Nokia còn kịp "chữa cháy"?

Vân Korea  | 13/08/2012 0:00 AM

Thời gian để Nokia tự quyết định số phận.

Trong thời gian qua, Nokia liên tục nhận được những kết quả kinh doanh vô cùng đáng thất vọng. Hãng điện thoại Phần Lan thua lỗ hàng tỷ USD mỗi quý. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng Microsoft có thể mua lại Nokia nhưng hiện tại thương vụ này vẫn chưa được hé lộ bất kỳ một thông tin nào. 

Vì vậy, hiện giờ cựu vương một thời Nokia vẫn đang phải gồng mình chống chọi với tình cảnh rất khó khăn để chờ đến ngày các smartphone Windows Phone 8 “xuất xưởng” nhằm đảo ngược tình thế. Nhưng để nuôi hi vọng ngày trở lại thì trước mắt Nokia cần phải vượt qua giai đoạn khủng hoảng này trước đã.
 
Trong thời gian qua, Nokia vẫn đều đặn tung ra những model điện thoại mới kể cả các smartphone rất đình đám. Nhưng vấn đề là, nhà sản xuất điện thoại Phần Lan khó có thể lấy lại thành quả đã đánh mất vào tay Apple, Google và Samsung trong vài năm qua.
 
nokia-con-kip-chua-chay
 
Tuy nhiên, ngay sau đây sẽ là một số giải pháp tình thế có thể tạm thời giúp Nokia trụ vững qua cơn “giông tố” hiện giờ.
 
1. Tập trung vào một số model chủ đạo
 
CEO Stephen Elop đã cố gắng tổ chức lại các hệ thống và dịch vụ của Nokia nhằm lấy lại tình trạng cân bằng cho công ty. Mới đây, Nokia đã để nhóm phát triển hệ điều hành MeeGo ra đi, trong khi Symbian đang ở tình trạng “hấp hối” vì ít nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
 
Trong năm nay, Nokia đã ra mắt 10 mẫu điện thoại mới: 6 model Asha chạy hệ điều hành Series 40 và 4 model thuộc dòng Lumia chạy hệ điều hành Windows Phone. Rõ ràng số lượng sản phẩm được phát hành của hãng điện thoại Phần Lan trong năm 2012 là nhiều hơn trong quá khứ, nhưng nó lại không mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng. 

Nokia cố gắng cung cấp các sản phẩm ở tất cả các cấp độ của thị trường, trong các phân đoạn khác nhau. Nhưng mỗi sản phẩm lại không tạo được bản sắc riêng, không mang tính độc đáo hay có sự hỗ trợ tốt nhất từ nhà sản xuất. 
 
nokia-con-kip-chua-chay
 
Dòng điện thoại bình dân của Nokia ngoài thương hiệu và độ bền phần cứng cao thì kiểu dáng hay tính năng đều có phần thua kém một số dòng điện thoại khác, nhất là có sự cạnh tranh khốc liệt của các smartphone Android giá rẻ. Trong khi đó, dòng điện thoại Lumia nhận được rất nhiều kỳ vọng khi ra mắt thì lại phải chịu những gáo nước lạnh từ đối tác Microsoft.

Do đó, các chuyên gia phân tích nhận định rằng, Nokia nên giảm bớt số lượng các điện thoại được phát hành ra thị trường mà thay vào đó là tập trung chỉ 3 model nhất định nhằm đem lại sự đầu tư tốt nhất, cả về ý tưởng, chất lượng và dịch vụ.
 
nokia-con-kip-chua-chay
 
2. Sau Windows Phone, kế hoạnh B sẽ là Symbian
 
Rất nhiều người cho rằng chiến lược của Nokia đang lựa chọn là không bền vững, bởi công ty đặt cược quá nhiều vào nền tảng Windows Phone. Trước đây, hệ điều hành MeeGo với nền tảng Linux, sản phẩm hợp tác giữa Nokia và Intel đã thu được những thành công nhất định. Điện thoại N9 chạy hệ điều hành MeeGo đã từng làm hài lòng rất nhiều người dùng.
 
MeeGo hiện đang được công ty mới thành lập Jolla, bao gồm các cựu nhân viên của Nokia phát triển lại để trở thành một hệ điều hành hoàn chỉnh đầy đủ các tính năng. Trong một cuộc phỏng vấn với trang blog Arctic Startup, ông Jussi Hurmola, Giám đốc điều hành Jolla đã hứa hẹn nền tảng hệ điều hành MeeGo sẽ được cả các nhà phát triển và cộng đồng người dùng cùng chung tay xây dựng.
 
nokia-con-kip-chua-chay
Nokia N9 từng là một sản phẩm thành công của hãng điện thoại Phần Lan.
 
Giống như MeeGo, hệ điều hành Symbian vẫn có nhiều tiềm năng để Nokia tiếp tục tin dùng như một kế hoạch B nếu như Windows Phone 8 không mang lại thành công cho hãng điện thoại Phần Lan.
 
3. Có nên bắt tay với Android khi còn kịp?
 
Trước đây, trong quá khứ, Nokia đã từng có ý định làm việc với Google, nhưng quyết định này cuối cùng đã bị thay đổi. Bởi hãng điện thoại Phần Lan nhận thấy miếng bánh Android đang bị vô số các nhà sản xuất điện thoại “xâu xé”. Bên cạnh đó, mối quan hệ đối tác gần gũi với hãng phần mềm hãng đầu thế giới đã khiến Nokia ngả sang hệ điều hành Windows Phone của Microsoft.
 
Nhưng Microsoft đã “bóp chết” dòng điện thoại Lumia ngay từ trong trứng nước với quyết định nghiệt ngã là không có bản nâng cấp Windows Phone 8 cho các thiết bị cũ chạy Windows Phone 7. Điều này đẩy Nokia lâm vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
 
nokia-con-kip-chua-chay
 
Nhiều chuyên gia gợi ý rằng: “Không phải Windows Phone mà là Android mới có thể vực dậy con tàu đang chìm của Nokia". Nếu hãng điện thoại Phần Lan sớm sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở của Google, cộng với thương hiệu, thiết kế và kinh nghiệm của mình, thì có lẽ Nokia còn đủ sức đánh bại cả Samsung. 

Mới đây, một số hacker đang cố gắng biến chiếc điện thoại N9 MeeGo có thể chạy hệ điều hành Android 4.1 Jelly Bean. Điều này càng khẳng định rằng nền tảng phần cứng mà Nokia đang sử dụng vẫn có thể chuyển đổi để sản xuất những thiết bị chạy những hệ điều hành mới, mà Android là một ví dụ.
 
Trước đây, N9 cũng đã từng được chạy thử nghiệm hệ điều hành Android 4.0 Ice Cream Sandwich.
 
4. Sa thải CEO Stephen Elop
 
Giống như nhiều nhân viên cũ của Nokia, ông Tomi Ahonen, hiện là một nhà phân tích trong ngành công nghiệp di động đã nhận định rằng: “Thời kỳ của Stephen Elop là một kỷ nguyên tàn sát cho Nokia”, "Stephen Elop, một cựu nhân viên của Microsoft đã mang đến một sự suy giảm lớn trong tình hình tài chính của Nokia và ông này tốt nhất nên từ chức”.
 
Khi Elop chính thức lên nắm quyền tại hãng điện thoại Phần Lan, trong quý đầu tiên dưới triều đại của vị CEO này, Nokia đã bán được 28 triệu smartphone và chiếm 29% thị phần điện thoại thông minh trên toàn cầu. Lúc này, Nokia là công ty lớn gấp 2 lần Apple và 3 lần so với Samsung. 

Trong năm 2010, doanh số bán hàng về lĩnh vực smartphone của Nokia đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí hơn cả iPhone của Apple. Nhưng sau vài năm dưới quyền Elop, Nokia hiện chỉ tiêu thụ được 10,2 triệu smartphone và thị phần sụt giảm xuống còn 6%.
 
nokia-con-kip-chua-chay
Elop xứng đáng bị sa thải.
 
Tính ra, Nokia đã mất đi 4 trong số 5 khách hàng trung thành so với thời điểm cách đây một năm rưỡi. “Có thể nói rằng, Elop là CEO tồi nhất trong lịch sử công ty”, Tomi Ahonen nhấn mạnh. Những nhận định của Ahonen không phải là một ý kiến cá biệt. 

Một cựu nhân viên khác của Nokia, ông Lee Williams, một người đã từng làm việc dưới thời CEO Elop nói rằng: "CEO Stephen Elop không có tầm nhìn bao quát cho toàn bộ hoạt động của công ty".

Một trong những “huyền thoại” nổi tiếng của thung lũng Silicon và cựu giám đốc của Apple, Jean-Louis Gassee cho rằng CEO cũng như đội ngũ ban lãnh đạo của Nokia xứng đáng bị sa thải vì những khủng hoảng mà hãng sản xuất điện thoại Phần Lan đang phải đối mặt. Có lẽ, đúng như Jean-Louis Gassee đã nói, cần một sự thay máu lớn cho bộ não của Nokia lúc này.
 
5. Không còn thời gian để chờ đợi
 
CEO Stephen Elop đã gửi tới báo chí một thông điệp rằng: “Để biến Nokia thành một người chiến thắng sẽ mất nhiều thời gian và đau đớn”. Một báo cáo doanh số mới đây cho biết, trong quý II Nokia đã tung ra thị trường 4 triệu điện thoại Lumia, nhiều hơn so với dự kiến. 

Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng sức mua của người tiêu dùng, bởi đây chỉ là số thiết bị vào tay các nhà phân phối trong khi những tín hiệu đến từ người tiêu dùng lại tỏ ra khá dè dặt và hờ hững với dòng điện thoại Lumia của Nokia. Bên cạnh đó, sự tiến bộ trên thực sự chỉ là một giọt nước trong đại dương mênh mông bởi chỉ riêng Apple đã bán được hơn 35 triệu chiếc iPhone trong quý 2.
 
Hãng điện thoại Phần Lan cần có hành động ngay từ bây giờ, việc chờ đợi chỉ tiếp tục đem lại thêm những khoản thua lỗ. Ngoài ra, liệu Nokia có còn đủ tiền để tiếp tục kéo dài thời gian đến khi các smartphone Windows Phone 8 thực sự đem lại lợi nhuận. Một tương lai đen tối đang dai dẳng bám lấy Nokia. 

Nếu không có các động thái tích cực thì ngày về của cựu vương một thời sẽ trở nên xa xôi hơn bao giờ hết. Vẫn còn thời gian để Nokia tự quyết định số phận của mình, nhưng liệu công ty điện thoại lừng danh một thời có nắm được cơ hội cho mình hay không?
 
nokia-con-kip-chua-chay
 
Tham khảo: Gigaom
Xem thêm:

nokia