GenK đã từng cùng các bạn tìm hiểu
vì sao Symbian, hệ điều hành từng một thời làm mưa làm gió trên smartphone cuối cùng lại chịu một kết cục bi thảm như ngày nay. Mà nói đến Symbian, không thể không nhắc tới Nokia, “tiên vương” của ngành công nghiệp điện thoại. Symbian gục ngã, Nokia lao đao. Việc Nokia bỏ đi một nền tảng mà họ đã từng "ôm ấp" quá lâu và chấp nhận hỗ trợ Windows Phone 7(WP7), sản phẩm kế nhiệm của kẻ thù "truyền kiếp" WinMo khiến nhiều người tỏ ra ngạc nhiên. WP7, một sản phẩm còn quá trẻ, chưa "thử lửa" đủ để chứng minh khả năng thành công của nó lại được Nokia bắt tay một cách dễ dàng đã dấy lên nhiều quan ngại trong giới quan sát. Trong bài viết này GenK sẽ cùng bạn đi tìm đáp án cho câu hỏi "Lối thoát nào cho Nokia?".
Nokia "Chạy, hay là chết?"
Symbian tuột dốc không phanh.
Có một thực tế mà ai cũng biết : Nokia là hãng sản xuất phần cứng điện thoại lớn nhất thế giới. Nhưng những năm gần đây, vị thế thống trị của hãng đang bị lung lay dữ dội. Thị phần của hãng liên tục giảm đều như vắt chanh: Từ 51% năm 2007 xuống còn 28% năm 2010 và còn thể hiện xu hướng tiếp tục giảm trong năm 2011. Và đây không phải là con số thống kê kể đến riêng smartphone, đây là con số thống kê của toàn bộ thị trường điện thoại di động, bao gồm cả dumbphone và smartphone. Nó đã gióng lên một hồi chuông báo động rằng: Nokia không chỉ thất thế trên chiến trường smartphone.
Vì sao lại như vậy? Dumbphone, những điện thoại giá thành thấp, đảm bảo những tính năng nghe gọi, nhắn tin cơ bản từ trước đến nay vốn được coi là "thành trì" vững chắc của Nokia, nay cũng chịu ảnh hưởng mãnh liệt từ phía smartphone. Người dùng ngày càng nhận ra những ưu điểm không thể chối cãi của smartphone. Giá thành ngày một hạ, smartphone càng lúc càng "lấn sân" dumbphone.
Hiện tại số lượng dumbphone tiêu thụ trên thị trường vẫn lớn hơn smartphone, nhưng với xu hướng hiện tại chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng rằng trong một tương lai không quá xa, smartphone sẽ thay thế hoàn toàn dumbphone.
Dumbphone đang thất thế trước "đàn em" smartphone.
Nokia từng cho rằng mình có thể yên ổn ở phân khúc dumbphone vốn chiếm đến 70% thị phần trong những năm giữa thập niên vừa rồi. Thực tế chứng minh rõ ràng là họ đã sai. Với đà giảm của dumbphone, và sự lệ thuộc của Nokia vào phân khúc này, rất có thể sẽ có một ngày chúng ta chứng kiến Nokia "chết chìm" cùng với dumbphone nếu như hãng này không đưa ra được những sách lược hợp lý hơn.
Người sử dụng có những nhu cầu càng ngày càng cao và Nokia không thể đáp ứng nổi những nhu cầu ấy, như một lẽ tất yếu, các "thượng đế" quay sang Apple, HTC, Motorola... là các hãng có khả năng cung cấp những gì họ cần. Và có lẽ chẳng một ai khi đã sử dụng smartphone mà lại muốn quay trở lại dumbphone. Dần dà, Nokia đứng trước một nguy cơ rất thật và rất lớn : "Sụp đổ."
Mới mùng 5/4 vừa qua, HTC tuyên bố đã có giá trị vốn hóa thị trường vượt qua Nokia. 33.8 tỉ USD của HTC so với 32.84 tỉ USD của Nokia. HTC trước đây chưa bao giờ được coi là một đối thủ đáng kể của Nokia . Nhưng sự thành công của hãng trong 1 năm trở lại đây là một minh chứng hùng hồn về sức mạnh của Android nói riêng và smartphone nói chung. Smartphone thực sự đã trở thành xu hướng của tương lai, và bất kỳ ai đi ngược lại tiến trình này đều sẽ bị guồng quay lịch sử nghiền nát. Những ai cho rằng Nokia không thể ngã, nên suy nghĩ lại thật nghiêm túc về kết luận của mình.
Thị phần của Nokia liên tục giảm trong những năm gần đây.
Sự thành công của Android và iOS đã giết chết Symbian, nhưng rất có thể chúng sẽ không dừng lại ở đó. Rất có thể trận đòn hội đồng của các smartphone sẽ quật ngã cả một Nokia “khổng lồ” đang trong cơn lao đao. Nói một cách ngắn gọn : Smartphone sẽ dần dần thay thế dumbphone, và Nokia nếu không muốn "chết đuối" cùng với dumbphone sẽ phải tìm một lối đi khác, thay vì cứ bám mãi vào những công nghệ của ngày hôm qua.
Lối thoát nào cho Nokia?
Nokia đã có câu trả lời của riêng mình cho câu hỏi đó: Windows Phone 7.
Tuy nhiên sự lựa chọn này của Nokia lại gây ra nhiều nghi ngại cho các nhà phân tích. Và quan ngại đầu tiên đến từ khả năng thành công của Windows Phone 7. Hệ điều hành này còn quá non trẻ, có thể nó đã thể hiện những tố chất cần có của một hệ điều hành thành công: Giao diện đẹp, chợ ứng dụng phát triển nhanh, hoạt động ổn định, có các “đại gia” đứng sau.... Thế nhưng vẫn còn là quá sớm để nói rằng Windows Phone 7 sẽ là một thành công rực rỡ, trở thành một thứ vũ khí hữu hiệu để Nokia tìm đường trở lại trong thị trường smartphone đầy thử thách.
Những thành tích “bất hảo” của Microsoft trên mảng hệ điều hành cho các thiết bị di động đã khiến cái tên Windows Phone 7 bị các hãng sản xuất nhìn với con mắt dè dặt hơn. Bên cạnh đó, ngay cả trên những sản phẩm chiến lược của mình như Windows, Microsoft cũng có “tiếng xấu” về việc chậm chạm trong việc cập nhật và vá lỗi: Trong 16 năm từ 1995 đến 2011, Microsoft chỉ cho ra 6 phiên bản lớn của Windows (95,98, NT, XP, Vista, 7). Tốc độ trung bình là 2.67 năm/bản. Hãy thử tưởng tượng Windows Phone 7 của hãng này cũng có tốc độ cập nhật tương tự, bạn sẽ có được một hình dung tương đối chính xác về tương lai của hệ điều hành này khi phải đối mặt với những hệ điều hành ra phiên bản mới “sòn sòn” như Android hay iOS.
Giá cổ phiếu của Nokia tụt thê thảm vào cái ngày Nokia tuyên bố bắt tay Microsoft. Tiếng tăm về sự "bất hảo" của Microsoft rõ ràng có ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của Nokia.
Thêm một yếu tố nữa khiến cho liên minh Nokia-Windows Phone 7 khó lòng có chỗ đứng: Điện thoại chạy WP7 của Nokia sẽ được tung ra thị trường hàng loạt vào năm 2012. Hãy xem tốc độ phát triển của Android và thử nghĩ xem liệu trong 1 năm nữa, WP7 sẽ đặt chân vào đâu trong 1 thế giới ngập tràn smartphone chạy Android? Android vừa tăng trưởng phi mã trên 800% trong năm 2010 và được dự đoán là sẽ không giảm tốc độ trong năm 2011. WP7 đã chậm 3 năm so với iPhone và 1 năm so với Android, nhưng smartphone của Nokia chạy WP7 sẽ còn chậm hẳn 2 năm nếu so sánh với Android.
2 năm trong “vòng đời” của 1 hệ điều hành đánh dấu cả quãng thời gian niên thiếu và trưởng thành. Android “thành người” chỉ sau hơn 1 năm ra mắt, mà trong thời gian đầu nó cũng gặp vô vàn khó khăn: Phần cứng thiếu thốn, không tìm được sự hỗ trợ, kho ứng dụng nghèo nàn... Liệu WP7 có đủ khả năng lặp lại kỳ tích của Android? Nên nhớ rằng tình thế mà WP7 phải đối mặt hiện nay “hiểm nghèo” hơn Android từng gặp phải rất nhiều. Thị trường có xu hướng phát triển xung quanh một “đại gia” có thị phần thống trị. Khi mà chất lượng của các hệ điều hành chênh lệch nhau không quá xa, thì vấn đề không phải là “hệ điều hành nào tốt hơn” mà lại trở về câu hỏi “hệ điều hành nào có số người dùng đông hơn”.
Thử nhìn cuộc chiến giữa Windows và Mac OS. Mac OS là kẻ chiến bại trong thập niên 90 của thế kỷ trước, nó phải rút lui và nhường tất cả lại cho Windows. Những năm gần đây, không ai bảo Mac OS X thua kém Windows Vista hay Windows 7 về chất lượng, nhưng Mac OS X cũng không bao giờ có thể giành lại được vị thế thống trị từ tay của Windows nữa.
Lý do?
Bởi vì khi có một hệ điều hành thống trị thị trường, tất cả các lập trình viên sẽ quay ra phát triển phần mềm ứng dụng cho nó. Và điều thu hút người sử dụng đến với một hệ điều hành chính là số lượng và chất lượng của các ứng dụng trên nền tảng đó, chứ không hẳn là chất lượng của bản thân hệ điều hành. Hệ điều hành có nhiều ứng dụng, nó thu hút thêm người sử dụng dẫn tới việc lợi nhuận khi viết ứng dụng càng tăng, thu hút thêm lập trình viên. Cái vòng “luẩn quẩn” này đem đến một hệ quả là những nền tảng có vị trí thống trị như Windows và Android sẽ tồn tại và ngày càng phát triển, trừ phi tự nó “chết già” như Symbian .
Android chưa hề có dấu hiệu “lão suy”, vì vậy con đường tiến thân của WP7 chắc chắn còn vô số chông gai, thử thách. Để đủ sức “hất cẳng” Android, WP7 cần thời gian và sự sáng tạo, mà cả 2 yếu tố này Nokia, Microsoft đều không thừa thãi.
Những lợi thế từng đưa Nokia lên ngôi “vua” trong ngành công nghiệp mobile giờ cũng đã “rơi rụng” quá nhiều. Hình ảnh của Nokia bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những sản phẩm thiếu hoàn thiện mà nó cho ra đời những năm gần đây trong một nỗ lực tuyệt vọng để chống trả sự xâm lăng của Android, iOS. Thị phần của Nokia giảm mạnh, lòng tin của nhà đầu tư sụt giảm. Và quan trọng nhất đó là giá cả thấp, một ưu thế tuyệt đối của Nokia trước kia, giờ đây cũng không còn.
Vì sao ư? Các smartphone chạy Android hoàn toàn không phải “gánh” chi phí hệ điều hành trên giá của sản phẩm, vì Android là mã nguồn mở và được Google phân phối miễn phí. Điều tương tự không xảy ra với WP7, Microsoft nổi tiếng là “tham lam”, chắc chắn sẽ thu một khoản phí đáng kể trên mỗi bản WP7 được phát hành. Khoản phí đó sẽ “bổ” vào đầu người tiêu dùng, dẫn đến việc giá sản phẩm bị “đội” lên. Đó là còn chưa kể đến việc các smartphone chạy Android có lượng máy xuất xưởng lớn gấp nhiều lần WP7, dẫn đến việc giá thành sản xuất sẽ hạ hơn vì sản xuất hàng loạt sẽ rẻ hơn.
Sự sụp đổ của nền tảng Symbian và các điện thoại sử dụng nền tảng này đã là không thể tránh khỏi.
Có thể thấy, Nokia đang bị tấn công trên mọi phương diện, trong khi đó bản thân Nokia cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nội tại không hề nhỏ. Điển hình như việc khai tử Symbian gần đây.
Nokia gạt lệ chém Symbian
Symbian đã trở thành nền tảng của nền tảng trong cơ cấu Nokia. Hầu như tất cả các sản phẩm của Nokia đều dính dáng đến Symbian. Ngay cả những dumbphone “nguyên thủy” nhất của Nokia như 1110i cũng chạy Symbian S30. Vì thế không thể có chuyện Nokia “dứt áo” với Symbian bằng cách ký xoẹt một cái. Việc thay đổi một nền tảng đã bám rễ quá sâu trong công ty sẽ phải bắt đầu từ việc huấn luyện lại nhân viên, kỹ thuật viên. Sau đó là thay đổi chiến lược phát triển, chiến lược marketing,hình ảnh công ty... có quá nhiều việc cần phải làm, mà Nokia lại có quá ít thời gian.
Với việc dumbphone đang dần bị smartphone thôn tính, Nokia cũng không thể nán lại quá lâu trên con tàu dumbphone đang chìm. Có thể đọc đến đây, bạn sẽ nghĩ: Nokia có thể “chết” ở các nước phát triển, thu nhập cao, nơi mà smartphone giữ vai trò thống trị, nhưng ở các thị trường đang phát triển như Việt Nam, Nokia vẫn sẽ làm “vua”. Điều đó có thể đúng, nhưng lợi nhuận từ smartphone ở các thị trường phát triển mới đóng vai trò quyết định đến thu nhập của các hãng sản xuất điện thoại. Nói theo ngôn ngữ “bình dân”, bán smartphone lãi hơn nhiều so với dumbphone, chưa kể đến lợi nhuận từ việc bán phần cứng, mà lợi nhuận từ những hoạt động như phân phối phần mềm (kiểu như AppStore và Android Market) cũng không hề nhỏ. Để mất thị trường màu mỡ đó tức là Nokia đã chấp nhận vứt bỏ ngôi vị của mình.
Mà như thế nào đã hết, từ bỏ Symbian để hỗ trợ WP7, Nokia đã tự biến mình trở thành công ty sản xuất phần cứng thuần túy. Và các công ty sản xuất phần cứng thì thường hay bị các nhà cung cấp phần mềm thao túng, thử nhìn cái cách Microsoft “giật giây” các hãng sản xuất linh kiện PC như Dell, Nvidia thì bạn sẽ hiểu mất đi khả năng tự chủ sẽ khốn khổ thế nào. Tất cả các hãng lớn, để có thể đảm bảo chỗ đứng và tiếng nói của mình trên thị trường, đều tìm cách tự chủ về phần mềm. Apple với iOS, Google cùng Android, Microsoft với WP7, Samsung cũng góp vui với Bada, HP có WebOS. Nokia cũng từng có Symbian. Nhưng kể từ giây phút quyết định rời bỏ Symbian để cập bến WP7, Nokia đã đồng ý để mình “tụt hạng” xuống cấp “nhà sản xuất loại 2”, chỉ dám sánh vai cùng HTC, Motorola, LG... Kể từ nay, Nokia sẽ phải “nhìn nét mặt” của Microsoft để làm việc. Và kết cục của những mối quan hệ lệ thuộc như thế này, thường chẳng tốt đẹp gì.
Lời kết
Nokia đang đối mặt với một thời kỳ khó khăn chưa từng có trong lịch sử ra đời của mình. Chúng ta từng chứng kiến sự sụp đổ của rất nhiều đại gia ở các giai đoạn chuyển mình. IBM ngắc ngoải, Sun Microsystems gục ngã. Liệu rằng Nokia có đi theo chân các bậc tiền nhân?
Vẫn còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì, nhưng quả thực, tương lai của Nokia không hề sáng sủa. Những gì Nokia cần làm ngay bây giờ đó là tự cải tổ bản thân, bám chắc vào thị phần smartphone trung và bình dân, vốn còn đang bỏ ngỏ, và quan trọng nhất là phải tìm được cách đứng ra tự chủ, độc lập, không phụ thuộc vào người khác.
Sự phát triển của Nokia sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự thành công của WP7 trong tương lai. Nếu WP7 chứng minh được chất lượng của mình và được người sử dụng đón nhận, Nokia sẽ có thêm nhiều hi vọng,và ngược lại. Tương lai là một điều rất khó đoán định, nhưng chúng ta đều hi vọng rằng sẽ có một ngày về huy hoàng của Nokia. Khi ấy Nokia vẫn sẽ đem đến cho người sử dụng những sản phẩm “nồi đồng cối đá” với giá thành “rẻ như bèo”. Cứ hi vọng như thế, bạn nhé.