game thì tablet Trung Quốc có thể đáp ứng khá tốt - nhất là đối với "khách hàng mục tiêu" là sinh viên, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với tâm lý sẵn có với hàng Trung Quốc, dù chính mình quyết định bỏ tiền ra mua sản phẩm, nhưng người dùng sẵn sàng phàn nàn trước những lỗi hoặc thiếu sót "đã được thông báo trước" của chiếc tablet mình mua. Anh Tùng, chủ một cửa hàng kinh doanh máy tính/máy tính bảng cho biết: "Khi khách hàng mua, tôi cũng đã tư vấn khá cẩn thận, nhận xét ưu nhược của sản phẩm. Tuy nhiên, 10 người mua thì cũng có tới 3-4 người quay lại phàn nàn sản phẩm bị lỗi này lỗi kia. Họ không hài lòng về chất lượng máy, nhưng tôi thấy số tiền đó là hoàn toàn tương xứng với chất lượng. Mấy cái hàng này đâu thể vừa cực rẻ vừa cực tốt được?!".
Sau một thời gian xuất hiện trên thị trường, nhiều người tiêu dùng và các cửa hàng kinh doanh đánh giá có một số dòng máy tính bảng Trung Quốc có chất lượng tạm ổn là Ainol Novo, Onda, Teclast... có giá từ 1,6 đến 2,5 triệu/sản phẩm. Sự đánh giá này dựa trên cảm quan sử dụng của người dùng như bắt wifi khá tốt, chơi game không giật, xem phim/clip trên youtube mượt mà...
Nhiều mẫu máy cũng có chip đơn nhân 1Ghz (bằng iPad 1), RAM 1 Gb, nhưng bộ nhớ trong thường khá kém - chỉ có 8Gb. Nhược điểm của các sản phẩm này vẫn là thiết kế, màn hình và độ nhạy cảm ứng. Chủ một cửa hàng trên đường Thành Thái (Quận 10) cho biết: "Nói máy nó ổn vậy thôi chứ dù gì cũng là hàng Trung Quốc, dỏm xịn cũng lẫn lộn lắm. Cùng một dòng, cùng một lô hàng nhập về nhưng có cái chạy mượt, có cái thì ẹ thôi rồi! Tuy nhiên, tỉ lệ hên xui này không cao lắm. Hồi trước chưa có kinh nghiệm nhiều, cứ thấy giá rẻ là tụi tôi nhập, giờ thì chỉ bán một số dòng được đánh giá cao thôi. Chứ bán mấy cái tào lao mất khách hết!".
Khoảng đầu năm 2012, trên thị trường xuất hiện nhiều dòng máy tính bảng nhái iPad chạy Android với giá khoảng 2,5 - 3 triệu đồng (tuỳ bộ nhớ trong) hoặc chạy Windows 7 giá từ 7-8 triệu đồng. Khi mua iPad nhái chạy Android, Lâm (sinh viên đại học Hufflit) chia sẻ: "Em đặt hàng trên mạng và người ta giao hàng miễn phí tận nơi. Tuy nhiên, hàng nhái nên thiết kế chán lắm chị ạ. Nhìn cũng giông giống, nhưng nhỏ hơn, lại dày. Lúc đầu em mua định để giải trí và "lấy điểm" với bạn bè, nhưng mà tụi nó mượn xem xong lại chọc quê em là xài hàng nhái, nên em gửi máy về cho nhỏ em ở quê chơi "bắn chim" rồi!".
Còn đối với dòng máy chạy Windows 7, nhiều chủ cửa hàng đánh giá những sản phẩm này có chất lượng ổn định hơn, màn hình lớn hơn và bộ nhớ trong có thể lên tới 160 GB. Tuy nhiên, với giá tiền đó thì khá nhiều người tiêu dùng... "bĩu môi", vì không còn nằm trong tầm giá rẻ mà họ mong muốn. Với số tiền phải bỏ ra như thế chỉ để mua một sản phẩm nhái, thì họ sẽ cân nhắc đến các sản phẩm như Lenovo, Archos hoặc Kindle Fire...
Việt Nam là một trong số những nước tiêu thụ công nghệ cao đứng đầu Châu Á. Theo một nghiên cứu, người tiêu dùng Việt Nam có thể bỏ ra số tiền bằng thu nhập bình quân đầu người để mua các sản phẩm công nghệ mà không đắn đo. Suy nghĩ này đã ăn sâu vào văn hoá tiêu dùng, vì đó là nhu cầu "nâng tầm bản thân" của một bộ phận không nhỏ người Việt. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cần cân nhắc mục đích và nhu cầu thật sự của bản thân trước khi mua sắm những sản phẩm công nghệ. Việc bỏ tiền ra để mua một sản phẩm có độ bền không cao chỉ với mục đích giải trí hoặc "có cho bằng bạn bằng bè" là một hành động quá mạo hiểm và hoàn toàn không nên.